Ý thức đạo đức phản ánh lĩnh vực nào của đời sống xã hội :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Trong những năm gần đây, vấn đề đạo đức với tư cách là đối tượng nghiên cứu của đạo đức học đã được bàn đến trên nhiều công trình bài viết chuyên khảo cúng như từ nhiều chuyên ngành liên quan. Mặc dù vậy không ít các vấn đề lý luận của đạo đức, trong đó có những vấn đề hết sức cơ bản vẫn tồn đọng và chưa được quan tâm giải quyết. Một trong những vấn đề như vậy là việc xác định cơ sở tồn tại của đạo đức – làm rõ yếu tố quy định bản chất đặc thù của đạo đức với tư cách một hình thái ý thức xã hội.

Như ta biết, nghiên cứu đạo đức ở bất cứ phương diện nào đều phải trả lời câu hỏi: cái gì quy định nội dung cơ bản của đạo đức, hay nói khác đi với tư cách một hình thái ý thức, đạo đức phản ánh lĩnh vực nào của tồn tại xã hội? Giải đáp vấn đề này không chỉ liên quan đến việc làm rõ nguồn gốc bản chất của đạo đức, lý thuyết về qúa trình phát sinh, phát triển của đạo đức mà đây là cơ sở để xác đinh những nội dung và phương hướng thích hợp trong xây dựng và giáo dục đạo đức hiện thực.

Trong quá trình khảo sát đạo đức, quan điểm phổ biến được vận dụng để lý giải vấn đề này là gắn liền sự hình thành và phát triển của đạo đức với tính chế định của các điều kiện lịch sử , xã hội, các quan hệ kinh tế. Quan điểm này thường được nêu lên như sau: “Muốn tìm một hiện tượng đạo đức không thể dừng lại ở chỗ giải thích nội dung khái niệm của nó mà phải đi sâu tìm hiểu nguồn gốc xã hội, đặc điểm kinh tế, cơ sở giai cấp, nghĩa là tìm hiểu tồn tại xã hội đã đẻ ra hiện tượng đạo đức ấy” (l) hoặc “khi nói đạo đức mới xuất hiện cùng với sự xuất hiện của phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất XHCN thì cũng có nghĩa là phương hướng nghiên cứu những vấn đề đạo đức của xã hội nói chung cũng như những vấn đề đạo đức của thời kỳ quá độ nói riêng là phải tìm trong nền tảng kinh tế xã hội” (2). Có thể nói việc xác đinh phương hướng nghiên cứu đạo đức xuất phát từ các điều kiện lịch sử xã hội, đặc biệt là từ các quan hệ kinh tế là một hướng nghiên cứu đúng đắn. Đó cũng là sự thể hiện cụ thể quan niệm duy vật về lịch sử trong nghiên cứu đạo đức và cho phép lý giải các vấn đề của đạo đức ở khía cạnh bản chất nhất. Sẽ không thể làm rõ các vần đề cơ bản của đạo đức nếu tách rời các quan hệ kinh tế đó của nó. Hơn nữa khi nghiên cứu đạo đức từ các quan hệ kinh tế chủng ta đều biết rằng việc nêu lên quan điểm trên cũng không phải là sự xác đinh tùy tiện, chúng có tiền đề lý luận trực tiếp từ một luận điểm quan trọng của Engen. Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, khi phê phán những nguyên tắc đạo đức vĩnh cửu, tồn tại bên ngoài loài người và giai cấp của Đuyrinh, Engen viết:

“… Con người ta, dù tự giác hay không tự giác rốt cuộc đều rút những quan niệm đạo đức của mình ra từ những quan hệ thực tiễn đang làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình, tức là từ những quan hệ kinh tế trong đó người ta sản xuất và trao đổi”. (3) Engen nhấn mạnh: “ Chúng ta khẳng định rằng chung quy lại thì mọi thuyết đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ…” (4). Điều đó chi có nghĩa khảo sát đạo đức dưới tác động của các quan hệ kinh tế là một hướng tiếp cận cơ bản và hết sức quan trọng trong nghiên cứu đạo đức.

