Xem chi tiết giới thiệu tổng quan – Quảng Trị – Cổng thông tin

Địa hình.

Do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: vùng núi cao phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp; vùng trung du và đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc tỉnh; kế đến là vùng cát nội đồng và ven biển. Do địa hình phía Tây núi cao, chiều ngang nhỏ hẹp nên hệ thống sông suối đều ngắn và dốc.

– Địa hình núi cao. Phân bố ở phía Tây từ dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp, chiếm diện tích lớn nhất, có độ cao từ 250-2000 m, độ dốc 20-300. Địa hình phân cắt mạnh, độ dốc lớn, quá trình xâm thực và rửa trôi mạnh. Các khối núi điển hình là Động Voi Mẹp, Động Sa Mui, Động Châu, Động Vàng. Địa hình vùng núi có thể phát triển trồng rừng, trồng cây lâu năm và chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên phần lớn địa hình bị chia cắt mạnh, sông suối, đèo dốc nên đi lại khó khăn, làm hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, mạng lưới điện… cũng như tổ chức đời sống xã hội và sản xuất. Tuy nhiên có tiềm năng thủy điện nhỏ khá phong phú.

– Địa hình gò đồi, núi thấp.Là phần chuyển tiếp từ địa hình núi cao đến địa hình đồng bằng, chạy dài dọc theo tỉnh. Có độ cao từ 50-250m, một vài nơi có độ cao trên 500 m. Địa hình gò đồi, núi thấp (vùng gò đồi trung du) tạo nên các dải thoải, lượn sóng, độ phân cắt từ sâu đến trung bình. Khối bazan Gio Linh – Cam Lộ có độ cao xấp xỉ 100 – 250 m dạng bán bình nguyên, lượn sóng thoải, vỏ phong hóa dày, khối bazan Vĩnh Linh nằm sát ven biển, có độ cao tuyệt đối từ 50-100m. Địa hình gò đồi, núi thấp thích hợp cho trồng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, cây ăn quả lâu năm.

– Địa hình đồng bằng.Là những vùng đất được bồi đắp phù sa từ hệ thống các sông, địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao tuyệt đối từ 25-30 m. Bao gồm đồng bằng Triệu Phong được bồi tụ từ phù sa sông Thạch Hãn khá màu mỡ; đồng bằng Hải Lăng, đồng bằng sông Bến Hải tương đối phì nhiêu. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, nhất là sản xuất lúa ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh.

– Địa hình ven biển.Chủ yếu là các cồn cát, đụn cát phân bố dọc ven biển. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc phân bố dân cư. Một số khu vực có địa hình phân hóa thành các bồn trũng cục bộ dễ bị ngập úng khi có mưa lớn hoặc một số khu vực chỉ là các cồn cát khô hạn, sản xuất chưa thuận lợi, làm cho đời sống dân cư thiếu ổn định.

Nhìn chung với địa hình đa dạng, phân hoá thành các tiểu khu vực, nhiều vùng sinh thái khác nhau tạo cho Quảng Trị có thể phát triển toàn diện các ngành kinh tế, đặc biệt là tạo nên các vùng tiểu khí hậu rất thuận lợi cho đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Khí hậu

Quảng Trị nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào, tổng tích ôn cao… là những thuận lợi cơ bản cho phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, Quảng Trị được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa nên dễ gây nên lũ lụt.

– Nhiệt độ. Nhiệt độ trung bình năm từ 240-250C ở vùng đồng bằng, 220-230C ở độ cao trên 500 m. Mùa lạnh có 3 tháng (12 và 1, 2  năm sau), nhiệt độ xuống thấp, tháng lạnh nhất nhiệt độ xuống dưới 220C ở đồng bằng, dưới 200C ở độ cao trên 500 m. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 nhiệt độ cao trung bình 280C, tháng nóng nhất từ tháng 6, 7, nhiệt độ tối cao có thể lên tới 400-420C. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm chênh lệch 70-90C. Chế độ nhiệt trên địa bàn tỉnh thuận lợi cho phát triển thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp.

– Chế độ mưa. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.200-2.500 mm; số ngày mưa trong năm dao động từ 154-190 ngày. Chế độ mưa ở Quảng Trị biến động rất mạnh theo các mùa và cả các năm. Trên 70% lượng mưa tập trung vào các tháng 9, 10, 11. Có năm lượng mưa trong 1 tháng mùa mưa chiếm xấp xỉ 65% lượng mưa trung bình nhiều năm. Mùa khô thường từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau, khô nhất vào tháng 7, đây là thời kỳ có gió Tây Nam thịnh hành. Tính biến động của chế độ mưa ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cũng như thi công các công trình xây dựng… Mùa mưa, lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn thường gây nên lũ lụt; mùa hè, thời gian mưa ít kéo dài thường gây nên thiếu nước, khô hạn.

– Độ ẩm. Quảng Trị có độ ẩm tương đối, trung bình năm khoảng 83-88%. Giữa hai miền Đông và Tây Trường Sơn chế độ ẩm cũng phân hóa theo thời gian. Tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 4, độ ẩm thấp nhất có khi xuống đến 22%; trong những tháng mùa mưa, độ ẩm tương đối trung bình thường trên 85%, có khi lên đến 88-90%.

