Xôi gấc, món ăn may mắn ngày tết
Người Việt ta vẫn quan niệm rằng màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Hơn nữa, màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời mang đến nên sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới.
Vào bữa cơm tất niên hay trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm mới, người Việt thường chuẩn bị thêm một đĩa xôi gấc như niềm tin sẽ được nhiều lộc, nhiều may mắn trong cả năm.
Phóng toĐĩa xôi gấc là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết Việt
Có rất nhiều loại xôi được người Việt chế biến. Từ những món xôi được bày bán phổ biến mỗi sáng như xôi xéo, xôi lạc, xôi khúc, xôi đậu xanh đến những thứ xôi chỉ được nấu vào mỗi dịp ngày giỗ, ngày lễ truyền thống như xôi ngũ sắc, xôi thập cẩm… Thế nhưng, chỉ có xôi gấc là trở thành một món truyền thống trong mâm cỗ tết Việt Nam.
Mỗi phiên chợ giáp tết, dù ở quê nghèo hay trên thành phố sầm uất giàu sang, ngay trong sự bận bịu sắm tết hay trang hoàng nhà cửa thì người ta vẫn cố tìm mua một vài quả gấc đỏ tươi rồi thổi một vài đĩa xôi gấc đỏ thắm vừa thơm lại vừa ngon miệng.
Xôi gấc có vị dẻo thơm của những hạt lúa nếp, có màu đỏ tươi tắn, còn chứa đựng đủ vị bùi, béo, ngậy… rất đặc trưng từ quả gấc. Món xôi này không chỉ mang đến vị lạ, ngon trong ngày tết mà còn gửi gắm một giá trị tinh thần cho ngày tết truyền thống Việt Nam.
Ngoài ra, trong ngày tết cổ truyền, người Việt còn sử dụng mứt gấc hay dùng quả gấc để gói bánh chưng… như muốn tạo được màu đỏ cho sự may mắn trong năm mới.
Là thức ăn trong dịp lễ tết nên món xôi gấc thường được chuẩn bị rất công phu. Từ việc lựa gấc làm sao cho đỏ, thơm và ngon nhất đến việc đồ xôi, đơm xôi và đặt lên ban thờ như thế nào… tất cả đều được các bà, các mẹ làm kỹ lưỡng, cầu kỳ.
Khi còn sống ở quê, mỗi lần đồ xôi bà tôi lại hướng dẫn tỉ mỉ về cách chọn gấc. Bà nói phải chọn cho được quả gấc đỏ tươi vừa đủ độ chín; cuống to (để thịt gấc dày) và phải còn tươi; chọn những quả có gai nhỏ, đều và thưa… Lựa được gấc ngon sẽ nấu được đĩa xôi đỏ thắm và thơm mùi tự nhiên ở quả gấc.
Gấc được bổ đôi, nạo lấy phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả, bóp đều với rượu, sau đó trộn cùng gạo nếp đã được ngâm qua một đêm. Gạo nếp ngon thường có hạt tròn và không bị lẫn tạp với loại gạo khác. Khi đến độ gần chín, có thể cho ít muối hoặc dầu ăn để xôi đậm đà hơn.
Bằng ấy nguyên liệu, trộn đều và đem đồ (hấp cách thủy) khoảng 30 phút bằng nồi cơm điện hoặc hũ đồ xôi. Khi vừa chín tới, mở nồi xôi đang còn nghi ngút hơi ta sẽ cảm nhận được mùi thơm nức từ gạo nếp, màu đỏ của gấc, hạt xôi thì đỏ rực, dẻo và mềm…
Tùy theo thói quen hay tập quán từng vùng miền mà ở miền Nam, các bà nội trợ ưa rắc thêm sợi dừa nạo, trộn thêm nước cốt dừa, người Bắc đôi khi lại trộn thêm đỗ xanh hoặc rắc đường. Nhưng dù ở nơi nào thì món xôi gấc vẫn giữ được vị dẻo thơm và màu đỏ thắm điểm chút màu đen của hạt gấc.
Khâu cuối là đơm xôi ra đĩa: cũng phải khéo léo đơm sao cho đầy đặn, cân đối và thật tròn. Ngoài cách dùng khuôn đơm xôi chuyên dụng thì cách làm truyền thống của người dân ta là dùng bát tô có hình vừa đủ với mặt đĩa, nén xôi vào bát ấy và úp ngược lên mặt đĩa là được.