Nhưng như chúng ta biết, đạo đức nếu chỉ được khảo sát từ các quan hệ kinh tế thị trường không thể xác định đầy đủ được. Nói khác đi phải chăng bản thân các quan hệ kinh tế trực tiếp quy định nội dung và đặc trưng riêng biệt của đạo đức?Nếu đúng là các quan hệ kinh tế là cơ sở duy nhất để nghiên cứu đạo đức thì sẽ có ba vấn đề sau đây không thể giải đáp được.

Thứ nhất, với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, không chỉ đạo đức, mà tất cả các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, pháp luật… đều chịu sự quy định của các quan hệ kinh tế. Các quan hệ kinh tế quy định tất cả các hình thái ý thức xã hội chứ không riêng đạo đức, do đó sẽ không thể giải thích được đặc trưng riêngbiệt của đạo đức – một trong những hình thái của nó.

Thứ hai, khi nêu lên luận điểm này ngay Engen cũng không đặt tính quy địnhcủa các quan hệ kinh tế đối với đạo đức như một nguyên nhân trực tiếp, duy nhất mà chỉ xét nó trong nghĩa “rốt cuộc”, “xét đến cùng”.

Thứ ba, lý thuyết về các hình thái ý thức xã hội chỉ ra rằng, nếu ý thức xã hội là một hệ thống các yếu tố khác nhau về chất thì nguyên nhân của tính đa dạng của các hình thái ý thức là do tính đa dạng của đối tượng mà ý thức nó phản ánh. Điều đó có nghĩa, mỗi hình thái ý thức ngoài tính chế định chung của tồn tại đều có một đối tượng riêng biệt của mình và đặc trưng riêng biệt của mỗi hình thái ý thức được quy đinh bởi đặc trưng riêng biệt của đối tượng mà nó phản ánh. Như vậy nghiên cứu đạo đức nếu chỉ xuất phát từ các quan hệ kinh tế sẽ không thể làm sáng tỏ bản chất và đặc trưng của chúng. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây chính là phải làm rõ đối tượng mà đạo đức phản ánh, nghĩa là làm rỡ “tồn tại riêng biệt”, cái trực tiếp quy định đặc trưng riêng biệt của đạo đức, chứ không phải chỉ xác định một tồn tại nói chung. Chính từ những tiền đề đặt ra nêu trên chúng tôi cho rằng làm rõ các vấn đề của đạo đức, không thể chỉ xuất phát từ những điều kiện và tác động chung mà còn phải chỉ ra những nguyên nhân và những tác động riêng, đặc biệt là cần chỉ ra và xác định đúng đối tượng riêng biệt, trực tiếp của đạo đức.

Cần nói rằng vấn đề tồn tại riêng biệt của đạo đức cũng không phải là vấn đề mới. Từ lâu, gắn liền với việc khảo sát đặc trưng riêng biệt của đạo đức, nó đã được nhiều nhà nghiên cứu mácxít cũng như giới nghiên cứu ngoài mácxít quan tâm. Các nhà triết học thời khai sáng ở phương Tây đã bàn rất nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên trong giới nghiên cứu mácxít tính cấp bách của vấn đề chỉ thực là sự nổi lên khi thực tiễn xây dựng CNXH đặt ra những tình huống mà trong đóviệc lý giải các vấn đề đạo đức từ một nền tảng kinh tế nói chung đã không thể giải đáp. Nguyên nhân cơ bản của tình huống này gắn liền với sự suy thoái và đổ vỡ của ýthức đạo đức xã hội trong quá trình xây dựng nền sản xuất công hữu.

