Y Khoa Huế Hải Ngoại

Bệnh Viện Trung Ương Huế
xưa và nay
Chân thành cám ơn Ông Hoàng Ấu Tuyên
Quản Lý BVTW Huế (1960 – 1975)
          Trợ Lý phòng Đối Ngoại & Thư Ký Giám Đốc BVTƯ Huế (1975 – 1999)                                                         Người  đóng góp rất  lớn  trong sự phát triển BVTƯ Huế &  đã cung cấp những tài liệu vô giá cho bài viết.
Kính tặng những người con của xứ Huế
Dr. Tôn-Thất Hứa

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
(Bùi Giáng)

Bệnh Viện Trung Ương Huế (BVTƯH) đến nay đã tròn 114 năm (1894 – 2008).
Từ ngày thành lập đến nay, BVTWH cùng với cố đô Huế trải qua bao nhiêu đổi thay  nóng bỏng thời cuộc, hòa nhịp theo những nổi trôi thăng trầm các giai đoạn lịch sử đất nước, biến đổi theo giòng sinh mệnh của dân tộc và vận mệnh quốc gia. Nơi đây những người ốm đau đã tìm lại được cuộc sống bình thường và cũng tại đây có những lần tiễn đưa trong tiếc thương đầy tràn nước mắt với đắng cay.

Cổng trước Bệnh Viện Trung Ương Huế đường Lê Lợi   

                       .         
Để quét dọn lớp bụi thời gian che đậy bởi 41.610 ngày nắng mưa dãi dề của cố đô, bài viết được dựa trên 2 tư liệu đáng tin cậy là :

  • “Đại Nam Nhất Thống Chí Thừa Thiên Phủ” tập thượng do dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Cử Nhân Hán Học của Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản năm 1961
  • tập X và bài của bác sĩ Gaide, Giám Đốc Nha Y Tế Trung Kỳ viết về Y học Tây phương ở Việt Nam xưa và nay “La Médecine Européenne en Annam autrefois et de nos jours” đăng trên tập san Đô Thành Huế cổ “Bulletin des Amis du vieux Huế” số tháng 10 – 12 năm 1921 khẳng định Bệnh Viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Tây y đầu tiên, được thành lập năm 1894.

« la confiance en nos méthodes et en notre thérapeutiques est aujourd’ hui bien établie auprès de toutes les classes de la population. L’augmentation du nombre de malades payants, au fur et à mesure que des pavillons spéciaux sont mis à leur disposition, en est une preuve bien éloquente. »

Cả nước Việt Nam hiện có 1.029 bệnh viện chính phủ, 54 bệnh viện tư nhân với tổng số 13.437 giường bệnh, đạt tỷ lệ 16,7 giường / 1 vạn dân, đứng vào mức trung bình của các nước nằm trong khu vực – theo Vụ Điều Trị – (Bệnh Viện số 17,  tháng 06. 2007 – Lê Hảo). Với nhu cầu khám và chữa bệnh của người dân lên đến 100 triệu lượt / 1 năm hiện đang gây ra tình trạng quá tải ở hầu hết các tuyến y tế. Ngành y tế trong nuớc cũng đã đưa ra hàng loạt chương trình, dự án để nâng cấp cải tạo hệ thống bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và huyện….. Trong những năm qua, các dự án này đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên một số nơi do thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật nên không phát huy được hiệu quả đầu tư.

Bệnh Viện Trung Ương Huế là một trong ba lớn nhất ở Việt-Nam do Bộ Y Tế quản lý (Bệnh Viện Bạch Mai – Hà Nội, Bệnh Viện Chợ Rẫy – Sàigòn, Bệnh Viện Trung Ương Huế – BVTƯ Huế) với chỉ tiêu 1100 giường Bộ giao nhưng thực tế 1550 giường với số bệnh hàng ngày tiếp nhận 1600 – 1700.
Số bệnh nhân điều trị nội trú hàng năm 48.000 – 58.000 người

  • 40% bệnh nhân thành phố Huế
  • 35% bệnh nhân các tuyến huyện, xã trong tỉnh
  • 15% bệnh nhân của tỉnh Quảng Trị và
  • 10% đến từ Quảng Bình, Đà Nẳng, của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khách vãng lai.

Cọng vào đó số bệnh nhân khám bệnh 220.000 lần/năm ở tất cả phòng khác các khoa của bệnh viện. Kể từ năm 1992 sau khi nhận viện trợ chiếc xe buýt lưư động của hội Bretagne – Việt Nam, BVTƯ Huế đã gửi nhiều đoàn bác sĩ và điều dưỡng thuộc nhiều chuyên khoa và nhân viên khác nhau về các vùng xa xôi hẻo lánh, các chiến khu cũ, miền núi, miền biển , đồng bằng, vùng tôn giáo … để khám bệnh và chữa bệnh, thực hiện tiểu giải phẫu thuộc nhiều chuyên khoa và phát thuốc miễn phí cho các đối tượng nghèo, người già cô đơn với số lượng trung bình 15.000/năm với tiền thuốc cọng các chi phí khác lên tới 200 triệu đồng/ hàng năm.

I. Sơ Lược Lịch Sử Y Học Việt Nam

Lịch sử y học Việt Nam chỉ biết được đến từ cuối thể kỷ XIV. Phần lớn những tác phẩm nghiên cứu xưa về y học bị hủy hoại bởi quân xâm lược từ phương bắc vào đầu thế thứ XV.
Một điều không thể phủ nhận được là nền y học Việt Nam bị ảnh hưởng cả lý thuyết lẫn thực hành của y học Trung Quốc vì một ngàn năm bắc thuộc. Hầu hết các công trình truyền lại đều biên soạn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Thêm vào một số lượng ấn phẩm về kiến thức được in và lưu trữ còn có một gia tài kiến thức sâu đậm được truyền khẩu do quần chúng nhân dân lưu truyền vì sợ các thầy thuốc giỏi có danh tiếng thường bị các Triều đại Trung Hoa xâm lấn mang về trưng dụng. 

