Xây Dựng Niềm Tin và Xóa Tan Những Lầm Tưởng
Quý vị có thể tin tưởng vào vắc-xin COVID-19!
Hầu hết mọi người tại Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 nhưng một số người có thể muốn có thêm thông tin trước khi tiêm vắc-xin. Điều này là hoàn toàn bình thường. Tất cả chúng ta đều muốn chắc chắn khi đưa ra bất cứ quyết định nào ảnh hưởng đến tính mạng của mình.
Để chắc chắn, chúng ta cần thông tin từ các nguồn đáng tin cậy. Hãy giúp bạn bè và gia đình của quý vị phân biệt giữa tin đồn và dữ liệu thực tế liên quan đến vắc-xin COVID-19.
Quý vị có thể giúp mọi người có được niềm tin khi quyết định tiêm vắc-xin. Quý vị có thể làm điều này bằng cách:
- Dành thời gian lắng nghe những mối lo ngại của bạn bè hoặc thành viên gia đình. Xem hướng dẫn Trò Chuyện về Vắc-xin (trang web chỉ có bằng Tiếng Anh) để biết những lời khuyên khi trò chuyện về vắc-xin.
- Giải đáp các câu hỏi của họ. Nếu quý vị không biết câu trả lời, quý vị có thể đề xuất họ trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ.
- Khi quý vị quyết định tiêm vắc-xin, hãy chia sẻ lý do quý vị quyết định như vậy. Câu chuyện cá nhân của quý vị có thể có tác động mạnh mẽ đến gia đình và cộng đồng của quý vị.
Quý vị có khả năng tác động đến những người ở xung quanh quý vị bằng lời nói và hành động của mình. Xem những lời khuyên sau đây để biết làm thế nào để nói về vắc-xin COVID-19 với bạn bè và gia đình.
Xem dữ liệu thực tế về vắc-xin dưới đây và chia sẻ dữ liệu này với những người quý vị quen biết. Chúng tôi đã chia dữ liệu thực tế thành các lĩnh vực chủ đề phổ biến.
Nội Dung Chính
Tính An Toàn & Hiệu Quả
Tại sao việc tôi tiêm vắc-xin COVID-19 hay không lại quan trọng?
Quý vị hoàn toàn có quyền lựa chọn tiêm hoặc không tiêm vắc-xin COVID-19 nhưng chúng ta cần càng nhiều người tiêm vắc-xin càng tốt để chấm dứt đại dịch này. Vi-rút COVID-19 sẽ khó lây lan hơn khi nhiều người trong cộng đồng miễn dịch nhờ tiêm vắc-xin hoặc nhiễm vi-rút gần đây. Tỷ lệ tiêm vắc-xin càng cao thì tỷ lệ lây nhiễm càng thấp.
Những người không tiêm vắc-xin vẫn có thể nhiễm vi-rút và lây sang cho người khác. Một số người không thể tiêm vắc-xin vì các lý do y tế và điều này khiến cho họ đặc biệt dễ bị mắc COVID-19. Nếu quý vị không tiêm vắc-xin, quý vị cũng có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cao hơn do biến thể COVID-19 (trang web chỉ có bằng Tiếng Anh). Tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ quý vị mà còn bảo vệ cả gia đình, hàng xóm và cộng đồng của quý vị.
Tại sao tôi nên tiêm vắc-xin COVID-19 nếu hầu hết mọi người đều sống sót?
Nhiều người mắc COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, vi-rút cực kỳ khó đoán và chúng tôi biết một số biến thể COVID-19 có nhiều nguy cơ sẽ khiến quý vị mắc bệnh nặng. Một số người có thể mắc bệnh rất nặng hoặc tử vong do COVID-19, thậm chí cả những người trẻ tuổi không có bệnh trạng mạn tính. Những người khác, còn được gọi là “người mắc COVID kéo dài”, có thể có các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Chúng ta cũng chưa biết tất cả các ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 vì đây là một loại vi-rút mới. Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất để chống lại vi-rút.
