Vlogger 9X miền Tây quyên tiền tỷ cho miền Trung

Từ một chàng kỹ sư xây dựng không biết chụp hình, dựng phim, sau gần 4 năm, Đinh Võ Hoài Phương trở thành một vlogger đình đám trong làng Youtuber Việt Nam dưới cái tên đầy mơ mộng – Khoai lang thang.

{keywords}

Đinh Võ Hoài Phương – chàng trai sinh năm 1991 – là người sáng lập và làm nội dung cho kênh vlog du lịch Khoai lang thang. Ảnh: NVCC

Liên hệ với Phương vào một ngày cuối tháng 10, cậu cho biết đang bị “kẹt” ở Đà Lạt, đợi thời tiết thuận lợi hơn để bay vào Huế chuẩn bị cho việc giải ngân gần 2,5 tỷ đồng mà cậu đã quyên góp được cho đồng bào miền Trung.

Kênh Youtube của Khoai lang thang hiện đang có 1,43 triệu lượt đăng ký theo dõi, mỗi video của cậu có từ vài trăm ngàn tới 2-3 triệu lượt xem. Không giống như nhiều kênh vlog khác, mỗi video của Khoai lang thang giống như một bộ phim tài liệu được quay, dựng rất chuyên nghiệp. Lời dẫn dắt của vlogger như đang kể cho người xem một câu chuyện về mỗi vùng đất, món ăn, con người mà cậu đi qua.

Có thể nói, trong làng Youtuber Việt Nam, ít có một kênh vlog nào làm nội dung “sạch sẽ”, chất lượng mà lại được yêu thích đặc biệt như Khoai lang thang.

Cũng chính vì thế mà những người theo dõi vlog của Khoai đều là những người yêu mến cậu thực sự, yêu mến con người, đất nước Việt Nam thực sự. Và thật dễ hiểu khi số tiền quyên góp được lại gây bất ngờ như thế với một vlogger du lịch khá kín tiếng như Khoai lang thang. 

“Khi mình lên tiếng kêu gọi thì cũng đã khá muộn so với các tổ chức, cá nhân khác nên mình không kỳ vọng nhiều. Vì thế, khi cầm số tiền này trong tay, mình cũng đang hơi bị… áp lực” – Phương cười nói.

Cậu cho biết, ngay từ đầu, cậu đã dự tính số tiền quyên góp được sẽ dành để giúp bà con khắc phục hậu quả sau lũ, chứ không giải ngân ngay lập tức cho những nhu cầu trong bão. “Bọn mình dự kiến sẽ tập trung nhiều nhất vào việc hỗ trợ bà con thay đổi thói quen dùng nước sạch, hỗ trợ máy lọc nước sạch cho các trường học và khoảng 400 hộ gia đình, trao học bổng cho các em, tặng  sách vở, đồ dung học tập… Mỗi tỉnh bọn mình sẽ chọn ra 3 xã khó khăn nhất, ưu tiên cho các xã miền núi, dân tộc thiểu số”.

{keywords}

Phương đã từng đặt chân tới nhiều miền quê trên khắp đất nước. Ảnh: NVCC

Quay trở lại câu chuyện từ chàng kỹ sư xây dựng trở thành vlogger du lịch, Phương kể: “Sau một thời gian làm đúng chuyên ngành đã học, mình cảm thấy cuộc sống rơi vào bế tắc. Mình không thấy yêu thích công việc này. Lúc ấy, mình nghĩ mình cũng thích đi du lịch, vậy thì thử làm các clip về du lịch xem sao”.

Địa điểm đầu tiên Phương chọn là một nơi rất “giản dị” – tham quan Thảo Cầm Viên với chi phí vỏn vẹn 50 ngàn đồng tiền vé. Tiếp sau đó là video thử món chuối chiên vỉa hè. “Bây giờ xem lại thấy sao mà mình quay xấu quá, nói chuyện cũng dở. May mà hồi đó mọi người cũng không chê nhiều lắm” – chàng trai quê Bến Tre cười nói.

“Khó khăn lớn nhất lúc đó là mắc cỡ, không tự tin đứng trước ống kính, không có kỹ năng quay phim, dựng phim, chụp ảnh…”. Phương phải học mọi thứ lại từ đầu. Cũng chính vì thế mà cậu bảo, nếu theo dõi kỹ vlog Khoai lang thang, mọi người sẽ nhận ra sự tiến bộ dần dần của cậu qua mỗi video, chứ không có giai đoạn nào vượt bậc lên cả.

Sau một vài video nhận được phản ứng tích cực của khán giả, Phương mới quyết định chính thức nghỉ công việc kỹ sư. Đó cũng là thời điểm khó khăn nhất với cậu khi phải đứng trước những lựa chọn liên quan tới sự nghiệp sau này.

Dù còn nhiều lo lắng nhưng sau khi nghỉ việc, cậu thấy nhẹ nhõm và hào hứng với con đường dài ở phía trước.