Nền y học có tên là y học Hoa Việt: Thuốc bắc là nền y học du nhập từ phương Bắc do nước láng giềng Trung Quốc phổ biến qua gặp lại sự đề kháng các thầy thuốc trong nước kết hợp lại với tên gọi y học phương Nam hoặc thuốc Nam. Thuốc Nam là một đề tài của nhiều công trình nghiên cứu với mục đích tìm hiểu và nắm bắt được cái dược tính đa dạng của nó bao gồm một tổng thể những lý thuyết và các phương pháp điều trị do các sắc tộc mà phần lớn là nhóm người theo Ấn Độ Giáo (Hindu) xử dụng. Nhóm người này lại bị người Việt đồng hóa trong suốt bước tiến của lịch sử của dân tộc mình (1).
(1) –  (GUENEL A. Entre Chine et Occident: “Palce et Rôle de la Médecine traditionnelle au Viet Nam”, In: Moulin A.M., éds. Médecine et Santé. Paris, Orstom éditions, 1996, pp. 177 – 179).

Hai vị thần y được tôn vinh là những vị sáng lập nền y học Viêt-Hoa tồn tại mãi trong lòng dân tộc Việt : Tuệ Tĩnh (thế kỷ thứ XIV) và Hải Thượng Lãn Ông (1720–1791).
A.- Tuệ Tĩnh :- tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, bút hiệu Hồng Nghĩa, người làng Nghĩa Phú (xưa), tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giang, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Sinh vào đời Nhà Trần (1225 – 1414), theo Gaspardone thì vào đời Trần Duệ Tông (1372 – 1377). Đền bia làng Văn Thái có câu       
“Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa,
Thánh sư diệu dược trấn Nam bang”
tạm dịch :           
Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc,
Chữa bệnh thần diệu, tài quán Nam bang
(NẠM DƯỢC THẦN HIỆU – NXB Y Học Hà Nội, 1972).

 Tuệ Tỉnh được thụ giáo các nhà Sư và chính Ông cũng là một nhà Sư, đã từ quan để hành nghề thầy thuốc. Ông biên soạn bộ dược điển Việt Nam. Những công trình của Ông được in lại vào thế kỹ thứ XVII gồm những tuyển tập xưa nhất của văn liệu y học Việt Nam.
Tập đầu tiên THẬP TAM PHƯƠNG GIẢ GIÁM sau mang tên là HỒNG NGHĨA Giác Tu Y Thư (tuyển tập y học Hồng Nghĩa). Sách này ghi lại những nguyên tắc Trung Hoa căn bản và những phương pháp điều trị cổ điển.
Công trình thứ hai Nam Dược Thần Hiệu là một tuyển tập phân tích, triển khai đặc tính điều trị của năm trăm cây thuốc trong đó có đến một phần năm là cây thuốc nam đặc biệt gồm những cây thuốc chỉ sống được dưới khí hậu nhiệt đới Việt Nam.- Tuệ Tĩnh vẫn được xem là một nhà canh tân có đủ tài trí phát triển “nền y học thuần túy Việt Nam, giải phóng khỏi nghìn năm ảnh hưởng của Trung Hoa”. Tuệ Tĩnh đã trở thành vị Thánh Thuốc Nam và di huấn của Ông truyền lại cho môn đệ còn lưu truyền mãi trong lòng dân tộc :
phải tôn kính học thuyết của các bậc Thầy,
nhưng dùng thuốc Nam để chữa bệnh cho người Nam.
(Nguyễn Khắc Viện, Việt Nam une longue histoire, Hà Nội, Edition en langues étrangères, 1987).

B.- Hải Thượng Lãn Ông  ((1720 –1791).- Dân tộc Viêt Nam tôn Ông là Thánh Y. Ngay nay Hải Thượng Lãn Ông được xem như ông tổ của ngành, không những của nền Y học cổ truyền mà còn xem như một thầy thuốc đích thực thuần túy Viêt Nam làm nền tảng cho sự tiếp cận thận trọng với y học hiện đại thế giới. Con của một gia đình quan lại danh tiếng, giỏi thi ca, từ quan để nghiên cứu y học. Là một danh y, Ông tinh thông lý thuyết cổ Trung Hoa nhưng tin vào nhận xét các sự kiện lâm sàng, những điều kiện khí hậu, thời tiết, các đặc tính cây cỏ và sản phẩm của quê hương Việt Nam.
Ông biên khảo một chuyên luận học gồm 28 cuốn và 66 tập Hải Thượng Y Tông Tâm Linh. Bộ bách khoa y học này đã được thầy thuốc Vũ Xuân Thiên sưư tập trong 10 năm ròng rã vào cuối thế kỷ thứ XIX để thu thập và biên tập lại, được dịch ra quốc ngữ từ năm 1964 đến 1974 và được xem như di sản quốc gia (David G. Marr, Vietnamese Attitudes Regarding Illness and Healing, pp 172. U.S.A.).