Vắc-xin có thực sự an toàn hoặc hiệu quả không?
Có, vắc-xin COVID-19 rất an toàn và hiệu quả. Các nhà khoa học đã thử nghiệm vắc-xin trên hàng chục nghìn người tham gia thử nghiệm lâm sàng. Các loại vắc-xin đều đáp ứng những tiêu chuẩn của Food and Drug Administration (FDA, Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm) Hoa Kỳ về độ an toàn, tính hiệu quả và chất lượng sản xuất cần thiết để được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Tất cả các loại vắc-xin đều được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giúp phòng ngừa mắc bệnh do COVID-19. Từ đó, hàng triệu người đã được tiêm các loại vắc-xin này một cách an toàn.
Xem các video sau để tìm hiểu thêm về quá trình sản xuất vắc-xin COVID-19:
Vắc-xin có an toàn cho con tôi không?
Có. Vắc-xin Pfizer đã được thử nghiệm trên hàng nghìn thanh thiếu niên và được chứng minh là an toàn. Vắc-xin này cũng rất hiệu quả – không có thanh thiếu niên tình nguyện tiêm vắc-xin nào bị mắc COVID-19. Centers for Disease Control and Prevention (CDC, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh) khuyến nghị tiêm vắc-xin COVID-19 cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên.
Làm sao tôi có thể tin tưởng được là vắc-xin an toàn?
Để đảm bảo vắc-xin COVID-19 là an toàn, Centers for Disease Control and Prevention (CDC, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh) đã mở rộng và tăng cường khả năng của quốc gia trong việc theo dõi sự an toàn của vắc-xin. Do đó, các chuyên gia về an toàn vắc-xin có thể theo dõi và phát hiện các vấn đề có thể chưa nhìn thấy trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19.
Tôi có thể mắc COVID-19 do tiêm vắc-xin COVID-19 không?
Không, quý vị không thể mắc COVID-19 do tiêm vắc-xin. Vắc-xin COVID-19 không chứa vi-rút gây bệnh COVID-19.
Video này giải thích thêm về cơ chế hoạt động của vắc-xin COVID-19 trong cơ thể quý vị:
Tôi có cần tiêm vắc-xin không nếu tôi đã mắc COVID-19?
Có, quý vị vẫn nên tiêm vắc-xin nếu quý vị đã mắc COVID-19. Dữ liệu cho thấy rất ít trường hợp tái nhiễm COVID-19 trong vòng 90 ngày sau khi nhiễm bệnh. Điều này có nghĩa là quý vị có thể được bảo vệ khỏi COVID-19 (được gọi là miễn dịch tự nhiên) trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng ta không biết khả năng miễn dịch tự nhiên sẽ kéo dài trong bao lâu. Tìm hiểu thêm về lý do tại sao quý vị vẫn nên tiêm vắc-xin COVID-19.
Sự khác biệt giữa tiêm chủng và miễn dịch là gì?
Miễn dịch tự nhiên khỏi sự lây nhiễm sẽ cung cấp một số mức độ miễn dịch chống lại sự tái nhiễm, tuy nhiên điều quan trọng cần nhấn mạnh là lây nhiễm ban đầu ở những người chưa được tiêm chủng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Trong khi một số người có kháng thể sau khi nhiễm COVID-19 thì một số người lại không. Đối với những người phát triển miễn dịch sau khi mắc bệnh, không có cách nào để biết được sự miễn dịch đó có bảo vệ tốt hay không, hay miễn dịch sẽ tồn tại bao lâu hoặc ngăn ngừa được loại biến thể nào.
Bởi vì chúng ta không thể dựa vào miễn dịch tự nhiên để ngăn ngừa việc tái nhiễm hoặc bệnh nặng do COVID-19, hãy luôn nhận vắc-xin đầy đủ để duy trì sự bảo vệ tốt nhất, đồng thời là chiến lược quan trọng giúp ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, các biến chứng liên quan và sự lây truyền tiếp theo.
