Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy để cây luôn ra hoa
Nội Dung Chính
Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy để cây luôn ra hoa
Nếu bạn muốn biết về ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy để cây luôn ra hoa thì hãy theo dõi những chia sẻ trong bài viết sau đây.
Hoa giấy có cách trồng và cách chăm sóc như thế nào? Hãy cùng Bách hóa XANH tìm hiểu các thông tin về ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy để cây luôn ra hoa nhé!
1 Giới thiệu về cây hoa giấy
Cây hoa giấy là loại hoa có nét đẹp giản dị, ngoài ra nó còn có tên gọi khác là cây bông giấy hay móc diều (tên khoa học là Bougainvillea spectabilis, tên tiếng Anh là Bougainvillea, Paper Flower), loài hoa này thuộc họ thực vật Nyctaginaceae. Tên của loài hoa này được đặt dựa trên đặc điểm bên ngoài của nó, đó là nét đẹp mỏng manh nhưng kiên cường bởi sức chịu hạn khá tốt, cho hoa quanh năm; hơn nữa cánh hoa của loài hoa này trông khá giống những tờ giấy mềm mại, mỏng manh.
Theo nhiều nghiên cứu thì hoa giấy có nguồn gốc từ Brazil (Nam Châu Mỹ) và sau này du nhập đến các nước khác đặc biệt là những nước có khí hậu nhiệt đới (cây dễ thích nghi) và lai tạo ra nhiều loại khác (hoa giấy Thái Lan, hoa giấy Mỹ,…). Bởi nước ta cũng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên rất dễ dàng trồng và được trồng ở nhiều nơi trên cả nước để làm cảnh, lấy bóng mát (làm thành giàn cho cây leo),…
2 Đặc điểm hoa giấy
Cây hoa giấy thuộc dạng cây thân gỗ và có thể mọc leo, vươn dài và khả năng mọc khá nhanh với nhiều cành và có gai. Lá cây có màu xanh thẫm (xanh quanh năm), hình trái xoan (thuôn ở phần đỉnh lá, phần gốc lá lại tròn, hơi cong) và mọc so le.
Hoa giấy mọc thành chùm ở đầu ngọn cành; tuy có nhiều màu nhưng thực chất đó là những lá bắc hình thành nên (lá bắc có dạng lá và nhiều màu tạo nên các màu sắc của hoa giấy), hoa hình ống dài bên trong (màu trắng hoặc hơi vàng) thường được lá bắc xếp 3 chiếc một bao bọc lấy. Quả của cây hoa giấy tuy hiếm thấy nhưng đặc điểm nhận dạng đó là quả bế tròn và có màu nâu.
3 Ý nghĩa, lợi ích cây hoa giấy
Ý nghĩa phong thủy
Đặc điểm hình dáng của cây hoa giấy như đã phân tích ở trên là cây dạng leo, có nhiều cành nên trông rất xum xuê chính vì vậy mà trong phong thủy, loại cây này tượng trưng cho sự đủ đầy, chở che, hạnh phúc vẹn tròn. Cây hoa giấy có hoa mang nhiều loại màu sắc tươi sáng nên còn tượng trưng cho những may mắn, phát tài, phát lộc cho gia đình. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian thì hoa giấy có tác dụng xua đuổi tà ma, ngăn chặn điềm xấu.
Ý nghĩa trong tình yêu
Cây hoa giấy mang vẻ đẹp giản dị, thanh thuần và sức sống mãnh liệt trong điều kiện khắc nghiệt nên trong tình yêu loài cây này mang ý nghĩa tình yêu giản dị, bền lâu và chân thành.
Ý nghĩa về màu sắc hoa giấy
Cây hoa giấy có rất nhiều màu sắc, mỗi màu sắc sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt của riêng nó, cụ thể:
- Hoa giấy màu đỏ: Thể hiện tính cách cương quyết, mạnh mẽ, khát vọng vươn lên.
- Hoa giấy màu hồng: Biểu tượng cho vẻ đẹp nhẹ nhàng, nữ tính và chút trữ tình.
- Hoa giấy màu tím: Vốn dĩ màu tím là màu đặc trưng của sự thủy chung nên hoa giấy màu này rõ ràng biểu tượng cho sự thủy chung và tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn thu hút mọi ánh nhìn.
- Hoa giấy màu trắng: Là biểu tượng cho sự tinh khiết, thanh thuần.
