Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là gì? Khái niệm văn hóa
Rate this post
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là gì? Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là chủ trương vô cùng quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác xây dựng đời sống văn hóa có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội, góp phần tạo sự ổn định về chính trị – xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương và xây dựng con người, môi trường văn hóa ở cơ sở.
Ngoài ra, để hỗ trợ thêm cho nhiều bạn học viên đang tìm kiếm tài liệu luận văn thạc sĩ chuyên ngành quản lý văn hóa, và những tài liệu liên quan đến luận văn đời sống văn hóa, Luận văn Panda có chia sẻ nhiều tài liệu luận văn chọn lọc nhằm hỗ trợ các bạn học viên đang làm luận văn được tốt hơn. Các bạn có thể tham khảo nhiều bài luận văn tại đây.
===>>> Luận Văn Xây Dựng Đời Sống Văn Hóa
1. Khái niệm Văn hóa
Thuật ngữ “Văn hóa” xuất hiện từ rất lâu trong ngôn ngữ và đời sống của nhân loại. Cho đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, từ các góc tiếp cận, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau.
Hoạt động văn hóa là hoạt động sản xuất ra các giá trị vật chất và giá trị tinh thần nhằm giáo dục con người khát vọng hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ và khả năng sáng tạo ra chân, thiện, mỹ trong đời sống. Với ý nghĩa đó, văn hóa bao gồm các hoạt động về giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật, đạo đức, lối sống… Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm:
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn [32, tr.431].
Trong cuốn Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta của Hoàng Vinh đã dẫn khái niệm “văn hóa” theo định nghĩa của nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor vào năm 1999, nhân ngày lễ phát động thập kỷ thế giới phát triển văn hóa:
Văn hóa là tổng thể sống động của các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại, qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc [55, tr.42].
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng ta luôn nhận thức và coi trọng ý nghĩa và vai trò của văn hóa đối với việc hoàn thành các mục tiêu chính trị, xã hội cũng như xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn khẳng định văn hóa và văn nghệ là một bộ phận khăng khít, gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh:
Tiếp tục cụ thể hóa chiến lược phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu những thành tựu và tinh hoa văn hóa của nhân loại, hoàn thiện hệ thống giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn phát triển kinh tế -xã hội với phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần [23, tr.284-285].
Như vậy, Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, có ý nghĩa vì sự tồn tại của con người và xã hội. Quan niệm văn hóa có liên quan chặt chẽ đến đời sống văn hóa. Đời sống văn hóa là sự phản ánh biểu hiện tập trung nhất các mặt của văn hóa.
Ngoài ra, để hỗ trợ thêm cho nhiều bạn học viên đang tìm kiếm tài liệu luận văn thạc sĩ chuyên ngành quản lý văn hóa, và những tài liệu liên quan đến luận văn, Luận văn Panda có chia sẻ nhiều tài liệu luận văn chọn lọc nhằm hỗ trợ các bạn học viên đang làm luận văn được tốt hơn. Các bạn có thể tham khảo nhiều bài luận văn tại đây.
====>>> KHO 999 + Luận Văn Thạc Sĩ Ngành Quản lý văn hóa
2 Khái niệm Đời sống văn hóa
Thuật ngữ “đời sống văn hóa” xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong ngành văn hóa học vào những thập niên cuối thế kỷ XX. Ngày nay, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các văn bản của Nhà nước, trong sách, báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, khái niệm “đời sống văn hóa” được sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau, mục đích nghiên cứu khác nhau thì có những cách tiếp cận khác nhau.
Năm 2007, cuốn Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng cho rằng đời sống văn hóa bao gồm 4 yếu tố: văn hóa vật thể và phi vật thể; cảnh quan văn hóa; văn hóa cá nhân; văn hóa của các “tế bào” trong mỗi cộng đồng. Đời sống văn hóa là một bộ phận của đời sống xã hội, bao gồm tổng thể những yếu tố hoạt động văn hóa vật chất và tinh thần, những tác động qua lại lẫn nhau trong đời sống xã hội để tạo ra những quan hệ có văn hóa trong cộng đồng, trực tiếp hình thành nhân cách và lối sống của con người.
