A DI ĐÀ LÀ PHẬT GIẢ, TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC LÀ CẢNH GIỚI CỦA TƯỞNG TRI.
Lượt xem: 15039
Cư sĩ Chân Đức Tuệ
HỎI: ” Con xin kính lễ thầy. Thưa Thầy! Trước kia con là hành giả Tịnh Độ, giờ đã giác ngộ và hiện đang tu tập theo Chánh Pháp của Trưởng Lão Thích Thông Lạc… nhưng vì quá khứ đã tu theo giáo pháp Đại Thừa nên hiện tại mặc dù con đang tu tập theo Chánh Pháp nhưng trong con vẫn còn một chỗ nghi ngại. Kính xin Thầy từ bi giảng dạy, giải quyết chỗ thắc mắc nghi ngại để con được giải trừ mối nghi…thông suốt mà vững tâm hành trì Chánh Phật Pháp!
Thắc mắc của con như sau :
Vì sao nói cảnh giới Cực Lạc là không có thật trong khi ba bộ kinh Tịnh Độ do Phật Thích Ca thuyết là: A Di Đà, Vô Lượng Thọ Phật, Quán Vô Lượng Thọ Phật… đều nói rất rõ ràng, cụ thể về cái cảnh giới trang nghiêm, thù thắng vi diệu ấy?
Trường hợp nếu cái cảnh giới ấy không thật có, vậy thì tại sao lại có chuyện người niệm Phật đạt nhất tâm hoặc giả là cảm ứng đạo giao mà thấy được cái cảnh giới ấy hiện hữu y như thật (giống như sự miêu tả trong kinh sách Tịnh Độ)?
ĐÁP: Trước khi trả lời câu hỏi này của quý đạo hữu, thì tôi xin quý bạn hoan hỷ cho… vì sự hiểu biết (tri thức Phật học) không nhiều, nên xin mạn phép tuỳ theo chỗ hiểu biết của bản thân mà phúc đáp. Với lại tôi chỉ là cư sĩ mà thôi, chưa cắt ái ly gia cho nên thật thấy hổ thẹn, không dám nhận lễ cùng danh xưng “Thầy” mà quý đạo hữu gọi. Hai câu hỏi này, nếu thật lòng mà nói thì khi tôi trả lời về sự thật này, chắc hẳn sẽ có rất nhiều quý thầy, quý hành giả Tịnh Độ lấy làm bức xúc, phản biện… nhưng vì một sự thật bị che giấu đã lâu cần phải được làm sáng tỏ, nhằm lợi lạc cho chúng sanh, dựng lại chân chánh pháp của Phật xưa mà Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã gầy dựng. Cho dù tôi có bị người khác bài bác phỉ báng cũng không sao. Tôi sẽ dùng Chánh ngữ, trực hạnh và Chánh kiến của một người con Phật mà nói lên tất cả những sự thật này. Nhân tiện xin mượn câu hỏi của quý đạo hữu phúc đáp thành một bài viết phản tỉnh gửi đến quý đạo hữu và quý bạn đọc hữu duyên.
“TẠI SAO NÓI CẢNH GIỚI CỰC LẠC LÀ KHÔNG THẬT CÓ, TRONG KHI ĐỨC PHẬT THÍCH CA ĐÃ THUYẾT VỀ CÁI CẢNH GIỚI ẤY QUA TAM KINH TỊNH ĐỘ?”
Để rõ được thực hư thì mời quý đạo hữu cùng tìm hiểu về nguồn gốc thật sự của ba bộ kinh nói trên. Đó là kinh giả Phật (thuộc một trong những nhóm kinh sách ngụy tạo), mà các tổ sư thuộc hệ phái Bắc Tông (Tịnh Độ) bên Trung Quốc đã viết nên.
Ba Bộ Kinh đó gồm có:
– KINH A DI ĐÀ.
– PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH.
-KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT.
Đó là tên ba bộ kinh của Tịnh Độ tông phái. Sau đây tôi xin sơ lược nội dung chính của ba bộ kinh nói trên.
Một là, kinh A DI ĐÀ nội dung chính chủ yếu được đề cập là sự giới thiệu về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A DI ĐÀ.
