Xem lễ dựng nêu cách đây hằng trăm năm
Lễ dựng nêu (hay Thướng tiêu) trong cung vua Nguyễn trị vì tại Huế từ năm 1802 đến 1945 để báo hiệu ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu là mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh nhằm phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu và cầu mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi.
Theo cổ tục, đến ngày 25 tháng Chạp là ngày Trừ nhật – triều đình không tiếp nhận văn thư và làm lễ Khóa ấn (nghĩa là cất ấn triện, không còn đóng dấu nữa) và dựng nêu. Đó là nghi thức dùng một cây tre trên đó lấy tranh kết bốn dọc năm ngang (tức cái lung tung), rồi treo một cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào ghi tên Thần linh… để cúng Thần. Trên bùa đào còn đề câu đối Tết áp dụng theo lối đề câu đối của Mạnh Sưởng đời Tống ở Trung Hoa, gọi là “đề đào phù”. Chẳng hạn như “Tân niên nạp dư khánh/ Gia tiết hiệu trường xuân (nghĩa là Năm mới nhiều điềm tốt/ Tiết đẹp gọi xuân lành).
Lễ dựng nêu trong Hoàng Cung Huế chiều 23 tháng Chạp
Vào đời vua Minh Mạng, ngày 25 dựng nêu và ngày mồng 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu, lễ Mở ấn (Khai ấn) rồi Tiễn Thần gọi là mở đầu năm mới. Thời vua Tự Đức triều đình quy định đến ngày 30 tháng Chạp mới dụng nêu, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại.
Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết và cúng Thần cùng tổ tiên, vạch vôi trừ ma quỷ. Ngày giờ dựng nêu của dân chúng sau định lệ của triều đình. Ở câu thơ của Tú Xương cũng có phản ánh sự quy định này “Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”.
Trên cơ sở tiếp nối những truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phục dựng lễ dựng nêu tại Hoàng cung ở 2 điểm là Thế Miếu (Đại Nội) và Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) từ 15h đến 16h30’ chiều 23/1 tức 23 tháng Chạp – ngày đưa ông Táo về trời.
Video:
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề vác cây tre làm nêu được chọn kỹ lưỡng. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh vui nhộn của đội tiểu nhạc tiến vào Hoàng cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Ở đây, hương án và lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Không khí nghiêm trang diễn ra với các nghi thức tiếp theo là Nghinh thần, Khánh hạ trong âm thanh của Đại nhạc cung đình Huế. Tiếp tục, lính vác 1 cây nêu khác đi từ Thế Miếu qua điện Long An.
Theo ghi nhận của PV, du khách quốc tế và người dân Huế rất thích thú khi được xem một lễ dựng nêu đậm chất cổ truyền xưa của cha ông. Cây nêu dựng lên đánh dấu thời gian nghỉ tết đã đến.
Đoàn rước nêu bắt đầu từ cửa Hiển Nhơn
Lân đá “nhìn” đoàn rước nêu
Những con đường xanh ngút mắt trong Hoàng Cung Huế cùng “theo bước” với nêu
Các quan bưng mâm lễ vật
TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế làm lễ cúng nêu
Chiêng trống từng hồi trước khi dựng nêu
Gắn lễ vật vào ngọn nêu
Dải điều đỏ gắn vào thân nêu
Quan, quân cùng dựng cây nêu lên ở sân Điện Long An
Cây nêu đã đứng thẳng
Giăng dây 4 góc để níu nêu
Mọi việc hoàn tất
Đốt giấy vàng mã cho nêu và Thần linh
Cây nêu cao, đẹp
Đung đưa trong gió xuân về, báo hiệu Tết đã đến
Nêu ở Hoàng Cung dựng lên bắt đầu việc nghỉ ngơi, nhưng đó là lúc xưa. Ngày nay tất cả phải làm việc cho đến ngày Nhà nước quy định nghỉ Tết. Nhưng mỗi lúc thấy nêu dựng lên, lòng mỗi người Việt lại xốn xuyến, rộn rã vì Tết đã gần lắm rồi.
Đại Dương