Ý nghĩa tranh Đám cưới chuột, dân gian đông hồ từ nghệ nhân.

Chuột Thổi kèn Tàu.

Chuột làm chú rể.

Cô dâu ngồi kiệu thẹn thò ghê.

(Trích bài thơ “Tranh Tết”, Vũ Quần Phương)

Không phải bỗng nhiên cứ nhắc đến Đông Hồ, người ta lại nhớ ngay đến bức tranh Đám cưới chuột, hình dung ra cái tưng bừng rộn rã, cái hóm hỉnh vui tươi. Cái hớn hở của lũ chuột trong tranh như mang hương xuân, sắc tết đến từng nhà.

Bỏ qua ngữ nghĩa luận giải của các nhà nghiên cứu hiện đại khi cho rằng đây là bức tranh mang tính đả kích, châm biếm, phê phán thói đời thì ý nghĩa thâm thúy của tranh dân gian chứa đựng trong đó là một câu chuyện rất tết.

Đó là câu chuyện về sự no đủ, về sự đầm ấm hạnh phúc. Con mèo no đủ với cống lễ, thậm chí là cống lễ hiến sinh chính thân chuột. Còn đám cưới tưng bừng phía dưới lại cho thấy sự hạnh phúc tràn trề. Một sự gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ; về cái lẽ thường hằng của nhân sinh. Ở đó cũng thể hiện ra hàm nghĩa về sự cộng sinh hòa bình giữa muôn loài. Điều mà nếu chỉ nhìn tranh trên góc độ châm biếm kể trên ta sẽ không bao giờ nhận thấy.

Tương tự như vậy, nếu Đám cưới chuột là một bức tranh châm biếm thì vào thời khắc quan trọng nhất của một năm, khởi đầu cho vạn sự, người Việt sẽ không quá ưa chuộng để đề cao.

Họ ngưỡng vọng những giá trị khác mà con giáp này đem lại. Ngoài tinh thần phản ánh sự no đủ, hạnh phúc, thì Đám cưới chuột cũng như các bức tranh chuột khác luôn nhấn mạnh đến biểu tượng đông con nhiều cháu từ đặc tính của loài sinh đàn đẻ lũ này. Và, Đám cưới cũng là thời khắc khởi đầu cho câu chuyện nối dõi tông đường – ước vọng của dân gian.

Cha ông ta có câu: Đồng thanh tương ứng, đông khí tương cầu. Bởi vậy, hẳn nhiên một không khí mới, một ước vọng mới, một nhịp điệu hài hòa mới sẽ tràn ngập không gian gia đình khi trên tường nhà có treo bức tranh dân gian ý vị này!