Xây dựng tiềm lực khoa học quân sự trong thời đại 4.0

(QK7 Online) – Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn các cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng trước đây đã khẳng định: Để giành thắng lợi trong chiến tranh, phải huy động sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần.
 

Triển khai trạm VSAT vác vai trong tác chiến.    

                                      

 

Vì vậy, trong quá trình xây dựng Quân đội, xây dựng, củng cố khả năng quốc phòng của đất nước trong thời bình, sẵn sàng đánh bại kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phải xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước. Bên cạnh việc thường xuyên chăm lo xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực chính trị-tinh thần, phải hết sức chăm lo xây dựng tiềm lực quân sự, tiềm lực khoa học, trong đó có tiềm lực khoa học quân sự.

Khoa học quân sự bao gồm: Khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học y dược quân sự, khoa học lịch sử quân sự… Mỗi ngành của khoa học quân sự đều có vị trí, vai trò nhất định thể hiện khả năng và sự sẵn sàng của khoa học trong việc quyết định quá trình nâng cao sức mạnh chiến đấu của LLVT nói chung, của Quân đội nói riêng, quyết định quá trình xây dựng và củng cố khả năng quốc phòng của đất nước, đảm bảo giành thắng lợi trong chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh tới nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó có quốc phòng-an ninh. Trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động to lớn đến mọi mặt, từ phương thức sản xuất cũng như chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cho đến phương thức chỉ huy, điều hành tác chiến và tác chiến trực tiếp trên chiến trường, từ công tác huấn luyện đào tạo cho đến việc thay đổi tổ chức biên chế của Quân đội cho phù hợp với hệ thống vũ khí, khí tài và nghệ thuật tác chiến mới.

Dưới tác động của sự phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, sự thay đổi của phương thức tác chiến mới, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi trong “chất liệu” con người cầm súng, mà trước hết là sự vững vàng về tư tưởng chính trị và tâm lý, sự tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, sự bền bỉ dẻo dai về thể lực… Trong quá trình tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, yếu tố chính trị tinh thần vẫn là yếu tố có vai trò quyết định đến tiến trình và kết cục chiến tranh, yếu tố “rốt cuộc quyết định thắng lợi trong chiến tranh”.

Phương hướng xây dựng và phát triển khoa học xã hội và nhân văn quân sự đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới được thể hiện trên các khía cạnh như: nghiên cứu những vấn đề về xã hội, văn hóa, đạo đức, tâm lý học quân sự; đồng thời, cần thiết có thể tính đến việc xây dựng và phát triển những bộ môn khoa học xã hội và nhân văn quân sự mới như: Chính trị, dân tộc, mỹ học quân sự… làm cho khoa học xã hội và nhân văn quân sự có đủ khả năng lý giải những vấn đề xã hội và nhân văn trong xây dựng con người (quân nhân) và tổ chức (tập thể quân nhân).

Việc xây dựng và phát triển khoa học nghệ thuật quân sự cần phát huy truyền thống khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình giữ nước, nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “tạo lực, lập thế, tranh thời”; sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh chiến đấu của ba thứ quân, kết hợp hai phương thức đấu tranh vũ trang cơ bản: chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh chính quy, chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực; kết hợp các loại hình chiến đấu tiến công, phản công và phòng ngự; cần phải nghiên cứu các phương thức, hình thức đấu tranh mới như: đấu tranh điện tử, đấu tranh sinh học, đấu tranh tin học… nghiên cứu các phương thức đánh địch từ xa, phương thức chống tập kích đường không, đường biển; kết hợp phát triển chiến tranh nhân dân rộng khắp với sức mạnh tiến công của các binh đoàn chủ lực; phát huy sức mạnh của khu vực phòng thủ… Đó là những vấn đề mới mà khoa học, nghệ thuật quân sự phải đi sâu nghiên cứu, phát triển.

Để đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh việc xây dựng và phát huy vai trò của yếu tố con người, nhất là yếu tố chính trị – tinh thần; yếu tố khoa học nghệ thuật quân sự; thì phải từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội, hiện đại hóa nền quốc phòng của đất nước. Trong xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, cần nghiên cứu cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện có, ưu tiên đầu tư con người, cơ sở vật chất, kinh phí cho việc nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự mới, tiếp cận trình độ khoa học-công nghệ quân sự tiên tiến của thế giới. Đồng thời, đầu tư thích đáng về ngân sách cho quốc phòng để có thể mua sắm được vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, nhất là vũ khí công nghệ cao.

Để xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học quân sự, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản đó là, nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn vị trí không thể thiếu và vai trò ngày càng tăng của khoa học quân sự. Tiếp tục tổ chức, kiện toàn, phát triển hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, chiều sâu các cơ quan tổ chức nghiên cứu khoa học quân sự. Đầu tư con người và trang thiết bị đảm bảo phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học quân sự, coi đây là một hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển khoa học của đất nước. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự, các cơ quan chỉ đạo và các đơn vị, địa phương trong việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học quân sự, gắn chặt việc tổng kết thực tiễn với nghiên cứu phát triển lý luận khoa học quân sự. Có cơ chế thích hợp trong việc hợp tác nghiên cứu khoa học quân sự giữa các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học quân sự trong Quân đội với các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học quân sự ngoài Quân đội, thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức quan tâm nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự.

Như vậy, đặc điểm, yêu cầu mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của khoa học quân sự, tính tất yếu phải xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học quân sự, trên cơ sở đó tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học quân sự, làm cho khoa học quân sự trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.

 

Đại tá, TS LÊ HỒNG ĐIỆP, Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7