Xác định giá trị tài sản thuần trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và vấn đề đặt ra

 

anh 567

Việc xác định giá trị DN phải phù hợp với thị trường nhằm tránh thất thoát nguồn vốn Nhà nước. Nguồn: Internet

Xác định giá trị doanh nghiệp là sự ước tính với độ tin cậy cao nhất các khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong quá trình sản xuất kinh doanh, làm cơ sở cho các hoạt động giao dịch thông thường của thị trường. Trong định giá doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng phương pháp xác định giá trị tài sản thuần là phương pháp được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh tính ưu việt, phương pháp này đã bộc lộ một số vướng mắc khi điều chỉnh giá trị tài sản theo giá thị trường. Vậy những khó khăn, vướng mắc đó là gì và giải pháp khắc phục như thế nào là vấn đề đặt ra trong bài viết.

Chương trình cổ phần hóa (CPH) ở Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm trong các năm 1990-1991 và chính thức được thực hiện từ năm 1992, được đẩy mạnh từ năm 1996.

Cách thức chuyển đổi mô hình các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang công ty cổ phần (CTCP) nhằm: Huy động vốn của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế; Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, NĐT và người lao động.

Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề đặt ra hiện nay là việc xác định giá trị DN phải phù hợp với thị trường nhằm tránh thất thoát nguồn vốn Nhà nước. Theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, các DNNN khi thực hiện CPH được áp dụng một trong các phương pháp, đó là: phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu và các phương pháp khác. Trong đó, phương pháp xác định giá trị tài sản là phương pháp được sử dụng phổ biến.

Phương pháp tài sản

Đây là phương pháp xác định giá trị DN dựa trên cơ sở giá trị thực tế của toàn bộ tài sản hữu hình, vô hình của DN tại thời điểm xác định giá trị DN. Một trong những căn cứ để xác định giá trị thực tế của DN là thông qua giá thị trường.

  Nguyên tắc thực hiện:

– Tài sản được xem xét trong quá trình thẩm định giá là tất cả các tài sản của DN, bao gồm cả tài sản hoạt động và tài sản phi hoạt động.

– Khi thẩm định giá DN theo cơ sở giá trị thị trường thì giá trị các tài sản của DN là giá trị thị trường của tài sản đó tại thời điểm thẩm định giá. Tài sản trong sổ sách kế toán cần được thẩm định giá đúng với giá trị thị trường.

– Tài sản vô hình (TSVH) không thỏa mãn các điều kiện để được ghi nhận trên sổ sách kế toán (tên thương mại, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…) và các tài sản không được ghi nhận trên sổ sách kế toán cần được áp dụng phương pháp thẩm định giá phù hợp để xác định.

– Đối với tài sản được hạch toán bằng ngoại tệ: Tỷ giá ngoại tệ được xác định theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi DN có giá trị giao dịch ngoại tệ lớn nhất tại thời điểm thẩm định giá. Trường hợp DN cần thẩm định giá không có giao dịch ngoại tệ tại thời điểm thẩm định giá thì xác định theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng tại thời điểm thẩm định giá.

Các bước tiến hành:

Bước 1: Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của DN cần thẩm định giá. Để ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của DN cần thẩm định giá, chúng ta cần ước tính giá trị của các loại tài sản sau:

– Xác định giá trị tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình, bao gồm: TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc, bất động sản đầu tư; TSCĐ là máy móc, phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, thiết bị, dụng cụ quản lý;

– Xác định giá trị công cụ, dụng cụ; Xác định giá trị đối với chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, nguyên vật liệu, hàng tồn kho; Xác định giá trị tài sản bằng tiền; Xác định giá trị các khoản phải thu, phải trả; Xác định giá trị khoản đầu tư; Xác định chi phí xây dựng cơ bản dở dang, các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn và dài hạn theo sổ sách kế toán;

– Giá trị tài sản tài chính dưới dạng hợp đồng được ưu tiên áp dụng phương pháp chiết khấu dòng thu nhập trong tương lai.

Bước 2: Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của DN cần thẩm định giá.