Hai là, kinh VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT, nội dung kinh này bao quát luôn cả hai kinh còn lại, ngoài việc giới thiệu về cảnh giới Cực Lạc, kinh này còn nêu rõ các tiền kiếp của Giáo chủ Tây Phương cõi, A DI ĐÀ PHẬT ở các kiếp quá khứ, đặc biệt là 48 lời đại nguyện của Ngài (trong đó nổi bật là nguyện thứ 18) sau cùng là các thứ bậc vãng sanh của hành giả tu tập khi sanh về cảnh giới Cực Lạc.
Ba là, Kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT, nội dung kinh này chủ yếu hướng dẫn cho bà Vi Đề Hi cùng là hành giả tu tập 16 phép quán tưởng về cảnh giới Cực Lạc.
Đó là nội dung chính mà tôi đã lần lượt kể của ba bộ kinh Tịnh Độ. Thực chất nội dung được đề cập trong các kinh đã nêu vốn không phải từ kim ngôn Phật Thích Ca thuyết, nó mang tính nội dung theo lối văn tự kiến luận giải của các chư tổ sư mà ra, rồi họ cố tình gán cho Phật thuyết.
Quý đạo hữu nên nhớ, Đức Phật khi xưa tự lực (tự tu, tự chứng), ngài đã Thiền Định suốt 49 ngày đêm bên dòng sông Ni Liên và chứng quả. Ngài tu không biết bao nhiêu là pháp môn của ngoại đạo, nhưng không đạt kết quả nên Ngài đã bỏ hết. Và cuối cùng thì Ngài cũng chứng quả, nhờ chính tự lực của bản thân, nhờ chế ra phương pháp tu tập ly dục, ly bất thiện pháp (Tứ Chánh Cần) và tìm ra chân lý Tứ Diệu Đế. Phương thức tu tập của Ngài vốn không nằm ngoài bát chánh và con đường tu tập cơ bản Giới-Định-Tuệ. Đấy! Quý bạn thấy đấy Đức Phật đã tự lực tu tập chứng quả, làm chủ sinh lão bệnh tử… y như bài kệ mà ngài đã từng tự tán thán mình:
“Thiên thượng, thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh lão bệnh tử“
(Trên trời, dưới đất, khắp cùng cả thế gian, chỉ có duy nhất ta là làm chủ được sự sanh, già, bệnh, chết).
Mình tu thì phải tự lực, làm chủ thân tâm, làm chủ sự sống chết, chấm dứt sự tái sanh luân hồi. Chớ có đâu nương nhờ theo kiểu tha lực, chờ chết cầu xin tiếp độ. Sống mà không thấy Cực Lạc nó ra làm sao thì đừng mong chết mà thấy, cứ theo sự vẽ vời của kinh sách phát triển (Kinh Tịnh Độ) mà cố mường tượng nghĩ ngợi, ép đầu vắt não tưởng tưởng có mà khổ, đừng để đến khi chết mới biết mình bị mấy tổ lừa có hối thì cũng đã muộn. Lại thêm thiếu Chánh tín trong cách tu tập cứ tụng niệm ê a (chạy theo âm, thinh, sắc, tướng…) nào kinh nào kệ, sám Văn phát nguyện, cầu xin Phật cứu độ tiếp dẫn về Cực Lạc… Trong khi Đức Phật đã từng dạy rồi, ta không có quyền ban phước cũng không có quyền giáng họa cho ai, hà tất lại phải cầu xin vô ích. Thế mà lại mê tín cầu tin một cõi vô vi không thật có, rồi xem nó là một cõi, một đích đến cuối cùng trong sự tu tập rồi lấy đó làm thành quả viên mãn.
Tông phái này trủ chương nương nhờ tha lực (Phật lực) tiếp độ. Chấp trì việc niệm hồng danh Phật giả A Di Đà làm phương cứu cánh, mong chờ sau khi hết báo thân được Phật tiếp độ, vãng sanh về cảnh giới Tây phương cực lạc quốc. Liên hoa hoá thân, dần dần tiến đến quả vị vô thượng Bồ đề, Chánh đẳng – Chánh giác. Quý bạn hãy thử khéo nghĩ suy mà xem, nếu một bậc đã chứng quả đã thành Phật rồi thì làm gì còn cái gọi là bản ngã là cái tôi mà phát ra lời thề thốt, phát thệ 48 nguyện… (48 lời nguyện của A Di Đà là giả), nếu đã là Phật rồi thì chung quy mà nói thì Đức Phật nào cũng đều như nhau cả, cũng đều chỉ có một tâm niệm, một bi nguyện cứu độ chúng sanh mà thôi.
