Xu hướng thời trang công sở

Xu hướng thời trang công sở

Những kết quả thú vị từ cuộc khảo sát các giám đốc doanh nghiệp và nhân viên văn phòng tại Hà Nội và Tp.HCM

Nhìn chung, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng những thương hiệu đắt tiền.
Nhìn chung, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng những thương hiệu đắt tiền.

Tại Diễn đàn Doanh nhân và Thương hiệu (BBF) do Masso Consulting tổ chức mới đây, Công ty Nghiên cứu thị trường FTA đã công bố kết quả khảo sát về hành vi của người tiêu dùng và nhu cầu thời trang tại thị trường nội địa.

Cuộc khảo sát được tiến hành qua phỏng vấn hai giám đốc doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Tp.HCM và 300 người tiêu dùng là nhân viên văn phòng, thường xuyên sử dụng các sản phẩm may sẵn ở Hà Nội và Tp.HCM. Nhóm đối tượng nghiên cứu này có mức thu nhập trung bình 2.500.000-4.400.000 đồng/tháng.

Người tiêu dùng quan tâm gì?

Ở thị trường trang phục công sở, Việt Tiến là thương hiệu được nhận biết nhiều nhất. Tại Tp.HCM, ngoài Việt Tiến còn có An Phước, Foci, Nhà Bè, Xinh và NEM; trong khi tại Hà Nội, các thương hiệu phổ biến sau Việt Tiến là Foci, NEM, An Phước, Nhà Bè và May 10.

Truyền hình và báo chí chưa được các nhà sản xuất khai thác mạnh để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng nhận biết nhãn hiệu trang phục công sở thông qua hệ thống các cửa hàng trên đường, qua bạn bè và người thân.

Nhìn chung, người tiêu dùng ở phân khúc thị trường trang phục công sở tỏ ra… trung thành với nhãn hiệu đang sử dụng, bằng chứng là 60% số người được hỏi cho biết không có ý định sử dụng nhãn hiệu mới trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa người tiêu dùng Hà Nội và Tp.HCM về mức độ trung thành với nhãn hiệu đang sử dụng: 82% người tiêu dùng ở Tp.HCM cho biết không dự định đổi nhãn hiệu sử dụng trong tương lai, trong khi ở Hà Nội tỷ lệ này là 39%.

Đáng chú ý là tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng thử các nhãn hiệu không cao (cao nhất là Việt Tiến với 55%). Điều này có thể do sự hiện diện của các cửa hàng phân phối chưa nhiều nên người tiêu dùng ít có cơ hội dùng thử; mức độ trung thành với thương hiệu đang sử dụng cao, do liên quan đến “gu” ăn mặc của người tiêu dùng.

Mức giá trung bình cho một bộ trang phục công sở khoảng 350.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, mức giá trung bình hợp lý đối với người tiêu dùng là khoảng 300.000 đồng/bộ. Mức độ nhạy cảm về giá của người tiêu dùng Hà Nội cao hơn ở Tp.HCM: giá mua trung bình cho một bộ trang phục ở cả hai nơi khoảng 350.000 đồng, nhưng người Hà Nội vẫn thích mua rẻ hơn khoảng 30.000 đồng/bộ so với Tp.HCM.

Nhìn chung, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng những thương hiệu đắt tiền. NEM là thương hiệu được dùng thử nhiều nhất vì được cho là nhãn hiệu nổi tiếng, mẫu đẹp và chất liệu vải tốt. Pierre Cardin cũng được chọn vì những lý do trên. Trong khi đó, An Phước được chọn sử dụng thử vì có… nhiều người nhận xét tốt; còn Foci được chọn vì giá hợp lý và Jojo thì được đánh giá là có kiểu dáng đẹp.

Ở thị trường trang phục thể thao, NinoMaxx là thương hiệu được nhận biết nhiều hơn hẳn so với các thương hiệu khác. Tại Tp.HCM, ngoài NinoMaxx còn một số thương hiệu như Adidas, PT 2000, Blue Exchange, Bossini và Hoàng Tấn. Ở Hà Nội, Hoàng Tấn, Blue Exchange và PT2000 có tỷ lệ nhận biết khá cao. Nguồn thông tin để nhận biết các thương hiệu trang phục thể thao cũng chủ yếu qua bảng hiệu trên đường phố, bạn bè và người thân.

Các thương hiệu trang phục dạ hội/họp có tỷ lệ nhận biết khá thấp so với hai dòng sản phẩm kể trên. Nguồn nhận biết thương hiệu vẫn là… nhìn bảng hiệu cửa hàng, qua bạn bè và người thân. Đối với dòng sản phẩm này, người tiêu dùng có xu hướng đến tiệm may hơn là chọn hàng may sẵn, nhất là tại Hà Nội. Hầu hết người tiêu dùng không xác định được nhãn hiệu sẽ dùng thử trong tương lai, cũng như không đưa ra nhãn hiệu từ chối sử dụng.

“Kiểu dáng phong phú” nhưng “giá cao” là nhận xét chung về sản phẩm trang phục dành cho dạ hội hay các cuộc họp hiện được bày bán trên thị trường. Người tiêu dùng tại Tp.HCM đánh giá các sản phẩm này có kiểu dáng sang trọng và mẫu mã đẹp; trong khi người tiêu dùng Hà Nội cho rằng có ít mẫu để lựa chọn và các mẫu hiện có chưa được phổ biến.

Hiện mức giá trung bình cho một bộ trang phục dạ hội/họp là 495.000 đồng. Ở Hà Nội, mức giá của loại trang phục này cao hơn gần 200.000 đồng so với Tp.HCM. Các khách hàng của loại trang phục này mong muốn giá nên ở mức 400.000 đồng/bộ.

Mua và sử dụng thương hiệu

Khi nêu ra các lý do chọn lựa và sử dụng một thương hiệu thời trang, người tiêu dùng thường đề cập đến các yếu tố như phù hợp với vóc người, tạo sự tự tin, hợp thời… Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt khá lớn giữa người tiêu dùng Hà Nội và Tp.HCM về các tiêu chí kể trên.

Chẳng hạn, người tiêu dùng Tp.HCM chuộng ăn mặc đẹp nhưng không quá khác người; trong khi người Hà Nội lại chú trọng đến sự khác biệt, cá tính trong lối ăn mặc.

Khác biệt giới tính cũng dẫn đến những quan điểm khác nhau về thời trang. Nam giới cho rằng thời trang cần phải “bắt kịp thời đại, tạo sự tự tin, phù hợp với vóc người và điều kiện làm việc”. Với phụ nữ thì ngoài những yếu tố kể động lớn bởi yếu tố thời trang theo mùa (84%).

Người Hà Nội thường có thói quen mua quần áo tại các cửa hàng kinh doanh một hay nhiều nhãn hiệu, trong khi người tiêu dùng Tp.HCM có vẻ “dễ tính” hơn khi tỷ lệ mua các sản phẩm may mặc tại siêu thị cao gấp ba lần so với Hà Nội.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy nam chủ yếu mua sản phẩm may mặc tại các cửa hàng bán duy nhất một nhãn hiệu (58%). Trong khi đó, phụ nữ lại thích đến các cửa hàng quần áo kinh doanh cùng lúc nhiều nhãn hiệu thời trang hơn nam giới.