Như ta đã biết, khi nói ý thức đạo đức là sự phản ánh của các quan hệ kinh tế thì nguyên tắc ý thức đạo đức XHCN phải được hình thành và phát triển cùng với qúa trinh hình thành và phát triển các quan hệ kinh tế XHCN, nghĩa là qú trình xác lập chế độ cống hữu về tư liệu sản xuất. Nhưng trên thực tế không chỉ ở những nước có điều kiệnvà hoàn cảnh đặc thù với nhiều biến động phức tạp trong quá trinh đi lên CNXH như nước ta mà ngay ở những nước có điều kiện thuận lợi hơn nguyên tắc ấy vẫn không diễn ra trong hiện thực. Việc xây dựng ý thức đạo đức mới không những không dễ dàng thực hiện ngay những kết quả ban đầu đạt được của nó cũng liên tục bị sói mòn và biến dạng dữ dội từ dưới nhiều hình thức. Khảo sát thực tế qúa trình xây dựng ýthức đạo đức mới ở Liên Xô. Trước đây nhà đạo đức học Xô viết P.R.Apecian đã chỉ ra một nghịch lý sâu sắc sau: “Nếu các quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu công cộng về tư hậu sản xuất mà chúng ta xây dựng trong hơn 70 năm qua là quan hệ sản xuất XHCN thì các quan hệ đó đã không tạo ra trong xã hội một cuộc sống tinh thần đạo đức tương ứng, nghĩa là không tạo ra cơ sở để hình thành những quan hệ đạo đức nhân đạo và tốt đẹp giữa người và người”(5). Thậm chí nghiên cứu trạng thái ýthức đạo đức của con người trong các tập thể lao động trong những năm gần đây các tác giả N.N. Crutov và O N.Crutova còn cho thấy một thực tế: ở đâu tính chất công hữu trong các quan hệ sản xuất càng cao thì ở đó tính chất XHCN trong các quan hệ đạo đức của con người càng thấp. Đó là thái độ thờ ơ đối với công việc, sự ghẻ lạnh trong quan hệ giữa người này với người khác, với tập thể…” (6).

Vì sao giữa các quan hệ kinh tế và ý thức đạo đức của con người trong CNXH lại xuất hiện nghịch lý trên? Vì sao từ địa vị của người làm thuê bước lên vi trí của người làm chủ, con người không “khẳng định mình mà lại phủ định mình”? Thực tế cho thấy vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác từngnảy sinh trong quá trình xây dựng CNXH trước đây sẽ không được lý giải sáng tỏ nếu không bàn đến một yếu tố then chốt trong cơ chế tác động của các quan hệxã hội.

Nói đúng hơn chính thông qua việc lý giải các mâu thuẫn gay gắt đang diễn ra trong quá trình xây dựng xã hội mới đã cho phép làm sáng tỏ một vấn đề màtheo Engen đó cũng là một chân lý giản dị và sáng tỏ nhưng vốn bị “một đống tư tưởng che kín mất” vấn đề các lợi ích và việc thỏa mãn các lợi ích của con người. Trên bình diện đạo đức việc lý giải vấn đề cũng không nằm ngoài thực tế đó. Nói khác đi chính từ việc khảo sát các mâu thuẫn xã hội hiện thực người ta dần dần nhận ra rằng: cái trực tiếp quy định bản chấtvà đặc trưng riêng biệt của đạo đức không phải là các quan hệ kinh tế nói chung mà là những quan hệ xác định. Những quan hệ này mặc dù không nằm ngoài mối liên hệ với các quan hệ kinh tế, song chúng có vị trí và cơ chế tác động độc lập và không đồng nhất với các quan hệ kinh tế, đó là lợi ích. Trong nền sản xuất dựa trên chế độ công hữu chính do không thực hiện đúng đắn và đầy đủ các quan hệ lợi ích cho nên đã không tránh khỏi tiêu cực dẫn đến sự xói mòn và suy thoái của ý thức đạo đức xã hội.