– Nắng.Quảng Trị có số giờ nắng khá cao, trung bình 5-6 giờ/ ngày, có sự phân hóa theo thời gian và không gian rõ rệt: miền Đông có tổng số giờ nắng lên tới 1.910 giờ, miền Tây chỉ đạt 1.840 giờ. Các tháng có số giờ nắng cao thường vào tháng 5, 6, 7, 8, đạt trên 200 giờ. Nắng nhiều là điều kiện rất thuận lợi cho quang hợp, tăng năng suất sinh học cây trồng. Tuy nhiên, nắng nhiều và kéo dài, nhiệt độ cao dẫn đến hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống dân cư.

–  Gió. Tỉnh Quảng Trịchịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng ở Quảng Trị là hiện tượng rất điển hình, được đánh giá là dữ dội nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm có khoảng 45 ngày. Trong các đợt gió Tây Nam khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới 400 – 420C. Gió Tây Nam khô nóng làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

– Bão và áp thấp nhiệt đới.Quảng Trị nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường tập trung vào các tháng 9 và 10. Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Nhìn chung điều kiện tự nhiên của Quảng Trị có những thuận lợi khá cơ bản: do sự phân hóa đa dạng của độ cao địa hình tạo nên các vùng tiểu khí hậu thích hợp cho sự phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với các loại cây trồng vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt và cận ôn đới, có giá trị kinh tế cao. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tiểu vùng khí hậu đỉnh Trường Sơn với tính ôn hoà là tài nguyên quý mang lại sức hấp dẫn cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch, tạo không gian mát mẻ cho tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là trong mùa hè nóng gay gắt của vùng Bắc Trung Bộ. Đây là điểm độc đáo của khí hậu Quảng Trị.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản, điều kiện khí hậu, thời tiết của Quảng Trị cũng như ở các tỉnh miền Trung mang tính chất khắc nghiệt: thường xảy ra hạn hán về mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Do đó việc khắc phục thiên tai, xây dựng các công trình thuỷ lợi, trồng rừng đầu nguồn để giữ nước chống lũ lụt nhằm ổn định sản xuất và đời sống có ý nghĩa to lớn cần được quan tâm.

Thuỷ văn.

Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8-1 km/km2. Do đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, có dãy Trường Sơn núi cao ở phía Tây nên các sông của Quảng Trị có đặc điểm chung là ngắn và dốc. Toàn tỉnh có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 03 hệ thống sông chính là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu (Mỹ Chánh).

– Hệ thống sông Bến Hải. Bắt nguồn từ khu vực động Châu có độ cao 1.257 m, có chiều dài 65 km. Lưu lượng trung bình năm 43,4 m3/s. Diện tích lưu vực rộng khoảng 809 km2. Sông Bến Hải đổ ra biển ở Cửa Tùng.

– Hệ thống sông Thạch Hãn.Có chiều dài 155 km, diện tích lưu vực lớn nhất 2.660 km2. Nhánh sông chính là Thạch Hãn bắt nguồn từ các dãy núi lớn Động Sa Mui, Động Voi Mẹp (nhánh Rào Quán) và động Ba Lê, động Dang (nhánh Đakrông). Sông Thạch Hãn đổ ra biển ở Cửa Việt.

– Hệ thống sông Ô Lâu (sông Mỹ Chánh).Được hợp bởi hai nhánh sông chính là Ô Lâu ở phía Nam và sông Mỹ Chánh ở phía Bắc. Diện tích lưu vực của hai nhánh sông khoảng 900 km2, chiều dài 65 km. Sông đổ ra phá Tam Giang thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, ở phía Tây giáp biên giới Việt – Lào có một số sông nhánh chảy theo hướng Tây thuộc hệ thống sông Mê Kông. Các nhánh điển hình là sông Sê Pôn đoạn cửa khẩu Lao Bảo – A Đớt, sông Sê Păng Hiêng đoạn đồn biên phòng Cù Bai, Hướng Lập (Hướng Hóa).

Hệ thống suối.Phân bố dày đặc ở vùng thượng nguồn. Các thung lũng suối phần lớn rất hẹp, độ dốc lớn tạo ra nhiều thác cao hàng trăm mét và phân bậc phức tạp. Nhìn chung, hệ thống sông suối của Quảng Trị phân bố đều khắp, điều kiện thủy văn thuận lợi cung cấp nguồn nước dồi dào phục vụ cho sản xuất và đời sống, đồng thời có tiềm năng thủy điện cho phép xây dựng một số nhà máy thuỷ điện với công suất vừa và nhỏ.

Thuỷ triều trên dải bờ biển Quảng Trị có chế độ bán nhật triều không đều, gần ½ số ngày trong hàng tháng có 2 lần nước lớn, 2 lần nước ròng. Mực nước đỉnh triều tương đối lớn từ tháng 8 đến tháng 12 và nhỏ hơn từ tháng 1 đến tháng 7. Biên độ triều lên lớn nhất hàng tháng trong các năm không lớn, dao động từ 59 – 116 cm. Biên độ triều xuống lớn nhất cũng chênh lệch không nhiều so với giá trị trên. Độ lớn triều vào kỳ nước cường có thể đạt tới 2,5m.