Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong giới trẻ

(PLVN) – Giới trẻ là tương lai của toàn nhân loại. Do đó, việc xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong giới trẻ là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận giới trẻ ngày nay ngày càng gia tăng.

Đi tìm nguyên nhân

Qua đời sống hàng ngày và thông tin truyền thông có thể thấy, hiện nay đang có một thực tế báo động về việc suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ. Những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận giới trẻ hiện nay như thiếu lý tưởng, không có động lực phấn đấu cụ thể và rõ ràng cho bản thân; thói dối trá, không trung thực, không tuân theo những chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định; không chuyên tâm vào việc nâng cao năng lực trình độ bản thân, có ý ỷ lại người khác; không chịu rèn luyện, cống hiến, lao động mà chỉ muốn sung sướng….

Những biểu hiện suy thoái này dẫn đến tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức; tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng tăng, lôi kéo bè cánh để đánh nhau, thậm chí hành hung cả thầy, cô giáo rồi con giết cha, anh giết em; trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng; tình trạng bạo lực học đường; tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân và thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tha hoá đạo đức của giới trẻ như nguyên nhân bản thân (do lối sống thiếu ý thức, sống buông thả, đua đòi; đặc biệt là các bạn lạm dụng tự do để làm những chuyện phi đạo đức…); nguyên nhân từ gia đình (gia đình ngày nay có những “lỗ hổng” rất lớn, hầu như người nào sống biết người đó: cha có việc cha, mẹ có việc mẹ, ai cũng phải vật lộn với cuộc sống, với đồng tiền mà quên lãng trách nhiệm với các thành viên gia đình khác…); nguyên nhân từ nhà trường (nhà trường chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức, đề cao việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế mà việc giáo dục đạo đức, giáo dục công dân cho người học gần như bị bỏ quên hoặc bị xem là thứ yếu); nguyên nhân từ xã hội (lối sống tha hóa đạo đức đó là do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, do sống trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, giới trẻ khó đứng vững được trước những thay đổi chóng mặt của nó…).

Cách đây ít lâu, tại hội thảo chuyên đề giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh do Trung ương Đoàn chủ trì tổ chức, mang tới hội thảo nhiều trăn trở về sự suy thoái đạo đức, lối sống trong thanh niên hiện nay, PGS – TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã dẫn chứng nhiều vụ vi phạm pháp luật trong thanh niên.

Ông cho rằng hiện tượng khủng hoảng lý tưởng, đạo đức và lối sống biểu hiện ở một bộ phận thế hệ trẻ khi họ đi tìm thần tượng, tung hô thần tượng lệch chuẩn khiến người lớn phải suy ngẫm hai điều. “Thứ nhất, hiện tượng tiêu cực trong thế hệ trẻ hiện nay tại sao lại nổi cộm như vậy? Thái độ của những người có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ lý giải điều đó thế nào? Trách móc, phê phán họ hay tự vấn lương tâm mình, trách nhiệm của mình”, ông Đức đặt vấn đề

Theo ông Đức, những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ có quyền trách cứ, trừng phạt những người trẻ tuổi sa vào tiêu cực và tội lỗi. “Song, vấn đề là với lương tâm và trách nhiệm của mình, cần phải kiểm điểm lại chính mình rằng tại sao lại để cho một bộ phận thế hệ trẻ sa vào tiêu cực, coi những kẻ gây tội lỗi như thần tượng và tung hô họ. Theo quan điểm “giáo dục vận thông”, trong một gia đình hay trong một xã hội, con cái (hay lớp trẻ) không ngoan có một phần trách nhiệm của người lớn, bố mẹ. Họ không thể nói là mình vô can, dù là người tốt hay hiền lành, đức độ như thế nào. Tại sao chúng ta không bảo vệ được con em mình từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội? Không thể đổ lỗi hoàn toàn do những yếu tố khách quan, bên ngoài tác động đến con em mình được”, ông Đức nhấn mạnh.