Sức Khỏe Sinh Sản
Tôi có còn khả năng sinh con nếu tiêm vắc-xin COVID-19 không?
Có. Những lo lắng của quý vị xung quanh vấn đề sức khỏe sinh sản và vắc-xin là điều dễ hiểu. Đây là những gì mà chúng tôi biết: không có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc-xin có khả năng gây vô sinh hoặc liệt dương. Khi thâm nhập vào cơ thể quý vị, vắc-xin sẽ tác động lên hệ miễn dịch để tạo ra các kháng thể chống lại vi-rút corona. Quá trình này sẽ không ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản của quý vị.
American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG, Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ) khuyến nghị tiêm vắc-xin COVID-19 cho bất cứ ai muốn mang thai trong tương lai, hiện đang mang thai hoặc cho con bú. Nhiều người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đã mang thai hoặc sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.
Để tìm hiểu thêm các nguồn trợ giúp về việc nhận vắc-xin COVID-19 cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vui lòng xem thông tin cập nhật trên trang web One Vax, Two Lives.
Vắc-xin có an toàn cho phụ nữ đang mang thai không?
Có, quý vị có thể tiêm vắc-xin nếu quý vị đang mang thai và American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) (trang web chỉ có bằng Tiếng Anh) khuyến nghị tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai. Không có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin COVID-19 có khả năng gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với thai kỳ, sự phát triển của trẻ, việc sinh con và khả năng sinh sản.
Để tìm hiểu thêm các nguồn trợ giúp về việc nhận vắc-xin COVID-19 cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vui lòng xem thông tin cập nhật trên trang web One Vax, Two Lives.
Vắc-xin có an toàn cho phụ nữ đang cho con bú không?
Có, quý vị có thể tiêm vắc-xin nếu quý vị đang cho con bú. Quý vị không cần phải ngừng cho con bú nếu muốn chủng ngừa. Trên thực tế, các báo cáo ban đầu cho thấy vắc-xin có thể giúp cơ thể quý vị truyền kháng thể cho em bé qua sữa mẹ. Vẫn cần nghiên cứu thêm nhưng nếu điều này được khẳng định, thì việc tiêm vắc-xin sẽ giúp bảo vệ con quý vị khỏi COVID-19.
Đọc thêm thông tin về cách vắc-xin COVID-19 bảo vệ người mẹ và trẻ sơ sinh.
Vắc-xin có làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của tôi không?
Một số người đã cho biết có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của họ sau khi tiêm vắc-xin nhưng hiện không có dữ liệu nào cho thấy những thay đổi này có ảnh hưởng lâu dài. Chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi do nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như căng thẳng.
Thành Phần
Có những thành phần nào trong vắc-xin?
Quý vị có thể thấy một số tin đồn và các thành phần không có thật được liệt kê trên mạng trực tuyến hoặc mạng xã hội. Đây thường là những điều lầm tưởng. Các thành phần trong vắc-xin COVID-19 (trang web chỉ có bằng Tiếng Anh) khá điển hình cho các loại vắc-xin. Các vắc-xin này chứa hoạt chất là RNA thông tin (mRNA) hoặc vi-rút adeno đã biến đổi, cùng với các thành phần khác như chất béo, muối và đường để bảo vệ hoạt chất, giúp hoạt chất có hiệu quả hơn trong cơ thể và bảo vệ vắc-xin trong quá trình bảo quản và vận chuyển.
Vắc-xin Novavax ngừa COVID-19 là vắc-xin dựa trên tiểu đơn vị protein có chứa chất phụ gia, cùng với chất béo và đường để giúp vắc-xin hoạt động tốt hơn trong cơ thể. Vắc-xin này không sử dụng mRNA.
Xem danh sách thành phần đầy đủ trong tờ thông tin về vắc-xin Pfizer, Moderna, Novavax và Johnson & Johnson.
Vắc-xin Johnson & Johnson có chứa mô bào thai không?
