Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm về khoa học – công nghệ | Tạp chí Quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một trong những quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học – công nghệ.

Những kết quả về khoa học – công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 với các nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ rất cụ thể gồm 4 nhiệm vụ: (1) Xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; (2) Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm Y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; (3) Xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; (4) Xây dựng trung tâm khoa học công nghệ (KHCN).

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, thời gian qua, lĩnh vực KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo được sự gắn kết của KHCN với giáo dục – đào tạo và y tế chuyên sâu. Sở KHCN, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Nghiên cứu phát triển của tỉnh cùng với các cơ quan như Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Huế và các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm thành viên đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các nghiên cứu tập trung hướng vào công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, một nghiên cứu nổi bật đang được triển khai tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, đó là, nghiên cứu xây dựng mô hình “Xã thông minh kết nối Dịch vụ Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế”. Kết quả của nghiên cứu đã xây dựng thành công Phòng Giám sát – Điều hành Xã thông minh, Hệ thống an ninh thôn xóm, Cổng thông tin tổng hợp Xã thông minh, kết nối các dịch vụ thông minh (dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, phản ánh hiện trường), Thông tin quan trắc môi trường, Hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản, Hệ thống du lịch thông minh…

Thứ ba, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Viện Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Năm 2021, nhóm nghiên cứu của Viện đã có một đề tài được vinh danh tại Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021, đó là: “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen giống sen Huế tại Thừa Thiên Huế”.

Thứ tư, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Y – Dược thuộc Đại học Huế là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện được xét nghiệm PCR virus SARS-COV-2, đóng góp không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước. Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế cũng là một trong các đơn vị đầu tiên tham gia việc chẩn đoán, chữa trị các bệnh nhân nhiễm SARS-COV-2 chuyển nặng từ xa thông qua hệ thống trực tuyến.

Thứ năm, trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Thừa Thiên Huế coi đây là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để tỉnh chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1540/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, quá trình triển khai từ năm 2016 – 2020, Đề án đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa, đã tạo được những điểm sáng, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp hình thành các sản phẩm và phát triển bền vững trên thị trường, tham gia và đạt giải tại các cuộc thi vùng trong năm 2018, đặc biệt có dự án đã vươn sản phẩm khởi nghiệp đến thị trường Mỹ, châu Âu…

Những hạn chế trong hoạt động khoa học – công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thúc đẩy, phát triển KHCN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục như: hoạt động KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội; việc đầu tư cho KHCN còn hạn chế (tỷ lệ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống còn thấp); thị trường KHCN quy mô nhỏ, thiếu đa dạng; các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh chưa có sự bứt phá trong đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất – kinh doanh; nhiều lĩnh vực vẫn thiếu chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các nhiệm vụ KHCN thiếu đồng bộ…

Những hạn chế nêu trên xuất phát bởi các nguyên nhân sau: (1) Tỉnh chưa có nhiều cơ chế, chính sách phát triển KHCN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học chưa thật sự rộng rãi tới mọi đối tượng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; (3) Nhiều nghiên cứu, đề án thiếu tính thực tiễn, khó thương mại hóa nên không áp dụng được vào đời sống thực tế của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; (4) Sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về việc tiếp cận nguồn vốn, thủ tục hành chính, quảng bá truyền thông còn chưa tốt; (5) Chưa có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; chưa có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nghiên cứu khoa học; nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng nghiên cứu KHCN còn yếu…

Một số giải pháp xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học – công nghệ

Một là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KHCN. Trong đó, cần hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hoàn thiện các chính sách về hỗ trợ xác lập và bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KHCN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực ưu tiên.

Hai là, phát huy, tiềm lực KHCN. Tăng cường đầu tư phát triển KHCN theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Ưu tiên hỗ trợ các dự án xây dựng thiết chế đô thị thông minh, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong y dược…

Ba là, phát triển nguồn nhân lực KHCN. Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển nhân lực KHCN, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh và một số cơ sở đào tạo ngoài công lập là hạt nhân đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước trong lĩnh vực KHCN, đặc biệt tại các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế của tỉnh.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại và các quy trình sản xuất tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng – an ninh, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm là, phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KHCN. Phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh gắn với khai thác tài nguyên bản địa, kết hợp với phát huy giá trị văn hóa Huế để phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN vào các lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, trao đổi, giao dịch thông tin về KHCN.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với việc chủ động, tích cực tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông một cách đồng bộ, theo hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng dữ liệu số làm nền tảng cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiến tới nền hành chính thân thiện và hiện đại, thích hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ sinh thái thông minh về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Bảy là, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KHCN. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KHCN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ KHCN.

Tám là, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN. Tăng cường hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu của tỉnh, Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế với các tổ chức nghiên cứu KHCN trong nước, nước ngoài để nâng cao tiềm lực KHCN của tỉnh. Đa dạng hóa hợp tác quốc tế, ưu tiên hợp tác với các nước tiên tiến về KHCN và đổi mới sáng tạo, tranh thủ các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình, dự án, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao…

Chín là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong hoạt động KHCN; đồng thời, đẩy mạnh các  sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào quản lý, sản xuất – kinh doanh của toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
2. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học – công nghệ giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030.
3. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế. Nghiên cứu xây dựng mô hình “Xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế”. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học năm 2021.
4. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2021.
ThS. Nguyễn Đình Quý
ThS. Tôn Nữ Thị Liên
Học viện Hành chính Quốc gia