C.- Thái Y Viện.- (“Vài nét Sinh hoạt Y Tế ngày xưa trong triều đình Huế” – trang 194 – Huế, Việt Nam – Nghiên Cứu Huế tập 2. 1999 – Đoàn Văn Quýnh) dựa vào khuôn mẫu Trung Hoa về tổ chức y tế được các triều đại quân chủ Việt Nam mô phỏng theo đặc biệt là triều nhà Nguyễn (1802 – 1883). Hoàng đế Gia Long (1802 – 1820) thiết lập một tổ chức theo hệ thống quan chức có phẩm hàm. Một học viện mang tên Thái Y Viện, dành cho các y sĩ triều đình, tiền thân của trường Y đầu tiên được thành lập năm 1850 dưới triều Tự Đức. Trường đào tạo chủ yếu các thầy thuốc cho triều đình Huế hoặc một số cho các tỉnh. Các y sinh được tuyển chọn hằng năm là những thầy lang xuất sắc hành nghề tự do trong các tỉnh. Dưới triều Minh Mạng (1820 – 1840), Thái Y Viện được tổ chức lại và các y sĩ được chia thành 12 phẩm hàm khác nhau. Trong Thái Y Viện, các thầy thuốc Nam và thuốc Bắc cùng làm việc bên nhau, mỗi người có một nhiệm vụ rõ ràng.
Một vài di tích có liên quan đến Thái Y Viện :

  • Giảng đường Thái Y Viện được xây dựng gần hoàng thành, thuộc địa phận phường Trung

Tích, ở góc đường Hàn Thuyên – Đinh Tiên Hoàng ngày nay (Leopold Cadière, Citadelle de Huế Onomastique, Carte dessiné par Mr. Nguyễn Thứ, 1933)

  • Tiên Y Tử là ngôi chùa thờ vị Thần của ngành y, nguyên được xây bên phía trái Chùa Thiên

Mụ vào năm 1825 dưới thời Vua Minh Mạng. Đến năm 1849, Vua Tự Đức cho dời về khu đất phường Thường Dũ, nay ở vào giữa 2 đường phố Lê Trung Định – Xuân 68. Dưới thời vua Thành Thái miếu này bị bão phá sập cho nên phải dời về thờ Miếu các Triều Đại ở Lịch Đợi (Temple des Dynasties Lịch Đại).

D.- Tây y du nhập vào Huế:  Các tu sĩ dòng Tên đã đóng vài trò tiên phong trong công cuôc truyền bá Tây y, đặc biệt vào thời các Chúa Hiền Vương (1648 – 1685) và Ngãi Vương (1686 – 1691). Tại Huế, linh mục Langlois hành nghề thầy thuốc vào thế kỹ thứ XVII, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Cạnh triều đình có các ông Despiau, Treillard và Duff là những thầy thuốc chuyên nghiệp. Năm 1819 ông Treillerd được Vua Gia Long mời vào chữa bệnh cho công chúa thứ chín bị trọng bệnh, năm 1820 Ông Despiau được Vua Minh Mạng cử đi Macao mua thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa vì bệnh đã gieo tai họa cho dân cư vùng.

II. Lịch Sử Bệnh Viện Trung Ương Huế

A.- Thời gian trước ngày thành lập – thời kỳ Pháp thuộc.

Trước khi quân đội Pháp chiếm đóng kinh thành Huế, trong thời gian từ 1876 đến 1884, các thầy thuốc hải quân Pháp được biệt phái từ Nam kỳ (Cochinchine) đến Huế với nhiệm vụ thầy thuốc Công Sứ Quán cùng với các Đại diện lâm thời hoặc Công Sứ. Người đầu tiên là bác sĩ Aubry, ông có viết trong một hồi ký “Cuộc chiến Bắc kỳ”. Người thứ hai là bác sĩ Vangin dến Sàigòn 1883 đến tháng 07.1885 vẫn còn ở Huế
Từ 1884 – 1887 là giai đoạn đầu của cuộc chiếm đóng quân sự tại Huế, đoàn viễn chinh Pháp chỉ có các trạm quân y mà thôi dưới sự điều hành của các bác sĩ: Bs Ufolz, Bs Arami, Bs Maurel.
Đến năm 1887 (Đồng Khánh thứ 2), một ngôi nhà tranh được dựng lên bờ sông Hương dùng làm trạm xá đầu tiên nằm khoảng giữa nhà Công Chánh cũ (nay Ủy Ban Nhân Dân Thành phố) và Câu Lạc Bộ Thể Thao (nhà Văn Hóa Hữu Nghị Huế). Công việc khám chữa bệnh và chủng đậu cho nhân viên dân chúng bắt đầu từ ngôi nhà tranh này.
Năm 1889, bệnh xá nầy được chuyển đến đặt trong một ngôi nhà phụ của Tòa Khâm Sứ nằm trong khuôn đất Trường Đại Học Sư Phạm ngày nay. Vào thời điểm ấy, bác sĩ Barrat, Y Sĩ Thủy Quân Hạng Nhì là người đầu tiên phụ trách khám chữa bệnh cho nhân viên dân sự Tòa Khâm Sứ, tiếp theo là những thầy thuốc Hải Quân đảm nhiệm: các bác sĩ Ferandini, Perves, Logerais và Normand.

B.- Từ ngày thành lập Bệnh Viện 1894 đến 1920.-

Đến năm 1894 (Thành Thái thứ VI) dưới sự điều hành của bác sĩ Normand, người Pháp cho xây ra ngoài Tòa Khâm, trên một đám ruộng xa, gần Kho Bạc tức là Thư Viện Đại Học ngày nay, một bệnh xá gồm có 4 gian : phòng khám, phát thuốc, phòng băng bó và phòng điều trị cho khoảng một chục bệnh nhân. Khả năng không đủ để đáp ứng nổi nhu cầu khám, chữa bệnh; ngôi nhà tranh sau nầy đã trở thành bệnh xá chuyên trị bệnh cho gái mại dâm, đặt dưới giám sát của một hiến binh, trực thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Do nhu cầu của nhân và hiệu quả của Tây Y xâm nhập vào triều đình, hạ bán niên năm 1894 – Thành Thái thứ VI – một bệnh viện đầu tiên được xây dựng (Le premier Hôpital actuel), bác sĩ Henry làm Giám Đốc đầu tiên và 2 quan Thái Y Việt Nam: Ông Liên, quan tứ phẩm Ngự Y hạng II và Ông Bùi Tự, quan bát phẩm Thái Y hạng I làm Phó Giám Đốc cùng 2 y sinh và 1 thông ngôn của Chính Phủ Nam Triều là Ông Đàn, giữ chức thư ký và dược tá (infirmier pharmacien). Các gia đình vua quan nhà Nguyễn chấp thuận sự săn sóc của Tây y, vào tháng 12/1895 vua Thành Thái đã triệu bác sĩ Henry  vào đỡ đẻ cho 2 bà Hoàng 2 lần cách nhau 2 ngày.