Phật Thích Ca vốn không thuyết pháp, giảng về các bộ kinh này vì Ngài có một đường lối tu tập, một giáo lý tôn chỉ riêng biệt. Cớ chi mà lại trước sau mâu thuẫn, chống trái lẫn nhau… trước thì dạy như thế này sau thì dạy như thế khác. Phật nào mà lại như thế ấy, trong khi Ngài đã từng di chúc:
“Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khát, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!…
… Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Chỉ có chân lý cuả đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!” .
Đọc đến đây đủ để cho chúng ta phần nào tri kiến, nhận thức được cái nào đúng cái nào sai, cái nào là của Phật dạy cái nào là của bọn tà giáo ngoại đạo mượn danh Phật giáo. Đức Phật đã dạy quá rõ ràng, rành mạch từng câu từng chữ thế mà tại sao có lắm kẻ chẳng chịu nghĩ suy, đọc (nghe) xong mà lại chẳng chịu thấu hiểu. Ngài dạy là phải tự thắp đuốc lên mà đi, không được nương nhờ, tìm cầu sự giải thoát ở bất cứ kẻ nào, ở nơi nào khác… thế mà trong kinh Di Đà, Kinh Vô Lượng, Quán vô Lượng thọ Phật, lại bảo là Phật Thích Ca thuyết, Phật Thích Ca dạy. Nào là cảnh giới Tây Phương, chỉ cần tín hạnh nguyện, niệm Phật đạt nhất tâm thì liền có thể vãng sanh về cảnh giới trang nghiêm, thù thắng vi diệu ấy.
Như vậy thì trái với lời dạy của Phật rồi. Lúc trước thì dạy một đàng, bây giời lại bảo một nẻo… tự mình thắp đuốc mà đi (tự lực) dần thành nương nhờ Phật lực tiếp độ, cõi niết bàn tịch tỉnh nay thành cảnh giới Cực Lạc ở tận nơi mô, lấy giáo pháp, giới luật của Phật làm thầy mà hành giả nay thì lại suốt ngày tụng kinh, gõ mõ, đánh khánh, niệm phật… theo y như kiểu Bà-La-Môn trong ngày xưa.
Phật đã tu tập theo con đường Giới – Định – Tuệ mà chứng quả. Trước sau sai biệt, có ông Phật nào mà lại tự mình mâu thuẫn, chống trái với lời dạy, với chân lý của mình như vậy. Thật không thể có chuyện này đâu quý đạo hữu ạ! Có chăng là do bọn ngoại đạo bài bác, chống Phật giáo, âm mưu nhận chìm Chánh pháp nên chúng đã cắt xén, thêm bớt kinh sách. Cùng là các tổ sư, những người đời sau do vô minh, tham dục, tu chưa chứng đắc mà theo luận giải, kiến giải phàm tục của mình chia tông rẽ phái, bịa kinh viết sách làm bằng cớ xác thực tông chỉ tu tập. Với lại theo sự ảnh hưởng pha trộn bản sắc, văn hoá bản địa mà thấm nhuần tư tưởng giáo lý của các đạo giáo khác (Lão giáo, Nho giáo…). Đấy là các nguyên nhân đã làm Phật giáo chân Chánh bị biến tướng, sự ra đời của các kinh Phi ngôn phật (kinh ngụy tạo) cũng từ đây mà ra.
