Xây dựng đời sống tinh thần cho công nhân khu công nghiệp
–
Thứ năm, 27/10/2022 08:00 (GMT+7)
Hiện nay, nhiều người lao động ở Cần Thơ một ngày gần như chỉ duy trì… 2 hoạt động: Đi làm ở nhà xưởng và nằm ngủ ở phòng trọ. Họ có rất ít những hoạt động vui chơi, giải trí.
Hết giờ làm, người lao động về phòng trọ để ngủ, thời gian rảnh rỗi chút ít thì xem điện thoại. Ảnh: Th.N
Anh Nguyễn Văn Phận (quê ở tỉnh Kiên Giang) làm việc ở Công ty TNHH Kwong Lung – Meko (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) từ năm 2018 đến nay.
Hai vợ chồng anh thuê phòng trọ với giá hơn 1 triệu đồng/tháng. Thu nhập của anh Phận mỗi tháng được 8 triệu đồng. Để có được mức thu nhập này, anh Phận phải làm ca đêm, tăng ca; chỉ nghỉ chủ nhật.
“Chủ nhật tôi ngủ nướng bù lại những ngày trong tuần làm lụng vất vả. Ngủ ban ngày, trái với quy luật sinh học của cơ thể, nên tôi không ngủ được sâu, thường xuyên trong tình trạng uể oải, mệt mỏi. Ngoài những lúc đi làm tôi dành thời gian để ngủ, rảnh rỗi thì xem điện thoại. Những thú vui giải trí của công nhân chỉ có vậy thôi” – anh Phận nói.
Rời trường cấp III, rồi đi làm tại một doanh nghiệp ở KCN Trà Nóc (TP.Cần Thơ), anh Nguyễn Văn Nghĩa (28 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trừ các khoản chi phí, trang trải, hầu như anh không dành dụm được đồng nào, tháng nào hết tháng đó.
Theo anh Nghĩa, hiện nay giá cả sinh hoạt còn cao, trong khi mức lương thấp nên sau khi làm việc tăng ca xong, người lao động sẽ chọn về nhà trọ để nghỉ ngơi.
Theo thống kê của LĐLĐ TP.Cần Thơ, tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có khoảng 16.695 người từ các nơi khác đến làm việc phải thuê nhà trọ trong dân để lưu trú.
Bà Huỳnh Thị Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội của thành phố, tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động trong các khu công nghiệp nói chung đã từng bước được ổn định. Tuy nhiên, đời sống tinh thần nhìn chung vẫn còn hạn chế.
“Sau những giờ làm việc mệt nhọc, người lao động lại vội vàng trở về nhà lo toan cuộc sống, chăm sóc cho gia đình. Thậm chí, tranh thủ thời gian ngủ bù hoặc “làm bạn” với điện thoại… ít tiếp cận các kiến thức văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, cũng ít tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, góp phần tái tạo tinh thần, sức lao động…”, bà Hiền chia sẻ.
Theo bà Hiền, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người lao động chịu áp lực từ công việc quá nhiều do việc giao khoán sản phẩm nên thời gian làm việc căng thẳng kéo dài; thường xuyên phải tăng ca (có thể do doanh nghiệp yêu cầu hoặc người lao động tự nguyện để tăng thu nhập). Vì vậy, sau giờ làm việc, họ không còn đủ sức khỏe và thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, học tập, giao lưu…
Bên cạnh đó, thu nhập của công nhân lao động còn thấp nên công nhân lao động luôn phải nghĩ việc tiết kiệm chi phí hoặc làm thêm để tăng thu nhập trang trải cuộc sống mà không muốn mất thêm bất cứ chi phí nào cho những nhu cầu tinh thần khác…
“Thực tế cho thấy, nơi nào có tổ chức Đảng và đoàn thể chính trị – xã hội vững mạnh, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội tốt thì nơi đó đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động được đảm bảo ổn định, ít xảy ra những vấn đề tiêu cực xã hội. Vì vậy, cần tích cực tham gia công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp…” – bà Hiền thông tin thêm.