Xét xử BS Lương: Lộ ra tình tiết về 3 “người quan trọng” nhưng suốt 4 ngày vẫn biệt tăm

Sau 4 ngày xét xử vụ án thảm họa y tế tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người chết khi chạy thận nhân tạo, các luật sư tỏ ra hết sức ngao ngán do các nhân vật có quyền và nghĩa vụ liên quan và đóng vai trò quan trọng để tìm ra bản chất vụ án đều “mất tích”, mà điển hình là 3 nhân vật dưới đây. Dù vắng mặt nhưng những bí mật liên quan đến họ dần được hé lộ.

1. Nguyên giám đốc BV ĐK Hoà Bình – ông Trương Quý Dương đang ở đâu?

Sáng ngày 18/5, luật sư Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, trước khi xảy ra thảm họa y khoa làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện) đã ký hợp đồng số 315/BVĐKT-TS với Công ty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn làm tổng giám đốc, với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn nguyên Thận nhân tạo.

Giá trị hợp đồng này là 99.360.800 đồng. Sau đó, Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng hợp đồng này cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh). Giá trị hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh, theo lời bị cáo Bùi Mạnh Quốc, chỉ là hơn 49 triệu đồng. Như vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thất thoát gần 50 triệu đồng.

Như vậy, với mức giá xấp xỉ 100 triệu đồng trong hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình, nhưng sau đó Công ty Thiên Sơn lại thỏa thuận với Công ty Trâm Anh chỉ với mức giá hơn 49 triệu đồng, đã cho thấy có dấu hiệu có thể ông Trương Quý Dương làm thất thoát số tiền hơn cả giá trị thực của công việc.

Luật sư Huế cũng khẳng định rằng: “Chính việc chuyển nhượng hợp đồng này là đầu mối của vấn đề, nếu không có việc chuyển nhượng này chắc chắn vụ án đã không xảy ra ở mức đặc biệt nghiêm trọng như thế này”.

Các luật sư của các bên liên quan như luật sư của bị cáo Quốc, bị cáo Sơn cũng cho rằng triệu tập ông Trương Quý Dương là cần thiết để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án. Thế nhưng, mặc dù đã được triệu tập 2 lần với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Dương vẫn “biệt tăm” từ đầu đến cuối trong suốt 4 ngày phiên toà xét xử.

Đại diện VKS cũng như các luật sư, nhiều người dự khán cũng băn khoăn với câu hỏi ông Trương Quý Dương – Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, người lãnh đạo cao nhất của bệnh viện tại thời điểm xảy ra sự cố, đang ở đâu?

2. Hé lộ trách nhiệm của ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn

Cũng liên quan đến tình tiết chuyển nhượng hợp đồng giữa 3 bên: (1) ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hoà Bình – (2) ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Sơn – (3) Bùi Mạnh Quốc, Công ty Trâm Anh, luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho rằng việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng 100% giá trị hợp đồng cho Công ty Trâm Anh đã vi phạm quy định tại Điều 90 Luật Đấu thầu.

Luật Đấu thầu quy định chỉ được phép chuyển nhượng tối đa 10% giá trị hợp đồng.

Cũng theo quy định của Luật, các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đấu thầu, tùy theo mức độ thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự, hoặc phải bồi thường về mặt dân sự.

Xét xử BS Lương: Lộ ra tình tiết về 3 người quan trọng nhưng suốt 4 ngày vẫn biệt tăm - Ảnh 2.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc. (Ảnh: Như Hoàn)

Trong một diễn biến khác, chiều ngày 18/5, trả lời luật sư, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra, ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) đã yêu cầu bị cáo chạy lại hệ thống tuần hoàn. Mục đích chạy lại để làm gì thì bị cáo không nhớ. Thông tin này khiến các luật sư đặt nghi vấn Thiên Sơn đã cố tình làm sai lệch hiện trường, có thể là để xả hết hóa chất tồn dư.

Mặt khác, theo quy định, xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định kỳ được thực hiện 6 tháng đến 1 năm, đây là xét nghiệm độc lập với việc sửa chữa trang thiết bị, tuy nhiên, theo BS Hoàng Công Tình khẳng định, trong quá trình triển khai hoạt động sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, phía Công ty Thiên Sơn không cử bất cứ nhân viên nào đến giám sát việc sửa chữa.

Lời khai này được chính bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh – người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO số 2) xác nhận với luật sư Nguyễn Danh Huế.

Những tình tiết mới này liên quan đến vụ án và các bị cáo, tuy nhiên, người đứng đầu công ty Thiên Sơn cũng không xuất hiện trong 4 ngày phiên toà xét xử.

3. Lời khai hé lộ trách nhiệm của vị Trưởng phòng Vật tư, trang thiết bị y tế

Tại phiên toà chiều ngày 18/5, bị cáo Trần Văn Sơn đã trả lời câu hỏi của LS Phạm Quang Hoà về chi tiết sự việc vào ngày xảy ra thảm án.

Xét xử BS Lương: Lộ ra tình tiết về 3 người quan trọng nhưng suốt 4 ngày vẫn biệt tăm - Ảnh 3.

Bị cáo Trần Văn Sơn trong phiên toà ngày 18/5. (Ảnh: Như Hoàn)

Bị cáo Trần Văn Sơn cho biết, bị cáo không được giao giám sát quá trình thực hiện hợp đồng sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO. Bị cáo cũng không được nhìn thấy bảng phân công nhiệm vụ năm 2017 do ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị BVĐK tỉnh Hòa Bình lập và ký trước khi sự việc xảy ra vụ án. Thường tất cả những lần phân công công việc đều trong cuộc giao ban của phòng.

Ngày 28/5 xảy ra vụ thảm án y khoa, bị cáo Sơn cũng không được giao hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO, cũng không có ai thông báo những nội dung trong hợp đồng cho bị cáo.

Sơn khai, buổi giao ban sang 29/5, lúc 7h, bị cáo đã báo cáo với ông Trần Văn Thắng là công ty đã sửa chữa xong hệ thống nước. Ông Thắng có nói là bị cáo Sơn hoàn thiện nốt thủ tục bàn giao với bị cáo Quốc.

Sau đó, khoảng 7h30-8h sáng 29/5/2017 là thời điểm xảy ra tai biến.

Ở các buổi xử trước, HĐXX và các luật sư đã chứng thực được, biên bản (nêu trên) đúng là được các bị cáo Sơn, Quốc ký sau khi sự cố xảy ra.

Trong phiên xử ngày 16/5, bị cáo Quốc khai với VKS rằng: “Anh Sơn đưa cho bị cáo và bảo đây chỉ là hoàn thành nốt các thủ tục thôi, không có vấn đề gì cả. Lúc đó đã có sự cố chết người”.

Tóm tắt vụ án: Sáng 29/5/2017, sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một thảm hoạ y tế gây chấn động không chỉ trong lịch sử y học VN mà còn cả trên thế giới.

Một tháng sau thảm hoạ y khoa này, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO.

Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Hòa Bình.

Ngày 22/2/2018, VKSND tỉnh Hòa Bình ban hành cáo trạng truy tố đối với ba bị can:

1. Bị can Bùi Mạnh Quốc về tội ” vô ý làm chết người ” theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015);

2. Bị can Trần Văn Sơn và bị can Hoàng Công Lương về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (nay là khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015).