Y án sơ thẩm, bác sĩ ném xác bệnh nhân 19 năm tù – Tuổi Trẻ Online
Nguyễn Mạnh Tường (trái) và Đào Quang Khánh tại phiên tòa phúc thẩm – Ảnh: Tâm Lụa
12g20:
Y án sơ thẩm đối với bị cáo Tường
Hành vi vứt xác chị Huyền lẽ ra sau khi chị Huyền tử vong, Tường phải giữ nguyên hiện trường, thông báo cho cơ quan chức năng, thông báo cho gia đình chị Huyền lo hậu sự.
Việc bị cáo mang xác chị Huyền đi vứt là phạm vào tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, không oan cho bị cáo. Mặc dù xác chị Huyền đã tìm thấy nhưng không đầy đủ, ảnh hưởng đến tình cảm, tâm linh của gia đình, gây bất bình trong nhân dân.
Xét kháng cáo của bị cáo, bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng có thành tích trong công tác, vợ đã bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại, tuy nhiên với hành vi của bị cáo, việc cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 19 năm tù về cả hai tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” là không oan
Bị cáo thành khẩn nhận tội, gia đình bồi thường, tuy nhiên xét tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX xét thấy không đủ căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo
Với kháng cáo của bà Hằng, ôtô là tài sản của vợ chồng bị cáo, tuy nhiên chiếc xe là phương tiện dùng vào việc phạm tội, cấp sơ thẩm đã tuyên tịch thu sung công quỹ là có cơ sở. Sau này nếu chị Hằng có tranh chấp, sẽ giải quyết bằng một vụ án khác.
HĐXX bác kháng cáo của bị cáo và bà Hằng, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 19 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù. Cấm hành nghề liên quan đến các dịch vụ y tế trong vòng 5 năm.
12g10:
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Tường đã khóc, xin tòa giảm nhẹ hình phạt.
Theo HĐXX, quá trình thẩm vấn công khai cho thấy lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai nhận tội của các nhân chứng, của những người liên quan tại tòa, phù hợp với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
HĐXX phúc thẩm có đủ cơ sở kết luận ngày 19-10-2013, bị cáo Tường đã thực hiện hút mỡ bụng, nâng ngực cho chị Huyền. Cuối giờ chiều cùng ngày, chị Huyền tử vong.
Lời khai của Tường và tài liệu chứng cứ thể hiện khi hoạt động, thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép.
Điều 6 Luật khám chữa bệnh quy đinh công chức, viên chức Nhà nước bị cấm thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư nhân…
Đối chiếu các quy định, HĐXX xác định bị cáo Tường mở thẩm mỹ viện Cát Tường, hút mỡ bụng, nâng ngực cho chị Huyền là vi phạm các quy định của pháp luật.
Quan điểm trước đây của bị cáo và kháng cáo trước đây của bị cáo là không có căn cứ.
Dựa vào các căn cứ: không cho thành lập cơ sở khám chữa bệnh khi đang là viên chức, thành lập thẩm mỹ viện không có giấy phép, việc phẫm thuật thẩm mỹ cho chị Huyền gây ra hậu quả chết người, thuộc trách nhiệm của người đứng đầu là bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.
Hành vi của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây đau thương mất mát cho gia đình bị hại, gây ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện Bạch Mai nói riêng và ngành y tế nói chung, gây giảm sút lòng tin của người dân vào đội ngũ y bác sỹ.
11g30:
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng hành vi của bị cáo là ngoài ý muốn. Sai sót này ảnh hưởng đến cả cuộc đời và sự nghiệp của bị cáo Tường. Trước khi sự việc xảy ra, bị cáo là bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, cứu chữa cho rất nhiều người, đề nghị tòa xem xét cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.
Ngoài ra, luật sư Trang cho rằng chị Huyền mất ở thời điểm nào, hồ sơ vụ án chưa làm rõ. Theo kinh nghiệm bị cáo Tường, chị Huyền đã chết trước khi bị cáo về cấp cứu. Khi đó, bị cáo hoang mang, không bình tĩnh để xử lý. Khi bị cáo về đến nơi thì đồ đạc đã bị thu dọn hết, theo như bị cáo khai thì bị cáo không chỉ đạo nhân viên thu dọn đồ đạc, đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo.
