Vô cảm là có tội với cuộc sống
Thời gian gần đây, trên các trang báo, trên mạng xã hội, các clip đăng tải nhiều sự việc, hình ảnh chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường nhưng gây bao cảm xúc về tình người ngay trong mùa dịch…
Bà cụ 85 tuổi ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) không biết chợ đóng cửa để phòng dịch COVID-19, đã ôm 2 mục măng đi bán. Các anh Cảnh sát giao thông ở chốt thấy thế đã mua hết cho cụ, rồi lấy xe làm nhiệm vụ đưa cụ về tận nhà.
Bốn mẹ con ở Đồng Nai đèo nhau bằng xe đạp về quê tận Nghệ An để tránh dịch… được anh em trong chốt kiểm soát ở Ninh Phước (Ninh Thuận) cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, rồi tận tình giúp đỡ để 4 mẹ con “về cố hương” an toàn giữa mùa dịch!…
Rồi hình ảnh bao chiến sĩ áo xanh nơi biên giới, những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu, thức trắng thâu đêm trong bộ đồ bảo vệ kín mít trong cái nắng ngột ngạt của mùa hè, làm việc quên mình để giành lại sự sống cho người dân… Trong số họ, nhiều người đã ngã quỵ, ngất xỉu… vì kiệt sức và đói lã…
Ở một góc khác, hình ảnh thiên thần nhỏ (mới 5 tuổi đầu) ở huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) đã tự mình đi cách ly (vì cha, mẹ bé cũng đã cách ly trước đó) trong bộ quần áo bảo hộ thùng thình, quá khổ cách đây chưa lâu, đã làm bao người rơi nước mắt. Hình ảnh đó đã “chạm đến trái tim” của mỗi người mà lời thường không diễn tả hết…
Khi đọc, khi xem những hình ảnh này, mỗi người trong chúng ta không ai không nghẹn lòng, thương xót, muốn làm một cái gì đó để san sẻ yêu thương, để “gánh” tiếp họ những gian khổ, nhọc nhằn… Đó là tình cảm tự nhiên, là “bản chất thiện” vốn có trong mỗi con người tự nhiên trỗi dậy…
Ấy vậy mà đâu phải ai cũng để tâm nên mới có chuyện để nói. Đứng trước những hoàn cảnh có thể làm “buốt tim” người này, nhưng lại là sự thờ ơ, dửng dưng “xơ cứng cảm xúc” của kẻ khác. Bởi thế mới có bao nhiêu chuyện chướng tai, gai mắt xảy ra. Chẳng hạn, ngay trong đại dịch COVID-19, trong khi cả hệ thống từ y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp, rồi bao nhiêu lực lượng tình nguyện khác… đã ngày đêm thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm bất chấp thời gian, bất kể đói khát, sẵn sàng xả thân… đến sức cùng, lực kiệt… đem lại cuộc sống bình yên cho bao người… thì nhiều người lại “lạnh lùng”, vô cảm… Đã thế còn có nhiều hành vi cản trở, gây khó, thậm chí còn chống đối không hợp tác với những người hy sinh… vì mình.
Khi yêu cầu “ở yên trong nhà” thì lại lén lút tụ năm, tụ bảy, tổ chức nhậu nhẹt, karaoke ngay trong khu cách ly. Khi yêu cầu khai báo y tế thì vòng vo, tìm cách qua mặt, trốn tránh lực lượng làm nhiệm vụ (chắc họ nghĩ, qua mặt được lực lượng là “qua mặt” được cả virus – PV).
Mới đây một người đàn ông tên T. ở Ninh Thuận, đang cách ly tại nhà đã ngang nhiên đi nhiều nơi, tụ tập đông người xem bóng đá, nhậu nhẹt… khiến cho gần 400 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở huyện Hàm Thuận Bắc bị phong tỏa… Cũng ở Bình Thuận, trong đêm 25/7 vừa rồi đã có nhiều quái xế tổ chức đua xe ngay trong thời gian giãn cách xã hội. Hay ở thành phố Pleiku (Gia Lai), một cán bộ Mặt trận Tổ quốc thành phố này đã bị khởi tố vì làm lây lan dịch bệnh bởi hành vi cố tình. Khi biết mình đã mắc bệnh mà vẫn đến cơ quan “làm việc” và còn đi đến một số hộ kinh doanh để “quán triệt tinh thần… chống dịch” cho họ?! Đáng buồn là những hành vi thái quá kiểu như vậy đã có trong không ít người, ở nhiều địa phương mà báo chí đã liên tục nêu tên, điểm mặt…
Có thể xem tất cả những hành vi này là sự buông thả với bản thân, thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân, với cuộc sống… bắt nguồn từ lối sống… vô cảm. Cao hơn nữa là sự… vô tâm, vô đạo đức!
Nhưng không chỉ có trong mùa dịch, mà hầu như lúc nào, bất cứ đâu, trong mọi ngõ ngách của đời sống đều có sự hiện diện ít nhiều của bệnh vô cảm. Có thể nói, nó đã trở thành căn bệnh của xã hội.
Thiết nghĩ, không chỉ bây giờ mà căn bệnh vô cảm đã có từ lâu, chỉ có điều có khi “lộ mặt”, khi chưa nhận ra. Và căn bệnh ấy có chiều hướng lây lan – xã hội hiện đại thì sự lây lan rộng hơn, nhanh hơn. Theo thời gian, nó tác động đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận giới trẻ (có cả người lớn) – Thực dụng trong… vô cảm!
Chẳng hạn việc học sinh đánh nhau, đánh hội đồng một bạn nào đó, vì một lý do rất… không đáng. Nhưng cái đáng nói ở đây là số khác thờ ơ đứng nhìn và còn cổ vũ, kích động…, số khác nữa thì không ủng hộ mà cũng không can ngăn, lại còn thản nhiên lấy điện thoại livestream, chụp hình rồi tung lên mạng?! Hay thấy kẻ móc túi trên xe ngay trước mắt mình vẫn coi như… không thấy, làm ngơ, mặc kệ “việc ai nấy làm”. Ngay khi gặp người bị tai nạn thì xăng xái xúm lại xem một cách hiếu kỳ, nhưng rồi lẳng lặng bỏ mặc người bị nạn, bởi đó… không phải là việc của mình!
“Chỉ có con vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại” – đây là câu nói của Các Mác. Không biết cái thời của ông đã có “căn bệnh vô cảm” hay chưa mà ông phẫn nộ đến vậy. Hay ông nói câu này là để… dự đoán cho tương lai?!
Vô cảm là gì? Có người bảo đó là căn bệnh xã hội – căn bệnh của cách hành xử, của lối sống. Nó là sự trơ lỳ của cảm xúc, sự dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ biết mình, quan tâm đến mình nhưng thậm chí cũng “vô cảm với chính mình” của một bộ phận… Vì vậy, vô cảm luôn xa lạ với câu: “Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha” như chí khí Nguyễn Đình Chiểu thuở nào. Họ là kẻ mảy may, thờ ơ, phớt lờ, “có mắt như mù” hoặc cố tình mù, không dám lên án cái ác, ủng hộ cái tốt mà cứ lập lờ, “không thế này mà cũng chẳng thế kia”, an phận thủ thường, bạc nhược đến… tàn nhẫn!
Có người nói, vô cảm là căn bệnh của xã hội đương đại, xã hội của nền kinh tế thị trường – mặt trái của kinh tế thị trường đẻ ra căn bệnh vô cảm, khi lối sống thực dụng và lối sống hưởng thụ đồng lõa và cộng hưởng với nhau… làm cho bệnh vô cảm nặng thêm.
Không khó để nhận ra căn bệnh vô cảm, nhưng để chữa dứt bệnh thì không dễ chút nào. Trong một bài viết về đề tài vô cảm, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã phân tích: Sự mất lòng tin trong xã hội, sự ích kỷ, tính thực dụng trong lối sống của một bộ phận xã hội làm cho bệnh thêm nặng. Phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể chữa khỏi căn bệnh đã “di căn về tâm hồn” con người.
Điều trước tiên để chữa căn bệnh này là hãy dùng bài thuốc “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”, nhân lên những nhân tố tích cực trong xã hội. Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”… là truyền thống quý báu của dân tộc. Một môi trường lành mạnh sẽ tạo được sức đề kháng cao với căn bệnh vô cảm. Xác lập và bền bỉ xây dựng nền văn hóa ứng xử, đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú. Ở đó giá trị tinh thần đạo đức xã hội được tôn vinh, thể hiện mạnh mẽ… để ai muốn làm điều xấu cũng phải sợ, cũng xấu hổ. Khi cái tốt, cái thiện chiếm lĩnh trong đời sống; và ở đâu người tốt, người hiền cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó cái xấu, cái ác sẽ không còn đất sống (ai cũng đoàn kết, đồng lòng, vạch mặt, lên án… thì làm gì có chỗ cho kẻ móc túi trên xe và những việc xấu tương tự khác?…).
Xã hội cần lắm ngọn lửa nhân ái lan tỏa, sưởi ấm – nhất là những người trong hoạn nạn, yếu thế, người thân cô thế cô… Cần thẩm thấu những giá trị truyền thống vào trong mỗi người, mỗi nhà và cả xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự mềm dẻo “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” cũng cần có những “lá chắn thép” để ngăn chặn, để chữa trị căn bệnh vô cảm – nhất là khi căn bệnh đã ăn sâu trong bộ máy công quyền và những người có chức, có quyền. “Lá chắn thép” đó là những nguyên tắc, luật lệ, những quy định khoa học, cụ thể, rõ ràng. Trách nhiệm con người trong guồng máy được quy định chặt chẽ, minh bạch… Nếu ai cố tình làm “lệch”, làm trái sẽ bị phát hiện ra, bị lên án, bị đào thải…
Một khi cả hệ thống thực thi một cách chặt chẽ, khoa học sẽ tạo ra thói quen, nếp sống, việc làm… tương ứng với chức phận. Sự vô cảm, vô tâm tự nó sẽ mất đi, thay vào đó là tình yêu thương, là trách nhiệm và sự gắn kết giữa người với người.
Vâng, một xã hội đồng cảm – thay cho sự xơ cứng, vô cảm. Sự sẻ chia, gắn kết – thay cho sự thờ ơ, dửng dưng, lạnh nhạt… là cội nguồn truyền thống của lối sống Việt!
N.N.K