Y-éc-xanh là ai?
Viết đúng, phát âm chính xác tên của một người là thể hiện sự tôn trọng, phép lịch sự trong giao tiếp. Đối với tên riêng nước ngoài, điều này thật sự càng có ý nghĩa. Có nhiều câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc gọi đúng tên, đúng người.
Theo Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm (How to win friends & influence people), một trong 30 nguyên tắc dẫn đến thành công là “Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ”. Ông đã dẫn chứng trong lịch sử thế giới, nhiều người thành công vì biết rằng “mỗi cái tên dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người ấy”.
Để khuyến khích sinh viên viết đúng tên riêng nước ngoài, cố Giáo sư Cao Xuân Hạo hay kể câu chuyện một chuyên gia ngôn ngữ học người nước ngoài thường yêu cầu mọi người hãy viết chính xác tên của ông. Ông có thể bỏ qua nếu tên bị đọc sai đôi chút nhưng không thể chấp nhận viết sai.
Nguyên tắc đơn giản nhưng quan trọng này dường như bị xem thường trong cách giáo dục của chúng ta. Lâu nay, từ sách giáo khoa (SGK) đến một số văn bản khác vẫn dùng lối phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt theo kiểu chữ viết một đằng, phiên âm một nẻo. Điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta chẳng những đọc sai mà còn khó viết đúng tên riêng, địa danh tiếng nước ngoài.
Trong SGK hiện hành có vô số những trường hợp phiên âm và từ nguyên bản khó khớp nhau, thậm chí phần phiên âm sai so với nguyên bản. Có những trường hợp, nhiều khi để nguyên bản còn dễ đọc hơn cả phiên âm.
Trong sách tiếng Việt lớp 3, tập 2 hiện hành có những từ phiên âm khiến chúng ta vừa buồn cười vừa lo ngại cho con cái. Vì nếu quen đọc theo kiểu này, về sau nếu tiếp xúc từ nguyên bản làm thế nào học sinh có thể đọc đúng? Chẳng hạn tên bác sĩ Yersin được phiên âm thành Y-éc-xanh, tay đua xe đạp nổi tiếng thế giới Armstrong đọc là Am-xtơ-rông… Tên nhà bác học Edison chắc hẳn không khó để những người làm SGK phiên âm thành Ê-đi-xơn? Những người tên tuổi đã vậy, với những cái tên bình thường như Cô-rét-ti, Xtác-đi, Nen-li… người đọc đành “bó tay” nếu muốn biết từ nước ngoài. Buồn cười nhất là trong thời đại này mà vẫn phiên âm in-tơ-net cho từ internet! Chắc hẳn không ít người đã từng bối rối khi muốn biết từ tiếng Anh của các thành phố trong SGK môn địa lý như thành phố Lốt An-giơ-let, Côn-ca-ta, Xơ-un, Tê-hê-ran, Niu Đê-li, Gia-các-ta…
Cách phiên âm này có thể phù hợp trong một giai đoạn, khi nước ta chưa có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, trình độ dân trí còn thấp, mức độ hội nhập chưa cao… Ngày nay, tình hình đã khác. Theo chương trình giáo dục hiện hành, trẻ lớp 3 đã bắt đầu học ngoại ngữ. Chưa kể ở các thành phố lớn, trẻ đã tiếp xúc với ngoại ngữ (tiếng Anh) từ mẫu giáo, lớp 1 nên rất khập khiễng khi chúng ta vẫn dùng lối phiên âm theo kiểu mấy chục năm trước. Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi nhưng nhiều điều trong nền giáo dục của ta rất cũ, đứng im từ bao nhiêu năm qua. Khi đối tượng học sinh ngày nay đã tiếp xúc ngoại ngữ từ rất sớm, tiếp cận internet từng phút mà chúng ta vẫn dùng cách phiên âm từ nước ngoài theo kiểu đã tồn tại hàng mấy thập niên thì sẽ không tránh khỏi những bất cập. Chính vì thế dù SGK dạy vậy nhưng khi phải vận dụng trong thực tế, những người hiểu biết đều không theo cách phiên âm đã được dạy. Và nhiều văn bản chính thống khác vẫn không chuộng cách phiên âm của sách SGK.
Cần phải thay đổi. Theo cách nào đó thì những người quản lý giáo dục và nhà ngôn ngữ học nước nhà phải tính, nhưng chắc chắn người học ngày nay không thể chấp nhận những điều đã quá lạc hậu so với cuộc sống.
Thùy Ngân