11g20:
Đề nghị y án 19 năm tù giam bị cáo Tường
Trình bày quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho rằng cấp sơ thẩm đã xem xét toàn bộ tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo 19 năm tù về hai tội là có căn cứ.
Tuy nhiên, trong thời giam chờ xét xử, gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại 126 triệu đồng, cộng với bồi thường ở cấp sơ thẩm tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét tình tiết này cho bị cáo là thiếu sót.
Tại tòa, qua thẩm vấn, bị cáo không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ mới, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo tại tòa ngày hôm nay.
Đối với kháng cáo của vợ bị cáo là không có cơ sở. Chiếc xe là phương tiện bị cáo sử dụng khi phạm tội, cấp sơ thẩm thu hồi sung công quỹ là có căn cứ. Đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo của bị cáo và bác kháng cáo của bà Hằng, vợ bị cáo, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
11g:
Bị cáo Tường thừa nhận thẩm mỹ viện thiếu giấy phép
Trình bày trước tòa, bị cáo Tường cho rằng khi nhân viên thông báo chị Huyền có dấu hiệu tím tái, bị cáo yêu cầu nhân viên đưa chị Huyền đi cấp cứu chứ không phải bảo chờ bị cáo về.
Khi y tá gọi về đến nơi, chị Huyền đã bất động, da tím, mạch không đo được, tim nghe không thấy, huyết áp không đo được, bị cáo đã cấp cứu. Việc xử lý cấp cứu không hiệu quả. Bị cáo cho rằng chị Huyền chết trước khi bị cáo về vì bị cáo về đã không đo được mạch và huyết áp.
“Khánh khai không đúng, Khánh là người đề xuất bị cáo đưa chị Huyền đi phi tang”- Tường khai.
Bị cáo có chỉ định cho y tá đi mua thuốc chống động kinh, cấp cứu cho chị Huyền không? – bị cáo không biết.
Tòa hỏi: Khi phẫu thuật, bị cáo là bác ĩ, chỉ đạo cho y tá tiêm, sao bị cáo không biết?- Im lặng.
Bị cáo khai mở thẩm mỹ viện Cát Tường từ tháng 5-2013, do bị cáo làm chủ. Việc thành lập theo đúng thủ tục, đây là thẩm mỹ viện chứ không chữa bệnh.
Tòa hỏi bị cáo hoạt động của thẩm mỹ viện Cát Tường theo hình thức tổ chức nào theo quy định của pháp luật? Tường cho rằng hoạt động theo hình thức tư nhân.
Tường thừa nhận thẩm mỹ viện Cát Tường thiếu giấy phép hoạt động.
Đại diện bệnh viện Bạch Mai cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo Tường là viên chức, bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo tòa, khoản 13, điều 6 Luật Khám chữa bệnh quy định cán bộ viên chức, công chức y tế bị cấm tham gia thành lập, quản lý điều hành bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp được nhà nước phân công. Cấm khám chữa bệnh khi không có giấy phép hành nghề. Bị cáo là viên chức bệnh viện Bạch Mai, không được thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, lại thành lập không phép.
Tại tòa, bị cáo Tường thay đổi toàn bộ nội dung kháng cáo, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, không kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm sai làm bị cáo tội chồng tội. Trình bày lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Tường cho biết thời gian tạm giam, đã suy nghĩ về hành vi của mình, chưa xin được giấy phép thẩm mỹ viện nhưng vẫn hoạt động. Trong cả quá trình công tác, bị cáo luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để xảy ra sai sót gì, chưa có tiền án tiền sự, luôn cố gắng cống hiến tốt cho xã hội…(Khóc). Bị cáo không cố ý để làm chuyện đó, mong tòa xem xét.
Anh Huy, chồng bị hại cho rằng những tổn thất của gia đình mà bị cáo Tường gây ra quá lớn, không thể bỏ qua nên mong tòa xét xử nghiêm minh.
