Ý nghĩa các món ăn trên mâm cỗ ngày Tết

 

1. Gà luộc: Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy

Ngày tết là dịp gia đình sum họp nhưng cũng là dịp để hướng về nguồn cội, ông bà tổ tiên. Món gà luộc để cúng cho ngày cuối và đầu năm là không thể thiếu cho bất cứ mâm cỗ cúng tết nào. Không biết tự bao giờ mà gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp trọng đại. Có lẽ vì người ta tin rằng món gà luộc sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Vì thế, người dân cả ba miền Bắc – trung – Nam đều khởi đầu năm mới bằng món gà luộc, cả trên mâm cỗ cúng hay bữa cơm đầu năm mới để cả năm đều được như ý.

2. Mâm ngũ quả

Mâm cũng quả cũng là vật thờ và vật trang trí không thể thiếu trong ngày Tết ba miền. Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường không có các loại quả cố định mà biến đổi theo 5 sắc màu đó để phối trí.

3. Bánh chưng: Biết ơn tổ tiên, nguồn cội

Là món bánh nổi tiếng có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, gắn với một truyền thuyết rất nổi tiếng trong lịch sử. Bánh chưng có từ thời Vua Hùng thứ 16 khi Hoàng tử Lang Liêu sáng tạo và dâng lên vua cha món bánh hình vuông tượng trưng cho mặt đất, thể hiện lòng biết ơn với cha ông và đất trời xứ sở.

Bánh chưng là món ngon ngày Tết nhà nhà không thể thiếu. Được ví như linh hồn của mâm cơm ngày Tết bởi nguyên liệu của bánh chưng là sự hội tụ tinh hoa của đất trời. Bánh có nguyên liệu từ gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, vì thế nét đặc trưng cho món bánh này là mùi vị thơm ngon, đậm hồn dân tộc. Một cặp bánh chưng xanh trong gói quà Tết có ý nghĩa mang đến lời chúc sung túc và may mắn trong năm mới.

4. Xôi gấc: Màu đỏ mang lại may mắn cho năm mới

Theo quan niệm lâu đời của người Việt Nam, màu đỏ là màu mang lại may mắn cho mọi người, mọi nhà. Chính vì lẽ đó mà Tết của người Việt luôn tràn ngập sắc đỏ rực rỡ. Món ăn cũng không phải là ngoại lệ, điển hình là món xôi gấc. Một đĩa xôi gấc được đơm chỉnh chu, cân đối, đầy đặn trên mâm cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không những tạo ra sự dung hòa và thuận lợi cho năm mới mà còn gửi gắm những giá trị tinh thần của ngày tết truyền thống của dân tộc.

Thịt đông: Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp

Thịt đông là món không thể thiếu của nhiều gia đình Việt Nam vào dịp Tết, đặc biệt là người dân vùng Bắc Bộ. do thời tiết nơi đây vào những ngày Tết khá lạnh, rất phù hợp để chế biến món ăn này. Phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự an lành, trong trẻo suốt cả một năm mới. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần của món ăn một cách tự nhiên và đẹp mắt như một lời chúc may mắn dành cho những ai đang và sẽ yêu.

Thịt kho tàu: Trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý

Miền Bắc có thịt động thì miền nam lại có món thịt kho tàu. Ngày Tết, đến thăm nhà ai bạn cũng dễ dàng bắt gặp món thịt kho hột vịt. Đó là món ăn thân quen, gắn bó với các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công. Hột vịt trong món ăn này không xắt ra mà để nguyên cả quả, ngụ ý một năm mới trọn vẹn và đầy đủ cho gia chủ.

Giò chả: Trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà

Là món ăn phổ biến cho ngày tết bận rộn, khách đến nhà chỉ cần lấy miếng giò chả treo nơi góc bếp, cắt miếng vừa ăn, xếp ra đĩa cùng với dưa món, vậy là có món ngon, đơn giản đãi khách. Có ba loại giò đặc trưng và phổ biến là giò lụa, giò bò và giò xào. Mỗi loại giò đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối và vị nước mắm ngon quyện trong miếng giò.

Giò lụa làm từ thịt heo nạc loại ngon, thịt tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục đến khi thịt nhuyễn. Gia vị nêm vào phải chọn loại nước mắm ngon và thơm. Khi xắt ra, khoanh giò có màu trắng ngà, bề mặt có một vài lỗ rỗ mới là cây giò lụa ngon.

Giò bò có cách chế biến cũng như giò lụa nhưng nguyên liệu là thịt bò. Cây giò bò ngon khi xắt ra có màu hơi hồng của thịt bò, thêm mỡ trắng. Đặc biệt vị cay và mùi thơm của hạt tiêu làm dậy mùi thơm đặc trưng của miếng giò bò.

Giò xào hay còn gọi là giò thủ giò là món dễ làm và không tốn nhiêu công phu chế biến như hai món giò trên. Nguyên liệu chính của giò xào là các bộ phận ở phần thủ con heo như: Tai, mũi lưỡi, má heo… và không thể thiếu mộc nhĩ. Các nguyên liệu được sơ chế sạch, trần qua nước sôi, xắt miếng mỏng, ướp gia vị, hạt tiêu rồi mới đem xào chín. Sau khi gói giò xong cho vào ngăn mát tủ lạnh, chất dính của nguyên liệu xào sẽ keo lại. Giò xào ngon là cây giò gói chặt tay, các nguyên liệu xào không bị khô vì xào quá tay, ăn sẽ giòn và có mùi thơm của gia vị.

Nguồn: didauchoigi.com

Sưu tầm: Hồng Phúc – P. Kế toán