Thánh 06/1897, bác sĩ Henry được thay thế bởi bác sĩ Pethellaz với điều quan tâm hàng đầu là trình cấp trên phát triển công trình xây dựng: 2 ngôi nhà lớn cho bệnh nhân thường 200 giường và 2 nhà nhỏ dành cho bệnh nhân cấp cao hơn, 1 dược phòng vì phòng thuốc ở Tòa Khâm cách bệnh viện những 800m. Dự án được các bác sĩ Mesnard và Le Guen thực hiện sau khi bác sĩ  Pethellaz rời khỏi chức vụ. Kinh phí xây dựng là 4.000 đồng do Chính Phủ Nam Triều duyệt chi. Một ngôi nhà dành cho người Pháp cũng được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4/1901.

Trận bão năm Thìn đổ vào Thừa Thiên 11.09.1904 tàn phá hầu hết các ngôi nhà của bệnh viện. Năm 1906, sau lần viếng thăm của Khâm Sứ Lévecque theo đề nghị của bác sĩ Dumas, Giám Đốc Sở Y Tế,  một dự án xây dựng được phê duyệt và khởi công vào đầu năm 1907, một bệnh viện bản xứ được thành hình gồm :

  • 4 ngôi nhà lớn, mỗi nhà chứa được 32 bệnh nhân.
  • 1 phòng mổ đầy đủ ánh sáng, lát gạch men trắng nối với 1 phòng mổ vô trùng qua một hành lang có mái che.
  • một phòng sản khoa 60 giường và 1 phòng sinh, đằng trước xây một nhà có 2 phòng phụ khoa.
  • 1 phòng dành cho người Âu có 9 giường bệnh và sau đó 1 phòng dành cho quan chức người Việt.

Năm 1909, một phòng bệnh người Âu gồm 9 giường sau thu xếp lại để điều trị quan chức Việt Nam, sự chia cắt trong bệnh viện thành nhiều khu: khu người Âu, khu quan chức, khu dân trả tiền, khu dân miễn phí, nhà hộ sinh, phòng điều trị và khu truyền nhiễm.

Từ năm 1915 đến 1921, dưới sự điều hành của bác sĩ Gaide và bác sĩ Thiroux, nhiều công trình được thực hiện trong khuông viên bệnh viện : 1 nhà hộ sinh lớn và 1 dãy lầu hẹp dành cho giới quan chức. Các cơ sở này nhận từ 150 – 250 bệnh nhân bản xứ, gồm 1 khu riêng biệt hoặc buồng đặc biệt cho bệnh nhân người Âu.

Thời kỳ này tổng số cơ sở y tế đã lên tới 32 , kể theo tầm quan trọng như sau :

  1. một bệnh viện chính ở Huế.
  2. 4 bệnh viện hạng nhì : Thanh Hóa, Vinh, Faifo và Qui Nhơn.
  3. 8 bệnh xá : Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Sông Cầu, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và Kontum.
  4. 1 bệnh viện thành phố bản xứ tại Đà Nẳng.
  5. Vào thập niên thứ hai mươi, một bệnh xá được xây dựng bên trái cửa Đông Ba mang tên là “Nhà Thương Nhỏ” (Petit Hôpital) – nay là Bệnh Viện Thành Nội – để phân biệt với “Nhà Thương Lớn” (Grand Hôpital)  – tức Bệnh Viện Chính thêm vào 4 bệnh xá tại Quảng Trị, Phan Rí, Ban Mê Thuột và Bồng Sơn.
  6. 8 trạm xá : Lao Bảo, Tam Kỳ, Đông Ngân, Djiring, An Khê, Tuy Hòa, Ninh Hòa và Phủ Diển.
  7. 3 trạm cấp cứu đặt trên các công trường quốc lộ và đường sắt tại Hà Tĩnh, Mai Lĩnh và Tour Chàm.

Tình hình tổng quát và bệnh tật trong năm 1920 được tổng kết là : 30.433 nằm viện, 502.233 ngày điều trị, 348.715 người khám bệnh, 915.651 lần khám bệnh, 3.466 lần sinh với tổng số giường bệnh là 1.787.

Thiết lập phòng xét nghiệm vi sinh vào tháng 10.1910, thời gian Bác sĩ Bernard  đến Huế giám định Vi sinh học trong công tác lọc nước cung cấp cho thành phố. Vào tháng 11.1913 phủ Toàn Quyền thành lập ở Huế một khu xét nghiệm vệ sinh,  mang tên vị quản đốc của nó, bác sĩ Bourret, gồm xét nghiệm vi sinh & sinh hóa. Bác sĩ Bourret đã từng là giám đốc và năm 1918  qua đời vì nhiệm vụ tại Nouvelle – Calédonie.