Có thể hiểu: Đời sống văn hóa chính là sự hoạt động của các quá trình sản xuất, phân phối,lưu giữ và tiêu thụ những tác phẩm văn hóa(sản phẩm văn hóa).Quá trình này biến các giá trị văn hóa tiềm tàng thành những giá trị văn hóa hiện thực sao cho những giá trị văn hóa đó đi vào đời sống hàng ngày của mọi người trở thành một bộ phận hợp thành không thể tách rời,một thành tố thiết yếu của đời sống [30,tr.27].
Trong công trình nghiên cứu “Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta”, tác giả Hoàng Vinh cho rằng đời sống văn hóa là một bộ phận của đời sống xã hội. Các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, đó chính là hoạt động văn hóa. Như vậy có thể hiểu: Đời sống văn hóa chính là tổng thể sống động các hoạt động văn hóa trong quá trình sáng tạo (sản xuất), bảo quản, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa và sự giao lưu văn hóa, nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa của một cộng đồng.
Theo tác giả Nguyễn Hữu Thức: Đời sống văn hóa có thể hiểu đó là tất cả những hoạt động của con người tác động vào đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội để hướng con người vươn lên theo quy luật cái đẹp, của chuẩn mực giá trị chân, thiện, mỹ đào thải những biểu hiện tiêu cực tha hóa con người [50, tr.19].
Như vậy, đời sống văn hóa được quan niệm là toàn bộ phương thức sinh hoạt tinh thần; là một phạm trù phản ảnh một lĩnh vực đặc thù của đời sống xã hội, dùng để chỉ toàn bộ quá trình sản xuất và tái sản xuất ra các giá trị văn hóa; là tổng thể các dạng hoạt động của con người trên các lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật, khoa học, giáo dục – đào tạo, thẩm mỹ, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, thể dục thể thao… hướng tới cái chân – thiện – mỹ. Do đó, xây dựng đời sống văn hóa cũng phải được xác lập trong cái nhìn tổng thể, bao quát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ của đời sống xã hội, thể hiện trong mọi lĩnh vực và các yếu tố cấu thành; chất lượng của đời sống văn hóa cao hay thấp đều phụ thuộc vào năng lực sáng tạo của con người để tạo ra các sản phẩm văn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa bao giờ cũng phải gắn với một bối cảnh, một phạm vi không gian, một cộng đồng dân cư nhất định, tức là phải gắn liền với cơ sở được xác định. Đời sống văn hóa của toàn thể xã hội thực thể chỉ tồn tại thông qua đời sống văn hóa cơ sở, thông qua ĐSVH của từng cá nhân và cộng đồng trong xã hội.
3. Khái niệm Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Đời sống văn hóa là tất cả nội dung và cách thức, hình thức hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và phát triển của con người trong điều kiện kinh tế – xã hội nhất định. Đó cũng là quá trình hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa vì sự phát triển của con người và cộng đồng. Đời sống văn hóa ở ngay trong cuộc sống hằng ngày, trong mỗi con người, mỗi gia đình và cộng đồng nhất định. Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giúp cho chúng ta hiểu một cách sâu sắc nội dung vấn đề quan trọng đó.
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là tổng hợp những hoạt động của các cơ quan làm công tác giáo dục văn hóa nhằm tuyên truyền, giáo dục, truyền bá văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân và xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh tiến bộ trên từng địa bàn dân cư. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cũng có nghĩa là xây dựng đời sống vật chất và tinh thần phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nội dung công tác chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một phạm trù rộng, bao hàm nhiều vấn đề thiết thực, ở đây chỉ đề cập đến ba vấn đề mà Đảng ta đã vận dụng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đó chính là xây dựng nếp sống văn hóa, thiết chế văn hóa và môi trường văn hóa.
– Thứ nhất, xây dựng nếp sống văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng đời sống cho nhân dân phải được tiến hành xây dựng nếp sống văn hóa. Ngay từ những năm 1946, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, Người đã viết tác phẩm “Đời sống mới” rất sinh động, sâu sắc, nhằm động viên, kêu gọi các tầng lớp nhân dân thực hành đời sống mới với tinh thần rất rõ là: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới” [33; tr 953]. Quan điểm xây dựng đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức rõ ràng, cụ thể, thiết thực, có kế thừa, bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp mang tính truyền thống, loại trừ những hủ tục lạc hậu, không phù hợp
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, làng, thôn, ấp, bản sâu rộng cả nước, với sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể trở thành cuộc vận động văn hóa rộng lớn chưa từng có. Niềm tin của dân với Đảng ngày càng gắn bó. Thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa và tham gia toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là thực hiện đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chúng ta đồng tâm mà làm, quyết tâm mà làm thì đời sống mới nhất định thực hiện được. Mong toàn thể đồng bào gắng sức theo đời sống mới, xây dựng một nước Việt Nam phú cường” [33; tr 110].
