Xây dựng mô hình siêu thị mini, chuỗi siêu thị từ con số “0”
Tư vấn mở siêu thị, xây dựng mô hình siêu thị mini hỗ trợ cho những người đang có nhu cầu muốn kinh doanh mô hình này giữa một rừng các đại siêu thị, các chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện ích của các ông chủ lớn hiện nay. Nếu muốn thắng thì bạn cần phải có 1 chiến lược và bản kế hoạch kinh doanh chi tiết. Nếu không sẽ rất dễ rơi vào trường hợp “tiền mất tật mang”. Cùng xây dựng mô hình siêu thị mini, chuỗi siêu thị từ con số “0” với các chuyên gia của chúng tôi sau đây:
Xây dựng mô hình siêu thị mini từng bước cho người chưa biết gì
Lập chiến lược, dự án kinh doanh, xây dựng mô hình siêu thị mini chi tiết
Bước 1: Xác định mô hình kinh doanh của siêu thị mini
Kinh doanh siêu thị mini không phải là hình thức kinh doanh xa lạ. Tuy nhiên để không bị nhầm lẫn với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh khác, bạn phải xác định cho mình 1 mô hình kinh doanh siêu thị mini cụ thể.
Đối với siêu thị nhỏ dưới 60m2 có 3 cách thức để xây dựng mô hình kinh doanh:
Cách thức 1: Xây dựng mô hình siêu thị mini bán hàng tiêu dùng phổ thông (mặt hàng thiết yếu)
- Ưu điểm: Hàng hóa phổ thông, dễ bán phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng.
- Nhược điểm: Cạnh tranh cao, không có tệp khách hàng tập trung, không phù hợp xu hướng, muốn kinh doanh mô hình này cần phải biết cách lọc những list sản phẩm kinh doanh phù hợp.
Đối tượng phù hợp: Vùng nông thông, các khu vực thu nhập bình quân thấp, vừa phải.
Bạn đọc quan tâm: Kinh nghiệm mở siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa ở quê
Cách thức 2: Xây dựng mô hình siêu thị, chuỗi siêu thị mini bán 60% hàng hóa phổ thông, 40% hàng nhập khẩu
- Ưu điểm: Vẫn duy trì những nhóm sản phẩm hàng hóa phổ thông tỷ trong chiếm 60% cửa hàng cơ bản đủ để cung cấp cho nhu cầu NTD những nhu cầu cơ bản, gia tăng hàng nhập khẩu để tăng tỷ lệ % lợi nhuận chung cho cửa hàng, khai thác tệp khách hàng tầm trung – cao, hạn chế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả mô hình kinh doanh cửa hàng.
- Nhược điểm: Vẫn bị cạnh tranh từ đối thủ, phù hợp xu hướng ngắn, chưa định vị được cho khách hàng kinh doanh hàng nhập khẩu, mô hình này rất nhạy cảm nên cần phải có kiến thức kinh doanh để xây dựng.
Đối tượng phù hợp: Khu vực nông thôn phát triển, thị trấn, thị xã, thành phố.
Cách thức 3: Xây dựng mô hình kinh doanh siêu thị mini 40% hàng hóa phổ thông, 60% hàng nhập khẩu (mô hình SHOP)
- Ưu điểm: Đủ cung cấp nhóm sản phẩm hàng hóa phổ thông, cạnh tranh thấp, khai thác đúng tệp khách hàng trung cao, định vị khách hàng kinh doanh hàng nhập khẩu, định vị mô hình là dạng SHOP, tỷ suất lợi nhuận cao, cạnh tranh thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh. Đây là mô hình kinh doanh thông minh.
- Nhược điểm: Doanh số thấp, người kinh doanh mô hình này cần phải có kiến thức chiều sâu, hiểu bản chất mô hình này.
Đối tượng phù hợp: Mô hình này phù hợp cho mở siêu thị mini ở chung cư với các khu vực có thu nhập cao, tập trung tệp khách hàng trung cao cấp nhiều.
