Vụ Alec Baldwin bắn chết người trên phim trường: Giới làm phim Việt nói gì về việc sử dụng súng khi quay phim?

Ngày 21.10 trên phim trường ở New Mexico (Mỹ) khi tài tử Alec Baldwin nổ súng trong một cảnh quay phim Rust, viên đạn thật từ khẩu súng đã bắn ra khiến đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins (42 tuổi) thiệt mạng và đạo diễn của bộ phim Joel Souza (48 tuổi) bị trọng thương. Theo Reuters, loại súng mà Alec Baldwin sử dụng trên phim trường là súng lục thông dụng hay được dùng trong các phim Hollywood. Phát ngôn viên của Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Santa Fe – bang New Mexico (Mỹ) nói nguyên nhân của vụ nổ súng xảy ra giữa lúc phim đang quay hiện vẫn đang được điều tra. Vụ tài tử Alec Baldwin bắn chết người trên phim trường đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của đông đảo những người yêu điện ảnh khắp thế giới.

T.L

T.L

Trước sự việc chấn động này, đạo diễn Charlie Nguyễn đã cho PV Thanh Niên biết về những quy định và luật đã có của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ về vấn đề sử dụng vũ khí khi quay phim. Charlie Nguyễn nói trước đây, giới làm phim tại Mỹ và điện ảnh Mỹ khi quay phim có sử dựng vũ khí đều phải chọn loại đạn mã tử – tức là đạn không có đầu đạn. Lúc quay có thể thấy cảnh lắp đặt viên đạn như thật, nhưng viên đạn đó chỉ có thuốc nổ và họ lấy miếng giấy cạc-tông ghép vô đầu đạn, khi bắn ra, viên đạn không bay ra mà chỉ phát ra tia lửa để thấy cảnh cháy nổ thôi. Đến năm 1993, phim trường Mỹ đã xảy ra sự kiện nam diễn viên Lý Quốc Hào, con trai của huyền thoại võ Thuật Lý Tiểu Long bị bắn chết vào ngày 31.3.1993 khi đang trên trường quay bộ phim The Crow (Mỹ sản xuất), trong đó nhân vật của anh bị bắn ở một ở cự ly gần, cả Lý Quốc Hào và người diễn viên cầm súng đều không hề hay biết rằng một viên đạn vẫn còn bị kẹt lại trong cây súng định mệnh đó; và một pha bóp cò đã trúng vào cơ thể đã lấy đi mạng sống của Lý Quốc Hào khi anh chỉ mới 28 tuổi.

AFP

“Phải nói Mỹ đã làm phim sử dụng súng thật để quay phim từ thời phim cao bồi nở rộ thập niên 1960, nhưng chưa bao giờ xảy ra án mạng nghiêm trọng như thế. Phía Mỹ đã điều tra vụ Lý Quốc Hào là khi họ gỡ các đầu đạn mã tử trong khẩu súng ru-lô bắn ra khi quay thì còn sót lại một đầu đạn thật và nó đã cướp đi một mạng người oan uống”, Charlie Nguyễn nói.

Sau sự việc năm 1993 này, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã ban hành luật không cho phép bất cứ đoàn phim nào khi quay hình sử dụng đạn thật trong tất cả loại súng – vũ khí. Tất cả súng khi đem đến trường quay ở Mỹ thì đầu súng phải được chặn bằng một miếng sắt nhỏ, khi bắn không thể có một viên đạn nào bay ra được, chỉ đủ phát ra tia lửa, để kỹ xảo hoàn thành tiếp về mặt hình ảnh sau đó. Đặc biệt, khi làm phim có vũ khí hay súng, ở Mỹ bắt buộc phải có người có bằng cấp, chịu trách nhiệm quản lý số vũ khí tại trường quay cho đến khi trao vũ khí cho diễn viên trong cảnh quay. Chỉ có người được giao chịu trách nhiệm về khâu vũ khí an toàn trong khi quay mới có thẩm quyền mang vũ khí lên set quay và giao vũ khí tận tay cho diễn viên khi bắt đầu cảnh quay. Và ngược lại, người diễn viên khi quay xong cảnh sử dụng vũ khí cũng được quy định trao tận tay lại cho người chịu trách nhiệm này, không ai khác trên phim trường được đụng tới tất cả các loại vũ khí mang đến trường quay.

tl

Đạo diễn Charlie Nguyễn khẳng định: “Luật tại Mỹ đã ban hành rõ ràng như thế, vậy nên khi có sự việc đạo diễn hình ảnh phim Rust bị bắn chết và đạo diễn phim này trọng thương trên trường quay khi tài tử Alec Baldwin nổ súng, giới làm phim khắp thế giới và tại Việt Nam đều vô cùng ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao lại trở nên trầm trọng như thế lúc đang quay phim? Tại sao lại có viên đạn thật và khẩu súng lại không bít nòng như luật Mỹ đã quy định trên trường quay? Vì tất cả diễn viên đều có hiểu biết luật này và diễn viên phải yên tâm về mặt an toàn thì mới dám bắn”. Anh cho biết sự việc còn rất nhiều uẩn khúc và tất cả hãy để cơ quan chức năng tại Mỹ điều tra và đưa ra kết luận.

