Vợ chồng bác sĩ bán thuốc ‘chui’
Mặc dù không được cấp phép, nhưng vợ chồng bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình, trực thuộc Bộ Y tế) vẫn tiến hành bán thuốc cho người bệnh tại phòng khám ở nhà riêng.
Cảnh người bệnh đứng ngồi lộn xộn trong phòng chờ khám bệnh và cũng là nơi ghi thông tin, bán thuốc – Ảnh: Nam Thủy
Cảnh người bệnh đứng ngồi lộn xộn trong phòng chờ khám bệnh và cũng là nơi ghi thông tin, bán thuốc – Ảnh: Nam Thủy
Thời gian qua, PV Thanh Niên tiếp nhận nhiều thông tin về những sai phạm tại phòng khám của bác sĩ Bình. Chúng tôi đã nhập vai người đi khám bệnh để tìm hiểu vấn đề này. Theo giấy phép hoạt động của Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cơ sở mang tên Phòng khám nội tổng hợp Phương Bình, địa chỉ tại xóm Mới, xã Đại Trạch, H.Bố Trạch. Tìm hiểu được biết, cứ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, phòng khám chật cứng người đến khám. Ngày chủ nhật 5.4 cũng tương tự, người đến khám đi ngược chiều trên QL1 bất chấp nguy hiểm; trong khi đó, người đã vô trong nhà thì để xe tràn xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông mà không hề có ai nhắc nhở, xử lý.
Theo luật Dược và các nghị định, thông tư liên quan, quầy thuốc phải có phòng riêng biệt, cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu về mua, bán, bảo quản, tồn trữ, bảo đảm chất lượng thuốc theo quy chế dược; có biển hiệu đúng quy định; người bán thuốc phải mang trang phục và đeo biển có ghi rõ họ tên, chức danh. Ngoài ra, theo lịch trực lãnh đạo của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới thì ngày 5.4 đến phiên trực của bác sĩ Bình; tuy nhiên ngày đó người trực là một phó giám đốc.
Từ ngoài vào trong phòng khám không hề có bất kỳ một biển hiệu nào, chỉ có duy nhất tấm bảng giá treo trên tường nhà. Gần giữa trưa mà người chờ đợi khám vẫn ngồi chật kín từ ngoài sân vào trong căn phòng. Đón tiếp người bệnh là bà Trương Thị Minh Khuyên, vợ bác sĩ Bình. Bà Khuyên mặc áo pull màu đen và không đeo bảng tên. Người bệnh đến, bà Khuyên đưa mảnh giấy vở học sinh đã cắt nhỏ ra cho họ tự ghi thông tin của mình, rồi được gọi khám theo thứ tự.
Từ ngoài vào trong phòng khám không hề có bất kỳ một biển hiệu nào, chỉ có duy nhất tấm bảng giá treo trên tường nhà. Gần giữa trưa mà người chờ đợi khám vẫn ngồi chật kín từ ngoài sân vào trong căn phòng. Đón tiếp người bệnh là bà Trương Thị Minh Khuyên, vợ bác sĩ Bình. Bà Khuyên mặc áo pull màu đen và không đeo bảng tên. Người bệnh đến, bà Khuyên đưa mảnh giấy vở học sinh đã cắt nhỏ ra cho họ tự ghi thông tin của mình, rồi được gọi khám theo thứ tự.
Khi người bệnh vào theo lượt gọi tên, bà Khuyên hỏi: “đau gì”, rồi bà đo huyết áp cho người đó. Đo xong bà ghi tên và bệnh cần khám vào tờ giấy rồi đưa cho bệnh nhân tự cầm vào phòng phía trong – nơi bác sĩ Bình đang chẩn đoán bệnh. Quá trình chẩn đoán diễn ra từ 3-5 phút. Việc thăm khám ở đây rất thoải mái khi có thể lấy tên giả. Trong tờ kết quả bác sĩ Bình cũng không điền địa chỉ, tuổi, lâm sàng, bác sĩ chỉ định theo như mẫu đã in. Phần kết luận thì không thể dịch ra chữ, mặt cuối tờ kết quả là đơn thuốc cũng khó dịch nổi từng chữ mà bác sĩ Bình kê đơn. Khi có kết quả khám, người bệnh mang ra lại bàn đăng ký.
Một vi phạm nghiêm trọng khác là vợ chồng bác sĩ Bình đặt tủ thuốc ngay tại phòng chờ (phía sau bàn ngồi ghi phiếu, đo huyết áp) để bán cho người bệnh. Theo quy định, điều kiện để mở và hoạt động 1 quầy thuốc tây rất khắt khe. Mở quầy thuốc trong phòng khám càng nghiêm ngặt hơn để đảm bảo an toàn, hiệu quả sử dụng thuốc. Thế nhưng, tương tự phòng khám, “quầy” thuốc cũng không hề có bảng biển và dĩ nhiên Sở Y tế Quảng Bình không hề cấp phép hoạt động. Người đến khám đông, phòng chờ vốn dĩ không lớn lại kê đặt bàn tủ nữa nên quang cảnh hết sức lộn xộn, ngột ngạt, người tựa cầu thang, người vắt chân lên ghế.
Hiện Sở Y tế Quảng Bình chưa biết có hoạt động bán thuốc tại Phòng khám nội tổng hợp Phương Bình.