Bước 2: Xác định bối cảnh thị trường
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2018 cho biết: Ở khu vực chung cư, khu vực dân cư hoặc khu biệt thự liền kề, người sống ở những nơi này tiêu khoảng 1 triệu-3 triệu/tháng vào tiền mua sắm đồ dùng hàng ngày. Đối với những nơi như trường học hoặc là những nơi vui chơi giải trí, mỗi bạn trẻ có thể chi từ 400k-700 nghìn đồng tiền ăn quà vặt và mua một số đồ dùng cho bản thân hàng tháng.
Xã hội ngày càng phát triển con người càng trở nên bận rộn, giá cả hàng hóa không còn là điều quan trọng với mỗi người dân sống tại các khu chung cư, dân cư, trường học…họ sẽ ưu tiên những gì tiện lợi và nhanh chóng nhất. Siêu thị mini hay siêu thị gia đình, cửa hàng tiện ích là ưu tiên hàng đầu với họ, chủ yếu họ sẽ mua đồ ăn và những dụng cụ dùng trong gia đình như giấy vệ sinh, nước ngọt, bánh kẹo, đồ nhựa, thực phẩm sống, đồ khô.
Số liệu của Tổng Cục Thống Kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 cán mức 3, 2 triệu tỷ, con số này tăng 9.5% so với 2014. Một mức tăng trường quá lớn. Thống kê của 1 Viện thuộc Bộ Công Thương cho thấy doanh doanh ước tính của riêng thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 179 tỉ USD, điều này mở ra một cơ hội kinh doanh cho rất nhiều người người đầu tư.
Siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi có thể sẽ là trung tâm của bán lẻ nhờ tính tiện ích, khoảng cách địa lý, giá bán, sự đa dạng về mặt hàng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Siêu thị lớn vẫn sẽ chiếm ưu thế hơn trên thị trường, nhưng siêu thị mini vẫn hoàn toàn tạo được vị trí đứng trên thị trường ở mảng riêng biệt.
Bước 3: Xác định tôn chỉ kinh doanh
Xác định được tôn chỉ đúng đắn, bạn sẽ tạo sự khác biệt với rất nhiều các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích khác, vậy siêu thị mini cần có 1 tôn chỉ kinh doanh như thế nào:
- Mang lại sự tiện lợi cho người mua. Siêu thị chúng tôi sẽ mang đến sự tiện lợi và nhanh chóng nhất cho khách hàng. Bạn sẽ không phải mất nhiều thời gian trong cuộc đời vì vấn đề mua sắm nữa, chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề thời gian với đầy đủ thứ hàng hóa bạn cần.
- Đáp ứng mọi nhu cầu mua hàng của bạn. Một siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi không chỉ tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, bên cạnh đó còn phải làm thỏa mãn mọi mong muốn mua hàng của khách.
Xác định cần bao nhiêu vốn và nên nhập hàng gì?
Cần bao nhiêu vốn để mở siêu thị mini?
Mở siêu thị mini cần bao nhiêu vốn? Đây có lẽ là nỗi băn khoăn lớn nhất của những người có ý tưởng mở siêu thị mini, cửa hàng tiện ích. Với số vốn từ 300 – 400 triệu bạn hoàn toàn có thể mở 1 siêu thị mini cho riêng mình. Nhằm giúp các bạn trẻ hay những người chưa có kinh nghiệm kinh doanh, chúng tôi xin đưa ra danh sách các loại chi phí mở siêu thị mini cho các bạn dưới đây:
Chi phí thuê mặt bằng: 20 triệu đồng/tháng
Nếu bạn đã có sẵn một địa điểm thuận tiện để mở siêu thị mini thì đây là một lợi thế rất lớn giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí để đầu tư cho các hạng mục khác được tốt hơn.
