Vương vấn những món ăn từ thịt trâu
Con trâu là đầu cơ nghiệp và hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với người nông dân “một nắng hai sương” hay “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”… Hình ảnh con trâu xuất hiện rất nhiều trong lời bài hát hay những bài đồng dao hoặc trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ.
Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nơi nào làm ruộng, nơi đó có trâu và có bò. Vì vậy, số lượng trâu bò khi xưa ở vùng nông thôn khá nhiều. Riêng con trâu là loài vật lực lưỡng, có những con trâu cui nặng tới 600 kg, đến nỗi nơi nào trâu đi qua là nơi đó cỏ cây đổ rạp, trông như có ai đó vừa mới phát hoang, lâu ngày đất chỗ đó mòn nhẵn, lộ ra con đường rộng gần cả mét, người dân địa phương khi đó hay gọi đó là “đường trâu” và thường được chọn là con đường lý tưởng để bọn trẻ thôn quê chúng tôi băng tắt qua những cánh đồng lúa, những rừng cây rậm rạp, um tùm.
Lúc còn nhỏ, gia đình tôi cũng có nuôi gần 20 con trâu phục vụ chuyện đồng áng. Sau khi đi học về, nhiệm vụ của tôi là phải ra đồng giữ trâu để chúng không qua đám lúa, đám mạ non “ăn càn” mà về bị đòn “nát đít”. Thỉnh thoảng, tôi và mấy đứa bạn chăn trâu trong xóm hay tìm đến “đường trâu” lấp xấp nước để bắt cá lóc, cá rô, cá trê “chém vè” dưới mấy dấu chân trâu để lại, đem lên nướng trui với rơm ngoài đồng chấm với muối cục dầm ớt hiểm chuẩn bị sẵn, ngon “đáo để” và giờ lại trở thành món ăn “đặc sản” của người thành thị.
Con trâu là phương tiện phục vụ đắc lực, gắn bó mật thiết với người nông dân trong việc đồng áng. Vì thế, số lượng trâu ở các làng quê của vùng miền Tây sông nước Đồng bằng sông Cửu Long khá nhiều, hầu như nhà nào cũng đều nuôi ít nhất 2 con trâu, nhiều nhà nuôi đến hàng chục con. Cả đời con trâu đã cống hiến, sinh hoạt cùng người nông dân như vậy nhưng khi trâu già chết đi, nó cũng góp phần làm nên một nền văn hóa ẩm thực dân gian, bởi sự đa dạng trong cách chế biến.
Thịt trâu đã trở thành món ăn được nhiều người yêu thích bởi dễ chế biến, góp phần làm nên một nền văn hóa ẩm thực dân gian.
Thường vào những tháng khô ráo, mát mẻ, những ai có dịp đi dọc bờ sông, hay ngang những mé kênh, bờ ruộng thuộc các địa phương này sẽ thấy những trai tráng đang làm thịt trâu. Theo người dân địa phương, trâu này đã quá tuổi để kéo cày, làm thịt coi như “hóa kiếp” cho nó đi “đầu thai”, cũng để “tự thưởng” cho gia đình một năm làm việc vất vả và trả ơn những người giúp đỡ mình trong năm qua; một phần đem bán lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Vì vậy, khi có nhà làm thịt trâu, cả xóm cùng nhau đi “xẻ thịt” về làm các món dân dã để thết đãi người thân, bạn bè. Nhiều thịt quá ăn không hết nên họ ướp thịt đem phơi làm khô, ăn dần. Có thể nói, các bộ phận của trâu, phần lớn đều hữu ích đối với người nông dân. Riêng đầu trâu, da trâu sẽ được nghệ nhân trong xóm mua về, đầu trâu làm mõ, sừng làm kèn, giàn thun cho trẻ nhỏ trong xóm chơi; da trâu làm dây giăng võng, làm trống; xương thì hầm, nấu cao; bộ đầu lòng luộc, hầm sả; thịt nhúng mẻ, nhúng giấm, phơi khô, phơi một nắng xé sợi làm gỏi; một số người còn có sở thích sưu tầm các tiêu bản của trâu.
Hình ảnh con trâu có mặt trong văn hóa tinh thần, vật chất, tâm linh. Phẩm chất bền bĩ, siêng năng, sống một đời phục vụ đã giúp nó trở thành linh vật đại diện cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 trong năm 2003 mà Việt Nam đăng cai tổ chức.