Vắc-xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson được sản xuất theo công nghệ giống như nhiều loại vắc-xin khác. Vắc-xin này không chứa các thành phần của bào thai hay tế bào phôi thai. Một phần vắc-xin này được tạo ra từ các bản sao nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của các tế bào được lấy từ những ca tự nguyện phá thai hơn 35 năm trước. Kể từ đó, các dòng tế bào để tạo ra những loại vắc-xin này đã được duy trì trong phòng thí nghiệm. Không có nguồn tế bào phôi thai nào khác được sử dụng để sản xuất các loại vắc-xin này. Đây có thể là thông tin mới đối với một số người. Tuy nhiên, các loại vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, rubella và viêm gan A cũng được sản xuất theo phương thức này.
Các loại vắc-xin này có chứa vi mạch không?
Không, các vắc-xin này không chứa vi mạch hoặc thiết bị theo dõi. Vắc-xin chỉ chứa một hoạt chất giúp cơ thể quý vị tạo ra các kháng thể chống lại COVID-19, cùng với chất béo, muối và đường.
Vắc-xin COVID-19 có khiến tôi sinh ra từ tính không?
Không, quý vị sẽ không sinh ra từ tính nếu quý vị tiêm vắc-xin COVID-19. Vắc xin không chứa các thành phần có thể tạo ra trường điện từ và chúng không chứa kim loại. Quý vị có thể xem danh sách thành phần đầy đủ trong tờ thông tin về vắc-xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson để biết thêm thông tin.
Các Mối Lo Ngại về Sức Khỏe
Tôi có thể bị đông máu do tiêm vắc-xin không?
Nguy cơ hình thành cục máu đông là cực kỳ thấp. Số người bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin Johnson & Johnson là rất thấp so với hàng triệu người đã chủng ngừa mà không bị đông máu. Tuy nhiên, Washington State Department of Health (DOH, Sở Y tế Tiểu bang Washington) và Centers for Disease Control and Prevention (CDC, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) khuyến nghị những người từ 18 tuổi trở lên nên chọn tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 (Pfizer hoặc Moderna) thay vì vắc-xin Johnson & Johnson do nguy cơ có thể xảy ra mắc thrombosis with thrombocytopenia syndrome (TTS, Chứng huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu), liên quan đến tình trạng đông máu và lượng tiểu cầu thấp, và Guillain-Barré syndrome (CBS, hội chứng Guillain-Barré), là chứng rối loạn tự miễn dịch có thể làm hư hại đến các dây thần kinh.
Vắc-xin Johnson & Johnson vẫn có sẵn nếu quý vị không thể hoặc không sẵn sàng tiêm vắc-xin mRNA. Quý vị có thể trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình về nguy cơ của quý vị. Hầu hết các báo cáo tình trạng đông máu sau khi tiêm vắc-xin Johnson & Johnson là ở phụ nữ trưởng thành dưới 50 tuổi. Nếu quý vị là phụ nữ từ 18 đến 50 tuổi, quý vị nên biết rằng quý vị có nguy cơ cao bị đông máu, có thể dẫn đến tử vong. Mối lo ngại về đông máu chỉ liên quan đến vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson, chứ không liên quan đến vắc-xin Pfizer hoặc Moderna.
Tìm hiểu thêm bằng cách đọc về vắc-xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.
Tôi có nên lo lắng về bệnh viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim không?
Các trường hợp viêm cơ tim (tình trạng viêm cơ tim) và viêm màng ngoài tim (tình trạng viêm lớp màng tim) sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là rất hiếm khi xảy ra. Chỉ rất ít người có thể gặp phải tình trạng này sau khi tiêm vắc-xin. Đối với những người gặp phải tình trạng này, hầu hết các trường hợp là ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên, các triệu chứng nhẹ trong đa số các trường hợp và mọi người thường tự phục hồi hoặc phục hồi khi được điều trị ở mức tối thiểu. Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim xảy ra thường xuyên hơn nhiều nếu quý vị mắc bệnh do COVID-19.
Tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2021, trong số dưới 1500 báo cáo lên Vaccine Adverse Event Reporting System (VAERS, Hệ Thống Báo Cáo Sự Kiện Bất Lợi Do Vắc-xin), chỉ có 699 ca bệnh được xác nhận tại Hoa Kỳ, trong khi trên 177 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19.
Quý vị có thể trao đổi với bác sĩ về nguy cơ của quý vị. Nếu quý vị có bất cứ triệu chứng nào sau khi tiêm vắc-xin, quý vị có thể thông báo các triệu chứng cho VAERS (trang web chỉ có bằng Tiếng Anh).
Tìm hiểu thêm về viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc-xin COVID-19.
Tôi có thể tiêm vắc-xin nếu tôi có bệnh lý nền không?
Hầu hết mọi người có bệnh lý nền hoặc bệnh trạng đều có thể tiêm vắc-xin COVID-19. Hãy cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị biết về tất cả các bệnh trạng và dị ứng của quý vị. Trên thực tế, nhiều bệnh lý nền khến quý vị có nguy cơ cao bị biến chứng do bệnh COVID-19. Vì vậy, quý vị nên tiêm vắc-xin để tránh nguy cơ mắc bệnh.
Các nhóm đối tượng cụ thể sau đây có thể tiêm vắc-xin COVID-19:
- Những người mắc HIV và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
- Những người mắc bệnh tự miễn.
- Những người đã từng mắc Guillain-Barré syndrome (GBS, hội chứng Guillain-Barré).
- Những người đã từng mắc bệnh liệt mặt.
Nếu quý vị có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc cho rằng quý vị có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một thành phần của vắc-xin, hãy đọc phần Vắc-xin COVID-19 dành cho những người bị dị ứng. Sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 rất hiếm gặp và đã xảy ra trong khoảng 2 đến 5 người trên một triệu người được tiêm chủng ở Hoa Kỳ.
Thông tin này nhằm mục đích giúp những người thuộc các nhóm trên đưa ra quyết định khi nắm rõ thông tin về việc tiêm vắc-xin COVID-19.
Vắc-xin có thay đổi DNA của tôi không?
Không, vắc-xin COVID-19 sẽ không thay đổi hoặc ảnh hưởng đến DNA của quý vị. Vắc-xin sẽ hướng dẫn cho các tế bào của chúng ta bắt đầu xây dựng hệ thống bảo vệ nhằm chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19. Vắc-xin không xâm nhập vào phần tế bào nơi DNA của chúng ta được lưu giữ. Thay vào đó, các vắc-xin sẽ hoạt động với hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể chúng ta để xây dựng khả năng miễn dịch. Tìm hiểu thêm về vắc-xin mRNA và véc-tơ vi-rút COVID-19.
Vắc-xin có gây ra bất cứ tác dụng phụ lâu dài nào không?
Chúng tôi có nhiều dữ liệu khoa học về vắc-xin ngừa COVID-19 và các bệnh khác. Dựa vào những dữ liệu đó, các chuyên gia tin rằng các loại vắc-xin này rất an toàn. Hầu hết các phản ứng với vắc-xin COVID-19 đều nhẹ, như mỏi hoặc đau cánh tay, đồng thời chỉ kéo dài vài ngày. Các phản ứng nghiêm trọng hoặc lâu dài cực kỳ hiếm gặp.
Bất cứ tác dụng phụ lâu dài nào thường xảy ra trong vòng tám tuần sau khi tiêm vắc-xin. Đó là lý do vì sao các nhà sản xuất vắc-xin cần phải đợi ít nhất tám tuần sau thử nghiệm lâm sàng để có thể nộp đơn xin Giấy Phép Sử Dụng Khẩn Cấp của Food and Drug Administration (FDA, Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm) Hoa Kỳ. Các chuyên gia cũng đang tiếp tục theo dõi các mối lo ngại về an toàn của vắc-xin COVID-19. FDA sẽ điều tra bất cứ báo cáo nào về các tác dụng phụ hoặc phản ứng nghiêm trọng.