Nếu chưa có địa điểm, hoặc địa điểm của bạn không thuận lợi thì việc bỏ tiền ra thuê một nơi khác là điều nên làm. Mở siêu thị mini thông thường chỉ cần mặt bằng khoảng 50m2 là đã đủ để bạn có không gian trưng bày tất cả các loại hàng hóa, một quầy thu ngân và một kho chứa hàng nho nhỏ.
Tùy vào diện tích, vị trí, tính thẩm mỹ mà giá thuê ở từng nơi là không giống nhau, nhưng trung bình dao động trong khoảng 10-15 triệu đồng/ tháng. Nếu bạn muốn chọn các địa điểm hút khách như các tòa chung cư, trên mặt đường lớn, đông người qua lại,… thì mức giá ấy có thể lên tới 20 đến 30 triệu đồng/tháng.
Một mặt bằng đẹp có thể ngốn vào vốn của bạn từ 20-30 triệu đồng/tháng
Cần lưu ý về hợp đồng cho thuê nhà, tối thiểu phải là 5 năm trở lên. Đã rất nhiều trường hợp chủ nhà thấy mình buôn may bán đắt được sẵn sàng đền bù cho chút ít rồi đuổi khéo bằng nhiều cách để kế thừa kinh doanh cửa hàng. Do vậy, việc làm hợp đồng phải thật chặt chẽ, không bao giờ được lỏng lẻo, bị nắm chuôi.
Chi phí nguồn hàng: 300 triệu đồng
Nguồn nhập hàng là yếu tố quan trọng quyết định đến giá bán, doanh thu, lợi nhuận của siêu thị. Hiện nay người dùng rất thông minh và luôn đặt ra sự so sánh. Nếu giá của bạn mà đắt hơn bên khác dù chỉ 1 ngàn đồng cũng sẽ mất khách ngay lập tức. Việc nhập được sản phẩm giá rẻ chất lượng sẽ giúp việc kinh doanh siêu thị mini thu lãi về nhanh hơn. Nhưng có thể nhập hàng tạp hóa ở đâu?
Giai đoạn đầu bạn mới mở siêu thị mini thì bạn nên liên hệ (tới) trực tiếp các đại lý phân phối hoặc cửa hàng bán buôn, các nhà sản xuất để được cung cấp giá sỉ và nhận trực tiếp các ưu đãi về giá, các chương trình quảng cáo, khuyến mại, hình thức thanh toán, hình thức giao hàng, cam kết về đổi trả hàng,… cụ thể. Một số phương thức nhập hàng và nơi cung cấp nguồn hàng uy tín, giá tốt được chúng tôi tổng hợp lại tại đây.
Chi phí lắp đặt trang thiết bị cho mô hình siêu thị mini: 60 triệu
Những dụng cụ, thiết bị cần thiết để bạn kinh doanh siêu thị mini hiện nay bao gồm:
– Kệ siêu thị: giá kệ bày hàng hóa luôn là điểm nhấn cho siêu thị, bởi chúng là thiết bị mà được kê nhiều nhất và chiếm nhiều diện tích nhất trong siêu thị. Với mức chi phí cho kệ trưng bày trong siêu thị là từ 30 triệu đồng. Nếu dư giả hơn, bạn có thể đầu tư thêm kệ quảng cáo chuyên dụng bày một số sản phẩm bán chạy. Ngoài ra, còn một số phụ kiện siêu thị khác mà bạn cũng nên tìm hiểu để đầu tư cho siêu thị gia đình của mình.
Trước khi bạn quyết định sử dụng thiết bị kệ bán hàng tạp hóa nào, bạn nên đến trực tiếp xem thiết kế, kiểu dáng, kết cấu, độ chuẩn xác, màu sắc có phù hợp với màu sơn tường, không gian và hệ thống chiếu sáng của siêu thị không. Có như vậy siêu thị của bạn mới có được sự hài hòa về tổng thể.