Qủa là nghiên cứu đạo đức không thể không bàn đến yếu tố lợi ích, điều mà Engen khi dẫn lại lời của các nhà khai sáng Pháp đã viết: “Lợi ích hiểu một cách đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức”. Về nguyên tắc đạo đức bao giờ cũng là hình thức phản ánh của các quan hệ kinh tế và chịu sự quy định của các quan hệ kinh tế, hay nói đúng hơn đó là sự quy đinh của các điều lịch sử xã hội và của các quy luật của sự phát triển xã hội. Nhưng tính quy đinh của các điều kiện và các quy luật của sự phát triển xã hội không tác động đến đạo đức một cách trực tiếp mà chỉ biểu hiện và bộc lộ thông qua các mắt khâu trung gian. Có nghĩa sự tác động nêu trên chỉ được thực hiện chừng nào các mắt khâu trung gian được phát huy và sử dụng, ngược lại thiếu sự chuyển tiếp của các mắt khâu trung gian, sự tác động trên sẽ không còn ý nghĩa. Khảo sát đạo đức dưới tác động của các lợi ích chính là nhằm làm rõ vai trò của các tác động trực tiếp ấy. Hơn nữa khảo sát các tác động xã hội dẫn đến sự hình thành đạo đức thông qua các mắt khâu trung gian cán thấy rằng, tính quy định của các điều kiện và các quan hệ kinh tế đốt với lợi ích không phải là mối liên hệ một chiều, đơn trị. Nói khác đi không phải trong hệ thống quan hệ kinh tế nào cũng đều sinh ra những lợi ích tương ứng với nó và do vậy làm xuất hiện những ý thức đạo đức phù hợp. Do tác động của nhiều yếu tố xã hội khác nhau, mối liên hệ trên luôn là một biến thể phức tạp. Nó có thể là sự thể hiện chân thực và đầy đủ nội dung của các quan hệ kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là những phản ánh phiến diện, hư ảo của các quan hệ trên. Chẳng hạn không thể giản đơn cho rằng, trong nền sản xuất dựa trên chế độ công hữu, conngười bao giờ cũng có thể được quan tâm và thỏa mãn đầy đủ các lợi ích của mình, và ngược lại trong các nền sản xuất dựa trên chế độ tư hữu sự quan tâm ấy sẽ không thể diễn ra. Thật ra ở bất cứ nền sản xuất nào việc thỏa mãn các lợi ích không chỉ đặt ra ở chế độ sở hữu, chế độ kinh tế, đó là những vấn đề của chế độ chính trị, xã hội và việc thực hiện các chế độ ấy… Đặc biệt, một trong những vấn đề trung tâm của mối quan hệ này là việc xác định vị trí của con người trong nền sản xuất xã hội, quyền được hoàn thiện của con người được biểu hiện bằng việc thỏa mãn chính các nhu cầu và lợi ích của họ. Thực tế cho thấy ở bất cứ đâu, một khi vị trí của con người trong xã hội bị coi rẻ, con người bị biến thành phương tiện cho các mục đích khác nhau, dù đó là phương tiện để phát triển xã hội, quyền của con người bị vi phạm, thi dù đó là nền sản xuất dựa trên chế độ công hữu đi nữa, sự quan tâm trên cũng không thể được thực hiện. Bởi vậy để xây dựng và phát triển đạo đức cùng với việc xác lập các quan hệ kinh tế phù hợp, việc thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích của con người luôn là một đòi hỏi có tính nguyên tắc đặt ra trong xây dựng và phát triển của một xã hội.

