Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Tại sao thư ký, trợ lý lộng hành đến vậy?
Hành khách trong chuyến bay giải cứu từ Philippines về Việt Nam tháng 3-2020 – Ảnh: KHƯƠNG XUÂN
Trả lời Tuổi Trẻ, các ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm minh, đồng thời từ vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, cần có giải pháp tốt hơn trong công tác cán bộ.
* Đại biểu Quốc hội TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Lợi ích ‘chuyến bay giải cứu’ quá lớn
Vụ “chuyến bay giải cứu” cho thấy vi phạm không phải chỉ ở một nơi, đơn vị mà từ các bộ, cơ quan trung ương đến địa phương và có sự móc nối cả trong khu vực công lẫn tư.
Điều này cũng đặt ra vấn đề tại sao một việc tiêu cực lại có thể thống nhất, phối hợp với nhau nhanh như vậy ở các cơ quan khác nhau? Đây là do vấn đề lợi ích quá lớn, quá dễ.
Đồng thời, đây cũng chính là kẽ hở trong công tác quản lý và những người có trách nhiệm cần suy nghĩ về điều này để có hướng xử lý, bịt kẽ hở này.
Những người vi phạm này đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, đặc biệt lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19, cả nước đang gồng mình chống dịch, thậm chí giành giật từng mạng sống cho người dân để trục lợi, tham nhũng.
Sự lợi dụng, trục lợi trong bối cảnh như vậy là không thể chấp nhận được và cùng với pháp luật xử lý nghiêm thì về mặt đạo đức con người cũng phải kịch liệt lên án, phê phán. Họ đã làm méo mó, mất đi chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực, mất niềm tin trong xã hội.
Điều này rất đáng tiếc và là bài học đắt giá trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc lựa chọn, sử dụng, quản lý cán bộ thời gian qua. Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cụ thể để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
* Thiếu tướng NGUYỄN MAI BỘ (nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội):
Tại sao thư ký, trợ lý lộng hành đến vậy?
Theo dõi vụ án “chuyến bay giải cứu” có thể thấy vì lòng tham, cơ chế kiếm tiền dễ dàng nên các nhóm lợi ích đã câu kết với nhau, bỏ đi cả danh dự, liêm sỉ để trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của người dân, đất nước.
Những hành vi phạm tội trong vụ án này đều có tình tiết tăng nặng cần phải áp dụng là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Do đó thời gian tới khi đưa ra truy tố, xét xử cần áp dụng nghiêm túc các quy định của pháp luật để quyết định hình phạt thật nặng. Thậm chí cần xử lý theo quan điểm “mất một người nhưng cảnh tỉnh cả xã hội”, còn nếu không thì nhiều người vẫn chưa biết sợ, vẫn tham nhũng, trục lợi.
Đối với hành vi tham nhũng, nhận hối lộ và các hành vi vi phạm trong vụ án này, khi đưa ra truy tố, xét xử cũng không nên đánh giá họ là người có nhân thân tốt để xem là tình tiết giảm nhẹ.
Ở vụ án này có người là thư ký của thứ trưởng hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng hay có người là trợ lý của phó thủ tướng cũng nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng. Vấn đề đặt ra ở đây tại sao thư ký, trợ lý lại có thể “lộng hành” đến như vậy để nhận hối lộ lớn như thế? Ai là người kiểm soát, giám sát họ?
* Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG (phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):
Vấn đề cốt tử vẫn là cán bộ
Qua vụ “chuyến bay giải cứu” cho thấy nhiều người rất “giỏi” khi đánh đúng “huyệt” của những người mong được trở về quê hương, kể cả dù chết cũng phải về trong lúc cả thế giới đang bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Thêm vào đó họ có sự bố trí, cài đặt các hoạt động khá tinh vi từ khâu phát hiện nhu cầu, trình, duyệt, quá trình tổ chức từ bộ nọ, ngành kia, tới các công ty tư nhân… Các cán bộ của nhiều cơ quan, ngành, địa phương móc nối với nhau thành chuỗi, mắt xích rất chuẩn nên đã tổ chức hàng ngàn chuyến bay nhưng vẫn qua mắt được thế gian.
Từ vụ án này cũng là một dạng “ăn không từ cái gì của dân” khi họ đã trục lợi, nhận hối lộ cả trăm tỉ đồng trên sự đau khổ, nỗi sợ hãi, thậm chí sự tuyệt vọng của người dân rơi vào hoàn cảnh đại dịch. Những hành vi đó rất độc ác. Do đó thời gian tới cần phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
Đối với phòng, chống tội phạm, tham nhũng thì không phải để xảy ra những vụ như thế này rồi mới bắt, xử lý mà điều quan trọng cần đi tìm nguyên nhân. Từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp để người ta không thể, không dám làm sai.
Trong vụ án này cũng như nhiều vụ án khác cho thấy vấn đề cốt tử vẫn là cán bộ. Công tác cán bộ, quản lý, bố trí, sắp xếp, giám sát cán bộ vẫn là mấu chốt. Nếu không làm tốt được vấn đề này thì mọi việc chỉ là vá víu.
Để hạn chế vụ án “chuyến bay giải cứu” hay thành lập các “tập đoàn lợi ích nhóm” thì phải thanh lọc đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại các cán bộ quản lý làm công việc ở khu vực dễ tham nhũng. Phải rà soát, thanh tra, kiểm tra chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng bởi có câu chuyện móc nối, bao che.
‘Chuyến bay giải cứu’: Hậu trường những cuộc ngã giá triệu đô tưởng chỉ có trên phim