– Bàn thu ngân: đây là thiết bị giúp việc thanh toán trong siêu thị được nhanh chóng, dễ dàng hơn vì số lượng người đến siêu thị là rất đông nếu không có bàn thu ngân thì thao tác thanh toán sẽ bị trì trệ ngay lập tức. Chi phí cho bàn thu ngân là từ 4 triệu đồng/1 bàn.
Các thiết bị cần có khi mở siêu thị
– Cổng từ an ninh: vì diện tích rộng với nhiều gian hàng nên việc kiểm soát hàng hóa bị thất thoát là rất khó khăn. Vì thế các siêu thị thường trang bị cổng từ an ninh để tránh bị mang đồ ra ngoài khi chưa được thanh toán. Chi phí cho thiết bị này là từ 5-10 triệu đồng.
– Phần mềm bán hàng: với số lượng hàng hóa khổng lồ thì phần mềm bán hàng chính là giải pháp thiết thực cho các siêu thị hiện nay. Nó giúp kiểm soát số lượng hàng hóa hiện có, lượng hàng hóa bán ra, tồn kho cũng như bước thanh toán. Chi phí cho phần mềm là từ 3-5 triệu đồng.
– Máy tính: nếu đã có phần mềm bán hàng và thanh toán thì tất nhiên phải có máy tính để sử dụng các phần mềm này. Chi phí đầu tư là từ 10 triệu đồng.
– Kệ kho hàng: khi mở siêu thị, bạn chắc chắn phải có một kho chứa hàng nhỏ để lưu trữ, bảo quản hàng hóa. Bạn không thể bán hết đến đâu nhập đến đấy được mà luôn cần có hàng hóa lưu trữ trong mọi trường hợp. Nhất là các mặt hàng dễ biến động giá, mặt hàng nhiều người dùng. Mẫu kệ chứa hàng cho kho được dùng phổ biến trong các kho siêu thị hiện nay là kệ sắt v lỗ vì giá tải trọng phù hợp mà giá thành lại rẻ.
Chi phí thuê nhân viên: 12 triệu đồng/tháng
Với siêu thị 50-100m2 chi phí thuê nhân viên theo ca bình quân là 5 triệu/ca, còn với siêu thị có quy mô lớn từ 100-200 m2 trở lên thì cần có 1 người quản lý và 2 nhân viên, chi phí dao động khoảng từ 10-12 triệu/ tháng. Tùy vào diện tích siêu thị của bạn, nếu bạn tận dụng được nguồn nhân lực từ nhà mình thì chi phí này cũng tiết kiệm được kha khá.
Chi phí cho Thuế
Có 3 loại thuế chủ yếu mà bạn cần đóng là: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài. Trong đó:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng cho doanh nghiệp tư nhân ( công ty TNHH một thành viên) 20%. Cụ thể về cách tính thuế bạn tìm hiểu về thuế phải đóng cho công ty TNHH MTV ( Buôn bán hàng hóa bằng siêu thị mini cần thành lập loại hình doanh nghiệp tư nhân này).
- Thuế thu nhập cá nhân. Loại thuế này tính cho những người có thu nhập từ 9 triệu trở lên ( theo 92/2015/TT-BTC). Bạn cũng tìm hiểu cụ thể hơn về mức thuế mình phải đóng tại văn bản luật này.
- Thuế môn bài đóng theo cố định theo bậc. Theo quy định mới, mức thu phí môn bài được rút gọn lại còn 2 bậc. Cụ thể, theo nghị định 139, mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định mức thu đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm. Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống là 2 triệu đồng/năm. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác chịu mức phí môn bài 1 triệu đồng/năm.
>>> Tính chi phí vốn mở cửa hàng tạp hóa để so sánh 2 mô hình >> chi tiết
Các chi phí phát sinh khi mở mô hình siêu thị mini gia đình
Chi phí trang trí: 20 triệu đồng
Để tạo nên sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, bạn nên trang trí cửa hàng mình thật sáng tạo. Đi theo lối phong cách mới mẻ, cá tính hoặc dịu dàng. Sự phối hợp của các tông màu sơn tường cũng phản ánh tới tâm trí người tiêu dùng.