Bên cạnh đó có thêm chương trình giáo dục cộng đồng về khái niệm căn bản vệ sinh tổng quát, vệ sinh nhà ở, vệ sinh thực phẩm, nuôi con cái, luyện tập thân thể; giảng dạy các chứng bệnh có thể phòng ngừa được : sốt rét, kiết lỵ, ký sinh trùng đường ruột, bệnh lao, bệnh hoa liễu đã thực hiện đem lại nhiều kết quả rất khích lệ nhất là giới trẻ.
Cùng thời gian nầy trong thập kỷ thứ 20, có 2 cơ sở y tế được thành lập mang lại cho các bệnh nhân  bị xếp vào loại bệnh nan y – một trại Cùi (léproserie) ở  Phú Bài dành cho các bệnh nhân miền Trung, thêm vào đó có 2 trung tâm Cùi tương tợ : một cho các tỉnh phía Bắc và một cho các tỉnh phía Nam. Viện Nhãn khoa – Albert Sarraut – trong khuôn viên  BVTW Huế do bác sĩ Talbot quản lý.

Danh sách các bác sĩ Tòa Khâm Sứ và các Giám Đốc Bệnh Viện từ năm thành lập 1894 đến 1920 :

  • Bác sĩ thuộc Tòa Khâm Sứ : bác sĩ Aulery, bác sĩ Mangin, bác sĩ Barrat, bác sĩ Ferrandini, bác sĩ Verves, bác sĩ Logerais, bác sĩ Normand.
  • Y Sĩ Quản Đốc Bệnh Viện :
    • – bác sĩ Henry                           từ tháng 02.1895 – tháng 06.1897
    • – bác sĩ Petellaz                         từ tháng 06.1897 – tháng 08.1899
    • – bác sĩ Mesnard                       từ tháng 08.1899 –  tháng 02.1900
    • – bác sĩ Le Guen                        từ tháng 02.1990 – tháng 09.1900
    • – bác sĩ Duvigneau                    từ tháng 08.1900 – tháng 12.1902
    • – bác sĩ Vivien                           từ tháng 12.1902 – tháng 10.1903
    • – bác sĩ Duvigneau                    từ tháng 10.1903 – tháng 06.1906
    • – bác sĩ Dumas                          từ tháng 06.1906 – tháng 05.1907
    • – bác sĩ Tedeschi                       từ tháng 05.1907 – tháng 10.1908
    • – bác sĩ Piron                             từ tháng 10.1908 – tháng 03.1910
    • – bác sĩ Reboul                          từ tháng 03.1910 – tháng 03.1913
    • – bác sĩ Salanoue – Ipin             từ tháng 03.1913 – tháng 06.1913
    • – bác sĩ Guillon                          từ tháng 06.1913 – tháng 12.1913
    • – bác sĩ Gaide                            từ tháng 12.1913 – tháng 12.1916
    • – bác sĩ Thiroux                         từ tháng 12.1916 – tháng 02.1920
    • – bác sĩ Gaide                            từ tháng 02. 1920 –

C.- Thời kỳ ổn định cơ sở và phát triển chuyên môn: 1920 –  tháng 2/1947.

. tổng số giường : 1000 giường nội trú.
. cơ sở vật chất : mặt bằng bệnh viện đã hoàn thiện, qui hoạch từng khu  riêng biệt : khu hành chánh, khu khám bệnh, khu cận lâm sàng và khu lâm sàng.

  • Khu đất “A” 77. 382m2 16 đường Lê Lợi là khu hành chính có diện tích rộng lớn nhất, gồm có:

– Khu hành chánh xây dựng ngay bên trái cổng chính, gồm có văn phòng Ban giám đốc, phòng hành chánh, y tá trưởng, tổng giám thị, điện thoại, công xa….
– Phòng khám và điều trị cấp cứu đối diện với Tổng Giám Thị bên phải cổng chính,   
làm việc ngoài giờ hành chánh và ban đêm                  .
– Khu nhà dành cho các cấp điều hành BV cần ở nội trú : Bác sĩ Giám Đốc, Bác sĩ điều trị, Tổng Giám Thị.
– Khu Nội Khoa gồm : nội tim mạch, nội tiêu hóa, nội hô hấp, tiết niệu. Phòng bệnh nhân nam – nữ được chia ra riêng biệt.
– Khu Ngoại Khoa : phòng mổ có hành lang sau ni các sinh viên y khoa quan sát học thực hành, hồi sức hậu phẫu, ngoại chỉnh hình (gãy xương), ngoại tổng quát nam nữ riêng; khu ngoại người Âu  & quan lại riêng.
– Khu Sản Phụ Khoa, Khu truyền nhiễm, khu tâm thần.
– Khu cận lâm sàng dọc theo đường Ngô Quyền gồm có:
khu thí nghiệm, huyết học, ngân hàng máu, khu xét nghiệm sinh hóa, khu xét nghiệm sinh học và ký sinh trùng, nhà nuôi thỏ & chuột bạch thí nghiệm, nhà xác và nhà vĩnh biệt với một Niệm Phật Đường, khu dược với một phòng bào chế các loại thuốc thông dụng : thuốc tiêm, thuốc uống và những loại kem cho bệnh ngoài da.
Một nhà bếp lớn có khả năng cung cấp mỗi ngày trên 1000 xuất ăn.
Nhà máy điện phụ khi điện trung tâm bị hỏng, xưởng bảo trì.
Trong thế chiến thứ II, bệnh viện có xây 2 hầm trú ẩn nổi bằng bê tông cốt sắt để phỏng thủ thụ động : 1 sát khu nội khoa và 1 sát phòng mổ.
Một nhà điều trị cho phạm nhân có 10 giường nằm trước nhà giặt.

