Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết trung thu

Nguồn gốc của mâm ngũ quả


Mâm ngũ quả đã có từ rất lâu đời, tuy nhiên không phải ai cũng biết nguồn gốc của mâm quả đặc biệt này. Thực ra, mâm ngũ quả ra đời là dựa theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi năm yếu tố là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Một mâm có năm loại quả là tượng trưng cho sự đủ đầy, yên ấm.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, số năm của mâm ngũ quả là con số chỉ sự trung tâm, là con số của sự sống. “Quả” được cho là biểu tượng của sự sung túc, là biểu thị của tín ngưỡng phồn thực, tượng trưng cho ý nguyện sinh sôi nảy nở và duy trì nòi giống. Chính vì vậy mà mâm ngũ quả đã ra đời để thể hiện ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt Nam ta.

Ý nghĩa mâm ngũ quả trong ngày tết trung thu


Mang ý nghĩa chung là thế nhưng mâm ngũ quả ở từng vùng miền lại không giống nhau và mỗi vùng lại mang một ý nghĩa khác.

Ở miền Bắc


Mâm ngũ quả bao gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Người miền Bắc sẽ đặt nải chuối ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác và chuối thể hiện sự che chở của đất trời cho con người. Tiếp theo, chính giữa nải chuối là quả bưởi và đào, hồng, quýt đặt ở xung quanh. Có thể thay thế bưởi bằng quả phật thủ cũng được. Còn lại những chỗ khuyết thì đặt xen kẽ quýt vàng, táo xanh hoặc ớt đỏ. Ngày nay thì nhiều người thường chọn những loại trái cây có nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên tất cả đều nhằm để cầu tiền tài, sung túc và ấm no.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc

Mâm ngũ quả của người miền Bắc

Ở miền Trung


Mâm ngũ quả của người miền Trung thì thường không quá cầu kì, có gì cúng nấy vì đặc điểm của mảnh đất miền Trung là thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi và còn ít hoa trái, thường có nhiều nhất là: đu đủ, xoài, mãng cầu, sung, chuối… Cách sắp xếp mâm ngũ quả cũng tùy thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người và thành kính dâng lên tổ tiên để cầu được bình an, may mắn trong cuộc sống.

Ở miền Nam


Người miền Nam rất coi trọng phong tục thờ cúng và mâm ngũ quả vì thế cũng được chuẩn bị khá cầu kì. Trên mâm ngũ quả của người dân miền này thường có đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài, sung, được hiểu là “Cầu sung vừa đủ xài”. Đặc biệt, mâm ngũ quả phải có chân đế là 3 trái dứa thể hiện sự vững vàng và một cặp dưa hấu tượng trưng cho lòng trung nghĩa của người phương Nam.
Mặc dù ở mỗi vùng miền lại có sự khác nhau về các loại quả và cách sắp xếp mâm ngũ quả ngày tết trung thu nhưng hàng trăm năm nay, mâm ngũ quả đã trở thành một nét đặc trưng trong phong tục của người Việt Nam. Mâm ngũ quả là cách để người Việt thể hiện tấm lòng, sự tôn kính của mình đối với tổ tiên và cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình và dòng họ mình.