STT
Tên chi phí
Chi phí
1
Trần nhà – sàn nhà
7 triệu
2
Biển hiệu quảng cáo
5 triệu
3
Mặt tường bên trong
3 triệu
4
Mặt sàn hiên trước
3 triệu
5
Âm nhạc cho siêu thị
2 triệu
Hàng hóa được trưng bày trên các giá kệ, hay quầy nên đi theo một hướng logic. Thuận tiện cho việc tìm mua hàng hóa của khách hàng. Chi tiết về cách bày hàng hóa như thế nào, chúng tôi cũng đã có bài hướng dẫn cụ thể như sau: “Cách sắp xếp, trưng bày hàng hóa trong siêu thị giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi“.
- Trần nhà và sàn nhà: tạo cảm giác thoáng đãng, ấm cúng cho khách khi bước vào không gian trong siêu thị. Bạn không cần trang trí trần quá tráng lệ hay độc đáo để tốn tiền, chỉ cần chọn thiết kế đơn giản phù hợp với đặc điểm kinh doanh của siêu thị. Trần nhà không nên bài trí quá nhiều họa tiết mà cần sạch sẽ, bạn có thể dùng màu trắng tinh hoặc tông màu ấm làm nền cho trần nhà. Về mặt sàn cần phải kết hợp hài hòa với ánh sáng đèn từ trần nhà. Bạn có thể chọn màu trắng thuần tự nhiên hoặc màu nhạt. Điều đó tạo cảm giác sạch sẽ, có lợi cho việc bán thực phẩm, đồ ăn uống trong siêu thị.
- Biển hiệu của siêu thị: Thông thường biển này làm thành hình chữ nhật, có chiều rộng lớn hơn chiều cao và độ dài bằng với mặt tiền của siêu thị. Khi đặt biển hiệu không nên phân bổ quá nhiều màu sắc, càng đơn giản nhưng tinh tế và phù hợp định hướng kinh doanh càng tốt.
- Mặt sàn của hiên nhà trước siêu thị: Là nơi khách hàng sẽ trạm bước chân đầu tiên đến với cửa hàng của chúng ta, vì vậy phần hiên nhà phía trước này có tác động nhất định đến tâm lý mua hàng. Bạn không nên sử dụng màu tro hay màu đen quá nhiều cho phần hiên nhà này, sử dụng loại gạch hoặc chất liệu dễ lau vệ sinh, thiết kế của bệ hiên nên vuông vắn.
- Mặt tường bên trong siêu thị: Tường của một siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi thông thường được ốp gạch men sứ màu trắng. Bạn có thể treo khung Logo thương hiệu hoặc 1 biển quảng cáo. Ngoài ra bạn có thể sử dụng màu ấm áp kết hợp với đèn thả để tạo nên hiệu ứng tâm lý mua hàng.
- Âm nhạc: Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, 1 bản nhạc du dương có khả năng làm cho khách hàng muốn mua nhiều sản phẩm hàng hóa hơn trong cửa hàng của bạn. Âm lượng của 1 bản nhạc không nên quá lớn khiến khách hàng cảm thấy khó chịu.
Chi phí bảo hành, sửa chữa thiết bị
Trong quá trình sử dụng, có thể một số thiết bị phục vụ trong siêu thị như giá để hàng, phần mềm,… sẽ phát sinh lỗi, hỏng hóc và cần phải bảo hành, sửa chữa hay thay mới. Chi phí này thường được tính bằng 10% giá trị của thiết bị.
Mở siêu thị mini nên nhập mặt hàng gì?
Những mặt hàng thiết yếu và cần tiêu thụ hằng ngày luôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu khi nhập hàng cho siêu thị mini. Trong số đó có các mặt hàng chủ yếu sau:
– Hàng tiêu dùng thiết yếu: đây là những mặt hàng dễ tiêu thụ nhất vì giá thành rẻ, tiện lợi nhưng lợi nhuận từ nguồn hàng này thường không cao. Tuy nhiên dù ít hay nhiều thì đây cũng là mặt hàng không thể thiếu trong bất cứ siêu thị mini nào hiện nay.