  • Khu đất “B” 11.450m2    số 2 – 6 đường Ngô Quyền, người Huế gọi là nhà thương Thị Xã ngụ ý là bệnh nhân đến khám rồi về nhà, nếu phải nằm nhà thương thì vào Nhà Thương Lớn đường Lê Lợi. Khu khám bệnh có nhà khám nội thương cho người lớn, phòng khám trẻ em, ngoại thương có phòng mổ tiểu phẫu chung cho người lớn và con nít trong một nhà lầu có 50 giường điều trị nội trú. Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, bệnh nhân mắt nằm trong viện mắt Albert Sarraut với 30 giường cho bệnh nhân nội trú, phòng khám thai và trẻ sơ sinh, phòng khám và chữa răng miệng.  
  • Khu đất “C” 10.500m2  .- số 2 Ngô Quyền, gồm 4 dãy lầu điều trị bệnh lao phổi vớI 200 giường. Dòng Nữ Tu Phao Lồ quản lý, săn sóc; phần điều trị do bác sĩ & y tá Bệnh Viên Trung Ương đảm trách.

Nhân viên tăng lên 120 người gồm có 6 bác sĩ người Pháp và các y sĩ Đông Dương tốt nghiệp khóa đầu tiên tại Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội: bác sĩ Ưng Hoát, bác sĩ Lê Đình Thám, bác sĩ Ưng Thông và bác sĩ Trương Xưởng. Bệnh viện mang tên là Hôpital Principal de Huế. Giám đốc là bác sĩ Terrisse, bác sĩ Lewine, bác sĩ Le Vote và bác sĩ Haslé (con gái của bác sĩ Haslé, điều dưỡng, đã trở lai Huế gặp Ông Hoàng Ấu Tuyền, Trợ lý Giáo Sư Giám Đốc BV, năm 1991 ghé

Khu Nguyễn Tăng Chuẩn

thăm lại ngôi nhà cũ bà đã lớn lên khi bố còn là giám đốc bệnh viện cho đến năm 1944), người kế vị là bác sĩ Gourvil đã đổi tên thành Bệnh Viện Trung Ương Huế (Hôpital Central de Huế).
Ngày 09.03.1945 Nhật lật đổ Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim cử Bác sĩ Lê Đình Thám làm Giám Đốc BV kiêm Giám Đốc Nha Y Tế Trung Phần. Cách mạng tháng 08.1945, chức vụ giám đốc được tuần tự do các bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, bác sĩ Nguyễn Đức Khởi và bác sĩ Dương Đình Liểu điều khiển. Bác sĩ Nguyễn Tăng Mật, các dược sĩ Trương Xuân Nam, Hoàng Sử, Nguyễn Dục, Lê Đình Hoàng theo tiếng gọi non sông lên đường chống bảo hộ Pháp và có những đóng góp xứng đáng.

D.- Bước thăng trầm của giai đoạn lịch sử (3.1947 – 03.1975).-

  • đầu năm 1947, tình hình chiến cuộc lan tràn nhiều vùng đất nước,  BVTW Huế bị chiếm đóng, được chia 3 phần :

– một nửa phía bắc là Bệnh Viện quân y Pháp có tên là Hôpital Cerizier
– một nửa còn lại phía nam chia ra làm hai: phía Tây là BVTW Huế,  phần còn lại là bộ chỉ huy quân sự.

  • Thời gian từ tháng 01.1947 – tháng 09.1947 một khóa đào tạo y tá đầu tiên miền Trung

với 70 học viên được tổ chức tại Bệnh Viện. 20 người tốt nghiệp được bổ sung vào quân đội – lực lượng Việt Binh Đoàn – phần còn lại bổ dụng về các bệnh viện. Một số ở lại làm việc tại Bệnh Viện, 1/3 tổng số lên đường chống Pháp, một số lớn nhóm này được theo học Y Khoa và sau 1975 đã nắm giữ những  nhiệm vụ quan trọng trong chính phủ.
Trong thời gian này có những nội công lặng lẽ, những lần tiếp tế y cụ phẫu thuật lên chiến khu được tổ chức ngay trên lầu khu Sản, hồi đó là phòng mổ chung cho BV, nhiệm vụ được giao cho các y tá qua các công cuộc nội công khéo léo lặng lẽ do các ông Nguyễn Vinh, Nguyễn Chí Hiệu và các bà Lâm Thị Mẫu Đơn và Lê Thị Diệm Chi.

  • Năm 1966 một vụ tiếp tế y cụ phẫu thuật bị bại lộ do hai sinh viên y khoa, hai giáo sư trung học và một nhân viên giảng huấn người ngoại quốc của trường Đại Học Y. Bị bắt và bị cầm tù tại nhà lao Thừa Phủ được các đồng môn giúp đỡ và vị khoa trưởng y khoa đương thời bảo lãnh để thi ra trường. Qua lời kể lại của một giáo sư Khoa Trưởng Trường Y Huế sau 1975,  thì chính cái ân tình này, người nữ đồng nghiệp đã trở thành một cột trụ chính ngành y tế của tỉnh Thừa Thiên quyền hành bao gồm cả BVTW Huế và Đaị Học Y

Huế, đã mạnh dạn can thiệp đúng lúc và đúng chổ cho các đồng nghiệp, do đó nhóm bác sĩ tại Huế ít người phải đi “xỉa răng cọp”
Trong giai đoạn 1947 – 1954: BVTW Huế do các bác sĩ Hoàng Mộng Lương làm Giám Đốc Nha Y Tế Trung Kỳ kiêm Giám Đốc BV, kế tiếp là bác sĩ Trịnh Văn Đạm, bác sĩ Dương Đình Liễu, bác sĩ Trần Kiêm Phán. Phải nói là ở vào giai đoạn chiến tranh này vị diện tích thu hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện phục vụ bệnh nhân vô cùng hạn chế.

