Yêu nghề vì một chữ tâm – Hànộimới

Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu (trái) và bác sĩ Dương Phước Hưng trong một ca phẫu thuật

Có những bác sĩ đã vì người bệnh mà theo đuổi một chuyên khoa vất vả, không danh tiếng, với mong muốn giúp người bệnh được nhiều nhất. Họ có thể nổi tiếng nếu đi theo những chuyên khoa “sang trọng” như tim mạch, mắt, tai-mũi-họng…

Hoặc giàu có nếu chuyển sang một lĩnh vực thời thượng như giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng không, họ chọn một chuyên ngành khá đặc biệt, vì một chữ tâm với người bệnh.

Năm 2000, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, một trong những học trò giỏi của GS Nguyễn Đình Hối, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM, hăm hở sang Mỹ với trọng trách học ghép gan để về nước triển khai hoạt động này. Nửa năm trôi qua, đối diện với thực tế anh bắt đầu suy nghĩ lại: Ghép gan hay thật, nhưng để làm được thì đòi hỏi phải có cả một ê-kíp và rất tốn kém, tại sao không chọn một lĩnh vực ứng dụng thật nhanh, ít tốn kém để có thể giúp được nhiều người. Ở chung phòng với một bác sĩ người Đức, sang Mỹ học 2 năm về hậu môn học, anh đặt vấn đề: Chẳng lẽ để chữa trĩ, mạch lươn… người ta phải tốn nhiều công sức như vậy? Những giờ rảnh rỗi, anh tìm hiểu chuyên khoa này và dần dần hiểu ra.

Dù người yêu xấu xí, nhưng đã yêu thì chấp nhận

Về nước, anh trình bày những gì mình biết được với GS Hối và thầy đã chấp nhận. Năm 2003, anh lại lên đường sang Mỹ, lần này là học hậu môn học. Một năm ở Mỹ, rồi 6 tháng ở Đức, càng học sâu anh càng say mê và vỡ lẽ hậu môn học đâu chỉ chữa trĩ, mạch lươn hay sa trực tràng, mà còn chữa cả những “bệnh lý rối loạn thoát phân” với cái tên dân gian thường gọi là… táo bón! Người bình thường, cả đời ai cũng phải có lần “đau khổ” vì cái chuyện tế nhị này. Vài lần không sao, nhưng nhiều lần, tháng này qua tháng khác, thì đúng là có vấn đề, và khi đó ai cũng tìm đến bác sĩ. Nhưng để chữa đúng bệnh này, chữa hết bệnh thì chẳng dễ chút nào.

Học cái mới đã khó, ứng dụng điều học được lại càng khó hơn. Học ngành y ai cũng biết khám sản-phụ khoa “rắc rối” 1, thì khám hậu môn “rắc rối” 10. Theo bác sĩ Hậu, cái khó của ngành này là bệnh nhân thường mắc cỡ, ngại ngùng không muốn cho bác sĩ khám, chưa kể trường hợp đặc biệt còn phải ngồi vào những thiết bị để kiểm tra. Bệnh nhân ngồi vào thiết bị, đứng bên ngoài thông qua một màn hình kiểm tra, bác sĩ liên tục nhắc nhở bệnh nhân “cố gắng”. Cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc đều căng thẳng, xong việc mới thở phào nhẹ nhõm. Khi tôi hỏi anh có “sợ” ngành này không, anh cho biết: “Đã chọn ngành y thì phải chấp nhận, bộ phận nào trên cơ thể con người thì cũng như nhau. Mình đã yêu ai rồi thì người yêu có xấu đến mấy mình cũng chấp nhận”.

Niềm vui, nỗi buồn nghề nghiệp

Cũng như bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, con đường đến với hậu môn học của bác sĩ Dương Phước Hưng như cái duyên, cho dù anh có thể nổi tiếng và kiếm nhiều tiền nếu không chọn ngã rẽ này. Là giảng viên Đại học Y Dược và làm việc tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy từ năm 1980 đến 2003 như một bác sĩ ngoại tổng quát, nhưng trong thời gian đó anh vẫn được xem là người “mát tay” trong chữa trĩ, mạch lươn. Nên khi GS Hối mời anh về BV Đại học Y Dược để thành lập Khoa Hậu môn-Trực tràng, anh nhận lời ngay. Năm 2003, trong một lần qua Hàn Quốc tham quan, anh như… tỉnh khỏi cơn mê: Thủ đô Seoul có BV Songdo rất lớn chuyên chữa những bệnh lý hậu môn và trong TP này BV có đến 4 chi nhánh! “Có phải ở Hàn Quốc người dân bị bệnh hậu môn nhiều không?” – tôi hỏi. Anh trả lời: “Không, chẳng qua vì ngành y ở đây phát triển, đặc biệt là người ta hiểu được tầm quan trọng của những bệnh này”.

Ở nước ta thì chưa được như vậy, trong một lần được anh cho phép ngồi ở phòng khám, tôi đã chứng kiến nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Có bệnh nhân sau 15 phút nghe anh tư vấn về cách phòng ngừa bón đã đứng dậy, nói thẳng: “Bác sĩ nói rất hay nhưng sao tôi thấy mệt quá, cứ cho một liều thuốc xổ là xong, mai mốt bị lại tôi cứ thế mà uống”, rồi bỏ ra ngoài. Người khác là một bệnh nhân nữ khá xinh đẹp. Bị trĩ, nhưng không dám nói cùng ai, cô lẳng lặng tìm đến một địa chỉ “chuyên trị trĩ, mạch lươn”. Bà thầy “chữa quá tay”, thế là cô bị tai biến… nặng hơn.

Tuy nhiên, tai biến thường gặp nhất vẫn là hẹp hậu môn, nhiễm trùng hậu môn. Đây là những bệnh nhân trĩ, nhưng do xấu hổ, mặc cảm không dám chữa tây y, nên đến những địa chỉ thường quảng cáo trên những gốc cây, cột đèn để chữa cho nhanh, gọn và thế là lãnh đủ.

Làm ngành gì cũng có buồn, vui nhưng cái buồn, vui của người thầy thuốc hậu môn học thì mấy ai biết được. Bác sĩ Hưng cho biết sau một lần lên truyền hình nói chuyện về bệnh trĩ, con anh đã tâm sự: “Bố ơi, mai mốt bố đừng lên truyền hình nữa, vì bạn bè cứ chọc con có bố là bác sĩ chuyên chữa trĩ!”. Niềm vui của bác sĩ Hậu thì thật “hồn nhiên”, anh nói: “Bác sĩ hô hấp thì vui mừng khi biết người bệnh hết ho, còn tôi thì vui mừng khi biết người bệnh đã “giải quyết” xong… chuyện đó”.

Đi khắp nơi để học

Tối 25-2, trò chuyện cùng anh trong một buổi trực BV, bác sĩ Hậu “khoe” tuần tới anh sẽ sang Ấn Độ dự một hội thảo về bệnh hậu môn-trực tràng, sau đó sang Trung Quốc để học cách thao tác một thiết bị chữa bệnh. Tính ra đến nay anh đã đi được 8 quốc gia, chỉ để học cách chữa bệnh hậu môn! Anh nói: “Bước ra ngoài rồi mới thấy được nhiều điều cần học hỏi. Mình phải học hết những cái hay của nước ngoài để về chữa cho dân”. Được biết hiện nay BV Đại học Y Dược TPHCM là nơi duy nhất tại nước ta có khoa hậu môn-trực tràng. Khoa ứng dụng được hầu hết mọi phương pháp điều trị tiên tiến, có thể chữa được hết những ca bệnh khó.

Theo NLĐ