Xây dựng đời sống văn hóa là nhằm đưa những giá trị văn hóa cao đẹp tới nhân dân lao động, nhằm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ, khoa học, phát triển trí tuệ, tâm hồn, tức là giáo dục cho con người phát triển toàn diện, hài hòa cả về tinh thần và thể chất. Xây dựng đời sống văn hóa theo nghĩa rộng là một công việc lâu dài, công việc mà toàn xã hội, toàn cộng đồng phải chăm lo thực hiện chứ không phải chỉ riêng ngành văn hóa phụ trách.
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, là công tác xây dựng, tổ chức và hoạt động văn hóa ở cơ sở phù hợp với yêu cầu của địa phương, trong đó biểu hiện quan trọng nhất, rõ rệt nhất là những hoạt động văn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là xây dựng đời sống văn hóa ngay trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân.
Định hướng phát triển văn hóa tại Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) xác định rõ:
Đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa… làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình,từng người,… Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân… đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa lành mạnh [23,tr.212-213]. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định:
Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống… Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế ở các cấp… Xã hội hóa các hoạt động văn hóa [24,tr.223-224].
– Thứ hai, xây dựng thiết chế văn hóa
Xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân, việc quan trọng là xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở. Đây là cơ sở vật chất hạ tầng thiết thực và có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thiết chế được hiểu là thiết lập, tạo dựng lên; là sự chế định và luật lệ đặt ra của mỗi cộng đồng, quốc gia.
Thời đại nào cũng vậy, chế độ xã hội nào cũng cần có những thiết chế văn hóa để chuyển tải văn hóa chính thống của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với yêu cầu chuẩn mực, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của thời đại đó. Trong cuộc sống hiện đang tồn tại thiết chế văn hóa truyền thống bên cạnh sự phát triển không ngừng của thiết chế văn hóa thông tin mới. Ngày xưa, đình, chùa một mặt đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân; mặt khác cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa như lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian, giao lưu cố kết cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để trao truyền cho các thế hệ tiếp nối. Thiết chế văn hóa mới là Nhà văn hóa, Câu lạc bộ, Phòng truyền thống, Thư viện, Điểm bưu điện văn hóa xã, Trung tâm giáo dục cộng đồng… Các thiết chế này phục vụ nhu cầu hiện tại và đòi hỏi mới về văn hóa tinh thần của nhân dân. Xã hội càng văn minh, nhu cầu hưởng thụ của con người càng cao, thiết chế văn hóa thông tin cơ sở càng có vị trí, vai trò quan trọng.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng gia tăng. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo các cấp không chỉ chăm lo cuộc sống vật chất phát triển mà còn phải chăm lo đời sống tinh thần bền vững, lành mạnh. Điều này muốn thực hiện được phải thông qua hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trực tiếp phục vụ cuộc sống của nhân dân. Đó là thiết chế văn hóa thông tin cơ sở, cầu nối gần gũi giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là nơi tổ chức các hội thi, liên hoan, tập hợp, giao lưu truyền giữ các điệu dân ca dân vũ truyền thống đậm đà bản sắc… Đây cũng là điểm sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…, tổ chức các hoạt động khuyến học tương thân tương ái, gắn kết tình đồng chí, đồng bào đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng trong ngôi nhà chung; là tụ điểm vui chơi thể thao, dưỡng sinh; là nơi cất giữ các trang thiết bị, công cụ phục vụ hội họp, sinh hoạt văn nghệ, thông tin ở cơ sở. Thiết chế văn hóa thông tin cơ sở phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của trung ương và địa phương. Nó là công cụ tư tưởng văn hóa sắc bén hiệu quả của Đảng và chính quyền các cấp. Thiết chế văn hóa thông tin cơ sở lấy quần chúng làm đối tượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của quần chúng. Thực tiễn đã và đang cho thấy, khi công nghệ khoa học phát triển với trình độ cao, phương tiện nghe nhìn phát triển, các hoạt động của thiết chế văn hóa thông tin cơ sở càng trở nên quan trọng không thể thiếu được trong diện mạo, trong đời sống văn hóa ở các địa phương và địa bàn dân cư.