  •  Sau Hiệp định Genève 1954 – 1968 : BVTW Huế mang lại bộ mặt trước năm 1946, số

giường là 1.035, cơ sở điêu trị được xây dưng thêm. Năm 1960 một khu điều tri trẻ em – khu Nhi Khoa – 3 tầng với 150 giường do quỹ UNICEF viện trợ, 1 khu nhà cho X quang.

  • Năm 1959, trường Đại Học Y Khoa Huế được thành lập do Nghị Định số 340/GD của Bộ

Giáo Dục ký ngày 21.08.1959 và số 1091/G/ĐHV/NĐ mở năm thứ nhất Y Khoa ngày 10.08.1961.
Bác sĩ Lê Khắc Quyến giữ chức Giám Đốc Nha Y Tế Trung Phần đến tháng 10.1958

Các vị Giám Đốc Bệnh Viện từ 1954 – 1975 :

  1. Bác sĩ Phạm Bá Viêm
  2. Bác sĩ Lê Nhân Thuần
  3. Bác sĩ Lê Khắc Quyến – đến tháng 12 năm 1958, Nha Y Tế Trung Phần giải tán, bác sĩ Lê Khắc Quyến giữ chức vụ Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế, sau ngày 21.08.1959 kiêm nhiêm thêm chứ vụ Phụ Tá Khoa Trưởng, Giáo Sư Lê Tấn Vĩnh, Khoa Trưởng.
  4. Bác sĩ Kỳ Quang Thân 09.1963 – 12.1963
  5. Bác sĩ Nguyễn Duy Chi 12.1963 – 05.1965
  6. Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn 06.1965 –

12.1965 kiêm Khoa Trưởng Trường Đại Học Y Khoa sau trở thành Thị Trưởng Thành Phố Đà Nẵng.

  1. Bác sĩ Tô Đình Cự từ 1965 – 02.1968
  2. Bác sĩ Trần Kiêm Khoan 1968 – 08.1973
  3. Bác sĩ Nguyễn Khoa Nam Anh 09.1973 – 4.1975

Các vị Giám Đốc Bệnh Viện từ 1975 –  đến bây giờ :

  1. Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa và Ủy Ban Quân Quản
  2. Bác sĩ Hồ Văn Cung
  3. Giáo Sư Võ Phụng
  4. Phó Giáo Sư Tiến Sĩ  Phạm Như Thế đến 12.2007
  5. Giáo Sư Tiến Sĩ Bùi Đức Phú tháng 01.2008 – ……..

E.- Những bước tiến song hành 1954 – 1968.-

    1. Trường Y Tá Quốc Gia Trung Việt:-

(tài liệu dưới đây do Ông Hoàng Ngọc Đức cung cấp, chân thành cám ơn)
Để đáp ứng nhu cầu y tá càng ngày càng gia tăng, năm 1952 Trường Y Tá Quốc Gia Miền Trung đã được thành lập do nghị định số 15/YT ngày 07.04.1952 của Tổng Trưởng Bộ Y Tế. Trường đào tạo được 5 khoá, từ khoá I đến khoá V thì đổi thành Trường Cán Sự Y Tế. Trường Cán Sự Y Tế Huế trực thuộc Viện Đại Học Huế và Trường Cán Sự Y Tế Sài Gòn lại trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Trường được xây tạm thời với 2 nhà vòm đường Lâm Hoàng nay là đường Nguyễn Huy Tự. Giám Đốc là bác sĩ Lê Khắc Quyến, Phó Giám Đốc là bác sĩ Nghiêm Thị Thuần, Giám Học là Ông Hoàng Đình Bảo; chương trình đào tạo là 2 năm, học viên phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hay Tú Tài mới được dự thi nhập học. Phần lý thuyết học tại trường còn phần lâm sàng & cận lâm sàng thì thực tập tại  Bệnh Viện Trung Ương Huế.

    1. Trường Cán Sự Y Tế & Trường Cán Sự Y Tế và Điều Dưỡng.-

Trường Cán Sự Y Tế (CSYT) ra đời do Nghị định số 213 – TTP/CV ngày 10.01.1952.
Nghị định ND số 1511- GD/ND ngày 14.11.1957: tổ chức và điều hành trường Cán Sự Y Tế và Điều
Dưỡng.
Một năm sau Nghị định ND số 179-TTP ngày 18.09.1958 đặt trường Cán Sự Y Tế & Điều Dưỡng và
Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia thuộc Bộ Y Tế.
Giám Đốc Trường do các bác sĩ sau đây nối tiếp phụ trách:
. Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Giám Học Ông Hoàng Văn Bảo & Cô Công Tằng Tôn Nữ Minh Khương.
. Bác sĩ Tô Đình Cự, Chủ Sự Văn Phòng Ông Lê Đình Tuân, Ông Hoàng Ngọc Đức.
. Bác sĩ Phạm Văn Giàu – Giám Đốc Trường Cán Sự Y Tế & Điều Dưỡng với 3 Phó Giám Đốc bác sĩ Lê Văn Điềm, bác sĩ Nguyễn Đại Bảng và bác sĩ Nguyễn Hoài.
. Bác sĩ Nguyễn Duy Chi làm Giám Đốc lớp Tá Viên Điều Dưỡng, kế theo là bác sĩ Phạm Văn Giàu. Lúc ban đầu, lớp Tá Viên Điều Dưỡng do BVTW Huế phụ trách sau sát nhập vào trường CSYTDD Huế.
Thời gian học việc:
Y Tá Quốc Gia : 2 năm
Cán Sự Y Tế và Điêu Dưỡng : 3 năm
Tá Viên Điều Dưỡng : 1 năm.

