Vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh

Cho vay khôi phục sản xuất tăng nhanh

Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng, dòng vốn tín dụng vẫn đang được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế.

Bóc tách cơ cấu dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm của một số NHTM như: Techcombank, VPBank, TPBank, MB, ACB… cho thấy, kết quả cho vay doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đều có sự tăng trưởng mạnh.

Chẳng hạn, tại Techcombank, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế trong nước đạt gần 188.170 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt mức trên 222.370 tỷ đồng. Trong số các lĩnh vực kinh tế, Techcombank cho vay công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 30.100 tỷ đồng, nông nghiệp thủy sản khoảng 2.356,9 tỷ đồng; bán buôn, bán lẻ sửa chữa mô tô xe máy gần 34.000 tỷ đồng… đều có sự tăng trưởng 10-20% so với cùng kỳ.

von tin dung tap trung vao san xuat kinh doanh

Hệ thống NHTM tại TP.HCM đã giải ngân được 370.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

Đối với VPBank, TPBank, MB kết quả cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh đều có ghi nhận tương tự. Trong tổng số dư nợ gần 372.000 tỷ đồng cho vay các tổ chức, cá nhân trong nước, VPBank cho vay 19.900 tỷ đồng vào lĩnh vực chế biến chế tạo (tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ); khoảng 146.500 tỷ đồng cho hộ gia đình sản xuất sản phẩm vật chất dịch vụ tự tiêu dùng (tăng khoảng 23.000 tỷ đồng so với cùng kỳ) và khoảng 71.000 tỷ đồng để cá nhân mua sắm nhà ở.

Tại MB, trong 9 tháng vừa qua, dư nợ cho vay các doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 171.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30.000 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tổng dư nợ. Trong khi đó, cho vay cá nhân kinh doanh cũng đạt mức gần 205.900 tỷ đồng, tăng mạnh so mức 167.200 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội tăng trưởng mùa cao điểm

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của TCTD trong quý IV/2022 của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), trong quý cuối năm hầu hết các TCTD nhận định rằng nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và dịch vụ thẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh. Trong đó, nhu cầu vốn vay dự báo sẽ cải thiện tốt nhất, đặc biệt là nhu cầu vay kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trên cơ sở nhu cầu vay vốn tăng, 76% các TCTD kỳ vọng trong quý IV/2022 tăng trưởng tín dụng cả hệ thống sẽ đạt mức khoảng 4,1%, đưa tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên mức 14,9%. Mặc dù vậy, các TCTD cũng nhận định, để tăng trưởng cho vay các tháng cuối năm các TCTD sẽ cạnh tranh rất cao để mở rộng sản phẩm, dịch vụ tài chính và tiếp cận khách hàng trong dịp kinh doanh cuối năm.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, mặc dù trong hai tháng gần đây áp lực lãi suất tăng và hết room cho tăng trưởng tín dụng đã khiến nhiều chi nhánh NHTM thận trọng hơn trong việc sàng lọc khách hàng khi cho vay. Tuy nhiên, do hiệu ứng tích cực từ kết quả kinh doanh bán lẻ suốt các quý đầu năm; cũng như sự phục hồi đáng kể của nhiều lĩnh vực kinh tế, tín dụng nhỏ lẻ từ hệ thống ngân hàng vẫn đang đổ dồn khá mạnh vào sản xuất kinh doanh thông qua nhiều kênh tiếp cận.

Tại TP.HCM, ghi nhận đến giữa tháng 10/2022, hệ thống NHTM đã giải ngân được 370.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã giải ngân cho vay hỗ trợ danh nghiệp trên 16.800 tỷ đồng theo chương trình hỗ trợ 2% lãi suất.

Trên thị trường đến thời điểm hiện tại việc tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh và vốn vay tiêu dùng từ các TCTD đang khá rộng mở. Theo đó, gói vay tiêu dùng ưu đãi giảm đến 50% lãi suất từ 2 công ty tài chính (FE Credit, HD Saison) đã chính thức triển khai từ 7/10 tại nhiều tỉnh thành Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Trong khi đó từ đầu quý IV/2022, hàng loạt các NHTM như HDBank, SeABank, ACB, BIDV, MB cũng đã tung ra chiến lược kết nối cho vay tiểu thương tại các chợ truyền thống. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và vừa như Sacombank, NCB, BacABank, ABBank, Eximbank… đều đang dồn dập triển khai các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ để tăng vốn lưu động mùa kinh doanh cao điểm.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thị trường tài chính tiêu dùng các tháng cuối năm đang đón nhận hàng loạt các mô hình “chợ không tiền mặt 4.0” và làn sóng mở rộng các sản phẩm vay thấu chi, vay qua thẻ tín dụng nội địa. Đến hiện nay đã có hàng chục ngân hàng thành công trong kế hoạch phát triển thị phần thẻ tín dụng nội địa nhắm vào phân khúc khách hàng bình dân.

Trong khi đó, các fintech kết nối khoản vay như SmartPay, Fiin Credit, VietCredit, Kim An… cũng đã đầu tư mạnh cho các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ giải ngân qua thẻ tín dụng nội địa và các ví điện tử. Nhóm doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT hiện cũng đã cạnh tranh kết nối khách hàng áp dụng Mobile Money để thanh toán các khoản nhỏ lẻ qua mã VietQR…

Những diễn biến trên cho thấy, trong các tháng cuối năm 2022, việc tiếp cận vốn vay và các sản phẩm thanh toán dành cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh khá đa dạng và nhiều ưu đãi để chọn lựa. Điều này cũng là cơ sở để nhận định rằng mảng tín dụng bán lẻ sẽ vẫn là động lực tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận của các ngân hàng trong các tháng cuối năm và đầu năm 2023.