Xử lý nhiễm trùng vết thương hở
Trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, việc bị thương ngoài da không phải là chuyện hiếm gặp. Các vết thương hở có thể rất nhỏ từ vết xước da, vết kim đâm, đứt tay cho đến những vết thương lớn hơn như đứt da sâu, rách da mảng lớn… Các vết thương đều cần có cách xử lý thích hợp, tránh việc nhiễm trùng vết thương hở.
Với các vết thương do tai nạn lao động hoặc do tai nạn sinh hoạt gây rách và chảy máu da, kèm theo tổn thương phần mềm. Ngay thời điểm vết thương xuất hiện đã có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác, thông qua vết thương hở này để xâm nhập vào bên trong cơ thể. Phân loại vết thương đến bệnh viện sớm trước 6 giờ được xem là vết thương sạch, vết thương đến sau 6 giờ là vết thương có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao hơn rất nhiều lần.
Đối với các vết thương hở nhưng nông, vết nhỏ gọn, nhìn sạch thì có thể rửa bằng các dung dịch sát khuẩn, sau đó băng kín vết thương. Xử lý các vết thương phần mềm cần phải cầm máu kịp thời, tránh làm vết thương nhiễm khuẩn. Vết thương có dị vật cần phải rút ra nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương mạch máu và dây thần kinh.
Với các vết thương hở nhưng dài và sâu, có thể kèm theo dập nát tổ chức hay các vết bẩn cần phải cắt lọc, cần tiến hành làm sạch, sát trùng vết thương hở, khâu phục hồi vết thương. Sau khi khâu cần phải điều trị kết hợp bằng kháng sinh trong 7 -10 ngày để tránh nhiễm trùng vết thương hở. Hầu hết các vết thương có thể cắt chỉ sau khi khâu từ 10 – 14 ngày tùy vị trí. Các vết thương tại vùng mặt là vùng được tưới máu nhiều nên thường liền nhanh, có thể cắt chỉ chỉ sau 10 ngày.
Tuy chỉ là một vết rách da nhẹ nhưng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể sẽ trở nên nghiêm trọng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, chúng ta cần nắm được cách nhận biết vết thương đang bị nhiễm trùng để có cách xử lý kịp thời, tránh diễn biến xấu hơn.