Vượt hơn 80 cây số từ Bà Rịa lên Sài Gòn cứu mắt phải bị bong võng mạc giữa mùa dịch – Bệnh Viện Mắt Sài Gòn
Hành trình chữa bệnh giữa mùa dịch: càng khó lại càng thương
Đó là câu chuyện của cô P.T. Lợi – năm nay đã 69 tuổi, chẳng may bị bong võng mạc cả 2 mắt. Vượt quãng đường dài hơn 80 cây số từ quê nhà ở Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu trong tình trạng suy giảm thị lực, cuối cùng cô cùng đến được Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn vào ngày 17/8 vừa qua.
BS CKII Đoàn Hồng Dung – Chuyên gia dịch kính, võng mạc kiểm tra mắt trước khi phẫu thuật cho cô P.T.Lợi
Cô Lợi chia sẻ vào tháng 4/2021, sau một thời gian chịu đựng dấu hiệu mờ mắt trái cùng hiện tượng ruồi bay, chớp sáng, cô đã đến khám ở tại Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn (473 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10). Tuy nhiên, do phát hiện quá muộn, võng mạc bong đã chết dần theo thời gian nên mắt trái đã của cô đã mất thị lực hoàn toàn. Đến tháng 8/2021 khi thấy các dấu hiệu lặp lại ở mắt phải, cô và gia đình đã nhanh chóng lên đường, trước tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, cũng phải mất gần 2 tuần để đến được bệnh viện.
“Mùa dịch này, để qua được chốt kiểm tra, đảm bảo đúng an toàn phòng chống dịch bệnh theo quy định của nhà nước, tôi và người nhà phải lo đi làm giấy xét nghiệm test nhanh âm tính trước đó. Việc di chuyển lên Sài Gòn cũng gặp khó khăn. Ngày thường xe cộ đi lại dễ dàng, mùa dịch để kiếm được xe di chuyển lên đây lại càng khó, chi phí đi lại một vòng mất đến hơn 3 triệu đồng. Quan trọng kiếm được người tài xế, họ thấy thương cho hoàn cảnh của mình, chịu chấp nhận chở là may mắn lắm rồi.”– Cô Lợi kể thêm.
Bong võng mạc – bệnh để càng lâu, càng dễ dẫn đến mù lòa
Bác sĩ CKII Đoàn Hồng Dung, bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho cô Lợi tại Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn cho biết: “Bong, rách võng mạc là tình trạng lớp màng thần kinh nằm phía trong cùng của mắt bị tách ra khỏi những lớp còn lại. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, hoặc những người có độ cận thị cao. Những triệu chứng dễ nhận biết nhất của bong võng mạc đó chính là mờ đột ngột tăng dần, thấy ruồi bay, chớp sáng.
Đôi khi chỉ xuất phát từ một vết rách nhỏ, nhưng dịch đi qua lỗ rách và làm bong, tách võng mạc. Màng võng mạc có rất nhiều tế bào thần kinh thị giác nên khi bị bong ra sẽ ảnh hưởng đến thị lực trầm trọng, thậm chí mù lòa nếu không được kịp thời phẫu thuật.”
Là chuyên gia với kinh nghiệm lâu năm về bệnh lý võng mạc – dịch kính, từng đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng khoa Dịch kính võng mạc Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh cũng như Giảng viên đào tạo cho Trường Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bác sĩ Dung chia sẻ bệnh bong võng mạc hay bong thần kinh mắt được giới chuyên gia đánh giá là một trong những bệnh lý khó nhất trong ngành nhãn khoa nói chung và trong chuyên ngành đáy mắt nói riêng.
Phẫu thuật kịp thời là yếu tố quan trọng để cứu được thị lực cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đã bị bong võng mạc một mắt thì nguy cơ cho mắt thứ 2 rất cao. Vì vậy, khi khám cho cô Lợi lần đầu tiên vào tháng 4/2021, bác sĩ đã chia sẻ chi tiết về nguy cơ gặp phải, cùng như dặn dò bệnh nhân khi gặp lại các dấu hiệu cần thăm khám càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Dung tiến hành nhỏ thuốc tê cho bệnh nhân.
Để phát hiện lỗ rách và võng mạc bong, Bác sĩ đã tiến hành nhỏ giãn đồng tử và sử dụng kính soi đáy mắt đội đầu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Dung thực hiện phẫu thuật ngay cho bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị bong võng mạc đó là tìm hết các lỗ rách võng mạc, đóng hết các lỗ rách và giảm tối đa nguy cơ co kéo võng mạc sau này.
Đầu tiên, bác sĩ Dung tiến hành cắt dịch kính xử lý bong võng mạc, sau đó laser để đóng kín lỗ rách võng mạc, ngăn không cho các lỗ rách võng mạc tiến triển. Cuối cùng, đó là phương pháp bơm gas C3F8, nhằm ép giữ cho lớp võng mạc bị bong có thể áp lại. Gas này sau khoảng 1 tháng sẽ tan đi và bệnh nhân nhìn thấy trở lại.
Một số trường hợp thay vì bơm gas C3F8 bác sĩ có thể sử dụng silicon, mục đích là giúp võng mạc bị bong được ép giữ trở về vị trí giải phẫu ban đầu và không bị bong trở lại.
Khám chữa bệnh mùa dịch: bệnh viện triển khai nhiều phương pháp hỗ trợ bệnh nhân
Tình hình dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại hạn chế đã tạo ra tâm lý ngại đi khám chữa bệnh ở người dân. Việc trì hoãn khám chữa bệnh, đặc biệt ở những trường hợp cấp cứu mắt gây ra nhiều hậu quả khó lường, từ suy giảm thị lực cho đến mất thị lực, mù lòa vĩnh viễn.
May mắn trong trường hợp của cô P.T.Lợi ca phẫu thuật diễn ra kịp thời, thành công. Cô Lợi cùng người nhà đã được Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn hỗ trợ, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi tại bệnh viện để sáng hôm sau tái khám, bác sĩ kiểm tra trước khi trở về nhà.
Trong thời gian giãn cách xã hội, khi gặp phải những triệu chứng lạ về mắt, dù có thể chịu đựng được nhưng bệnh nhân cũng không nên chủ quan. Hiện tại rất nhiều bệnh viện triển khai hình thức tư vấn online, đường dây nóng, bệnh nhân và người nhà có thể nhanh chóng được bác sĩ, chuyên gia chẩn đoán, hướng dẫn xử trí kịp thời. Một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn còn hỗ trợ không thu phí tư vấn online, kê đơn thuốc và đặt giao đến tận nhà cho bệnh nhân.