“Gia đình tôi đi tìm con khắp nơi. Đêm hôm vẫn đi ra nghĩa trang tìm. Chỉ còn 1 ngày nữa tròn 9 tháng con tôi mất tích thì gia đình nhận được tin báo thấy xác con tôi. Khi đến nơi thì con tôi đầu không còn, thân thể thiếu rất nhiều bộ phận, rất đau xót. Nếu Tường có trách nhiệm, đưa con tôi vào bệnh viện cấp cứu luôn thì sẽ không có phiên tòa ngày hôm nay. Chúng tôi xác định chấp nhận mức án tòa xử, không có ý kiến gì. Đến bây giờ, nguyện vọng của gia đình mong tòa xử nghiêm minh. Tôi mong phiên tòa có thể dừng lại ngày hôm nay vì mỗi lần đưa ra xét xử, gia đình tôi rất đau đớn” – bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ chị Huyền phát biểu trước tòa.
9g30:
Bác sỹ Tường vẫn ném xác bệnh nhân dù vợ can ngăn
Tòa thẩm vấn Đào Quang Khánh (nhân chứng trong vụ án), Khánh cho biết sáng 19-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đi xe máy honda Lead màu đen đến thẩm mỹ viện Cát Tường.
Lúc đó tại thẩm mỹ viện có rất đông nhân viên. Sau khi Bác sỹ Tường phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền xong, Khánh nghe thấy có nhân viên nói “có người chết rồi”, Khánh vào phòng thì thấy chị Huyền tím tái, sùi bọt mép. Khánh lục túi lấy đi chiếc điện thoại Iphone 5 của chị Huyền.
Sau khi Tường bàn bạc mang xác chị Huyền vứt xuống sông Hồng, Khánh đã cùng Tường khiêng xác chị Huyền ra ô tô chở đến bệnh viện Bưu Điện.
Trong hồ sơ bị cáo Tường khai Khánh là người đề xuất ném xác chị Huyền xuống sông Hồng, Khánh cho rằng Tường khai như vậy là không đúng. Khi biết chị Huyền đã chết, Tường nói: “Hay là đi vứt”. Khánh không nói gì.
Khi chở xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì, bị cáo Tường mở cửa kéo xác chị Huyền xuống, Khánh cùng Tường khênh xác chị Huyền cùng ném xuống sông Hồng. Khánh khai Tường là người đẩy xác chị Huyền xuống sông.
Tòa hỏi khi ném xác xuống sông, chị Huyền có bị buộc trói hoặc cho vào bao không, Khánh trả lời không.
Khai trước tòa, chị Mai (nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường) cho biết chị là người thông báo cho Tường biết chị Huyền có vấn đề sau khi phẫu thuật.
Khi nhận được điện thoại của Mai, Tường chỉ đạo trực tiếp các y tá cấp cứu cho chị Huyền. Chị Mai liên tục gọi điện cho Tường bảo đưa chị Huyền đi cấp cứu, Tường nói “anh sắp về đến nơi rồi”. Tường là người đề xuất tháo dỡ đồ đạc ở thẩm mỹ viện sau khi Hiền chết.
Anh Lê Văn Công, nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường là người cùng với các bị cáo khác khênh xác chị Huyền lên xe, lúc đó xác chị Huyền đã cứng lại. Công cùng Tường đưa xác chị Huyền đến bệnh viện Bưu Điện rồi quay về.
Anh Lê Quang Thành (bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, nhân chứng trong vụ án) là người được Tường gọi sang thẩm mỹ viện để cấp cứu cho chị Huyền. Anh Thành kiểm tra thì huyết áp và mạch không đo được.
“Theo kinh nghiệm của tôi thì người như vậy sự sống không còn nữa. Khi đó, Tường nhờ tôi đưa xác chị Huyền đến bệnh viện Bưu Điện, tôi không rõ mục đích để làm gì” – Anh Thành khai trước tòa.
Khai trước tòa, bà Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) khai khoảng 15g ngày 19-10-2013, Tường gọi điện thông báo cho Hằng có người đã chết, bà vội vàng đến thẩm mỹ viện Cát Tường.
“Tôi đã khuyên can chồng tôi không được làm như thế, nhưng chồng tôi vẫn làm. Tôi vẫn tiếp tục ngồi sau xe Khánh để can ngăn chồng tôi khi đưa chị Huyền đi” – bà Hằng khai
Bà Hằng giữ nguyên kháng cáo cho rằng cơ quan điều tra thu giữ chiếc ôtô là tài sản của hai vợ chồng bà, mua từ tài sản tiết kiệm.