Từ chuyện này, liên hệ đến các phim hành động có sử dụng vũ khí, súng tại Việt Nam, đạo diễn Charlie Nguyễn nói thật sự điện ảnh Việt cũng chưa có quy định nào cụ thể, giới làm phim tự ý thức để đảm bảo an toàn và đúng pháp luật Việt Nam. Anh nói do phim Việt vẫn đang ở một trình độ còn hạn chế trong thể loại phim hành động, giả tưởng… nên cũng ít khi sử dụng vũ khí hay súng thật; nếu có sử dụng súng thật để quay thì súng đó cũng đã bị hư, không bắn ra đạn như thật được. Khi làm phim Dòng máu anh hùng bối cảnh thời Pháp thuộc, đạo diễn Charlie Nguyễn nói đoàn phim chỉ sử dụng khoảng 10 cây súng thật cho những cảnh quay cận, còn binh lính phía xa thì sử dụng súng đạo cụ bằng gỗ. Súng thật thì đã hỏng, nhưng đoàn phim dùng đạn được chế bằng thuốc nổ kiểu như pháo hoa để cảnh quay có thể được xem như thật.

đpcc

đpcc

Bộ phim hành động Bẫy rồng có Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân đóng, do Lê Thanh Sơn đạo diễn cũng có sử dụng súng thật là loại súng AK nhưng xài đạn pháo thuốc cho có tia lửa khi bắn ra. Ê kíp đạo diễn Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Khi quay những cảnh có sử dụng súng, đoàn làm phim chúng tôi đều phải làm đơn xin giấy phép gửi các đơn vị quân đội, công an tại Việt Nam. Khi được sự đồng ý, cấp cho mượn súng thật (dù không còn sử dụng được) thì cũng luôn phải có một người từ phía quân đội, có hiểu biết về đạn dược đi theo đoàn để chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn diễn viên sử dụng súng cho đúng chuyên môn”.

Chính vì sự ý thức và nghiêm ngặt từ giới làm phim tại Việt Nam nên những cảnh sử dụng vũ khí trước nay chưa xảy ra tai nạn nào nghiêm trọng. Nhà sản xuất – diễn viên Trương Ngọc Ánh từng làm hai phim hành động Hương ga, Truy sát cho biết: “Việc sử dụng súng khi quay phim tại Việt Nam vô cùng nghiêm ngặt. Dùng tới súng tất nhiên không phải là chuyện giỡn chơi! Vì thế đoàn phim của tôi chưa có sự cố nào về súng ống. Riêng tôi chỉ có bị bạn diễn đánh trúng vào mắt trong một cảnh quay tra tấn của phim Truy sát, nhưng tôi đã sơ cứu tạm thời và tiếp tục công việc quay phim, không để cả đoàn đã et-up hết bối cảnh mà chờ một mình mình”. Một thành viên trong êkíp này chia sẻ: “Vì đây là đoàn làm phim hành động nên lúc nào cũng có một nhóm người chuyên săn sóc diễn viên và xử lý những sự cố ngoài ý muốn. Rất may là họ đã sơ cứu kịp thời sau cảnh nguy hiểm”.

đpcc

Ngô Thanh Vân cũng nói sự việc ở Mỹ xảy ra khiến ai làm phim cũng đều bất ngờ không tin được và cô không bàn sâu khi chưa rõ sự việc hiện trường như thế nào. Ngô Thanh Vân nói khi làm phim hành động tại Việt Nam, cô chỉ gặp tai nạn do kiên quyết tự mình thực hiện toàn bộ cảnh quay mà không dùng cascadeur, khi quay cảnh nhảy qua hai chiếc ghe đang di chuyển trong phim Hai Phượng. Đạo diễn Trần Bửu Lộc nói: “Ngô Thanh Vân đã bị hụt chân, té ngã khiến đầu gối va chạm mạnh vào cạnh ghe, chấn thương đầu gối nghiêm trọng, bị nứt xương phải điều trị một thời gian, nên bộ phim này suýt có nguy cơ phải tạm dừng ít nhất 6 tháng mới có thể lành và khả năng đóng những cảnh hành động cường độ rất mạnh sau đó”.

đpcc

“Chính vì sử dụng súng thật nhưng không bắn được, hoặc súng giả nên các cảnh quay bắn súng trong phim hành động Việt nhìn rất giả vì diễn viên phải gồng mình, tưởng tượng ra, để làm cú ‘giật mình như thật mà không thật chút nào’ khi súng phát nổ, để mà còn làm kỹ xảo thêm sau khi quay. Nhưng như thế cũng chính là nhằm đem lại sự an toàn cho cái chung và phù hợp với những quy định. Tôi chỉ mong điện ảnh Việt Nam có thêm đội ngũ các chuyên gia về cháy nổ, súng ống thật chuyên nghiệp, chứ giờ làm cảnh cháy nổ cho phim thôi cũng đã thấy chưa an toàn và chưa đủ sự yên tâm, và các đoàn phim Việt không phải thuê chuyên gia từ Thái Lan sang hướng dẫn những cảnh cháy nổ khi quay”, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ thêm.