Sự khéo léo trong việc ngụy tạo Ba Bộ Kinh Tịnh Độ, là lời của Tổ mà dám gán cho lời Phật thuyết, mấy ông tổ quá khéo dàn dựng một cảnh giới tốt đẹp bằng châu báu, bạc vàng, rồi lại chúng sanh ở đây cực kỳ an lạc, tự tại như tên gọi Cực Lạc của nó vậy. Mọi sở nguyện ở đây đều được như ý, một cuộc sống được miêu tả y như là tiên cảnh của Lão đạo, thậm chí còn tốt hơn tiên cảnh gấp trăm nghìn lần… Chúng sanh thì mù mờ, mê tín, chưa kịp nghĩ suy đã vội tin ngay. Trong khi Phật xem những thứ vàng, bạc, châu báu… của thế tục giống như là những thứ rác rưởi, vì Ngài thật tâm xả ly, Ngài biết những thứ tiền tài vật chất ấy chính là mồi nhử tham dục, khêu gợi sự dục vọng, đam mê tham đắm trong vô minh, gây bao khổ đau từ vô thủy kiếp. Cho nên khi tu tập ngài đã chủ động ly dục, xa lìa pháp bất thiện, phàm là những vật dục của thế nhân, Ngài đều xả ly tất cả. Ngài sống một cuộc sống thiểu dục tri túc, phạm hạnh đúng nghĩa, ba y, một bát chẳng gì hơn, không có lấy một đồng xu dính túi, đi xin ăn một ngày một bữa để nuôi thân mạng tu tập…
Vậy mà, cái cảnh giới cực lạc thì lại khác. Cái tâm của chúng sanh là cái tâm ác pháp, tâm tham dục… nên mấy tổ đã khéo dẫn dụ, lôi kéo chúng sanh bằng việc thoả mãn và nuôi dưỡng tham dục cho chúng sanh, cho chúng sanh sống xuôi theo bản năng tham dục vốn có. Chính vì lẽ đó mà ba bộ kinh của Tông phái Tịnh Độ ra đời dường như nắm bắt và chủ động được tâm ý thức của chúng sanh, nên đa phần mọi người đọc qua đều tin ngay và hưởng ứng, nhiệt hành tu tập, người tu theo phái này tuy có đông tín đồ nhưng vạn người tu tập không có lấy được một người tu chứng, làm chủ cho được sự sống chết, luân hồi. Trong khi đó Đạo Phật là đạo của chủ trương ly dục (trì giữ giới luật) thế mà cái cảnh giới Tây phương lại đi ngược lại chân lý Thích Ca, chính vì lẽ đó nên những lời dạy trong các kinh Tịnh Độ đều không phải Phật Thích Ca thuyết, há lại bịa ra kinh phi ngôn phật, chẳng lẽ Phật Thích Ca tự mình mâu thuẫn, tự mình dối chúng, nói láo gạt chúng sanh hay sao, chân lý của Ngài là thường hằng là bất di bất dịch, trước sau như một. Những lời dạy trong kinh trong sách nào, mà chống chế, mâu thuẫn, đi ngược lại chân lý, lời dạy của Phật Thích Ca, trước sau khác nhau thì đều là giả, chớ có vội tin (quý bạn nên đọc Mười điều chớ vội tin mà Phật Thích Ca đã dạy thì sẽ rõ).
Dục đi đôi với khổ, có dục là có khổ , nay lại có thể vừa tiếp tục tham dục vừa hưởng lạc thật không thể có lý này. Không ly dục thì chỉ có mà đau khổ theo lối vô minh triền miên, vô tận. Không ly dục mà có thể giải thoát thì ngày xưa Đức Phật cần gì phải từ bỏ đền đài lầu các, vợ đẹp con cưng cùng ngôi báu quý mà tìm đường tu tập mong cầu giải thoát (ly dục, đoạn trừ duyên sinh). Cho nên muốn tu tập theo đúng chân Chánh pháp, thì phải thực hành hạnh xả ly, ly dục ly bất thiện pháp… chứ mà tâm còn ham muốn nghe nói cảnh giới đẹp đẽ này nọ, vật chất cung phụng đủ thứ, cụ túc như ý muốn… mà sanh tâm tham dục, khởi dục (ham muốn), muốn này là muốn được về cảnh giới của tham dục nên mới sanh tâm hoan hỷ tu tập, chứ đâu phải thật tâm tu tập, xả ly mong cầu giải thoát thật sự. Có cảnh giới nào mà tốt đẹp đến vậy đâu, được trang trí, sử dụng… những thứ vật chất phàm tục mà người đời vốn hằng mong ước. Cho nên tu là phải xả chứ có đâu khư khư mà ôm lấy tham dục. Cứ như vậy có tu cả muôn nghìn kiếp cũng chẳng thể nào mà giải thoát cho đặng. Cũng xin nói thêm đức Phật Thích Ca chưa từng dạy bất cứ pháp môn niệm Phật nào khác ngoại trừ Niệm Phật Tứ Hoại Bất Tịnh là pháp môn được thuyết từ kim ngôn Phật. Đừng lầm tưởng pháp môn Niệm Phật Tứ Hoại Bất Tịnh này với pháp môn niệm Phật của các tổ, mà ở đây Niệm Phật Tứ Hoại Bất Tịnh thì bao gồm các pháp: niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới. Trong đó niệm Phật là sống giống như Phật Thích Ca, noi theo gương theo tâm hạnh của Phật mà hành, một cuộc sống ly dục, ba y một bát chẳng gì hơn… chứ không giống như pháp niệm Phật của chư Tổ Tịnh Độ, trong đó niệm Phật là niệm hiệu danh của Phật A Di Đà và nguyện sanh về cảnh giới của vị Phật ấy (Niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tây Phương Cực Lạc).
