Vô sinh thứ phát (cuối): Chữa sớm, cơ hội cao

 

“Với những phụ nữ nạo phá thai to, nạo phá thai không an toàn,… khả năng bị vô sinh thứ phát rất lớn do những người này dễ bị viêm nhiễm vùng chậu, tổn thương vòi trứng. Nạo phá thai nhiều lần cũng gây biến chứng dính lòng tử cung, tổn thương lớp niêm mạc tử cung, dẫn đến vô sinh” – BS Lê Việt Hùng, Trưởng khoa Vô sinh – Hiếm muộn, Bệnh viện Trung ương Huế cảnh báo.

Lường trước nguy cơ…

Ngay sau khi khởi đăng bài viết đầu tiên của loạt bài “Cảnh báo vô sinh thứ phát”, Báo GĐ&XH nhận được rất nhiều nỗi niềm và những câu hỏi của độc giả trong hoàn cảnh này.

Trong đó, băn khoăn được độc giả quan tâm nhất là: “Vì sao hiện nay nhiều người bị vô sinh khi đã từng có thai và sinh nở?”, “Những ai dễ bị vô sinh thứ phát?”, “Làm thế nào để tránh được nỗi lo này?”… Chúng tôi đã gửi những băn khoăn này đến các bác sĩ, các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa.

 

Về mặt tâm lý, vô sinh thứ phát là bệnh của xã hội hiện đại. Ảnh: HT.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế lao động, Hà Nội) cho biết, người có đời sống tình dục không lành mạnh, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục là người có nguy cơ cao bị vô sinh thứ phát.

Còn  BS Lê Việt Hùng lưu ý đến những yếu tố như nam giới lớn tuổi chơi game, sử dụng tivi, điện thoại nhiều, lạm dụng chất kích thích (gây nghiện, ảo giác…), quan hệ tình dục không đúng cách, không đúng lúc, không điều độ; những người làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao ở hầm lò, tài xế lái xe đường dài; ảnh hưởng của các yếu tố như hoá chất, vật lý, bức xạ điện từ… đều dẫn đến giảm chất lượng tinh trùng, gây vô sinh thứ phát. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu cho thấy tia phóng xạ, sóng cao tần của điện thoại di động có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, giảm khả năng có con. Bên cạnh đó, virus quai bị gây viêm tinh hoàn cũng là một trong những nguyên nhân gây nên vô sinh.

Đối với những băn khoăn như người bị tiểu đường, béo phì có nguy cơ bị vô sinh thứ phát hay không, theo các chuyên gia dù chưa thể kết luận được song ít nhất nó cũng ảnh hưởng đến đời sống tình dục, do đó, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản.

Cần điều trị sớm và đúng

 

Để tránh vô sinh thứ phát, phụ nữ không nên để quá lâu mới sinh tiếp. Tuổi mẹ cao, bên cạnh khả năng thụ thai giảm còn có nguy cơ cao mắc dị tật ở thai nhi.

TS Lưu Thị Hồng

Đối với nam giới khi chưa có con, hoặc đã có 1 con rồi, nếu đang bị quai bị, hoặc đã bị với thể trạng nhẹ, nên tiến hành lưu trữ tinh trùng trước khi quá muộn.

 

BS Lê Việt Hùng

Theo TS Lưu Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), để tránh nguy cơ vô sinh thứ phát, cần có quan hệ tình dục an toàn, tránh có thai ngoài ý muốn, tránh viêm nhiễm đường sinh sản. Nếu có viêm nhiễm cần điều trị sớm và điều trị đúng. Theo bà Hồng, đối với những trường hợp đã được xác định rõ nguyên nhân, nhưng nếu điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ mất khả năng sinh sản. Không phải chỉ nữ giới mới cần khám, điều trị mà nam giới cũng cần phải kiểm tra xem mình có bị viêm tinh hoàn, lượng tinh trùng có “trục trặc” hay không.

 

BS Lê Việt Hùng cho rằng, phụ nữ cần chú ý tới khoảng cách sinh. Sau khi đã có thai lần đầu, chị em nên sắp xếp thời gian để có thai lần 2 sớm, tốt nhất trước 35 tuổi. “Phụ nữ sau 35 tuổi dù đã từng sinh con, sau 6 tháng cố gắng có thai mà vẫn không mang thai được thì cần đến khám sớm ở cơ sở y tế chuyên khoa về vô sinh – hiếm muộn. Chữa trị càng sớm cơ hội có thai càng cao.

 

Tránh khám điều trị theo các phương pháp không có cơ sở khoa học làm mất nhiều thời gian. Đối với phụ nữ lớn tuổi, mất thời gian đồng nghĩa với đánh mất cơ hội điều trị vì tuổi càng cao cơ hội thành công càng thấp dù áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại nhất hiện nay” – BS.Hùng khuyến cáo.

Với y học hiện đại, việc điều trị vô sinh thứ phát không quá khó. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần nhận biết và đi khám sớm. Tùy vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác của mỗi cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp để họ có cơ hội sinh thêm con. Hiện đã có những kỹ thuật điều trị đơn giản có thể thực hiện ở tuyến y tế cơ sở giúp phụ nữ bị vô sinh thứ phát điều trị như chữa viêm nhiễm đường sinh dục bằng cách đặt thuốc âm đạo, đốt lộ tuyến cổ tử cung. Đối với nam giới, nếu không thành công bằng cách điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ chuyển sang kỹ thuật lấy tinh trùng bằng phẫu thuật.

TS Lê Minh Châu – BV Phụ sản TƯ cho hay, nếu thực hiện đúng chỉ định và phương pháp, tỷ lệ có thai sau 6 lần điều trị có thể lên tới 80 – 90%.

Dự phòng là tốt nhất

Vô sinh là điều không mong muốn của bất cứ cặp vợ chồng nào trong độ tuổi sinh sản, nhất là những người đã từng mang thai, sinh nở. Có nhiều nguyên nhân và nhiều biện pháp để điều trị, hỗ trợ sinh sản song theo các bác sĩ sản phụ khoa, điều quan trọng là lường trước nguy cơ hơn là để mắc phải và điều trị tốn kém.

Nói về vấn đề này, BS Lê Việt Hùng cho rằng, về mặt tâm lý vô sinh thứ phát là căn bệnh của xã hội hiện đại. Trong đó có yếu tố chung mang đến cho cả nam và nữ là các tác động của stress trong cuộc sống. Đời sống căng thẳng, nhiều stress sẽ giảm khả năng có thai, lâu có thai càng thêm lo lắng. Thực tế nhiều cặp vợ chồng vô sinh thứ phát khi được bác sĩ thăm khám tư vấn đã thay đổi cách sống, giảm lo âu, stress đã có thể thụ thai lại sau đó.

Theo BS Lê Thị Kim Dung cần phòng ngừa những nguy cơ “từ xa” bằng cách giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho các em từ lúc còn là học sinh, coi đây là vấn đề khoa học giúp các em vừa có nhận thức đúng về vấn đề, vừa không ngại chia sẻ để tìm ra hướng giải quyết.

“Có thể phòng tránh vô sinh ở nam giới bằng cách điều trị sớm các trường hợp tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ, chủng ngừa quai bị, điều trị đặc hiệu sớm đường dẫn tinh, tránh các yếu tố tác động như thuốc, chất gây nghiện, tia xạ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng”, TS Lưu Thị Hồng nói.

 

 

Hà Thư – Võ Thu