Ý nghĩa những phong tục và kiêng kỵ ngày Tết của người dân miền Tây

Những phong tục, kiêng kỵ của Tết miền Tây

Tết Nguyên Đán là ngày lễ cổ truyền của Việt Nam. Tết được gắn liền với những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Điển hình là những phong tục và kiêng kỵ trong ngày Tết được ông bà xưa truyền lại từ đời này đến đời khác. Cho đến nay, con cháu đời sau vẫn làm theo những phong tục đó. 

Nói riêng về miền Tây Nam Bộ, vùng đất này cũng có những tục lệ ăn Tết vừa mang đậm văn hóa truyền thống chung của Việt Nam, vừa có những màu sắc riêng, không lẫn vào đâu được của vùng đồng bằng sông nước.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Tết của cư dân miền Tây được hình thành từ những nguyên liệu của thiên nhiên, đời sống, con người miền Tây. Chính những chất liệu đó làm cho Tết miền Tây rất mộc mạc, chân chất, giản dị và đa dạng.

Nếu ở miền Bắc, đóa hoa đào hồng tươi, đỏ thắm e ấp trong cái lạnh của những ngày cuối đông là báo hiệu Tết sắp đến. Thì sắc màu không thể thiếu trong mỗi dịp Tết ở miền Nam, đặc biệt là Tết miền Tây chính là màu vàng tươi rực rỡ của những đóa hoa mai. 

Ý nghĩa những phong tục và kiêng kỵ ngày Tết của người dân miền Tây - 1

Người miền Tây thường lặt lá mai những ngày cận Tết để mai trổ hoa đúng ngày mùng 1. (Ảnh: Internet)

Hằng năm, cứ vào khoảng ngày 15 -16 âm lịch, mọi người trong gia đình lại cùng nhau đi lặt lá mai, để cây mai trổ hoa kịp Tết. Mà phải canh làm sao cho cây mai nhà mình trổ hoa đúng vào ngày mùng 1 Tết thì mới đem lại sự may mắn cho gia chủ.

Mai vàng tượng trưng cho tài lộc, may mắn và sự thịnh vượng, tốt lành. Nên người dân miền Tây có kiêng kỵ không để cho người khác chặt hoặc xin cành, nhánh của cây mai nhà mình. Vì làm như vậy gia đình sẽ bị mất lộc, mất may mắn trong năm.

Ý nghĩa những phong tục và kiêng kỵ ngày Tết của người dân miền Tây - 2

Nhiều gia đình miền Tây cùng ăn chay vào những ngày đầu năm để cầu bình an. (Ảnh: Internet)

Khu vực Tây Nam Bộ có nhiều chùa chiền, nên có khá nhiều người theo đạo Phật. Vì lẽ đó, vào ngày mùng 1 Tết có nhiều gia đình ăn chay, cầu cho 1 năm mới bình yên, khỏe mạnh. Ẩm thực chay vào ngày Tết của dân miền Tây phong phú, đa dạng lắm! Nào là canh kiểm, bì cuốn chay, mít kho, hủ tiếu xào… tất cả đều thơm ngon, dinh dưỡng để cả nhà cùng ăn Tết.

Tây Nam Bộ là vùng đất nông nghiệp, cư dân nơi này sống dựa vào mảnh đất, con sông. Vì mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước, người dân nơi đây rất cẩn thận đối với đất và nước, 2 yếu tố liên quan trực tiếp đến cây lúa.

Từ đó, giếng nước hay những nơi chứa nước được xem là gắn với long mạch trong ngôi nhà của mình. Cứ vào chiều 30, các gia đình sẽ đổ nước đầy lu, đầy khạp với ngụ ý đầy đủ, sung túc và như câu chúc “tiền vô như nước”.

Có một số nơi còn quy định từ mùng 1 đến hết mùng 3 không được múc nước từ dưới giếng lên vì cho rằng, ngày đầu năm động đến long mạch sẽ không tốt.

Ý nghĩa những phong tục và kiêng kỵ ngày Tết của người dân miền Tây - 3

Người miền Tây quan niệm, 3 ngày Tết quét nhà cũng như quét tài lộc ra khỏi gia đình. (Ảnh: Internet)

Tương tự, đất cát bên ngoài thổi vào trong nhà vào dịp Tết được ví như tài lộc tìm đến. Cho nên trong suốt 3 ngày đầu năm là từ mùng 1 đến mùng 3 không được quét nhà. Bởi vì quét đất cát cũng giống như quét tiền bạc và may mắn của mình ra ngoài.

Ngoài ra, còn những kiêng kỵ không liên quan đến đất và nước nhưng vẫn được chú trọng như gói bánh Tét phải gói thật chặt. Nếu không gói chặt, bánh cắt ra bị xì, bị nhão thì sẽ không được may mắn.

Ý nghĩa những phong tục và kiêng kỵ ngày Tết của người dân miền Tây - 4

Bánh tét phải gói thật chặt để khi cắt bánh được tròn, đều và đẹp thì mới may mắn. (Ảnh: Internet)

Dưa hấu trưng Tết cũng phải lựa chọn thật kỹ. Dưa tốt là khi cắt ra, bên trong phải mịn, đỏ, ngọt và đặc biệt là phải có nhiều hạt. Người miền Tây tin rằng quả dưa đầu năm như vậy sẽ giúp gia chủ được sung túc, tài lộc dồi dào.

Người miền Tây rất chuộng kinh tế, năm mới ai cũng mong muốn được phát tài phát lộc. Nên phàm những việc ảnh hưởng đến tài lộc, người ta rất sợ và kiêng dè.

Khi đi chúc Tết ở miền Tây, nên mặc quần áo có màu sắc rực rỡ, tươi tắn như đỏ, vàng, xanh… Vì những màu sắc này sẽ mang lại niềm vui, may mắn và tài lộc.

Ngoài màu sắc, người miền Tây còn rất thích những loại hoa có tên gọi tốt lành. Họ thường chuộng trưng các loại hoa như: phát tài, vạn thọ, cát tường… trong dịp Tết để phản ánh ước vọng sung túc.

Ý nghĩa những phong tục và kiêng kỵ ngày Tết của người dân miền Tây - 5

Người miền Tây đi chúc Tết thường mặc quần áo có màu sắc rực rỡ nhằm đem lại cảm giác vui tươi và thu hút may mắn. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, qua mỗi giai đoạn theo năm tháng, có những điều kiêng kỵ đã được giản lược đi hoặc điều chỉnh sao cho ngày Tết tiện lợi và phù hợp với nhịp sống đương thời.

Ví dụ như tục không quét nhà, giờ đây chỉ cần kiêng ngày mùng 1 để mang tính tượng trưng là được. Những ngày sau vẫn quét bình thường để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và sức khỏe cho gia đình.

Ở từng làng quê, ở từng mảnh đất khác nhau, cư dân miền Tây sáng tạo ra cách ăn Tết riêng của họ, làm cho bức tranh văn hóa Tết miền Tây trở nên phong phú và đa dạng. Từ đó cho thấy được sự thông minh và sáng tạo trong văn hóa nói chung và văn hóa Tết nói riêng của người dân.