Yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hãy cùng tìm hiểu về yêu cầu cần đạt trong chương trinh phổ thông mới qua bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê nhé!

1. Chương trình giáo dục phổ thông mới

Từ năm học 2020 – 2021 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) cho lớp 1. Chương trình mới này chia thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp lớp 10 đến 12. Tuy nhiên ngày 03/8/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Theo đó, sửa đổi nội dung mục 2. Giai đoạn định hướng nghề nghiệp thuộc Phần IV – Kế hoạch giáo dục. Cụ thể, ở giai đoạn trên (tức từ lớp 10 đến lớp 12), 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Như vậy, so với nội dung trước đó, môn Lịch sử được bổ sung vào nhóm các môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục đối với môn lịch sử là 52 tiết/năm học/lớp. Thời lượng các môn học còn lại không thay đổi.

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là giáo dục con người toàn diện, phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm: Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

– Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2)). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

– Nội dung giáo dục cấp Trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

– Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: 

  • Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;
  • Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;
  • Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
  • Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
  • Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là gì?

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông gồm hai phần: Phần khung chương trình là chương trình tổng thể, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, giải thích cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Thông tư 32 quy định như sau:
 

“Chương trình tổng thể: Là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: Quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục, thời lượng của từng môn học và hoạt động giáo dục, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.”

Theo đó, có thể hiểu, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là văn bản chung nhất, mang tính định hướng cho chương trình giáo dục phổ thông – một trong những bước cải cách trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

 

2. Yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới

– Chương trình giáo dục phổ thông mới cần gắn với sự phát triển tâm lý học sinh: 

Một số biểu hiện thay đổi của học sinh Việt Nam hiện nay có thể khiến các bậc sinh thành cũng như những người làm giáo dục phải “đau đầu”. Một trong những thay đổi đó được TS.Tạ Thị Ngọc Thanh đưa ra, đó là văn hóa đọc của các em đã thay đổi. Thay vì đọc các truyện kinh điển rất được cha ông ưa thích ngày xưa như “Chiến tranh và hoà bình” của L.Tonxtoi, “Thép đã tôi thế đấy”…, các em lại thích lướt web hoặc xem truyện tranh. Thực hiện phỏng vấn nhiều em học sinh thuộc nhiều đối tượng, kể cả những sinh viên học rất giỏi, TS.Tạ Thị Ngọc Thanh nhận thấy, các em đều cho rằng, internet có đủ loại thông tin mà các em cần; còn truyện tranh viết ngắn, xem nhanh nhưng cũng chứa đựng các yếu tố hấp dẫn và cả giáo dục nữa. Điều này thích hợp với học sinh thời nay hơn. Điều đó cho thấy hoàn cảnh thay đổi đã tác động đến trẻ em và những gì mà chúng ta cho là hay, tốt trước đây thì ngày nay chưa chắc đã đúng. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề đang diễn ra trong tâm lí thế hệ trẻ phản ánh sự thay đổi trong đời sống kinh tế-xã hội và sự hội nhập với thế giới qua giao lưu, qua Internet…… Các nhà tâm lí, giáo dục cần làm gì để đưa ra được một chương trình giáo dục sau năm 2015 phù hợp với thời đại và với yêu cầu mà xã hội đặt ra cho giáo dục? Đề xuất của TS.Tạ Thị Ngọc Thanh gắn liền với 2 phương hướng nghiên cứu tâm lý. Với phương hướng những nghiên cứu về từng yếu tố, từng lĩnh vực phát triển tâm lí, TS.Tạ Thị Ngọc Thanh cho rằng, nên tìm hiểu những hiện tượng đang gây bức xúc trong dư luận để xem đó có phải là hiện tượng phổ biến trong học sinh không? Nguyên nhân tâm lí nào khiến học sinh làm như vậy và biện pháp giáo dục thích hợp? Để từ đó, chúng ta đưa ra những nội dung và phương pháp giáo dục mới phù hợp, điều chỉnh được sự phát triển của học sinh theo mục tiêu giáo dục đề ra. Với phương hướng nghiên cứu tổng thể về sự phát triển tâm lí học sinh, theo TS.Tạ Thị Ngọc Thanh, nên có những nghiên cứu tổng thể sự phát triển tâm, sinh lí học sinh để xem những đặc điểm tâm, sinh lí của học sinh hiện nay có gì khác trước đây? Nhu cầu, hứng thú ở các lứa tuổi học sinh hiện nay là gì?… Đó là cơ sở để xây dựng chương trình giáo dục mới phù hợp với những thay đổi của học sinh. Đây không chỉ là nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc xây dựng chương trình giáo dục mới, mà còn là một nghiên cứu cơ bản để xác định gia tốc phát triển tâm, sinh lí của trẻ em – Điều mà nhiều nước trên thế giới vẫn thường 10 năm tiến hành 1 lần.

– Phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu hội nhập quốc tế:

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) thì cho rằng, việc phát triển giáo dục nói chung và chương trình giáo dục nói riêng cũng không thể không tính đến các yếu tố nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, gần đây, chương trình giáo dục của nhiều nước chuyển đổi sang hướng tiếp cận năng lực. Năng lực được hiểu là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng, thái độ và sự hứng thú để hành động một cách phù hợp và có hiệu quả trong các tình huống phong phú của cuộc sống. Theo hướng này, việc đánh giá kết quả học tập hướng vào câu hỏi: học sinh biết làm gì trong những điều chúng biết? Và biết hành động thế nào cho phù hợp với những tình huống khác nhau? Điều đó có nghĩa là năng lực không chỉ đòi hỏi có kiến thức, cũng không phải chỉ có kĩ năng mà cần có cả hai, ngoài ra còn cần thêm các yếu tố khác nữa. Tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, đòi hỏi chương trình cần xuất phát từ các năng lực thiết yếu cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai đối với mỗi học sinh để lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực học tập, các hoạt động giáo dục cho tương thích và hữu ích. Định hướng này dẫn đến các hệ quả: Hệ thống lĩnh vực/ môn học trong nhà trường phổ thông có thể thay đổi, có những môn học/ hoạt động mới sẽ xuất hiện cũng như có môn học/hoạt động không còn phù hợp. Nội dung của mỗi môn học/hoạt động phụ thuộc vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, vì thế không nhất thiết là phải đưa vào môn học/hoạt động tất cả các nội dung của khoa học tương ứng mà chỉ lựa chọn một số nội dung có ích cho việc hành thành và phát triển các năng lực cần thiết. Các hoạt động giáo dục trong nhà trường không chỉ nhằm giáo dục tư tưởng đạo đức, bồi dưỡng tình cảm mà còn có nhiệm vụ chuyển tải một số kiến thức và kĩ năng cần cho việc phát triển năng lực. Các tình huống thực tiễn trong nhiều lĩnh vực quen thuộc, gần gũi của cuộc sống được quan tâm nhiều hơn, trở thành đối tượng tìm hiểu, khám phá của chương trình và sách giáo khoa trong nhà trường. Việc phát triển của chương trình giáo dục phổ thông, theo khảo sát của PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống tại một số nước, có hai xu hướng lớn. Đó là xây dựng và quản lí chương trình theo hướng tập quyền và phân quyền. Những quốc gia thực hiện phân quyền trong quản lí và phát triển chương trình tập trung xây dựng văn bản chương trình giáo dục quốc gia dưới dạng khung. Đặc điểm của chương trình khung là hết sức khái quát, ngắn gọn. Các nước xây dựng và phát triển chương trình theo hướng tập quyền thì chỉ có một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia duy nhất do chính quyền trung ương xây dựng. Tất cả các địa phương phải tuân thủ chương trình này. Việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông trên thế giới là ngày càng nghiêng về hướng phân quyền. Ngay cả các nước theo xu hướng tập quyền thì việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông cũng theo hướng mở, để dành một khoảng trống lớn cho các địa phương tự chủ trong việc vận dụng và thực hiện chương trình. Nhìn chung chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam từ trước đến nay đều theo hướng tập quyền, một chương trình dùng thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên sự vận dụng và quản lí chương trình theo hướng mở ngày càng được chú ý. Từ chỗ tập quyền một cách cứng nhắc, dập khuôn, máy móc – sản phẩm của một nền giáo dục theo tư duy đồng phục, dần dần đã chuyển sang mềm dẻo hơn trong vận dụng và chỉ đạo thực hiện. Tuy một chương trình nhưng đã chú ý đến việc hướng dẫn thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh của các địa phương. PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, Việt Nam là một đất nước trải dài, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều vùng miền rất khác nhau, vì thế chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa không thể cứng nhắc mà cần linh hoạt hơn.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn!