Yên Dũng, vùng đất giữa ba dòng sông
Thị trấn Neo. Một âm tiết đơn lẻ, mộc mạc. Cái tên gợi nhắc về một thời xa xưa liên quan đến bến với thuyền. Những con thuyền sau bao bôn ba lại trở về neo đậu bến quê. Neo cũng chính là tên nôm của dãy núi Nham Biền đồ sộ chạy từ làng Cổ Dũng Núi, xã Cổ Dũng, tổng Cổ Dũng đến làng Bài Sanh, xã Vân Cốc, tổng Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang xứ Kinh Bắc xưa. Núi Neo còn có tên tự “Cửu thập cửu phong sơn”, nghĩa là núi chín mươi chín ngọn. Truyền thuyết kể rằng, từ thời hồng hoang một đàn phượng hoàng trăm con bay đi tìm đất đế đô và chúng đã chọn nơi này. Mỗi phượng hoàng chọn một ngọn núi để đậu. Rất tiếc, còn thiếu một ngọn núi cho con chim thiêng thứ một trăm cho nên cả đàn lại vỗ cánh bay đi. Và Nham Biền không trở thành đất kinh đô.
Tôi nghĩ đấy cũng là cách tôn vinh của người xứ này về quê hương mình, dẫu không kinh đô thì non nước này vẫn xứng tầm địa linh nhân kiệt và hương lúa, hương người xưa – nay đã làm nên một Yên Dũng đất thơm, người lành, tiếng đẹp đồn xa. Tôi thích cái mộc mạc nhu mì của vùng đất này, tuy vẫn còn đó những phơi trải khó khăn như con đường lộ dẫn về huyện còn mấp mô ổ trâu, ổ bò mà người ta đã cắm biển báo “Ðường chờ lún”. Nhưng cũng một biển báo khác lại cho tôi biết mình đang ở rất gần Thương giang và được bao bọc bởi hương sắc mùa gặt. Thơm mùi lúa, mùi rạ. Cái mùi lành của thôn quê dân dã, ngửi vào thấy mình nhẹ nhàng ra sau cái ngột ngạt của cuộc sống đô thị. Thanh thoát không gian đậm chất nông thôn Bắc Bộ nhưng vẫn xanh – sạch – đẹp, bởi đường đi lối lại phong quang, tươm tất. Và, không hề có sự bề bộn, ngổn ngang, lộn xộn dẫu đang ngày mùa. Ngăn nắp là một nét đẹp của nhiều làng xã ở Yên Dũng mà Cảnh Thụy và Tiến Dũng là những điển hình. Ðường thôn được bó gạch, đổ bê-tông sạch sẽ, nước rãnh róc rách chảy nhưng không hề bốc mùi dơ bẩn. Tôi từng tiếc cho những ngôi làng cổ, trầm mặc ven Hà Nội bị ô nhiễm nặng bởi rác ni-lông và chất thải rải ra khắp ruộng vườn, ngõ xóm, đường thôn. Thế mà ở nơi đây, Cảnh Thụy, Tiến Dũng và nhiều làng quê khác ở Yên Dũng vẫn sạch sẽ nhẹ nhàng. Trưởng thôn Bình Voi nói với chúng tôi: “Xã em, làng em có các bãi rác thải tập trung và rất nhiều nhà đã xây hầm bi-ô-ga để xử lý chất bẩn của súc vật”. “Nhưng cái chính là do ý thức tự giác trong việc giữ vệ sinh chung của người dân, đúng không?”, tôi hỏi. Trưởng thôn Phạm Huy Nam liền cười nhẹ nhõm: “Vâng, cũng phải giáo dục, vận động dài dài mới thành nền nếp như thế này đó anh ạ”.
Nói phải đi đôi với làm. Cán bộ vận động quần chúng thực hiện nếp sống mới và hơn ai hết chính họ phải thật sự gương mẫu làm trước. Tạo lập lòng tin cho dân không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể. Các tổ chức quần chúng xắn tay hăng hái vào cuộc xây dựng văn hóa nông thôn mới. Từ Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi,… đến Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; từ làng, xã, thôn, xóm đến trường học chung tay góp sức thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong đó văn hóa là một nội dung vô cùng quan trọng. Và đó chính là nền tảng của đời sống tinh thần, là động lực thúc đẩy nông thôn phát triển đi lên trên đôi cánh của truyền thống và hiện đại. Văn hóa là cái tồn lưu lâu bền nhất trong con người, kể cả tinh hoa lẫn thói xấu cho nên cuộc vận động này cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn bình tĩnh.
Cưới hỏi, tang lễ, hội hè là những hoạt động muôn năm cũ của làng quê. Trước đây, không ít gia đình phải méo mặt khi lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, bao nỗi lo đè nặng lên vai khi ông bà cha mẹ nhắm mắt, xuôi tay. Cỗ bàn, lễ vật trở thành cái cân đo đếm sự sang hèn, cao thấp của các gia đình, dòng họ. Vì thế mà không ít nhà cố gồng lên lo liệu theo kiểu ềcon gà tức nhau tiếng gáyể, rốt cục, việc sa sút kinh tế trở thành nguy cơ nhãn tiền. Nay, Yên Dũng đã đổi mới rồi. Bắt đầu đổi mới từ cái chuyện quan trọng nhất của một đời người là việc hỉ, việc hiếu. Một tiệc cưới do Ðoàn Thanh niên chủ trì, không rượu bia, không có món mặn, không hút thuốc, hát hò là chính, đáng khen lắm chứ. Tuy nhiên, với gia đình thì chưa thể bỏ chuyện mâm bát được, nhưng chỉ làm rút gọn độ ba bốn chục mâm là vừa. Cũng có nâng lên hạ xuống chút đỉnh nhưng không say sưa quá độ, không cãi cọ, xô xát. Việc tang do tổ chức Mặt trận và Hội Người cao tuổi kết hợp với Ban Lễ tang thôn chủ trì. Trang nghiêm, tình cảm, giản dị, không ăn uống nhiều.
