Ý nghĩa lì xì ngày Tết và những giá trị tốt đẹp cần gìn giữ
Phong tục lì xì ngày Tết rất phổ biến ở những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,… Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
Lì xì Tết là nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa và xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền: Có một gia đình nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy. Từ đó lì xì được coi như “lá bùa” trừ tà ma, yêu quái trong đêm giao thừa.
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh và hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Ý nghĩa phong tục lì xì ngày Tết
Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
Lì xì đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới. Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết.
Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết. Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau.
Khi con cháu họ hàng cũng như con cháu bạn bè, nếu còn nhỏ tuổi, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, nhiều ít tùy tình tuỳ cảnh. Ngược lại, khách cũng mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.
Tiền mừng tuổi thường cho số lẻ, ngụ ý tiền đó sẽ dư mãi ra. Có thể mừng tuổi bằng tiền hoặc bằng quà, nhưng phải chú trọng đến mặt hình thức, vì ngày Tết ai cũng thích đẹp. Người già khăn áo chỉnh tề ngồi trang trọng trên giường, trên ghế để con cháu đến mừng thọ. Ngược lại, con cháu cũng nhận được ở người trên những lời khuyên ân cần trong cuộc sống.
Lì xì đặt trong phong bao màu đỏ
Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động.
Hiện nay bao lì xì cũng không chỉ còn là màu đỏ hay vàng truyền thống mà còn có thêm nhiều mẫu mã phù hợp với sở thích của mỗi người.
Quan niệm khác nhau về lì xì giữa các quốc gia châu Á
Tại Singapore, lì xì không chỉ là những đồng tiền mới có mệnh giá từ 2-20 Đô Sing, mà có thể chứa cả voucher, coupon, vé xe tháng, tem, ngân phiếu, tiền xu hay một vé du lịch, phiếu ăn nhà hàng. Điều này thể hiện tinh thần hiện đại hòa chung trong không khí truyền thống của ngày Tết trên đất Sing.
Trong khi mọi nơi đều ưa chuộng phong bao đỏ thì riêng ở Nhật Bản người ta lại dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh, trên đó còn ghi tên của người nhận.
Những người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa của lì xì ngày Tết
Qua thời gian, tục lệ lì xì đã phần nào mất đi những nét đẹp vốn có, khiến câu hỏi “lì xì bao nhiêu là đủ?” trở thành những đắn đo chung trong ngày Tết. Ấy vậy mà có thể bạn chưa biết, trong khi người Hoa xa xưa thường dành tặng một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi và có một tên gọi khác là tiền mừng tuổi.
Còn người Việt thường bỏ vào phong bao đỏ những tờ tiền mới màu đỏ hồng như 500 đồng, 10.000 đồng (hai mệnh tiền giấy này ngày trước có màu đỏ)… với ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn và an lành cho con cháu.
Ngày nay, nhiều người lớn đã lợi dụng phong tục lì xì để “hối lộ” biếu xen, điều này đã ảnh hưởng xấu đến một phong tục đẹp và ý nghĩa. Để phong tục lì xì trở lại với ý nghĩa ban đầu vốn có, cha mẹ, người lớn cần phải dạy trẻ cách nhận lì xì sao cho lễ phép, không được so đo nhiều ít, đòi lì xì hay bóc phong bao trước mặt khách mà trân trọng trao lại cho cha mẹ, nhờ cha mẹ cất giữ để mua đồ dùng, sách vở hoặc mua đồ tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Những điều cần tránh khi lì xì ngày Tết
Không nhận lì xì bằng một tay: Khi nhận lì xì dù là người lớn hay nhỏ hơn đều phải nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.
Không vòi thêm lì xì: Cha mẹ cần dặn dò con trẻ, nhất là những đứa trẻ thường hay đòi hỏi không nên đòi thêm lì xì từ ông bà, cha mẹ, điều này là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.
Không mở bao lì xì trước mặt người tặng: việc mở bao lì xì là việc rất riêng tư và khi mở bao lì xì trước mặt người tặng được xem như là hành động bất lịch sự, xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng của người tặng.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.
D.A