Yếu tố cấu thành và chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp – Domain Name

Trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động ở quy mô lớn với tập hợp những cá nhân khác nhau về trình độ chuyên môn, tư tưởng văn hóa, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý… đã tạo nên một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Trước sự đa dạng đó, làm thế nào để doanh nghiệp có thể hòa hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, kết hợp sức mạnh từ nguồn lực con người đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đó là lúc cần đến chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể qua bài viết sau đây.

1. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp

Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó mà thực hiện mục tiêu phát triển bền vững được. Văn hóa doanh nghiệp là một loại tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là yêu cầu tất yếu của mọi chính sách phát triển thương hiệu, bởi qua hình ảnh thể hiện về văn hóa của mỗi doanh nghiệp sẽ quảng bá thương hiệu, tạo dựng hiệu quả cho công việc tuyển dụng.

Có rất nhiều định nghĩa xung quanh khái niệm này, tuy nhiên, mọi định nghĩa đều có nét chung coi văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nó tác động chi phối đến tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp; làm nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.

2. Những yếu tố cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp

Cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp gồm có 5 lớp:

– Triết lý quản lý và kinh doanh: Đây là lớp lõi quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp, là niềm tin, là giá trị bền vững không thay đổi, bao gồm những triết lý về quản lý và kinh doanh căn bản. Nó tạo cơ sở để định hướng xây dựng về mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng như chi phối các quyết định quản lý. Cho nên, để quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công thì điều kiện tiên quyết là sự cam kết của những người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, và cũng chỉ có những nhà quản lý cao nhất mới đủ khả năng để tác động đến lớp văn hóa cốt lõi này.

– Động lực của cá nhân và tổ chức: Lớp yếu tố quan trọng thứ hai trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp là các động lực thúc đẩy hành động của riêng từng cá nhân và tổ chức. Những động lực này sẽ biểu hiện ra bên ngoài thông qua những hành vi hàng ngày của mọi cá nhân trong doanh nghiệp.

– Quy trình quy định: Để hoạt động ổn định, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình rõ ràng, quy định và các chính sách hợp lý, theo tiêu chuẩn định sẵn. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng mọi yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ, góp phần tạo tính ổn định và nâng cao hiệu quả trong doanh nghiệp với nỗ lực làm hài lòng khách hàng và xã hội.

– Hệ thống trao đổi thông tin: Là lớp cấu thành thứ tư để xây dựng văn hoá doanh nghiệp, nó đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp về quản lý thông tin đa dạng, đa chiều, chính xác và kịp thời. Từ đó, giúp các thành viên dễ dàng tiếp cận và sử dụng thông tin hiệu quả trong các hoạt động thường nhật cũng như công tác lập kế hoạch, xây dựng và định hướng chiến lược.

– Phong trào, nghi lễ, nghi thức: Trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đây là yếu tố hình thành văn hoá bề nổi, phản ánh đời sống, sinh hoạt của công ty. Tuy rằng không trực tiếp tác động đến kết quả kinh doanh, nhưng nó sẽ mang đến những ảnh hưởng rất lớn đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nó tạo ra sự khác biệt của công ty với bên ngoài, tạo hình ảnh tốt cho công ty trước truyền thông, cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu … Vì thế, doanh nhân, các cán bộ quản lý cấp cao và nhà lãnh đạo phải nhất thiết tham gia vào quá trình xây dựng văn hoá, hình thành bản sắc, nét ‘cá tính’ riêng cho tổ chức mình.

>>> Kỹ năng quản lý nhân sự trong doanh nghiệp

3. Làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả

Thực tế, doanh nghiệp nào cũng có văn hoá của riêng mình, có điều nó được thể hiện như thế nào và doanh nghiệp có phát hiện ra những giá trị tốt để phát huy, hay nhìn nhận được những hạn chế để thay đổi hay không.

Văn hóa doanh nghiệp không phải thực hiện trong ngày một ngày hai mà nó cần một chặng đường kéo dài hàng thập kỷ. Quan trọng, đây không phải là một khẩu hiệu mà cần được vun đắp từ những hành động của mọi cá nhân trong tổ chức doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa để công ty được trường tồn.

XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP = THIẾT LẬP CHUẨN MỰC + TẠO THÓI QUEN

Cách thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp:

 (1) Các vật thể hữu hình bao gồm: văn phòng công ty, tài liệu, bàn ghế, vật dụng… đều là môi trường mà các nhân viên làm việc trực tiếp. Chúng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách làm việc, phong cách giao tiếp và đưa ra quyết định của nhân viên. Khi được làm việc trong điều kiện tốt hơn thì quá trình trao đổi thông tin sẽ thuận lợi hơn, dẫn đến gia tăng hiệu quả công việc.

(2) Để xây dựng hình ảnh, phong cách làm việc chuyên nghiệp, doanh nghiệp phải trang bị được những công cụ làm việc hiện đại cho nhân viên của mình.

(3) Nhân viên rất nhạy cảm trước sự thay đổi môi trường làm việc. Thông thường, những thay đổi này có thể bị từ chối. Do vậy, cần linh hoạt điều chỉnh các giá trị không được nhân viên thực hiện, hoặc thực hiện mà không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

(4) Sức ảnh hưởng của các ngầm định thường lớn hơn rất nhiều so với sự ảnh hưởng của các giá trị được thể hiện, đồng thời nó khó thay đổi và ảnh hưởng nhiều đến phong cách làm việc, giao tiếp và đối xử trong môi trường doanh nghiệp.

Khi các giá trị được cho là phù hợp và được kiểm chứng từ phong cách làm việc, sẽ từng bước được coi là đương nhiên và trở thành ngầm định. Tức là, việc đưa một giá trị mong muốn vào doanh nghiệp đến đây là thành công.

Có nhiều mô hình được các nhà nghiên cứu đề xuất, tuy nhiên, để xây dựng văn hoá doanh nghiệp một cách tổng thể hai tác giả Julie Heifetz & Richard Hagberg đã đề xuất một mô hình thực hiện qua 11 bước, bạn có thể xem tại đây.

>>> Tìm hiểu phần mềm quản trị doanh nghiệp tổng thể BRAVO 8R2 (ERP-VN)