Như vậy nếu quả là sự hình thành và phát triển của đạo đức luôn gắn liền với các quan hệ lợi ích và “đạo đức có thể chỉ được xác định đầy đủ khi đặt nó trong mối quan hệ với các nhu cầu và lợi ích” (7) thì việc nghiên cứu đạo đức từ các lợi ích là một hướng tiếp cận đáng lưu ý, đồng thời đó cũng là một vấn đề lý luận có ýnghĩa thực tiễn cấp bách. Nghiên cứu đạo đức từ các lợi ích chính là cho phép làm sáng tỏ các vấn đề then chốt đang đặt ra trong nghiên cứu đạo đức học hiện nay: vấn đề về cơ sở phản ánh, về chức năng và ý nghĩa lịch sử của sự tồn tại của đạo đức. Đặc biệt, một trong những vấn đề có nghĩa phương pháp luận quan trọng trong hướng tiếp cận trên là làm rõ dây chuyền tác động xã hội dần đến sự hình thành và phát triển của đạo đức trong cuộc sống hiện thực. Trước đây khi nghiên cứu đạo đức từ các quan hệ kinh tế không phải chúng ta không nhìn thấy vai trò của các quan hệ kinh tế trong ý nghĩa “xét đến cùng” của nó. Nhưng để làm rõ dây chuyền tác động xã hội bằng việc xác định và chỉ ra các yếu tố trung gian, trực tiếp trong chính dây chuyền ấy, chúng ta thường chỉ mới quan tâm đến các tác động cùng lớp: các yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúcnhư chính trị, pháp luật, nghệ thuật, tôn giáo… Đương nhiên nghiên cứu đạo đức không thể không bàn đến vai trò tác động của các yếu tố trong cùng thượng tầng kiến trúc cũng như các tác động xã hội khác đối với đạo đức và các mối quan hệ đan xen giữa chúng. Với tư cách là một hình thái ýthức, đạo đức không là kết quả riêng biệt của bất kỳ một tác động nào. Tính phức tạp và thống nhất của hiện tượng cũng như biện chứng của sự phát triển của nó luôn đặt ra và gắn liền với chính các tác động đa tầng và đa hướng đó. Nhưng vấn đề đặt ra là: vậy thì phải chăng trong sự hình thành và phát triển của đạo đức, các yếu tố và đã tác động xã hội khác nhau đều mang vai trò và ý nghĩa như nhau? Về thực chất chúng bao gồm những yếu tố nào? Về vấn đề này theo chúng tôi sự nhận định của các tác giả Xô viết trong công trình “Đạo đức học macxit” là tương đối hợp lý (8).

Sự hình thành và phát triển của đạo đức trong công trình này được xác định gắn liền với các yếu tố sau:

Một, hướng vận động của các lợi ích hiện có trong xã hội.

Hai, hệ thống các giá trị đạo đức đang tác động

Ba, sự thay đổi các tình huống của sự lựa chọn đạo đức (chẳng hạn sự thay đổi các chuẩn mực trong cách mạng khoa học kỹ thuật).

Bốn, sự tác động của các phương tiện điều chỉnh xã hội khác (quy định của pháp luật, các thiết chế hành chính…).

Năm, điều kiện giao tiếp, dư luận xã hội, kinh nghiệm đạo đức cá nhân;

Sáu, trạng thái tâm lý xã hội.

Bảy, sự tác động của các yếu tố trong lĩnh vực văn hóa tinh thần: khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…

Và xét đến cùng đó là tự quy định của các điều kiện kinh tế, xã hội.

Trong hệ thống các yếu tố kể trên. Sự tác động của các lợi ích được coi là một trong những yếu tố có vai trò trực tiếp và gần gũi nhất trong việc tạo ra các định hướng đạo đức ở con người.

Có thể nói, việc làm rõ các tác động đa dạng trong xã hội đối với sự hình thành đạo đức và xác định vai trò riêng biệt của mỗi tác động đó là đòi hỏi không thể thiếu trong xây dựng đạo đức hiện nay.

(1) C.Mác, F.Engen, V.I Lênin. Bàn về đạo đức. UB khoa học xã hội Việt Nam- Viện triết học, Hà Nội, 1972, tr.24.

(1) C.Mác, F.Engen, V.I Lênin. Bàn về đạo đức. UB khoa học xã hội Việt- Viện triết học, Hà Nội, 1972, tr.24.

(2) Mấy vấn đề đạo đức và thầm mỹ trong thời kỳ quá độ. Viện triết học Hà Nội, 1983, tr. 21.

(3) C.Mác, F.Engen, Tuyển tập gồm 6 tập. Tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr. 135.

(4) F.Engen Chống Đuyrinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr. 162.

(6) P.R.Apecian. Đạo đức và chức năng xã hội cơ bản của nó. Nxb khoa học. Mockva 1988, tr. 64.

(6) Xem N.N. Crutov, O.N. Crutova. Con người giữa những con người. Nxb Kiến thức. Mockva, 1989.

(7) Đạo đức: ý thức và hành vi, Nxb Khoa học Mockva 1986, tr.11.

(8) Đạo đức học macxit, Nxb Chính trị, M, 1986, tr. 34.

(8) Đạo đức học macxit, Nxb Chính trị, M, 1986, tr. 34.