Hệ giá trị con người Việt Nam trong giới trẻ

Trước hết, cần làm rõ thế nào là hệ giá trị con người, tham luận tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức cuối tháng 11/2022, PGS.TSKH. Lương Đình Hải – Viện Hàn lâm KHXHVN đưa ra nhận định “hệ giá trị con người là những yếu tố tích cực, những phẩm chất, đặc tính, tính cách người, các nội dung, yêu cầu trong các quan hệ xã hội, thể hiện thực chất những quan hệ người với tự nhiên, với người khác, với cộng đồng, với xã hội) được hình thành và trao truyền trong quá trình sinh tồn, phát triển có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, hữu ích, thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.

Hệ giá trị con người còn là sản phẩm quá trình nhận thức của các chủ thể người khác nhau. Không có sự nhận thức và đánh giá của các chủ thể người thì các quan hệ người vẫn tồn tại mà không hề có ý nghĩa, vai trò, nghĩa là không có giá trị với con người. Nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người càng phát triển thì hệ giá trị con người càng được khai mở, nội dung càng nhiều thêm, phong phú thêm, đa dạng hơn…”.

Còn theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội khẳng định chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội – chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ… xã hội.

Hiện nay, nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức mà còn cả về chuẩn pháp lý. “Chính vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Kỳ vọng được giả định là nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đẳn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội… thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn” – GS.TS Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh.

Như vậy có thể thấy, nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đẳn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội thì như một lẽ tất nhiên giới trẻ cũng khó có thể sống chệch hướng, phi lí tưởng.

Còn nhớ, trong một lần trả lời truyền thông vào năm 2019, TS. Đỗ Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên hiện nay không thể là trách nhiệm của riêng ai. Chúng ta không thể đổ lỗi cho mỗi gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội, các tổ chức Đoàn, Hội hay đổ lỗi cho quản lý Nhà nước và truyền thông. Vấn đề quan trọng là các giải pháp xã hội cùng làm thế nào để mỗi người trẻ có được sự hiểu biết, văn hoá thực hành quy tắc, chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Bởi khi thanh, thiếu niên đã tự mình xây dựng được “màn chắn” tự bảo vệ thì tác động của những thông tin sai lệch chỉ như một hiện tượng, nổi lên rồi chìm đi. Kiến thức, kỹ năng giúp thanh, thiếu niên biết nhận biết đúng – sai và không bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch chuẩn mực. Cùng với những thay đổi của cơ chế kiểm soát xã hội đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật, thì đối với bản thân thanh, thiếu niên, họ cũng cần phải được trang bị về kiến thức, hiểu biết cách thức, kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề…

“Kết quả nghiên cứu nhiều năm gần đây của Viện Nghiên cứu Thanh niên đều khẳng định, phần lớn thanh niên hiện nay có lập trường chính trị vững vàng, có lòng tin mạnh mẽ vào mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng. Những băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở của thanh niên đối với xã hội, đất nước và của chính bản thân thanh niên đã nói lên những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để hoàn thiện hơn. Ví dụ, khi được hỏi trong tình huống hay hoàn cảnh nhất định đòi hỏi tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc, có tới 82,7% thanh niên có thái độ quan tâm và bày tỏ mong muốn được làm gì đó giúp ích cho đất nước khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về giá trị sống hiện nay của thanh niên, đa số thanh niên đều hướng đến những giá trị tốt đẹp của xã hội như: hạnh phúc, hòa bình, cống hiến…”, theo TS. Đỗ Ngọc Hà.

Biến quy định của luật pháp trở thành văn hoá sống của giới trẻ

“Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên về hành vi sai lệch của thanh, thiếu niên cho thấy, hành vi sai lệch của thanh niên vẫn còn biểu hiện trên nhiều khía cạnh cả trong tư tưởng, trong môi trường học tập, công việc, trong tham gia hoạt động văn hoá và cả việc vi phạm pháp luật… Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chế tài của chúng ta thực hiện chưa nghiêm. Vì vậy, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa việc thực hiện các chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp trở thành văn hoá của mỗi tổ chức, cộng đồng và trong xã hội và khi đó cơ chế tự kiểm soát, điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội và của thanh niên được hình thành, phát triển. Đơn cử, hiện nay, nhiều trường đại học đã yêu cầu sinh viên phải học giáo trình gốc, không photo và dùng giáo trình photo. Điều này giúp sinh viên biết và thực hiện đúng chuẩn mực về bản quyền, sở hữu trí tuệ, tạo nên thói quen thực hành chuẩn mực pháp luật trong thanh niên…” – TS. Đỗ Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên.