Xử trí cấp cứu khi bị hạ thân nhiệt
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long – Bác sĩ hồi sức cấp cứu – Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.
Hạ thân nhiệt là tình trạng xảy ra khá phổ biến do một số nguyên nhân như trẻ sơ sinh đẻ non, nhiễm lạnh do thời tiết, đuối nước hoặc bệnh lý toàn thân ức chế trung tâm điều hòa nhiệt độ do bệnh thần kinh hay thiểu năng giáp. Khi hạ thân nhiệt nếu không được xử trí dễ để lại các rối loạn hoạt động nguy hiểm tới tính mạng, do cơ thể không kịp tạo nhiệt cho tim và hệ thống thần kinh.
1. Hạ thân nhiệt là gì?
Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể bất thường và xuống thấp dưới 35°C khi đo ở hậu môn. Dựa vào nhiệt độ có thể phân loại hạ thân nhiệt như sau:
- Hạ thân nhiệt nhẹ: 35-34°C
- Hạ thân nhiệt trung bình: 34-32°C
- Hạ thân nhiệt nặng: 32-25°C
- Hạ thân nhiệt nguy kịch: dưới 25°C
Hạ thân nhiệt gặp đa phần ở người già và trẻ nhỏ ở vùng ôn đới và hàn đới do mùa đông khắc nghiệt. Ngoài ra còn có thể gặp ở người tiếp xúc với thời tiết lạnh và ẩm ướt trong thời gian dài hoặc người sử dụng áo quần ẩm ướt, đầu trần và mặc không đủ ấm, người bị ngã xuống nước. Những hành động kể trên có thể khiến lượng nhiệt cơ thể sinh ra thấp hơn lượng nhiệt mất đi gây ra hạ thân nhiệt. Các bệnh lý hoặc điều kiện sống cũng có thể là căn nguyên cho việc hạ thân nhiệt như:
- Người gầy yếu;
- Mắc bệnh tâm thần, Alzheimer, suy dinh dưỡng hoặc bệnh tim mạch và thiểu năng tuyến giáp;
- Người say rượu, phê ma túy;
- Người vô gia cư, kẹt trong thời tiết lạnh do hỏng xe hoặc tắc đường.
2. Các biểu hiện của hạ thân nhiệt
Những dấu hiệu của nhiễm lạnh hoặc hạ thân nhiệt có thể bao gồm:
- Cảm thấy lạnh và rùng mình liên tục, thấy cơ thể không đủ ấm;
- Nổi da gà, môi thâm;
- Người run lẩy bẩy hoặc nói lắp bắp;
- Nặng hơn có thể có nhịp thở chậm, da xám lạnh thậm chí mất chức năng phối hợp các động tác;
- Khi hạ thân nhiệt quá lâu thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn lú lẫn và vụng về, nói ấp úng và mất thăng bằng, khi đó nhịp tim có thể giảm hoặc loạn nhịp;
- Trẻ hạ thân nhiệt và đổ mồ hôi, da lạnh và ửng đỏ, yếu ớt có thể là tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng cần can thiệp sớm nhất có thể.
3. Hạ thân nhiệt phải làm sao?
Việc đầu tiên khi phát hiện bệnh nhân hạ thân nhiệt chắc chắn là gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế. Trong khi chờ đợi thì cần giúp bệnh nhân thực hiện những việc sau:
- Cởi bỏ lớp quần áo ướt thay bằng quần áo khô ráo;
- Sưởi ấm: Đắp nhiều lớp chăn khô hoặc áo choàng, sưởi ấm bằng nệm nước ấm và đặt bệnh nhân nằm ở những nơi tránh gió lùa, che kín đầu bệnh nhân;
- Cho bệnh nhân uống nước ấm hoặc uống cháo nóng, thức uống không chứa caffein;
- Theo dõi nhịp thở của bệnh nhân để có thể hà hơi thổi ngạt kịp lúc khi có biểu hiện thở chậm hoặc nông trầm trọng;
- Không nên chườm nóng trực tiếp hoặc dùng đèn sưởi, nệm sưởi làm ấm, không cố làm ấm tay và chân vì sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm và tử vong;
- Không chà xát, xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.
Khi đã đến cơ sở y tế và tình trạng bệnh nặng, cần hô hấp nhân tạo bằng cách đặt nội khí quản khi có giảm thông khí nặng và rối loạn ý thức. Đồng thời, truyền dịch bicarbonat, dung dịch điện giải, máu hoặc plasma tùy nguyên nhân hạ thân nhiệt, thận trọng và truyền dịch từ từ. Sau đó có thể hút dạ dày hoặc đặt ống thông hậu môn để chống liệt ruột cơ năng. Chú ý, không dùng thuốc co mạch vì sẽ làm cản trở ngoại biên dễ gây phù phổi cấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.