“Lúc ấy trong túi chỉ có hơn 20 triệu đồng tiền tiết kiệm, mình dành hết để mua máy móc, thiết bị. Suốt một năm rưỡi sau đó, thu nhập từ việc làm vlog chỉ đủ sống và đầu tư trở lại cho máy móc, không có dư giả nhiều, nhưng càng lúc mình càng thấy con đường mình chọn là đúng đắn khi nhận được những ý kiến đóng góp, động viên từ người xem”.

{keywords}

Nội dung chủ yếu trên kênh vlog của Phương là khám phá ẩm thực, văn hoá, con người địa phương. Ảnh: NVCC

{keywords}

Phương chia sẻ, cậu thích sự mộc mạc và chân thành của người dân quê. Ảnh: NVCC

Đến cuối năm 2017, kênh Khoai lang thang đạt 100 ngàn lượt đăng ký theo dõi.

“Giai đoạn vượt bậc nhất về số lượng người xem và đăng ký là sau loạt video du lịch miền Tây. Lúc ấy, miền Tây vẫn chưa nổi tiếng về du lịch. Nghĩ tới miền Tây, người ta chỉ nghĩ đến đồng lúa, sông nước, cây ăn trái. Khi làm loạt đó xong, mọi người thấy rất bất ngờ về miền Tây.

Nhiều địa điểm mình đặt chân tới lúc đó còn chưa có tên tuổi nhưng bây giờ đã thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Đôi khi nhìn lại cũng thấy mình có đóng góp một chút gì đó cho nơi mà mình đã sinh ra”.

Đến nay, khi kỹ năng quay dựng đã tốt, thu nhập đã ổn định hơn, Phương đã đưa rất nhiều địa điểm trong nước cũng như nước ngoài lên kênh vlog của mình. Nhưng như trong nhiều lần chia sẻ, cậu luôn nói, Việt Nam vẫn là nơi mà cậu yêu thích nhất và có cảm hứng để chia sẻ nhiều nhất.

Hầu hết các chủ đề trên kênh Khoai lang thang đều là những thước phim khám phá rất sâu về đặc sản vùng miền, về bản sắc văn hoá của địa phương. “Khoai đặc biệt thích khám phá những vùng nông thôn trên khắp mọi miền đất nước. Sự giản dị, tinh tế trong ẩm thực, sự nồng hậu của người dân… là điều mà lúc nào mình cũng cảm thấy yêu thương và trân trọng”.

Cậu nói, đã có một thời gian kênh Khoai lang thang làm cả nội dung về những chuyến du lịch sang trọng, khám phá những khách sạn 5 sao, những chiếc du thuyền xa hoa… và cũng “kiếm” được khá nhiều “view”. Nhưng sau một thời gian, Khoai cảm thấy mình không thích làm những cái đó nữa. “Mình không nói du lịch sang chảnh là xấu mà mình cảm thấy thích những thứ liên quan tới con người, vùng quê, văn hoá, những gì mộc mạc, gần gũi hơn”.

“Mình thích nội dung ra sao thì sẽ làm như vậy. Và mình nghĩ rằng sẽ luôn có những người đồng cảm với mình. Đó là yếu tố đầu tiên”.

“Bởi vì mình xác định gắn bó với công việc này lâu dài. Nếu mình làm những cái trái ngược với mong muốn thì trước tiên, mình sẽ không thấy vui”.

{keywords}

Một trong những “cái được” lớn nhất trong những chuyến trải nghiệm của Phương là tấm lòng của bà con dành cho mình. Ảnh: NVCC

Phương cũng chia sẻ, việc đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều cũng khiến góc nhìn của cậu thay đổi. “Nếu như trước kia, nhìn thấy một sự việc, mình có thể dễ dàng đưa ra phán xét, nhưng bây giờ mình nhìn vấn đề ở nhiều góc độ hơn. Mình có thể nghĩ rằng ‘có thể đằng sau đó là một câu chuyện, một lý do nào đó’”.

Một cái “được” khác mà Phương cảm nhận được rõ ràng trong suốt quá trình đi và trải nghiệm, đó là tình cảm của những người dân quê.

“Có những nơi người dân rất nghèo, nhưng họ lại đối xử với mình rất tình cảm, coi mình như con cháu từ xa về. Nhiều khi mình về lại Sài Gòn rồi nhưng vài tuần bà con lại gọi hỏi thăm sức khoẻ. Mỗi lần mình trở lại, họ lại đón tiếp và hết lòng với mình. Đó là điều mình cảm thấy may mắn sau những chuyến đi”. 

1977 Vlog thần tượng Sơn Tùng, bố từng khuyên đi làm xe ôm

1977 Vlog thần tượng Sơn Tùng, bố từng khuyên đi làm xe ôm

 Chưa từng có tiếng tăm trong giới Vlog trước đó, 2 anh em sinh đôi Nguyễn Trung Anh, Nguyễn Việt Anh cùng cậu em họ Nguyễn Văn Tân bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội với 1977 Vlog.  

Nguyễn Thảo