Xem chi tiết – Trường Chính Trị Hậu Giang – Hậu Giang Portal

 

( Ảnh: Chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Nguồn: Lịch xuân.com.vn)

Tết cổ truyền là phong tục, tập quán của dân tộc các nước Phương Đông. Việt Nam là một trong những quốc gia có Tết cổ truyền dân tộc với nhiều phong tục, tập quán phong phú, hấp dẫn, tốt đẹp. Để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp Tết cổ truyền dân tộc, hiện nay nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị, gia đình đã tổ chức các hoạt động văn hoá sôi nổi, đa dạng hình thức, như: gói bánh chưng, bánh tét, thịt kho rệu, chưng mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; con cháu tập trung quây quần bên ông bà, cha mẹ và người thân gia đình; tổ chức đi thăm hỏi, chúc nhau những lời tốt đẹp, cầu mong vạn sự bình an, năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến việc giữ gìn và phát huy giá trị Tết cổ truyền của dân tộc, như: vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; các hành vi gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội; tiêu xài lãng phí; hoạt động mê tín dị đoan; đốt vàng mã, tổ chức đánh bạc, rượu chè bê tha; các lễ hội, hoạt động văn hóa phản cảm, trái thuần phong, mỹ tục, dung túng cổ súy cho lối sống màu mè, hình thức, vô cảm, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thậm chí vi phạm pháp luật… cần được ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn.

Với tinh thần “con người Việt, tâm hồn Việt” và mục tiêu xây dựng “Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta cần chắc lọc những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại trong trong quá trình hội nhập quốc tế; luôn tự hào và chủ động, sáng tạo trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc; đồng thời kiên quyết, kiên trì phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục, hoạt động sai trái diễn ra trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.

Giữ gìn giá trị văn hoá Tết cổ truyền dân tộc là trách nhiệm không chỉ riêng ai mà là của toàn xã hội. Mỗi công dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước và đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết cùng hành động để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Tết cổ truyền dân tộc, luôn hướng về cội nguồn dân tộc với lòng tự hào, tôn kính; tăng thêm nhiều suy nghĩ tốt, cách làm hay, bảo vệ lẽ phải, yêu thương giúp đỡ đoàn kết lẫn nhau; trân quý thật nhiều những thành quả của ông cha để lại và quyết tâm hơn nữa trong việc ngăn ngừa, loại bỏ những suy nghĩ, hành động sai trái, lệch lạc phương hại đến giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Có như vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chúng ta mới góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc một cách thiết thực nhất./.

MỸ LỆ