WinMart và Tiki phản hồi về rau sạch ‘dởm’
Cả hai hệ thống phân phối này đều ngay lập tức ngừng hợp tác với nhà cung cấp rau củ quả Trình Nhi, đồng thời kiểm tra toàn bộ nguồn hàng.
Ngày 19/9, một phóng sự trên Báo Tuổi Trẻ cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9, cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã “phù phép” rau từ chợ đầu mối thành “rau sạch Đà Lạt”, chuẩn VietGAP.
Những sản phẩm này sau đó được dán nhãn của Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) và đưa đến tiêu thụ tại một số cửa hàng thuộc WinCommerce, 3 Sạch và TikiNGON.
Công nhân dán tem VietGAP vào gói rau mua từ chợ đầu mối đã được sơ chế. Ảnh: Bông Mai/Tuổi Trẻ.
Siêu thị dừng hợp tác, rà soát tất cả mặt hàng rau củ
Trao đổi với Zing trưa cùng ngày, đại diện Tập đoàn Masan (đơn vị chủ quản chuỗi WinCommerce) cho biết đã lập tức ngừng nhập và loại toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ. Doanh nghiệp hiện làm việc với đơn vị này và xác minh độc lập để làm rõ những thông tin được nêu trong bài viết.
“WinCommerce khẳng định đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty. Chúng tôi luôn tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm với quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài làm việc với Trình Nhi, WinCommerce cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác”, vị này nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh TikiNGON khẳng định xin nhận trách nhiệm và cho biết sẽ tiến hành rà soát gắt gao lại một lần nữa chất lượng tất cả nhà phân phối hiện tại.
Theo ông, doanh nghiệp đang nhanh chóng lấy mẫu, rà soát lại toàn bộ sản phẩm rau quả và thiết lập quy trình để gửi đi kiểm nghiệm độc lập các chỉ tiêu sinh hóa tại các trung tâm kiểm nghiệm lớn và uy tín hàng tháng.
“Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch kiểm tra thực địa vùng canh tác và cơ sở chế biến của các nhà cung cấp rau củ quả để có hoàn thiện hơn quy trình kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Quách Nhi nói.
Ghi nhận của Zing tại các hệ thống bán lẻ của WinCommerce, Central Retail, 3 Sạch trưa 19/9 cho thấy không có hàng hóa của Trình Nhi. Ảnh: Diệu Thanh.
Trong trường hợp nhà cung cấp Trình Nhi, ông cho hay hàng hóa từ đơn vị này bắt đầu được phân phối trên nền tảng từ tháng 8 với đầy đủ chứng từ về điều kiện an toàn thực phẩm và những quy định lựa chọn nhà cung cấp của TikiNGON.
Trong đó, doanh nghiệp có pháp nhân rõ ràng, xuất trình được giấy tờ kiểm định chất lượng còn giá trị sử dụng, và hợp đồng có bao gồm các điều khoản về nghĩa vụ đảm bảo chất lượng sản phẩm, nghĩa vụ cung cấp thông tin và dữ liệu sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện tất cả mặt hàng rau củ quả của Trình Nhi, đã lập tức bị ngừng kinh doanh trên TikiNGON từ ngày 19/9. Trang thương mại điện tử này cũng yêu cầu đơn vị phân phối giải trình chi tiết vi phạm các điều khoản trong hợp đồng phân phối đã ký.
Theo ghi nhận của Zing trưa 19/9, các mặt hàng của Trình Nhi đã không còn xuất hiện trên quầy kệ của WinCommerce, 3 Sạch cũng như trên nền tảng thương mại điện tử Tiki. Bên cạnh đó, một số hệ thống phân phối thực phẩm khác như Big C, Tops Market, Go!, Co.opMart, Co.opFood… cũng không có hàng hóa của nhà cung cấp này.
Nông sản Trình Nhi là ai?
Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi tiền thân là cơ sở Trình Nhi được thành lập từ năm 2003, với người đại diện pháp luật là ông Lê Quang Thành Liêm. Trụ sở chính hiện đặt tại số 282A Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo trang web chính thức, Trình Nhi có nhà máy tại số 153 thôn Phú Hòa, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Còn thông tin về địa chỉ nhà máy trên bao bì sản phẩm Báo Tuổi Trẻ ghi nhận là lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Các giấy chứng nhận mà Trình Nhi công bố trên trang web thời điểm hiện tại. Ảnh: TNF.
Doanh nghiệp này cho biết đang tổ chức sản xuất các loại rau, củ, quả tươi trên diện tích 4 ha và cùng hợp tác với các hộ nông dân tổ chức bao tiêu sản phẩm các loại rau, củ, quả tươi trên diện tích khoảng 200 ha. Trong đó, 4 ha vùng trồng của công ty và 200 hộ nông dân hợp tác được cấp giấy chứng nhận VietGap.
Công ty cũng được cấp giấy chứng nhận Global Gap trên diện tích 0,3 ha để làm mô hình trình diễn cho các hộ nông dân tham khảo và được UBND TP Đà Lạt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt. Ngoài ra, công ty cũng được cấp hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000 : 2005.
Tuy nhiên, các giấy tờ chứng nhận được công ty đưa lên trang web chính thức hiện đã hết hiệu lực hoặc chưa được cập nhật mới.
Cũng trên trang web này, Trình Nhi cho hay 2013 -2014 đã xuất khẩu 2.000 tấn bắp cải và cải thảo sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc; 1.000 tấn ớt các loại sang Singapore và 1.000 tấn rau các loại xuất khẩu sang thị trường châu Á.
Ở nội địa, trung bình mỗi ngày công ty sản xuất và chế biến khoảng 30 tấn rau củ quả các loại cho các nhà máy chế biến thực phẩm, chợ đầu mối và các siêu thị ở các tỉnh phía Nam.