– Thứ ba, về xây dựng môi trường văn hóa
Theo tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống mới phải gắn liền với việc xây dựng môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa bao gồm cả giá trị di sản văn hóa truyền thống và cách mạng, những giá trị sáng tạo mới và tinh hoa văn hóa nhân loại. Môi trường văn hóa là sự kết hợp hài hòa giữa môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Môi trường văn hóa ở cơ sở bao gồm các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, công – nông – lâm trường, trường học, bệnh viện, các khu dân cư như làng, ấp, bản, xã, phường, khu phố… Bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh, có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập, tiếp nhận thông tin, thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí của mọi thành viên là cái cần có để phòng, chống tốt nhất tệ nạn xã hội.
Môi trường văn hóa là điều kiện để hình thành nhân cách con người văn hóa biết sống hòa đồng với thiên nhiên, yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Truyền thống văn hóa của nhân nhân ta là tinh thần đoàn kết, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, thử thách của thiên nhiên, biết cải tạo và chinh phục thiên nhiên một cách hợp lý. Dự báo xa về tầm quan trọng của môi trường sống, hơn 40 năm trước, khi miền Bắc đang bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Tết trồng cây”, Người đưa công tác bảo vệ môi trường lên ngang tầm với sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, kiến thiết nước nhà được tiến hành song song, đồng thời với việc bảo vệ môi trường, và có thể nói công tác bảo vệ môi trường còn được đi trước một bước.
Cho đến nay, chúng ta càng hiểu giá trị nhân văn sâu sắc của Hồ Chí Minh về vấn đề bảo vệ, chăm sóc môi trường sống. Thời kỳ chúng ta đang sống, có hiện tượng quay lưng lại với thiên nhiên. Trên đất nước ta đã xuất hiện nhiều hiện tượng cấp bách cần được giải quyết. Đó là nạn khai thác rừng, săn bắt động vật quý hiếm sai luật pháp. Việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu và phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp đang hủy diệt môi sinh một cách nghiêm trọng. Do chiến tranh, sự biến đổi của thiên nhiên, sự lãng quên của con người đã làm cho các di sản văn hóa ở nhiều nơi cũng bị biến dạng và bởi sự lạm dụng khai thác tài nguyên bừa bãi. Tác hại này đã gây ra lũ lụt, cháy rừng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân ta, đặc biệt là các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta.
Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh coi việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người -nguồn lực to lớn và quyết định nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tạo cho con người có trình độ văn hóa cao, nhân cách đẹp và vị tha, giàu lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm đối với xã hội là việc làm thường xuyên và lâu dài.
Trong điều kiện xã hội diễn biến càng phức tạp, chúng ta càng tin tưởng rõ rằng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với nếp sống văn minh, lành mạnh, thiết chế văn hóa thông tin cơ sở hoàn chỉnh và môi trường văn hóa trong lành sẽ là nhân tố đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi tới thành công. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và các nội dung mục tiêu đạt được sẽ trở thành pháo đài vững chắc trước các thế lực thù địch, đánh bại các biểu hiện phản văn hóa và chống lại các tệ nạn xã hội mà không một loại hình, phương thức hoạt động nào có thể thay thế hữu hiệu hơn.
Những quan điểm, chủ trương trên, chúng ta có thể hiểu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong phạm vi của luận văn như sau:
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là hoạt động quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự tham gia giám sát, chấp hành của nhân dân ở địa bàn cơ sở. Thông qua việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa (như tuyên truyền cổ động, thể dục, thể thao, giáo dục truyền thống,…) từ đó dần hình thành nếp sống văn minh tiến bộ và môi trường văn hóa lành mạnh để con người được sinh sống, học tập, lao động trong điều kiện tốt nhất, góp phần tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa và những giá trị văn hóa tốt đẹp bền vững.
Ngoài ra, để hỗ trợ và giúp đỡ cho các bạn học viên đang làm bài luận văn thạc sĩ ngành Luật Học được tốt hơn, Luận văn Panda có hỗ trợ các bạn bảng giá viết thuê luận văn thạc sĩ, và quy trình làm việc của Luận văn Panda các bạn có nhu cầu tham khảo thì truy cập tại đây nhé.
===>>> DỊCH VỤ VIẾT THUÊ LUẬN VĂN THẠC SĨ