“Vun đắp” thương hiệu bằng văn hóa doanh nghiệp

1055 12 1329 11 1155 gy 2 Các DN đang nỗ lực tìm mọi cách vượt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: N.Thanh

Chung tay gánh vác trách nhiệm

Môi trường văn hoá của DN có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp cho DN trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, trên cơ sở đó sẽ hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của DN. Nhấn mạnh yếu tố này, ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Học viện truyền thông Elite PR School, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng, thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty. Vì thế, văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của DN.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10:

Công ty May 10 đã có truyền thống rất lâu đời, thương hiệu luôn được người tiêu dùng biết đến. Điều cốt lõi để thương hiệu này phát triển bền vững bao gồm “kiềng ba chân” là: kinh tế, hiệu quả kinh doanh, tốc độ tăng trưởng từ 15-20%/năm; gốc rễ văn hóa DN, thể hiện bằng việc có 4 thế hệ công nhân viên làm cho May 10, đang đón chào thế hệ thứ 5 với môi trường kinh doanh rất đầy đủ từ giáo dục, y tế cho công nhân viên; thứ ba là đóng góp của DN đối với trách nhiệm xã hội.

Trong điều kiện kinh doanh bình thường, Vietnam Airlines xây dựng hình ảnh là hãng hàng không Quốc gia. Khi đại dịch xảy ra từ đầu năm đến nay, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, thay vì nằm im chờ hết dịch, Vietnam Airlines đã tạo nên những giá trị mới bằng sự xung phong vận chuyển hàng cứu trợ phòng chống dịch, phi công, tiếp viên xung phong tham gia hàng chục chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam. Hãng hàng không này cũng thay đổi để vận chuyển hàng thay vì vận chuyển khách, người lao động đồng lòng giảm lương, giãn việc…

Hay tại Viettel, Tập đoàn này đã thực hiện các cuộc họp trực tuyến phục vụ Chính phủ điều hành chống dịch; hỗ trợ giải pháp công nghệ cho 11 quốc gia chống dịch; miễn giảm cước truy cập internet cho giáo dục trực tuyến; triển khai nền tảng y tế trực tuyến… Tương tự, Tập đoàn Vingroup đã chuyển một bộ phận sang sản xuất máy trợ thở, Tập đoàn Sun Group đã xây dựng bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng… Các chuyên gia cho rằng, khủng hoảng chính là cơ hội để DN thể hiện sứ mệnh lớn hơn, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng của nhiều DN chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng.

Xây đã khó, tái tạo càng khó hơn

Văn hóa được ví như linh hồn của thương hiệu, là yếu tố thúc đẩy thương hiệu phát triển. Thực tế cho thấy, không một thương hiệu mạnh nào lại không có nền tảng văn hóa DN vững chắc. Tuy vậy, một số DN Việt Nam hiện vẫn chịu nhiều áp lực về cạnh tranh, doanh thu và lợi nhuận mà bỏ quên việc xây dựng văn hoá. Cùng với đó, với nhiều DN, xây dựng văn hóa DN là vấn đề không đơn giản, nhiều DN cho biết họ không có nguồn tài chính để tạo dựng bản sắc văn hóa riêng. Nhưng với sự tác động của dịch Covid-19, đây chính là thời điểm các DN nhận thức tầm quan trọng của văn hoá DN, tái tạo văn hóa DN cho phù hợp hơn. Cụ thể, nhiều DN đã chuyển đổi hình thức kinh doanh, từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng các công nghệ mới, ứng dụng thương mại điện tử… Đây đều là những vấn đề mới mẻ, gây “bỡ ngỡ” cho các DN nếu không có tiềm lực vững mạnh để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Chia sẻ về vấn đề này, theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó ban Truyền thông và Văn hóa DN Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, những năm gần đây thương hiệu Petrovietnam ít nhiều bị ảnh hưởng và văn hóa Petrovietnam có thời điểm chưa được nhận diện rõ nét, những giá trị văn hóa chưa được hệ thống, khắc họa. Do vậy, tái tạo văn hóa Petrovietnam là việc làm hết sức cần thiết, tái tạo văn hóa Petrovietnam cũng chính là để củng cố thương hiệu Petrovietnam. Chính vì lẽ đó, Tập đoàn đã xây dựng “Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam”, đây sẽ là một quá trình chắt lọc lâu dài, bền bỉ, không ít thử thách đối với người lao động mà hơn hết là lãnh đạo Tập đoàn.

Những vấn đề trên cho thấy, sau khi chịu ảnh hưởng từ đại dịch, các DN phải biết đứng lên và biết áp dụng những gì mới nhất, hiện đại nhất để xây dựng văn hóa phù hợp với chiến lược kinh doanh. Hơn nữa, theo các chuyên gia, DN hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu, văn hóa DN bằng các hoạt động hàng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng. Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, ngay từ khi thành lập, văn hoá doanh nghiệp đã tồn tại, ngay trong các văn bản quy định, nội quy, quy chế, văn hoá hành xử…