TSVH của DN cần thẩm định giá bao gồm những TSCĐ vô hình đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán và các tài sản vô hình khác được xác định thỏa mãn 2 điều kiện: Không có hình thái vật chất (tuy nhiên một số TSVH có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị của tài sản vô hình); Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của TSVH (ví dụ hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, báo cáo tài chính, danh sách khách hàng…)

Tổng giá trị các TSVH của DN cần thẩm định giá được xác định thông qua một trong các phương pháp sau:

– Phương pháp 1: Ước tính tổng giá trị các TSVH của DN cần thẩm định giá thông qua việc ước tính giá trị của từng TSVH có thể xác định và giá trị của TSVH không xác định được (các TSVH còn lại).Thẩm định viên thực hiện xác định giá trị của từng TSVH có thể xác định được theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13. Riêng giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất được xác định theo quy định tại tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ thu nhập và thẩm định giá bất động sản.

– Phương pháp 2: Ước tính tổng giá trị các TSVH của DN cần thẩm định giá thông qua vốn hóa dòng thu nhập do tất cả các TSVH đem lại cho DN cần thẩm định giá.

Bước 3: Ước tính giá trị của DN cần thẩm định giá.

Giá trị thị trường của DN cần thẩm định giá

=

Tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của DN cần thẩm định giá

+

Tổng giá trị các tài sản vô hình của DN cần thẩm định giá

Trường hợp cần xác định giá trị vốn chủ sở hữu từ giá trị thị trường của DN cần thẩm định giá được xác định theo phương pháp này, giá trị vốn chủ sở hữu được xác định theo công thức sau:

Giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần thẩm định giá

=

Giá trị thị trường của DN cần thẩm định giá

Giá trị các khoản nợ

Trong đó, giá trị các khoản nợ của DN cần thẩm định giá được xác định theo giá thị trường nếu có chứng cứ thị trường, nếu không có thì xác định theo giá trị sổ sách kế toán. 

Giá trị thực của DN  =  Giá trị thị trường của tài sản + Tài sản bằng tiền + Các khoản phải thu + Các khoản chi phí dở dang + Giá trị tài sản ký cược, ký quỹ ngắn hạn và dài hạn + Giá trị TSVH (nếu có) + Giá trị lợi thế kinh doanh + Giá trị vốn đầu tư dài hạn của DN tại các DN khác + Giá trị quyền sử dụng đất – Các khoản nợ phải trả theo giá thị trường.

Ưu điểm của phương pháp ước tính này là giá trị DN được biểu hiện một cách chắc chắn nhất là cơ sở đánh giá thực tế năng lực tại thời điểm thẩm định giá của DN, dễ dàng tính toán, ước lượng. Nhược điểm là số liệu trên sổ sách kế toán mang tính lịch sử, có thể kém chính xác, do năng lực của kế toán viên; Phát sinh một số chi phí do phải thuê chuyên gia đánh giá tài sản; Không thể loại bỏ hoàn toàn tính chủ quan khi tính giá trị DN; Việc định giá DN dựa vào giá trị trên sổ sách kế toán, chưa tính được giá trị tiềm năng như thương hiệu, sự phát triển tương lai của DN. Bên cạnh đó, phương pháp này bị giới hạn trong trường hợp tài sản của DN chủ yếu là TSVH như DN có thương hiệu mạnh, có bí quyết công nghệ, ban lãnh đạo DN có năng lực và đội ngũ nhân viên giỏi…

Một số vướng mắc khi điều chỉnh giá trị tài sản theo giá thị trường

Phương pháp xác định giá trị tài sản thuần được sử dụng khá phổ biến khi thực hiện CPH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những vướng mắc.

Thứ nhất, đối với TSCĐ: Giá trị thực tế của tài sản = Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức định giá x Chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm định giá.

Theo quy định, chỉ đánh giá đối với những tài sản mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng. Đối với tài sản có giao dịch phổ biến trên thị trường thì áp dụng phương pháp giá bán, so sánh giá bán để xác định nguyên giá. Còn đối với tài sản không có giao dịch phổ biến trên thị trường là áp dụng phương pháp thẩm định giá bất động sản, máy móc thiết bị phù hợp để xác định giá trị DN. Khi xác định tỷ lệ còn lại của tài sản lại phụ thuộc rất lớn đến yếu tố chủ quan của người định giá, đặc biệt là khi định giá đối với những TSCĐ đã khấu hao thu hồi đủ vốn; công cụ lao động, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị vào chi phí kinh doanh nhưng công ty cổ phần tiếp tục sử dụng phải đánh giá lại để tính vào giá trị DN theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản, dụng cụ mới.