Thử hỏi Tây phương cực lạc là ở chỗ nào? Cách cõi Ta bà mười muôn ức cõi Phật về phía Tây ư? Một cảnh giới mà như trong kinh sách miêu tả là được trang hoàng bằng bảy báu, chẳng phải lo chuyện cơm ăn áo mặc, làm bạn cùng thánh chúng, Thanh Văn, Duyên Giác, ngày ngày nghe pháp, tu tập tiến đến quả vị vô thượng…, có cái cảnh giới nào mà như vậy không, toàn là nuôi dưỡng tham dục cho chúng sanh, nào là cảnh đẹp, báu quý…, rồi lại chuyện cơm ăn áo mặc… thật chẳng khác chi cuộc sống của chúng sanh. Toàn là đầy rẫy những sự khơi gợi tham dục. Rồi lại chẳng cần biết đã tạo bao nhiêu tội lỗi, chỉ cần niệm một câu Phật hiệu thì có thể tiêu trừ tội nghiệt trong tám mươi ức kiếp, niệm nhất tâm thì có thể vãng sanh về Cực Lạc. Ông Phật A Di Đà này hay thật! Phật Thích Ca còn chưa dám bù trừ nhân quả cho ai thế mà ổng lại dám lãnh tội thay, xoá tội thay cho người niệm danh hiệu ổng. Rồi lại còn biện minh, che đậy “đới nghiệp vãng sanh” (mang theo nghiệp đã gây tạo sang cảnh giới Cực Lạc) niệm Phật khi chết thì được rước về cõi Cực Lạc. Thử hỏi có còn nhân quả nữa hay không? Ở thế gian đây mà còn công bình, đôi khi làm bậy còn bị tù bị tội, người mà hung hăng, xấu tính người ta còn không dám nhận vào làm công… thế mà một cảnh giới được gọi là an vui, là cực lạc thuộc nơi cư trú của Thánh chúng, của Phật, của Bồ Tát mà lại thiếu công bình, mờ ám trong việc công minh, thiện ác lành dữ gì cũng mặc, hễ cứ niệm nhất tâm là được rước qua cõi Cực Lạc ở liền. Thật là vô lý, thế mà có lắm kẻ lại cuồng tín, vô minh mộng mị trong cái cõi giả tạo của tưởng tri ấy.
Lại nữa, con người ta do tứ đại và nghiệp lực hợp thành và được vận động bởi ngũ uẩn cùng là 12 duyên sinh. Thì khi chết, thân tứ đại thì trả về cho tứ đại, ngũ uẩn cũng rã tan, 12 duyên đều bị diệt… Chỉ còn duy nhất nghiệp lực theo duyên tương ưng mà tái sanh. Thì làm gì có cái gọi là linh hồn, thần thức để mà tiếp độ về cảnh giới Cực Lạc.
Tóm lại, để một lần nữa minh chứng nhằm rõ được sự thật này thì tôi xin dẫn chứng lại lời dạy của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã từng dạy rồi, trước khi Ngài thành Phật thì ở quá khứ không có bất cứ một vị Phật nào cả, thì làm gì mà lại có thật cảnh giới ảo tưởng Tây Phương Cực Lạc, có Phật quá khứ A Di Đà.
“Này chư hiền giả, đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ 10 hiệu, ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai và hiện tại có đầy đủ 10 danh hiệu như Phật.
Pháp Phật vi diệu, giảng giải rõ ràng, được người trí hành theo. Ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai và hiện tại có giáo pháp vi diệu như Phật.