    1. Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia .-

Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia được xây dựng vào những năm đầu thập niên 60 trên đường Ngô Quyền, có nhiệm vụ đào tạo Cán Sự Hộ Sinh hay Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, trước đây thường gọi là Cô Đỡ. Lúc khởi đầu, BVTƯ Huế có 2 Nữ Hộ Sinh Quốc Gia tốt nghiệp Trường ĐạI Học Y Khoa Hà Nội : Bà Hoàng Thị Kim Cúc và Bà Kim Cương.
Chương trình học 3 năm, thưc tập nơi Khu Sản Khoa Bệnh Viện. Giám Đốc đầu tiên là bác sĩ Đặng Hoá Long, nguyên là bác sĩ Quân Y động viên, được giải ngũ về dân y; bác sĩ Đặng Hoá Long có công lớn trong tổ chức ngành Sản Phụ Khoa và cải tạo tu sửa ngôi nhà Khoa Sản Phụ được xây dựng từ năm 1938 – 1939. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh kế nghiệp làm Giám Đốc.

    1. Thành lập Y Khoa Đại Học Huế .-

  • Nghị định số 340 / GD ngày 21.08.1959 thành lập Y Khoa Đại Học Huế.
  • Nghị định 1091 /GD / ĐHV/ND ngày 10.08.1961 mở năm thứ I Y Khoa
  • Sự Vụ Lệnh số 1273/GD/NV/SVL ngày 18.11.1960 cử Giáo sư Lê Tấn Vĩnh làm Khoa Trưởng Trường Y Khoa Đại Học Huế.
  • Sự Vụ Lệnh số 625/GD/ NV/SVL ngày 24.07.1961 cử bác sĩ Lê Khắc Quyến, Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế kiêm nhiệm Phụ Tá Khoa Trưởng Trường Y Khoa Huế.
  • Sự Vụ Lệnh số 120/GD/SVL/IK ngày 30.01.1963 cử bác sĩ Lê Khắc Quyến làm Quyền Khoa Trưởng Y Khoa Huế.
  • Nghị định số 1959/GD/NV/ND ngày 30.10.1966 hợp thức hoá bác sĩ Thân Trọng An làm Quyền Khoa Trưởng Y Khoa Huế thay thế bác sĩ Lê Khắc Quyến.
  • Sự Vụ Lệnh số 79/GD/NV/SVL ngày 03.04.1967 cử bác sĩ Lê Văn Bách làm Xử Lý Thường Vụ Khoa Trưởng Y Khoa Huế.
  • Sự Vụ Lệnh số 3445/VHGD/NV/SVL ngày 26.12.1967 cử Giáo Sư Bùi Duy Tâm làm Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học Huế.
  • Nghị định số 279/VHGD/NV/ND ngày Nghị 26.01.1968 hợp thức hoá Giáo Sư Bùi Duy Tâm làm Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học Huế.
  • Giáo Sư Lê Bá Vận được cử làm Khoa trưởng Trường ĐạI Học Y Khoa Huế  từ 1972 đến Tháng 4, 1975

     

Tháng 09.1960 lớp Lý-Hoá-Sinh (PCB) đầu tiên được khai giảng tại Trường Đại Học Khoa Học.
Tháng 10.1961 lớp Y Khoa năm thứ I của Trường Đại Học Y thực sự khai sinh vớI 27 sinh viên.
Trải qua bao nhiêu khó khăn, những xáo trộn của tình hình chính trị và quân sự của đất nước, tại Huế từ ngay khai giảng đầu tiên tháng 10.1960 cho đến ngày 21.11.1967, 4 luận án tiến sĩ đầu tiên được tổ chức do Giáo Sư Trần Vỹ làm chủ tịch với các giáo sư Đăng Văn Chiếu, giáo sư Hoàng Ngọc Minh, giáo sư Horst Guenter Krainick, giáo sư Raymund Discher và giáo sư J.J. Caron  rất tiếc là không có vị Khoa Trưởng đầu tiên Giáo sư Lê Tấn Vĩnh và Thầy Bọ Lê Khắc Quyến, người đã bỏ bao nhiêu tâm huyết để cho sự thoát thai, nuôi dưỡng ngôi trường Mẹ.

Qua bao nhiêu thăng trầm thế sự, nhiều khúc quanh lịch sử tang thương, xa quê hương, hướng về quê, tôi cảm thấy lòng mình chính chắn trưởng thành, lòng yêu mến quê cha đất tổ bùng lên mãnh liệt.
Hơn bao giờ hết tôi thấy rất gắn bó với quê nhà đang còn trong lận đận lầm than.
Việt-Nam ơi, Bệnh Viện Trưng Ương Huế ơi!! ngôi trường Mẹ thân yếu!! quê hương xa xôi quá, có bao giờ tổ quốc Việt-Nam nhớ đến đàn chim lạc đàn. Xin một ngày quê tôi thật sự an bình để những người con Việt-Nam có thể trở về đất mẹ, những sinh viên Y Khoa Huế trở lại nơi đã học được cái tình người, phát triển lại cái y đạo ngàn năm đang mất dần chỗ đứng với mánh khóe « đầu tiên – tiền đâu » phát triển mạnh khắp mọi nẻo đường của đất nước và ngay cả trong các bệnh viện.
Ngày ấy những giấc mơ sẽ thật sự đâm chồi nở hoa, cho trái tim mẹ Viêt-Nam tươi với một màu xanh hy vọng cho người ốm đau
Ngày ấy đêm đêm sẽ thôi những tiếng khóc của con cái mẹ đang sống ly hương.
Ngày ấy chúng con thôi hết kiếp người luân lưu nhục nhằn.
Xin một ngày, giấc mơ sẽ thực hiện được.