Trước đây, tôi có nghe kể rằng ở Yên Dũng mỗi đám tang thường phải có trăm mâm để bà con xa gần tới chia buồn. Rồi lễ hội cũng vậy, phải hướng đến cốt lõi tâm linh, tâm tưởng lành mạnh với nguồn cội, với cha ông chứ không phải là dịp kinh doanh làm giàu vô tội vạ. Có nội dung thì đơn giản hóa, lược bỏ bớt cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhưng có những hoạt động thì ngày càng phải nhân lên hơn nữa. Như Nhà văn hóa đa năng, đội văn nghệ, câu lạc bộ nghệ thuật, thư viện và tủ sách của thôn, lớp dạy ca quan họ, những cái ấy phải được nhân lên, phải trở thành thân quen với mọi người dân. Xã Cảnh Thụy có đội văn nghệ biểu diễn bốn buổi một năm cho bà con xem, có lớp học quan họ gồm 46 thành viên ở độ tuổi từ 15 đến 35, có phòng đọc sách, báo rộng 200 m2. Xã Tiến Dũng có 4/9 làng đã xây Nhà văn hóa đa chức năng, nhiều thôn có câu lạc bộ cầu lông, câu lạc bộ nghệ thuật, quỹ khuyến học dòng họ… Có Thôn văn hóa như Tân Tiến (Tiến Dũng) gần mười năm nay không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ ba và chưa hề xảy ra một vụ ly hôn. Năm 2011, có 66/74 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Hẳn là vì thế mà bức tranh văn hóa của Yên Dũng khá sáng sủa. Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2011 ở Yên Dũng có 161/201 Làng văn hóa (chiếm 80,09%) trong đó có 50 làng đề nghị công nhận cấp tỉnh; 34.892 hộ đạt Gia đình văn hóa (chiếm 85,1%); 155/160 Cơ quan văn hóa (96,8%) trong đó có 61 cơ quan đề nghị công nhận cấp tỉnh. Một huyện thuần nông mà có tới 186/201 thôn có Nhà văn hóa (đạt 92%), 48/78 Làng văn hóa cấp tỉnh có tủ sách thư viện, là điều thật đáng ghi nhận. Văn nghệ dân gian cũng được chú ý bảo tồn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Dũng thì Yên Dũng đã khôi phục được tám làng chèo là Tân Mỹ, Ðồng Quan thuộc xã Ðồng Sơn; Tân Ninh, Phú Mại thuộc xã Tư Mại; Minh Ðạo thuộc xã Tân An; Ðồng Nhân thuộc xã Ðồng Phúc; Câu lạc bộ chèo của huyện và các câu lạc bộ hát quan họ ở Cảnh Thụy, Ðồng Việt, thị trấn Neo…
Chúng tôi đã đến chốn Tổ – chùa Vĩnh Nghiêm của Thiền phái Trúc Lâm do vị hiền minh Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13. Ðây chính là một Ðại danh lam cổ tự nổi tiếng trong cả nước. Ngôi chùa có hơn bảy trăm năm tuổi này có những đường nét kiến trúc khiêm cung mềm mại từ ngoài vào trong, thể hiện đậm đà và sâu kín sự hài hòa giữa hồn Việt và tính Phật, nằm yên bình giữa cỏ cây hoa lá xanh tươi. Thời Trần, Vĩnh Nghiêm là một trung tâm Phật giáo lớn của nước Ðại Việt, nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Có thể xem đây là Trường Ðại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Những bản mộc bằng gỗ thị khắc Kinh Phật được lưu trữ tại đây là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia. Tất cả đã được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Bảy thế kỷ như còn lưu dấu nơi đây, trên nền đất linh thiêng, trong tàng cây cùng tuổi với ngôi chùa vẫn xanh mầu lá, trong những hoa văn tạc khắc trên rường cột, trong câu Thánh hiền “Cho con ngàn vàng không bằng một quyển sách” (Thiên kim di tử, bất như nhất kinh) dạy con cháu bao đời.
Hơn bảy thế kỷ nhưng ánh sáng tinh túy của Trúc Lâm Thiền phái vẫn lan tỏa. Việc khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông khai mở đang là nhu cầu tình cảm của nhân dân. Dự án Thiền viện Phượng Hoàng đã phác thảo ra một danh thắng mới nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa tâm linh trên dãy núi Nham Biền thuộc địa phận xã Nham Sơn của Yên Dũng. Theo dự án, Thiền viện Phượng Hoàng là một Thiền viện tu theo Thiền phái Trúc Lâm với tinh thần: Thiền giáo song hành, Tam giáo đồng nguyên, Tức tâm tức Phật, Nhập thế, Dân tộc, Ðộc lập tự cường và hướng đến cuộc sống an lạc giải thoát. Các tinh thần ấy đã được khai mở từ hơn bảy trăm năm trước bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông, nay sẽ được nghiên cứu, bảo tồn lưu giữ, vận dụng vào cuộc sống đương đại. Thiền viện Phượng Hoàng sẽ trở thành một nét nhấn trang nghiêm thanh thoát cao đẹp cho vùng quê Yên Dũng đất thơm người lành nói riêng và cho Bắc Giang nói chung. Và do vậy, đó chính là điều tốt, điềm lành đang đến với Yên Dũng – Bắc Giang.