Hiện nay gia đình khó khăn, bà muốn xin lại giá trị nửa chiếc ôtô để có điều kiện khắc phục, bù đắp cho gia đình bị hại. Bà đã bồi thường cho gia đình bị hại 126 triệu đồng.
Bảo vệ Đào Quang Khành dù không kháng cáo cũng được đưa dẫn giải đến phiên xử kháng cáo của Nguyễn Mạnh Tường
8g30:
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đến tòa với thái độ bình thản. Đào Quang Khánh (bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường) tuy không kháng cáo nhưng vẫn được dẫn đến tòa với tư cách làm chứng.
Đại diện bệnh viện Bạch Mai, ông Hoàng Tiên Phong, chuyên viên phòng tổ chức cán bộ có mặt tại tòa.
Ông Nguyễn Quang Thành, bác sỹ bệnh viện Bạch Mai, người tham gia cùng bị cáo Tường cấp cứu chị Lê Thị Thanh Huyền cũng có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng.
Luật sư Chu Thị Trang Vân (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Tường.
Bố mẹ chị Huyền, ông Lê Văn Viễn và bà Nguyễn Thị Hiền – đại diện hợp pháp cho gia đình bị hại Lê Thị Thanh Huyền (đã chết khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường) cũng có mặt tại tòa.
Phiên tòa có rất đông phóng viên báo chí đến dự tòa, tuy nhiên nhiều người không được vào dự phiên xét xử vì phòng xử quá chật.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vì có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường. Ông kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng cáo trạng có nhiều nội dung không đúng, việc xét xử ông là chưa đúng tội danh làm cho tội chồng thêm tội và bản án đối với ông quá nặng.
Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật cho chị Huyền như thế nào?
Sở Y tế Hà Nội đã có công văn trả lời tòa cho biết Tường pha các loại thuốc gây tê chung như vậy là chưa hợp lý, công thức gây tê không có 2 loại thuốc Gentamycin và Vitamin C như của Tường.
Các chuyên gia cho rằng chị Huyền chết là do thuốc Lidocain có trong thuốc gây tê.
Hồ sơ vụ án thể hiện khoảng 11g ngày 19-10-2013, chị Huyền đi xe máy đến Thẩm mỹ viện Cát Tường. Nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường đã đưa chị Huyền vào phòng thử HIV và thử phản ứng thuốc tê thấy bình thường.
12g30 cùng ngày, Nguyễn Mạnh Tường bảo nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê với công thức mỗi chai gồm 500ml nước muối sinh lý, 25 ống Lidocain loại 2ml, 2 ống Gentamycin 80mg, 1 ống Adrenalin loại 1/4ml, ½ ống Vitamin C.
Tường hỏi chị Huyền có tiền sử bệnh gì không, chị Huyền trả lời không có bệnh lý gì.
Sau khi kiểm tra phản ứng thuốc thấy bình thường, Tường sát trùng vùng bụng và ngực rồi tiêm thuốc gây tê đã pha từ trước vào hai bên hông chị Huyền.
Sau đó Tường dùng dao mổ chích vào 2 bên thành bụng dưới (mỗi bên chích 1 mũi) có kích thước 0,2cm và tiêm 4 chai thuốc gây tê đã được pha từ trước vào thành bụng để gây tê hoàn toàn vùng bụng của chị Huyền.
Tường dùng xilanh loại 50ml cắm vào thành bụng (phần dưới da) hút được 11 xilanh mỡ thành bụng. Tường để khoảng 5 đến 10 phút cho mỡ trong xilanh lắng xuống rồi bơm bỏ nước gạn lấy mỡ.
Sau đó Tường bơm 11 xilanh mỡ vào ngực chị Huyền (phía dưới 2 bầu vú) đến khoảng 16g cùng ngày thì xong. Tường bảo nhân viên đưa chị Huyền ra phòng ngoài nằm nghỉ.
