Ý nghĩa của 5 loại bánh truyền thống ngày Tết
Cả nước ăn Tết cùng một mùa nhưng mỗi vùng miền lại có những đặc trưng. Ẩm thực ngày Tết cũng vậy, từ miền Bắc vào đến miền Nam, đâu đâu cũng gặp những đặc sản vừa mang dáng dấp quê hương, vừa mang tinh thần dân tộc sâu sắc.
Bánh chưng
Đối với mỗi người dân đất Việt, hẳn không ai không biết bánh chưng với sự tích Lang Liêu đã đi vào tâm thức. Bánh chưng tượng trưng cho sự hòa hợp của đất trời, sự gắn bó của gia đình và tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Thấy bánh chưng là thấy Tết
Mùa xuân của nhiều người con miền Bắc bắt đầu bằng một buổi tối giá lạnh, cả nhà ngồi quây quần gói bánh chưng rồi cả đêm thức trông nồi bánh bên bếp củi. Nguyên liệu làm bánh phải là những nguyên liệu tươi ngon nhất, gạo nếp dẻo, đỗ xanh đãi sạch vỏ, thịt ba chỉ ướp tiêu, thêm ít thảo quả cho dậy mùi. Bánh luộc chín, ép cho kỹ rồi mang lên cúng gia tiên. Miếng bánh mềm, xanh và thơm phức khiến người ta hay nói: “thấy bánh chưng, là thấy Tết”.
Bánh tét
Bánh tét có nguyên liệu và cách chế biến rất giống với bánh chưng. Chỉ có điều bánh chưng hình vuông còn bánh tét hình trụ. Bánh tét là Tết của người phương Nam trong khi bánh chưng là đặc sản của miền Bắc.
Bánh Tết – loại bánh ngày Tết của người miền Nam
Người miền Trung và người miền Nam đi lễ tết hay biếu nhau “mấy đòn bánh tét”. Bánh tét tượng trưng cho sự che chở của tình mẫu tử, là thức quà không thể thiếu trong mỗi gia đình những ngày đầu năm mới.
Bánh in
Bánh in được làm từ đậu xanh, bột nếp, bột năng, thêm chút đường cho ngọt ngào có in chữ phúc, lộc, thọ như một lời gửi gắm thân tình và trân quý. Ngày trước, bánh in được dành cho Vua chúa ở kinh thành xưa. Còn ngày nay, bánh in trở thành món bánh cổ truyền của cố đô Huế.
Bánh in – đặc sản đất cố đô
Người Huế nhẹ nhàng, đến ngay cả món bánh truyền thống cũng thấy nhẹ nhõm. Huế trầm lặng, bánh in cũng lặng lẽ mỗi độ Tết đến xuân về. Nhưng với những người con Huế, không có bánh in thì ngày xuân có lẽ vẫn chưa về.
Bánh tổ
Từ Huế, qua đèo Hải Vân để vượt qua cánh tay vạm vỡ của dãy Trường Sơn vươn ra biển sẽ vào đến vùng Đà Nẵng – Quảng Nam. Xứ Quảng thật nhiều những điều đơn sơ mà không kém phần thú vị. Và bánh tổ là một trong những điều như vậy.
Bánh tổ – món bánh truyền thống của xứ Quảng
Đây là loại bánh truyền thống của người dân xứ Quảng mỗi dịp Tết. Bánh tổ được làm từ gừng, gạo nếp và đường đen đem lại may mắn cho cả một năm dài cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Bánh đậu xanh
Nhờ bánh đậu xanh, Hải Dương trở nên nổi tiếng cả nước. Bánh đậu xanh bây giờ được bán quanh năm, nhưng đây vẫn là món bánh được sử dụng rất nhiều trong những ngày Tết. Bánh đậu xanh ngọt ngào, mịn màng dùng kèm với trà nóng trở thành một món ăn chơi rất thú vị trong những ngày Tết thảnh thơi.
Bánh đậu xanh – mừng năm mới ngọt ngào và sung túc
Bánh đậu xanh còn được trình bày cầu kỳ, bày trí đẹp mắt trong những hộp hình rồng phượng hoặc đồng tiền biểu trưng cho sự thịnh vượng và ấm no cho gia chủ cả một năm dài. Và đến bây giờ, đây vẫn là món bánh được nhiều người làm quà biếu nhau chúc một năm mới sung túc.