Ngoài ra, bạn còn có thể chọn màu sắc cây hoa giấy dựa vào mệnh của gia chủ, bạn hãy chọn những màu sắc may mắn cho mệnh của mình là được nhé (ví dụ: người mệnh kim có thể chọn màu sắc phong thủy của hoa giấy tương sinh là màu vàng).
4 Lợi ích của hoa giấy
Cây hoa giấy được trồng ở nhiều nơi và có nhiều lợi ích trong cuộc sống của chúng ta như: Trồng để làm cây bonsai; trang trí cảnh quan nhà,… Cụ thể là:
Trồng làm cây bonsai
Với những người yêu thích nghệ thuật và đam mê cây cảnh thì cách trồng này rất phù hợp bởi cây hoa giấy là dạng cây leo, có nhiều cành nên rất dễ tạo dáng. Ngoài ra, màu sắc của cây hoa giấy cũng đa dạng nên bạn có thể tạo ra những cây bonsai rất đẹp.
Trang trí cho cảnh quan ngôi nhà bạn
Cây hoa giấy được trồng phổ biến ở tất cả các miền bởi nó rất dễ trồng, dễ chăm và có sức sống dẻo dai. Đối với các gia đình, họ thường trồng cây hoa giấy để tạo thêm bóng mát hoặc tô điểm cảnh quan của ngôi nhà thêm ấn tượng, gần gũi thiên nhiên như trồng thành giàn trước cổng nhà, trồng ở trong vườn,…
Trang trí cho các công trình cảnh quan đô thị
Với đặc tính là loài cây dễ uốn thành nhiều kiểu (dạng vòm hoặc trồng thành dải rồi cắt tỉa,…) và khả năng thích nghi, chịu được điều kiện khắc nghiệt nên cây hoa giấy thường được trồng trong nhiều cảnh quan của đô thị (trồng từng cây trên dải phân cách, vỉa hè,…).
5 Các loại hoa giấy phổ biến hiện nay
Hoa giấy tuy được trồng rất phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu hết các loại thường được trồng hiện nay. Bạn hãy cùng Bách hóa XANH tìm hiểu nhé!
Hoa giấy Thái Lan (Bougainvillea Spectabilis)
Đặc điểm nhận dạng là có 2 màu (có chùm màu hồng, có chùm màu trắng) ít rụng và ra hoa thường xuyên, cánh nhỏ. Loại cây hoa giấy này giâm cành cũng sống, thường hay trồng trước cổng nhà.
Hoa giấy Brazil (Bougainvillea Glabra)
Đặc điểm của cây là mọc leo trên nhiều địa hình (cổng nhà, vách tường,…) và mang các đặc điểm nổi trội như đã giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm cây hoa giấy ở trên như: Lá màu xanh, hình trái xoan, đỉnh hơi nhọn, hoa mọc thành chùm,…
Hoa giấy Vạn Hoa Lầu
Thường sở hữu hoa màu hồng tím hoặc đỏ hồng lẫn tím, cây khá nhỏ nên thường được trồng trong chậu để làm cây bonsai.
Cây hoa giấy Cao Bồi
Là loại cây hoa giấy rất ấn tượng bởi có nhiều màu (màu đỏ, màu cam, màu trắng) nhưng là tự nhiên của cây chứ không phải do con người ghép. Đặc điểm nhận dạng là lá nhỏ, giữa xanh, chung quanh màu trắng bạc và hơi tròn.
Hoa giấy Mỹ
Đặc điểm nhận dạng là dáng cây được ví như hình nấm hay bông cúc, lá và hoa nhỏ, thích hợp trồng ở không gian nhỏ và sang trọng.
Hoa giấy Cẩm Thạch
Loại cây hoa giấy rất đặc biệt ở chỗ có lá trắng xanh, có rất nhiều hoa.
6 Cách trồng và chăm sóc hoa giấy
Kỹ thuật trồng
Chuẩn bị trước khi trồng
- Trước khi trồng bạn cần chuẩn bị cành giâm và đất trồng để cây có thể phát triển thuận lợi và sớm trổ hoa.
- Chuẩn bị cành giâm: Bạn nên chọn cành đã ra 1-2 năm với chiều dài đoạn chọn để giâm là khoảng 20cm và mỗi đoạn có 2 mắt cây hoặc hơn.
Đất trồng: Bạn hãy chọn những loại đất tơi xốp (có thể pha với ít đất cát và trấu để tạo độ tơi xốp), giàu dinh dưỡng nhưng không nên quá ẩm vì cây hoa giấy chịu hạn tốt và có thể bón thêm phân chuồng hoai mục.