– Hàng thực phẩm tươi sống: bao gồm các mặt hàng như rau củ quả, thịt, hải sản,… Những mặt hàng này rất dễ tiêu thụ vì đều là nguồn thực phẩm cần thiết của người dân. Ưu điểm nổi trội hơn là nguồn hàng thực phẩm từ siêu thị thường chiếm được lòng tin từ người tiêu dùng hơn là mua ngoài chợ nhờ có kiểm chứng an toàn thực phẩm.
– Nguồn hàng bánh kẹo: đây là sản phẩm tiêu thụ tốt với mọi đối tượng và là nguồn thu mang lại lợi nhuận khá cao cho các chủ siêu thị mini hiện nay.
Nguồn hàng nên đa dạng để thu hút khách
– Đồ uống: sẽ thật thiếu sót nếu không có gian hàng đồ uống trong siêu thị. Các loại đồ uống đa dạng cũng là một chiêu thức thu hút khách hàng đến với siêu thị của bạn nhất là vào mùa hè nóng nực.
– Hàng gia dụng: các siêu thị mini thường có quy mô không quá lớn nên tập trung vào những mặt hàng gia dụng, đồ nhựa gia dụng hằng ngày như đồ nhà bếp cũng là ý tưởng không tồi.
– Đồ dùng văn phòng phẩm: đây là nhóm hàng rất quan trọng và cũng không thể thiếu nhất là nếu địa điểm kinh doanh của bạn gần với các doanh nghiệp, trường học.
Xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh siêu thị
Trong quá trình kinh doanh, bạn triển khai chính sách tích lũy điểm được tặng quà.
Muốn chính sách thúc đẩy tiêu thụ này hiệu quả, bạn cần nâng cao giá trị món quà tặng thưởng. Ví dụ mỗi ngày 1 khách hàng mua 100k tiền hàng, nếu sau 1 thời gian họ mua đủ 1 triệu thì bạn có thể tặng họ 1 cái nồi , 1 phần quà là sữa tươi, 1 món đồ chơi cho trẻ em…Làm theo cách này khách hàng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình bán hàng cùng chúng ta. Nếu không bạn có thể tổ chức giải thưởng trong 1 ngày, 2 ngày. Người nào bốc thăm trúng giải thưởng nào thì được miễn phí thứ hàng hàng hóa đó.
Chiết khấu, giảm giá bán cho khách hàng quen. Một chi tiết nhỏ trong Marketing nhưng mang lại hiệu quả lớn. Người được giảm giá sẽ cảm thấy mình khác biệt, được ưu tiên, họ sẽ càng mua nhiều hàng hơn. Cách tính giá chiết khấu có lợi nhất, bạn có thể tham khảo tại đây.
Tăng giảm giá bán theo từng khung giờ khác nhau. Nếu đến tối bạn vẫn chưa bán hết thịt, cá, rau củ thì có thể giảm giá để khách hàng mua nốt. Đây cũng là một cách bán hàng rất hiệu quả. Thực ra khi giảm giá bán không hề bị lỗ, bạn vẫn có lãi, nhưng tiền lãi bị giảm đi một chút, song vẫn hiệu quả hơn trường không bán được và phải tồn kho.
Nếu áp dụng và quản lý chính sách bán hàng tăng giảm giá theo từng giờ hiệu quả, những người khách của bạn có thể sẽ chỉ căn cước giờ giảm giá để đến siêu thị của bạn mua sản phẩm. Đặc biệt là những bà nội trợ làm công việc văn phòng.
Kinh nghiệm xây dựng mô hình siêu thị mini từ thực tế
Dù mở siêu thị mini tại nông thôn hay thành thị thì bạn cũng cần nắm được những yếu tố sau để xây dựng mô hình siêu thị thành công:
Bạn có biết ai là khách hàng của mình?
