‘Vua bánh mì’ bản Việt gây thất vọng sau 8 tập lên sóng

Khán giả nhận xét “Vua bánh mì” bản Việt chuyển cảnh thiếu logic, có nhiều chi tiết phi thực tế khiến người xem hụt hẫng.

Được remake từ kịch bản Hàn Quốc, Vua bánh mì phiên bản Việt thu hút sự chú ý của khán giả. Phim hội ngộ dàn diễn viên chính quen thuộc gồm Nhật Kim Anh, Thân Thúy Hà, Trương Minh Quốc Thái, Cao Minh Đạt.

Bên cạnh nội dung làm lại từ phim Hàn, Vua bánh mì được khán giả quan tâm nhờ nhạc phim cảm xúc, đặc biệt là ca khúc Cô đơn trong nhà mình với phần thể hiện của Hoài Lâm sau thời gian vắng bóng.

Sau 8 tập lên sóng, đạo diễn Nguyễn Phương Điền nhận được nhiều lời khen rằng ông đã thoát mác phim remake, biến Vua bánh mì trở nên gần gũi hơn với đời sống người Việt. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng phim còn nhiều phân đoạn thiếu logic, chuyển cảnh vô lý. Mới nhất, trong tập 8, khán giả nhận ra ông Đạt (Cao Minh Đạt) nói sai về nguồn gốc bánh mì.

Vua banh mi ban Viet anh 1

Vua bánh mì bản Việt bị nhận xét thiếu logic ở nhiều phân đoạn.

Sai nguồn gốc bánh mì

Trong tập 8, nhận ra khả năng đặc biệt của Hữu Nguyện khi cậu bé có thể ngửi thấy mùi bột bánh, ông Đạt dẫn hai con trai là Nguyện và Gia Bảo tới xưởng Thành Phát. Tại đây, ông chia sẻ với các con về lý do bắt đầu làm bánh, về tình yêu với bánh mì. Tuy nhiên, những tâm tư của ông Đạt bị đánh giá vô lý, không khớp với lịch sử.

Sau khi giới thiệu khu vực bánh chuyên để tặng cho trại trẻ mồ côi, Hữu Nguyện thắc mắc tại sao cha phải tặng bánh cho người khác. Giải đáp điều này, ông Đạt nói: “Hồi chú còn nhỏ, nhà mình từng khổ sở vì nạn đói. Xung quanh, ai cũng đói khổ. Một người bạn thân của chú đã chết sau thời gian dài suy nhược vì đói. Vì thiếu gạo nên suốt bao nhiêu năm dân mình phải ăn độn cho nên chú bắt đầu nghĩ tới việc làm bánh. Hồi đó, ổ bánh mì cứu đói. Nhưng hết chiến tranh rồi, ổ bánh không còn để cứu đói nữa mà là để thưởng thức”.

Theo lời ông Đạt, ông nghĩ tới việc làm bánh khi chứng kiến người bạn bị bỏ đói. Tuy nhiên, theo trang Vanhien, tại Việt Nam, bánh mì có tuổi đời chưa lâu. Bánh xuất hiện khi người Pháp tràn sang đô hộ.

Vua banh mi ban Viet anh 2

Ở tập 8, phân đoạn ông Đạt giới thiệu nguồn gốc ra đời của bánh mì phi thực tế.

Bánh mì du nhập vào nước ta lần đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1859, với tên gọi bánh mì Baguette. Ban đầu, bánh mì chưa thịnh hành nhiều, một phần do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ, một phần do văn hóa bản địa, khi người dân chỉ coi bánh mì là món ăn chơi, chứ không phải loại dùng để ăn no, thay cho bữa chính.

Sau đó, do tiện ích của bánh mì và giá cả phải chăng, mà loại bánh này bắt đầu được người Việt bắt chước làm và bán, nhưng cũng chỉ xuất hiện ở một vài địa điểm nhỏ, trong đó bánh mì Hòa Mã là nổi tiếng nhất. Bánh mì cũng được cải biên theo sáng tạo của người Việt Nam, khi bánh có khổ và độ dài như ngày nay.

Không chỉ vậy, bánh mì thời kỳ đầu được làm từ bột mì và nướng trong lò gạch. Theo lời ông Đạt, khi ấy nước ta đang trải qua nạn đói, việc kiếm được bột mì để làm bánh và lò gạch để nướng là điều xa xỉ. Bánh mì trong những ngày đầu du nhập vào Việt Nam là món ăn mới lạ, sang chảnh, không phải thực phẩm cứu đói.

Phim chuyển cảnh vô lý

Ngoài việc lời thoại của nhân vật ông Đạt không phù hợp với nguồn gốc bánh mì tại Việt Nam, từ những tập đầu, khán giả nhận ra Vua bánh mì có nhiều phân đoạn chuyển cảnh thiếu hợp lý.

Trong lúc mang thai, Dung tới làm y tá của một phòng khám và bị Tài truy đuổi. Cô bỏ chạy nhưng kiệt sức và phải đối diện với Tài. Khi người xem đang tò mò về hành động tiếp theo của Tài với Dung, phim đột ngột chuyển cảnh tới phân đoạn Dung sinh nở. Chi tiết này bị cho thiếu logic và gây mất cảm xúc nơi khán giả.

Trong lúc Tài đứng đợi Dung sinh, một lần nữa, phim cắt và chuyển sang cảnh khác mà không giải đáp được thắc mắc cho người xem về việc Tài sẽ làm gì với đứa trẻ.

Vua banh mi ban Viet anh 3

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền từng chia sẻ ông chỉ mua cốt truyện Vua bánh mì, ngoài ra các chi tiết trong phim, ông đều biến chuyển sao cho phù hợp nhất với khán giả Việt Nam.

Trước đó, trong buổi họp báo ra mắt Vua bánh mì bản Việt, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết ông chỉ mua cốt truyện của Hàn Quốc, ngoài ra các chi tiết trong phim, ông đều biến chuyển sao cho phù hợp nhất với khán giả Việt Nam.

Đạo diễn không muốn thay đổi tên phim vì cho rằng bánh mì cũng là món ăn truyền thống và thu hút của Việt Nam. Vì thế, Vua bánh mì kỳ vọng sẽ chạm được đến trái tim khán giả, tuy nhiên đến tập 8 phim khiến nhiều khán giả thất vọng. Bên cạnh việc kịch bản còn lỗ hổng, chuyển cảnh chưa tốt, phim cũng bị chê về diễn xuất và cách lồng tiếng của dàn diễn viên.

Trong đó, diễn xuất của Nhật Kim Anh (vào vai Dung) là chủ đề gây bàn tán. Trong Vua bánh mì, người xem cho rằng nữ diễn viên gượng gạo, đặc biệt ở những phân đoạn đau đớn, đối đầu với kẻ thù là ông Tài. Dung thường cố gắng chống trả nhưng không chân thật. Khi Dung đưa Hữu Nguyện tới gặp cha ruột, ánh mắt cô và ông Đạt giao nhau, nữ diễn viên cũng thể hiện thiếu cảm xúc. Sau bao năm gặp lại, Dung không làm nổi bật được sự bất ngờ, nhung nhớ người tình xưa. Ngoài ra, việc lồng tiếng cũng khiến đài từ của Nhật Kim Anh không làm hài lòng khán giả.