Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp: “Tấm hộ chiếu” để hội nhập
(HNM) – Ở các nước, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (financial strength rating, gọi tắt là rating) là hoạt động phổ biến nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn khá mới mẻ. Hiện tại, không nhiều doanh nghiệp trong nước tiến hành xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên đây lại là “tấm hộ chiếu” cho quá trình quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp nói riêng, hội nhập nói chung.
Được A.M.Best xếp hạng tín nhiệm, giá trị cổ phiếu của PVI tăng cao hơn. Trong ảnh: Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch tại Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Nguyệt Ánh
Nhìn từ trường hợp PVI
Mới đây, Tổng Công ty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã chính thức công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Theo đó, PVI được A.M.Best – một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới, được Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ công nhận – xếp hạng tín nhiệm tài chính ở mức B+ (năng lực vững mạnh) và chỉ số tín nhiệm cho nhà phát hành đạt mức BBB – (duy trì được khả năng thực hiện các cam kết tài chính tốt). Cần phải nói thêm là A.M.Best đã có hơn 100 năm kinh nghiệm, thực hiện quy trình rating cho khoảng 3.500 công ty bảo hiểm tại 65 quốc gia. Các kết quả xếp hạng của A.M.Best được coi là công cụ tham khảo hết sức quan trọng cho khách hàng và các nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định liên quan. Như vậy, kết quả xếp hạng của PVI đã được đánh giá cao. Nhìn từ khía cạnh phân tích, cả hai mức xếp hạng trên đều được nhìn nhận là khả quan, tức là nếu thị trường tài chính tiếp tục thuận lợi, PVI có thể đạt mức xếp hạng cao hơn. TS Roger Sellek, Giám đốc điều hành A.M.Best cho biết, đây chính là “tấm hộ chiếu” cho quá trình quốc tế hóa thương hiệu PVI. Đồng thời với kết quả này, PVI đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực bảo hiểm tài chính của Việt Nam được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc tế đánh giá (và được xếp hạng cao).
Xếp hạng tín nhiệm ngày càng quan trọng
Thực hiện rating hiện phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là hoạt động hết sức mới mẻ. Đến thời điểm này, tuy đã có một số đơn vị trong nước tiến hành xếp hạng tín nhiệm (mặc dù chất lượng của đơn vị xếp hạng còn nhiều vấn đề) song số doanh nghiệp nội địa thực hiện rating không nhiều. Theo một “ông lớn” khác trong lĩnh vực này là Standards & Poor (Mỹ), xếp hạng tín nhiệm là những ý kiến đánh giá hiện tại về rủi ro, chất lượng tín dụng, khả năng của chủ thể (doanh nghiệp)… trong việc đáp ứng các nghĩa vụ, mục tiêu tài chính một cách đầy đủ và đúng hạn. Còn theo Moody’s, xếp hạng tín nhiệm là những ý kiến đánh giá về chất lượng tài chính của chủ thể dựa trên những phân tích tín dụng cơ bản và biểu hiện thông qua hệ thống ký hiệu từ AAA đến C. Nói cách khác, đây là quan điểm đánh giá tổng hợp về mặt định tính và định lượng của một tổ chức độc lập đối với hoạt động kinh doanh, sức mạnh và khả năng tài chính của một công ty trên cơ sở nhận định về quá trình hoạt động, danh mục kinh doanh, bảng cân đối kế toán so sánh với các tiêu chuẩn số lượng và chất lượng mang tính quốc tế (của tổ chức đánh giá). Tổ chức đánh giá cũng xem xét đến các cam kết phát triển của doanh nghiệp trên mọi mặt.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBank) là một trong các “ngân hàng đại gia” Việt Nam được Moody’s xếp hạng tín nhiệm. Ảnh: Linh Tâm
Sự cần thiết phải xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là rất rõ ràng. Trước hết, từ phía doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm giúp các công ty mở rộng thị trường vốn trong và ngoài nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng; đồng thời bảo đảm duy trì sự ổn định nguồn tài trợ cho công ty, các công ty được xếp hạng cao có thể duy trì được thị trường vốn hầu như trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi thị trường vốn có những biến động bất lợi. Xếp hạng tín nhiệm càng cao thì lãi suất vay càng giảm, các nhà đầu tư sẵn sàng nhận một mức lãi suất thấp hơn cho một đối tác an toàn hơn… Còn đối với ngân hàng, đây là cơ sở để quản trị tín dụng nhằm giới hạn rủi ro ở mức mục tiêu và hỗ trợ trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tiến tới mục đích tối đa hóa lợi nhuận…
Xếp hạng tín nhiệm ngày càng trở nên quan trọng trong lĩnh vực tài chính. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một mặt, nếu không có một công ty xếp hạng tín dụng trong nước nào thì các doanh nghiệp Việt Nam phải dựa vào các công ty xếp hạng nước ngoài khi phát hành trái phiếu trên thị trường trong nước; mặt khác và quan trọng hơn, đây chính là thông tin cơ bản để các nhà đầu tư nước ngoài nói “không” hay “có” trước khi quyết định đầu tư.
Muốn tiến xa phải có tầm nhìn
Trở lại trường hợp PVI, xếp hạng tín nhiệm tài chính ở mức B+ (năng lực tài chính vững mạnh) được đánh giá tương đương với mức BBB (năng lực tài chính tin cậy) của Standard & Poors (nhiều nước đã chính thức công nhận việc quy đổi hệ thống xếp hạng của hai tổ chức đánh giá tín nhiệm tài chính này). Trên cơ sở này, PVI đã đặt ra mục tiêu nhanh chóng mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế, tái cấu trúc doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài uy tín, đồng thời nhanh chóng niêm yết cổ phiếu của PVI trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài…
Tuy nhiên, trên thực tế, đánh giá xếp hạng (tốt) không phải là một món quà. Doanh nghiệp muốn đạt được buộc phải có tầm nhìn chiến lược và cố gắng. Chẳng hạn, PVI đã mất tới 14 năm “chuẩn bị” và 2 năm thực sự “bắt tay” vào làm. Thậm chí, khi bắt đầu chuẩn bị cho việc đánh giá xếp hạng, đơn vị đã phải lường trước rủi ro không được công nhận hoặc không được xếp hạng cao… Nhưng điều quan trọng hơn cả cho một doanh nghiệp là quá trình chuẩn bị cho xếp hạng tín nhiệm tài chính sẽ hỗ trợ đơn vị thay đổi hệ thống (quản lý) theo các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp.
Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp lớn đã tiến hành đánh giá xếp hạng. Chẳng hạn, các “ngân hàng đại gia” Việt Nam như Á châu, Quốc tế, Kỹ thương, Đầu tư – Phát triển… đã được Moody’s công bố kết quả tín nhiệm tài chính. Các ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm trên cơ sở sức mạnh tài chính, khả năng sinh lời, các chỉ số thanh khoản, quản trị rủi ro tín dụng và an toàn vốn ở mức hợp lý (PVI vẫn là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực bảo hiểm – tài chính được xếp hạng)… Trong thời buổi hội nhập, doanh nghiệp muốn tiến xa thì phải có tầm nhìn và đánh giá xếp hạng tín nhiệm, do các tổ chức có uy tín thực hiện, là một trong những “tấm hộ chiếu” cho quá trình quốc tế hóa thương hiệu của doanh nghiệp.