Xác định được khách hàng và hành vi mua sắm của họ được coi là chiến lược quan trọng nhất trong những chiến lược giúp tạo nên thành công trong lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên thì cho dù bạn là một nhà bán hàng đã có kinh nghiệm hoặc chỉ mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh này, bạn nên đọc và tham khảo thêm về một số chiến lược đã được chứng minh cho sự thành công của các nhà bán lẻ hàng đầu trên thế giới phía dưới đây:
Kết thân với những khách hàng chịu chi trả cho đa phần những mặt hàng có lợi nhuận cao. “Đừng bao giờ theo đuổi những kẻ hà tiện“. Bởi khi đó là bạn đang mua sự trung thành của họ bằng chính khoản lợi nhuận của mình. Nếu có thể, hãy tập trung đáp ứng đối tượng khách luôn đặt ra câu hỏi “Có gì mới?” – một khách hàng tốt sẽ sẵn sàng trả đủ tiền để có nó. Chỉ khi nào bạn xác định được những mặt hàng cần mua cho cửa hàng của mình, tức là khi bạn thực sự hiểu khách hàng của bạn là ai và khách hàng muốn gì thì họ sẽ mua hàng của bạn.
Điều bạn cần làm là mang đến cho khách hàng của mình những trải nghiệm chất lượng tương xứng với mức giá mà họ phải bỏ ra để mua sản phẩm của cửa hàng bạn. Hãy thu hút khách hàng bằng chất lượng chứ đừng bao giờ cố gắng bán cứng, gò ép, dùng áp lực mạnh để thuyết phục người mua mua một món hàng nào đó hoặc tất cả mọi thứ có trong cửa hàng của mình.
Lựa chọn hàng hóa tốt nhất
Có quá nhiều sự lựa chọn chưa hẳn đã là điều mà khách hàng mong muốn. Thay vào đó, họ chỉ muốn tìm kiếm các lựa chọn tốt nhất mà thôi. Điều đó có nghĩa là bạn nên sắp xếp, trình bày cửa hàng một cách khoa học với các mặt hàng chất lượng để khách hàng có thể nhìn thấy rõ ràng lợi thế hơn của bạn so với các đối thủ cạnh tranh.
Thu hút khách hàng
Có rất nhiều cửa hàng mà khi khách bước vào nhưng không nhận được lời chào hỏi từ người bán. Một số khác thì lại hỏi quá nhiều khiến cho khách hàng cảm thấy phiền phức và khó chịu. Cuốn hút khách hàng, để họ cảm thấy thoải mái nhất khi bước chân vào cửa hàng của bạn bằng cách thể hiện sự quan tâm thông qua những cuộc trò chuyện ngắn để giúp đỡ và mang đến cho họ sự thuận tiện tối đa khi đến mua sắm tại cửa hàng của bạn.
Mời họ quay trở lại
Điều cuối cùng cần làm trước khi khách hàng hoàn tất mua bán là một lời cảm ơn vì đã mua hàng của bạn. Nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu bạn cảm ơn khách hàng bằng thái độ thân thiện và mời họ quay trở lại trong những lần phát sinh nhu cầu sau. Điều đó sẽ khiến họ ấn tượng và ghi nhớ mãi. Với những kinh nghiệm kinh doanh nhỏ lẻ được chia sẻ trên đây, hi vọng sẽ hỗ trợ tốt cho công việc kinh doanh của bạn!
Hy vọng với những kinh nghiệm quý báu mà chúng tôi tích lũy và sưu tầm được, quý bạn sẽ có những kiến thức nhất định để sẵn sàng chinh chiến vào lĩnh vực rất chông gai mà cũng rất tiềm năng này. Chúc các bạn thành công!
>> Tham khảo:
+ Mô hình kinh doanh Vinmart
+ Mô hình kinh doanh tại nhà