30 phút sau, thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mét, Tường tiêm cho chị Huyền 1 mũi thuốc an thần loại Diafegam 10mg. Tiêm xong thấy chị Huyền bình thường nên Tường rủ bạn đến chùa Quán Sứ, Hà Nội để lễ.
17g45 phút cùng ngày, nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường gọi điện thoại báo cho Tường biết chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.
Tường chỉ định cho nhân viên tiêm cho chị Huyền 2 ống thuốc trợ tim loại Adrenalin 2ml và 2 ống thuốc chống dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.
Sau đó Tường gọi điện cho anh Nguyễn Quang Thành, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để cấp cứu cho chị Huyền. Khi Tường về thẩm mỹ viện đã thấy chị Huyền ở tình trạng mặt tím, không có nhịp tim.
Tường cùng anh Thành cấp cứu cho chị Huyền. Tường đặt nội khí quản cho chị Huyền, bóp bóng và bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim loại Adrenalin (mỗi liều 10 ống) trực tiếp vào tim nhưng không thấy có kết quả.
Sau khi chị Huyền tử vong, Tường gọi điện thoại báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường biết, đồng thời bảo nhân viên thu dọn đồ đạc gồm máy tính, camera, sổ sách, các dụng cụ y tế… mang đi chỗ khác gửi.
Tối cùng ngày, Tường cùng Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ thẩm mỹ viện) mang xác chị Huyền ném xuống sông Hồng.
Sở Y tế Hà Nội đã có công văn trả lời tòa cho biết Tường pha các loại thuốc gây tê chung như vậy là chưa hợp lý, công thức gây tê không có 2 loại thuốc Gentamycin và Vitamin C như của Tường.
Tại tòa sơ thẩm, HĐXX cũng cho biết Sở Y tế Hà Nội đã mời các chuyên gia giỏi nhất tại Hà Nội và các chuyên gia cho rằng chị Huyền chết là do thuốc Lidocain có trong thuốc gây tê,
Tại tòa sơ thẩm, các nhân chứng cho rằng khi tiêm thuốc gây tê vào, chị Huyền đã có phản ứng co giật, sùi bọt mép nhưng Tường vẫn tiến hành làm, chứ không phải làm xong rồi chị Huyền mới có biến chứng như Tường Khai.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại tòa – Ảnh: Tâm Lụa
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (42 tuổi, nguyên bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) và bà Nguyễn Thị Hằng (vợ ông Tường).
Đại diện gia đình bị hại (chị Lê Thị Thanh Huyền) không kháng cáo.
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 10-2014, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 19 năm tù về hai tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Cùng vụ án, bị cáo Đào Quang Khánh (20 tuổi, bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường) lãnh 33 tháng tù về hai tội Trộm cắp tài sản và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
Về dân sự, tòa chấp nhận yêu cầu buộc bác sĩ Tường bồi thường các khoản chi phi tìm kiếm, mai táng… tổn thất tinh thần tổng cộng 558 triệu đồng cho gia đình chị Huyền, đồng thời buộc bị cáo Tường cấp dưỡng nuôi 2 con của nạn nhân đến năm 18 tuổi.
Nguyễn Mạnh Tường kháng cáo toàn bộ bản án còn bà Hằng cho rằng chiếc ôtô Tường sử dụng chở thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền đi ném xuống sông là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì thế, việc tòa tịch thu xe trên để sung công quỹ Nhà nước là không thỏa đáng, bà Hằng đòi 1/2 giá trị chiếc xe.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, trưa 19-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường để phẫu thuật nâng ngực. Tại đây, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường đã hút mỡ bụng rồi tiêm mỡ vào dưới ngực để nâng ngực cho chị Huyền dẫn đến hậu quả chị Huyền bị chết vào chiều cùng ngày.
Sau khi chị Huyền chết, Đào Quang Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 của chị Huyền (trị giá 12 triệu đồng).
Đến khoảng 23g30 cùng ngày, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đã khiêng xác chị Huyền ra ôtô của Tường và mang lên cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng.
Gần một năm sau, ngày 18-7-2014, người dân phát hiện tại thôn Trung Quang, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội có một thi thể nổi lên trong tình trạng đang phân hủy (bị thiếu đầu, sáu đốt sống cổ và nhiều bộ phận khác).