Phật do pháp ấy tự giác ngộ thông đạt vô ngại để tự vui thú. Ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai và hiện tại đối với pháp này mà tự giác ngộ, thông đạt vô ngại để tự vui thú như Phật.” (Trích từ Trường A Hàm, tập 1, trang 240).
Đức Phật tu chứng đạo, Ngài dùng trí tuệ tam minh, xem khắp cùng quá khứ, vị lai và hiện tại… chưa từng có một vị Phật nào thành Phật trước Ngài cả, chưa có vị Phật nào đem giáo pháp, chân lý của Ngài ra giảng giải, tu tập cả. Thế mà, kinh sách phát triển của đại thừa dám bảo là có đến bảy vị Phật trong quá khứ trước thời đức Phật Thích Ca, đó toàn là những lời bịa đặt. Vậy nên, tôi xin quả quyết xác định bằng chân lý Thích Ca, bằng chính những lời dạy từ kim ngôn Phật Thích Ca rằng cái cảnh giới Cực Lạc là không thật có, giáo chủ Tây phương A Di Đà là Phật giả, đó là cảnh giới của tưởng tri không phải liễu tri và ba bộ kinh Tịnh Độ là kinh của các tổ Bắc Tông dạy, chứ không phải kinh của Phật Thích Ca thuyết.
NẾU CẢNH GIỚI CỰC LẠC LÀ KHÔNG THẬT CÓ. VẬY TẠI SAO LẠI CÓ CHUYỆN HÀNH GIẢ CẢM ỨNG ĐƯỢC CẢNH GIỚI ẤY?
Chuyện cảm ứng đạo giao hoặc giả là tu tập đạt đến sự nhất tâm mà thấy được cảnh giới Cực Lạc hiển hiện, vốn chẳng phải là chuyện lạ. Bản thân tôi trước kia cũng từng là hành giả tu Tịnh Độ trong khoảng 10 năm trường. Tôi cũng đã từng đạt trạng thái nhất tâm, ngừng được các niệm khởi và cảm ứng được về cảnh giới Cực Lạc, nhưng nó rất hư ảo cũng giống như mộng mị vậy. Mãi cho đến sau này khi được bậc đạo sư phản tỉnh khai thị, tôi mới giác ngộ thật sựvà thông hiểu được sự thật này.
Vì sao lại có sự cảm ứng ấy? Xin được nói rõ như sau, trạng thái cảm ứng ấy chẳng qua chỉ là trạng thái giả của tưởng tri, chớ chẳng phải là cảnh thật của liễu tri mà ta thấy. Bởi vì khi tu tập trì niệm danh hiệu đến giai đoạn gọi là nhất tâm bất loạn thì ý thức bị diệt bởi sự chống chế thường ngày trong quá trình tu tập, ngăn không cho tạp niệm, niệm khởi nổi lên. Lúc bấy giờ hành giả sẽ rơi vào trạng thái tưởng (tưởng thức hoạt động) cũng giống như người đang mộng vậy, theo quá trình huân tập hàng ngày, ví như hành giả thường niệm Phật A-Di-Đà, quán tưởng qua những hình ảnh về Cực Lạc, tha thiết mong cầu vãng sanh về Cực Lạc, v.v… thì lúc xúc tưởng hỷ lạc xuất hiện, hành giả sẽ thấy lần lượt các pháp tưởng tương ứng (hành giả niệm Phật A-Di-Đà sẽ thấy được cảnh chư Phật, thánh chúng,… hiện tiền). Cho nên đó chỉ là trạng thái giả tưởng của tưởng thức mà thôi chẳng phải là thật.
Cuối cùng, xin nhấn mạnh lại một lần nữa trạng thái nhất tâm, trạng thái cảm ứng đạo giao chỉ là trạng thái ức chế tâm, ức chế ý thức cho ý thức không có niệm khởi. Do khi ý thức hành giả không có niệm khởi thì hành giả sẽ lạc vào tưởng định (tưởng thức hoạt động thay cho ý thức), những cảnh giới được ám thị huân tập trong khi tu tập, thì lúc bấy giờ chính những cảnh giới đó sẽ sinh ra những hình ảnh tương ưng. Người niệm Phật nhất tâm sẽ thấy được ảo cảnh Cực Lạc là vậy.
Kính đáp cư sĩ Chân Đức Tuệ.