Vụ hứa thưởng luật gia: Giấy trắng mực đen, hứa thì phải làm
(PLO)- Lập luận của các cấp tòa để buộc khách hàng thực hiện lời hứa với ông luật gia là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và đạt được sự đồng thuận cao.
Ngày 13-1, một lần nữa tòa đã tuyên một khách hàng phải thực hiện lời hứa thưởng, trả cho luật gia Đặng Đình Thịnh hơn 113 tỉ đồng, tức 35% giá trị toàn bộ căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) mà ông đã bỏ ra nhiều công sức, trí lực, chi phí để đòi lại cho họ.
Các cấp tòa đều thống nhất quan điểm rằng việc hứa thưởng là tự nguyện, không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không bị lừa dối, ép buộc nên phù hợp theo quy định của pháp luật, vì vậy cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thịnh; chỉ khác quan điểm về việc ông Thịnh được hưởng 35% trên toàn bộ giá trị căn nhà hay 35% phần giá trị nhà mà khách hàng có quyền định đoạt.
Trong giao dịch dân sự, nguyên tắc “bút sa gà chết” nên cái gì cũng phải rõ ràng. Các quy định pháp luật vẫn dựa trên nền tảng hợp đồng, khi hợp đồng có rồi mà chưa đủ tin tưởng nhau, người ta còn tìm đến tổ chức hành nghề công chứng. Về bản chất, hợp đồng chính là sự thỏa thuận, là luật chơi của các bên.
Khi có hợp đồng được công chứng rõ ràng mà một bên không tuân thủ thì cũng phải tìm đến cơ quan nhà nước để giải quyết. Khi tòa đã tuyên án mà một bên thiếu thiện chí thực hiện thì còn biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Thỏa thuận của đôi bên trong trường hợp này được thể hiện dưới dạng văn bản, giấy trắng mực đen. Ngoài ra, các bên đã có đầy đủ thông số liên quan như luật gia đã đòi được nhà, đã chi ra số tiền cụ thể như thế nào… Khi có tranh chấp, với hợp đồng giấy trắng mực đen đó, pháp luật sẽ đứng ra bảo vệ công bằng, lẽ phải. Giả sử không có quy phạm pháp luật để giải quyết thì vẫn còn đó các công cụ khác như tập quán, án lệ, tương tự pháp luật, các nguyên tắc của luật dân sự hoặc lẽ công bằng…
Hứa thưởng được xem là một giao dịch dân sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể, không có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên như hợp đồng dân sự. Khi đó, bên hứa thưởng sẽ đưa ra điều kiện, quy định cho người khác để thực hiện một yêu cầu nhất định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự cho một chủ thể khác. Việc rút tuyên bố hứa thưởng chỉ được thực hiện khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc.
Đối với tranh chấp dân sự, pháp luật luôn hướng đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người, cũng như hạn chế những việc làm bội tín trong xã hội. Việc hứa thưởng do hai bên tự thỏa thuận; pháp luật cũng không giới hạn mức hứa thưởng. Lẽ thường, hứa thưởng bao nhiêu thì phải thực hiện đúng lời hứa đó.
Một bên không thể đòi nhà được nên hứa thưởng cho ông luật gia để ông thực hiện việc này. Và khi ông luật gia thực hiện được thì theo lẽ công bằng, lời hứa của khách hàng đương nhiên phải được thực hiện. Giả sử hai bên không có văn bản thỏa thuận hay hợp đồng gì về việc hứa thưởng thì theo lẽ công bằng, khách hàng cũng phải trả.
Lập luận của các cấp tòa để buộc khách hàng thực hiện lời hứa với ông luật gia là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và đạt được sự đồng thuận cao.
Bản án khiến ai cũng cảm thấy mình không bị thiệt thòi. Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng có lúc ở vị trí của khách hàng, cũng có lúc lại ở vị trí của ông luật gia. Giả sử khách hàng đổi vai cho ông luật gia. Khách hàng là người thực hiện công việc cho ông luật gia thành công thì khách hàng phải được hưởng sau khi đã bỏ ra thời gian, công sức, tiền bạc.
Trong dân gian, đối với quan hệ mang tính quan trọng, liên quan đến con người, người ta vẫn phải giữ lời hứa kẻo không lại bị cười chê. Như trong một câu chuyện nọ, phú ông hứa gả con gái cho chàng thanh niên nào lười nhất. Sau cùng, phú ông phải thực hiện lời hứa, gả con cho anh chàng chuyên đi giựt lùi. Bởi như anh này giải thích thì “nếu không được gả thì đi thẳng luôn, khỏi xoay người lại”…
Hay câu chuyện tư duy ngược của người Do Thái về cô gái có người cha mượn nợ. Chủ nợ bỏ viên đá màu trắng và viên đá màu đen vào cái túi. Anh ta nói với cô này nếu bốc được viên đá màu trắng thì xóa nợ, màu đen thì phải cưới anh thì mới được xóa nợ. Tuy nhiên, chủ nợ bỏ cả hai viên đá màu đen vào túi. Cô gái bốc một viên vào lòng bàn tay, ném ra xa, rồi nói với chủ nợ rằng viên đá vừa ném đó chắc chắn là viên đá màu trắng nhưng cô bất cẩn làm rơi mất. Nếu chủ nợ không tin thì xem lại trong túi, viên đá còn lại chắc chắn là viên màu đen. Chủ nợ bí bài, mở túi ra thì còn viên đá màu đen, suy ra là cô gái đã bốc viên đá màu trắng. Chủ nợ đành thực hiện vì một lời đã hứa.
Không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, người ta thừa nhận tầm quan trọng của con người là chữ tín, bởi một lần bất tín thì vạn sự bất tin.
CAO VŨ MINH