Cách trồng
Chọn thời điểm trồng mát mẻ, thuận lợi cho cây phát triển như vào mùa thu, 2 tháng đầu mùa xuân và thời điểm mặt trời đã dịu hơn trong ngày.
- Cành: Phần gốc bạn xử lý bằng cách cắt vát và bôi vôi chống nấm bệnh; phần đầu ngọn bạn buộc ni lông giúp giữ nước cho cành. Giâm cành trong đất sâu 6 -10 cm, nghiêng góc 15 độ, các cành cách nhau 20cm để cây có không gian phát triển.
- Bạn nên 2-3 ngày một lần tưới nước, giữ cho cây được thoáng mát và có đủ ánh sáng mặt trời để quang hợp.
Kỹ thuật chăm sóc
Kỹ thuật chăm sóc cũng góp phần giúp cây phát triển tốt và nhanh trổ hoa, bạn hãy chú ý các vấn đề sau:
Tưới nước vừa đủ: Cây hoa giấy chịu hạn tốt nên bạn không cần tưới nước quá nhiều tránh ngập úng cây, chỉ nên tưới vừa đủ để giữ đất ẩm.
Theo dõi sự phát triển cũng như tình hình mắc sâu bệnh của cây để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Cây hoa giấy có sức sống dẻo dai, ít khi bị sâu bệnh nhưng đôi khi vẫn xảy ra tình trạng có sâu bệnh. Bạn có thể xử lý như sau nếu có tình trạng cây bị sâu bệnh: Mua thuốc bảo vệ thực vật về phun cho cây, xử lý đất trồng và cắt tỉa cây thường xuyên.
Bón phân thường xuyên
Để thúc cho hoa nhanh nở thì bạn nên bón phân 2 tháng/lần là đã cung cấp đủ chất cho cây phát triển. Bạn có thể chọn loại phân có tỉ lệ NPK là 1:1:1 hoặc 2:1:2 (loại này bạn không nên bón từ lúc mới trồng nhé) hoặc có thể sử dụng phân bón hữu cơ hoặc phân bón chậm tan sẽ tối ưu cho cây hơn.
Cắt tỉa hoa giấy
Bạn nên cắt tỉa các cành thừa, lá vàng, hay bị gãy,…Mục đích của việc cắt tỉa cây hoa giấy là để kích thích nở hoa và giúp cây có dáng đẹp. Ngoài ra, sau khi hoa giấy hết mùa ra hoa thì bạn cũng nên cắt tỉa để đón lứa hoa mới nhanh hơn. Bạn cũng nên chú ý cây hoa giấy có gai nên cần cẩn thận và đeo găng tay để bảo vệ mình nhé.
Uốn và tạo thế hoa giấy
Cây hoa giấy có thể mọc leo trên nhiều địa hình, cành cây khá dẻo dai, nhiều cành nên bạn hoàn toàn có thể uốn và tạo thế cho cây theo ý mình. Một số gia đình cho cây leo trên giàn, một số sẽ làm cột trụ và cho cây mọc thẳng đứng,…
Điều cần biết sau khi cây nở hoa
Cây hoa giấy ra hoa đẹp nhất là thời điểm mùa hè nên trước đó bạn hãy chú ý chăm sóc theo các hướng dẫn trên để hoa nở nhiều và đẹp hơn nhé (ví dụ như căn thời gian tỉa cây để kịp ra hoa đúng mùa,…). Ngoài ra còn cách để ép cây nhanh ra hoa đó là ngừng tưới nước cho cây trong khoảng 4 ngày rồi sau đó tưới trở lại, để cây hoa giấy tập trung cho ra nhiều chồi nách thì bạn nên ngắt bỏ các chồi ngọn.
Đổi chậu cho cây
Nếu bạn trồng cây hoa giấy ở chậu thì nhớ thỉnh thoảng nên đổi chậu cho cây bời vì tốc độ sinh trưởng của cây hoa giấy khá nhanh (sau khoảng 1 năm thì cây đã lớn hơn nhiều). Khi chuyển chậu bạn chú ý cẩn thận tránh làm cây bị tổn thương phần rễ nữa nhé.
Hy vọng bài viết trên đây của Bách hóa XANH đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi của mình về “ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy để cây luôn ra hoa” như thế nào?. Chúc các bạn áp dụng đúng cách khi trồng, chăm sóc cây hoa giấy với những chia sẻ ở trên nhé!
Chọn mua trái cây các loại bán tại Bách hóa XANH để thưởng thức nhé:
Bách hóa XANH