Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết theo mỗi vùng miền | Phong Tục Ngày Tết
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết theo mỗi vùng miền? Tết Nguyên Đán, bất cứ gia đình người Việt nào cũng phải có một mâm ngũ quả ngày tết dâng lên ông bà tổ tiên với ước nguyện của gia chủ về mới phúc lộc đầy nhà.
Nội Dung Chính
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết theo mỗi vùng miền
Mặc dù là nét văn hóa, truyền thông của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay nhưng mâm ngũ quả lại mang đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng ở mỗi vùng miền.
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường rất bắt mắt với 5 màu đặc trưng
Các loại quả thường được trọng dụng như: chuối xanh, bưởi, cam, quýt, hồng, ớt, roi,…. Đều là những thứ quả đặc trưng với khí hậu của miền Bắc.
Quả phật thủ – bàn tay phật nhằm bảo vệ gia đình, hoặc bưởi: mong muốn an khang thịnh vượng; màu vàng ứng với Kim
Quả chuối: tượng trưng con cháu sum vầy, quây quần đầm ấm, màu xanh ứng với Mộc
Quả sung hoặc quả mây: tượng trưng cho sự sung túc, no ấm, màu xám ứng với Thổ
Quả quất, quả hồng: biểu trưng cho sự may mắn, màu đỏ ứng với Hỏa
Quả lê hoặc dưa lê: tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến, màu trắng ứng với Thủy
Ngoài ra, có thể chưng thêm các loại quả khác như ớt, hồng xiêm, đu đủ… để mâm ngũ quả thêm sinh động và đẹp mắt.
Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chin vàng nổi bật.
Những quả chín đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng, hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Trung
Nơi khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, lại thêm thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm.
Mâm ngũ quả ở miền Trung thường không quá cầu kỳ
Người dân quê không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Rất phong phú!
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam
Mâm ngũ quả của miền Nam tuy không được bày, bố trí theo quan niệm ngũ hành nhưng cũng có những kiêng kị nhất định. Miền Nam tuyệt đối không chọn chuối để bày vì nó phát âm khá giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó và không may mắn, quýt cũng là loại quả cấm kị vì có câu “quýt làm cam chịu” hay lê, táo được coi là “lê lết, đổ bể, làm ăn thất bại”.
Mâm ngũ quả ở miền Nam có ý nghĩa “Cầu – Sung – Vừa – Đủ – Xài”
Ở miền Nam bạn sẽ thường thấy các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dừa, thơm,… đọc lai lái giống như “Cầu – Sung – Vừa – Đủ – Xài”.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết theo mỗi vùng miền
Với người miền Nam, mâm ngũ quả thể hiện rõ nét tính bình dị dân giã và sự thông minh hóm hỉnh. Họ mong muốn nhiều thứ, song chỉ cầu vừa đủ; mà mỗi người khác nhau, sao biết thế nào là đủ, dù nhiều bao nhiêu, cũng chỉ “đủ” mà thôi. Đó là sự khiêm tốn nhã nhặn, song rất thông minh, sáng tạo trong cách thể hiện.
Do ngày càng đa dạng của loại trái cây cũng như điều kiện kinh tế phát triển nên người ta không còn quá cứng nhắc phải đúng 5 quả trên mâm có thể bát, cửu, thập quả đều được nhưng phải được bố trí đẹp mắt.
Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.