Yên Dũng (Bắc Giang): Giao thông khơi nguồn phát triển du lịch
(Xây dựng) – Trong những năm gần đây, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh phát triển giao thông, tạo đà cho du lịch phát triển.
Yên Dũng nổi tiếng với Tổ đình Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là trường đại học phật giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ hơn 3 nghìn tấm mộc bản cổ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, nơi từ đó thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được lan tỏa và trở thành một đạo giáo riêng biệt của người Việt. Tuy nhiên, vẫn còn ít người biết rằng, Yên Dũng cũng là nơi có Thiền viện Phượng Hoàng, một công trình mới được khởi công xây dựng cuối năm 2011 đã góp phần tôn vinh, bảo tồn giá trị của thiền phái Trúc Lâm. Thiền viện nằm trên đỉnh Non Vua, với độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển, giữa trùng điệp màu xanh của núi rừng trở thành điểm nhấn quan trọng của thị trấn Nham Biền, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, tu thiền. Xung quanh đó, tập hợp khá nhiều ngôi cổ tự độc đáo như chùa Kem, chùa Liễu Đê, chùa Hang Chàm…
Không chỉ có nét trầm mặc, cổ kính, Yên Dũng còn được nhớ đến như một vùng đất năng động, hiện đại. Trong đó, Sân golf Yên Dũng Amber Hills Golf & Resort-Rock Valley Course là một trong những công trình mang lại dấu ấn cho du lịch thể thao giải trí của Bắc Giang và khu vực. Từng được mệnh danh “Sân golf thử thách nhất Việt Nam”, mới đây sân đã được chuyển giao cho Tập đoàn Amber Holdings khai thác, quản lý đã mang lại những chuyển biến mới cho dự án này.
Với những điểm nhấn quan trọng trên, Yên Dũng đang đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch tâm linh, sinh thái, du lịch trải nghiệm và thể thao, giải trí. Theo Nghị quyết của Huyện ủy Yên Dũng, huyện sẽ ưu tiên sử dụng các nguồn lực để phát triển du lịch một cách lâu dài, bền vững phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy tiềm năng lợi thế của dãy núi Nham Biền để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh gắn với hạn chế tác động đến cảnh quan môi trường, quan tâm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống… Theo đó, chỉ trong hơn một năm qua đã có 10 di tích được trùng tu với tổng kinh phí hơn 34,3 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3,4 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ, 750 triệu đồng từ ngân sách huyện, còn lại là xã hội hóa. Ngoài ra, huyện còn đầu tư 1,5 tỷ đồng từ ngân sách để hoàn thành Đề án trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên), bao gồm cải tạo nhà, thiết kế lại hệ thống tủ trưng bày, lắp đặt sa bàn, pa nô… Trên lĩnh vực thể thao giải trí, cuối năm 2022, sân golf Yên Dũng đã được đầu tư thêm 800 tỷ đồng nữa để nâng tổng số hố lên 36 hố với mục tiêu trở thành sân golf tiêu chuẩn quốc tế. Đây dự kiến sẽ là quần thể sân golf 36 hố đẳng cấp hàng đầu miền Bắc, địa điểm đăng cai các giải đấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước.
Yên Dũng đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông.
Với việc đẩy mạnh phát triển du lịch song hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế đã trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội của huyện nói chung nên thời gian qua huyện Yên Dũng đã tập trung mạnh cho đầu tư hạ tầng giao thông. Điểm nhấn trong quyết tâm này là việc tiến hành xây dựng cầu Đồng Việt, nối giữa hai vùng đất tâm linh là Yên Dũng (Bắc Giang) và thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Đây cũng là cây cầu dây văng đầu tiên ở “cấp”… tỉnh lẻ trong cả nước được xây dựng với tổng vốn đầu tư cho cả phần đường dẫn và cầu là gần 1.500 tỷ đồng. Cây cầu có chiều dài khoảng gần 1.000 m với chiều rộng mặt cầu hơn 20 m hứa hẹn sẽ là điểm nhấn không chỉ về cảnh quan giữa hai vùng đất linh thiêng mà còn là dấu nối quan trọng trong phát triển kinh tế. Một huyết mạch trên con đường vận chuyển hàng hóa từ Bắc Ninh, Bắc Giang với các vùng công nghiệp rộng lớn sẽ được kết nối với các cảng biển của Quảng Ninh, Hải Phòng thông qua con đường và cây cầu này. Ông Đỗ Văn Hùng, 58 tuổi, người dân thôn Thượng, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng không giấu được niềm hy vọng: “Chúng tôi mong ngóng từng ngày để thấy cây cầu hoàn thiện. Ước mơ nối liền hai vùng đất giàu văn hóa này từ bao nhiêu năm nay đã trở thành hiện thực”. Còn ông Trần Đức Hoàn – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Di tích huyện Yên Dũng tâm sự: “Cây cầu hoàn thành sẽ góp phần cho du khách đi lại thuận tiện từ các điểm du lịch của Chí Linh như Côn Sơn, Kiếp Bạc… đến với chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Phượng Hoàng, sân golf và các điểm du lịch khác của Yên Dũng và Bắc Giang mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch, văn hóa của huyện Yên Dũng”.
Cùng với cầu Đồng Việt, nhiều dự án mở rộng, nâng cấp đường trên địa bàn nhằm tạo hạ tầng đồng bộ, hiện đại cũng đang được triển khai gấp rút ở Yên Dũng. Đáng chú ý là dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng ĐT398 từ xã Đồng Việt đi thị trấn Nham Biền và QL17 đoạn cống Kem, thị trấn Nham Biền đi xã Tiền Phong với tổng kinh phí 496 tỷ đồng đã được khởi công trong tháng 4/2022. Trước đó, giữa tháng 3, huyện tổ chức khởi công tuyến đường nối ĐT299 với ĐT293 đoạn qua Trạm y tế Tân Dân (cũ) chiều dài 1,7 km, kinh phí gần 52,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án đường ĐH8 đoạn từ xã Đức Giang sang xã Trí Yên dài 5,9 km (trong đó bao gồm 1 cầu vượt sông), tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng và đường ĐH5b kéo dài, đoạn từ xã Tiến Dũng sang Lãng Sơn – Quỳnh Sơn – Tân An dài 9,7 km (gồm 1 cầu vượt sông), tổng mức đầu tư 980 tỷ đồng đã được phê duyệt và sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Đây chính là những sự chuẩn bị chu đáo nhằm thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.