Hơn nữa, khi xác định giá trị còn lại của tài TSCĐ nói chung, máy móc thiết bị nói riêng, các công ty định giá dựa vào Thông tư số 45/2013/QĐ-BTC quy định về khung thời gian sử dụng các loại TSCĐ. Tuy nhiên, khung thời gian đưa ra còn mang tính chung chung đối với một số TSCĐ, không đúng cho tất cả những TSCĐ mà DN có. Với việc xác định khấu hao không hợp lý dẫn đến xác định giá trị còn lại sẽ có sự sai lệch so với hiện trạng TSCĐ của công ty cần định giá.

Thứ hai, đối với giá trị lợi thế kinh doanh: Theo quy định, giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị DN CPH là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai. Giá trị lợi thế kinh doanh của DN = Giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm định giá x (Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị DN – Lãi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 năm trở lên tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị DN).

Như vậy, giá trị lợi thế kinh doanh được xác định chỉ căn cứ trên tỷ suất lợi nhuận của 3 năm liền kề và lãi suất trái phiếu chính phủ cho thời hạn 10 năm tại thời điểm xác định giá trị. Trong thực tế, việc tính toán hiện nay chỉ dựa trên các chỉ số đơn giản mà không có sự phân tích về tình hình hoạt động của DN trước và sau khi CPH, không có sự phân tích về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của DN, không có sự phân tích đến tình hình cạnh tranh, vị trí kinh doanh của DN trong lĩnh vực mà DN đang hoạt động… chắc chắn làm thấp giá trị lợi thế kinh doanh của DN.

Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trên là do khi thị trường chưa thực sự phát triển, nên các kênh thông tin trên thị trường nhiều khi mức độ minh bạch chưa cao. Thêm vào đó, là do tài sản của DN không phải lúc nào cũng có giao dịch trên thị trường, hoặc có tài sản tương tự giao dịch trên thị trường nên việc xác định nguyên giá theo giá thị trường nhiều khi gặp khó khăn, dẫn đến các nhà định giá không còn cách nào khác là phải lấy nguyên giá theo sổ sách. Dẫn đến việc xác định giá trị DNNN để CPH trong thời gian qua vẫn tồn tại những sai lệch so với giá trị thực của DN và nhiều khi mang nặng ý chí chủ quan, thiếu các thông số để đối chiếu, đánh giá.

Một số giải pháp khắc phục

Để tháo gỡ những vướng mắc khi điều chỉnh giá trị tải sản theo giá thị trường, cần có sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó:

– Về phía Nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan xác định giá trị tài sản, giá trị DN. Các quy định, hướng dẫn đưa ra phải thực sự chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn.

Cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những trường hợp sai phạm làm thất thoát vốn NSNN. Nhà nước nên quy định bắt buộc DN CPH cần công khai một số chỉ tiêu tài sản, tài chính cơ bản và phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các công ty định giá có cơ sở thông tin, dữ liệu đầy đủ, góp phần làm cho kết quả có độ chính xác cao hơn.

– Về phía DNNN thực hiện CPH: Cần thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước trong việc hạch toán kế toán, kiểm kê đánh giá lại tài sản và đối chiếu xác nhận công nợ, góp phần tạo điều kiện cho việc xác định giá trị DN nhanh chóng, chính xác; Công khai một số chỉ tiêu cơ bản theo quy định của Nhà nước.

– Về phía công ty định giá: Cần có tính nguyên tắc khi vận dụng các văn bản liên quan đến định giá DN nói chung và sử dụng phương pháp tài sản nói riêng theo đúng quy định của pháp luật; Nắm bắt kỹ tình hình, thực trạng của DN thông qua các chỉ tiêu cụ thể đã được DN cung cấp; Thường xuyên bồi dưỡng, trau đồi, nâng cao trình độ về định giá DN cho cán bộ định giá của công ty.  

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Giá (2012);

2. Nguyễn Minh Hoàng, Phạm Văn Bình (2011), Giáo trình Định giá tài sản;

3. Đoàn Văn Trường (2004), Các phương pháp xác định giá trị tài sản;

4. Nguyễn Đoàn (2005), Xác định giá trị DN trong CPH ở Việt Nam;

5. Nguyễn Minh Điện (2010), Thẩm định giá tài sản và DN.

Trích nguồn

TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Học viện Tài chính