Vinmec ‘cấy ghép tế bào gốc’ chữa trẻ tự kỷ ở Việt Nam gây tranh cãi quốc tế – BBC News Tiếng Việt
Vinmec ‘cấy ghép tế bào gốc’ chữa trẻ tự kỷ ở Việt Nam gây tranh cãi quốc tế
2 tháng 8 2021
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Một phòng thí nghiệm nghiên cứu tế bào gốc tại Hoa Kỳ (hình minh họa)
Một công trình khoa học của Viện nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gene thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Vinmec) được công bố trên tập san y khoa Stem Cells Translational Medicine (SCTM) vào ngày 9/9/2020.
Đây được đón nhận như tin vui cho khoa học Việt Nam.
Báo Nhân Dân ngay ngày hôm sau đăng tin “Nghiên cứu tế bào gốc chữa bệnh tự kỷ của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm được công bố quốc tế”.
Vinmec, thuộc tập đoàn Vingroup, đã đi tiên phong trong việc ứng dụng thành công liệu pháp tế bào gốc trong điều trị một số bệnh tật, hội chứng, và là “cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và thế giới” thành công trong lĩnh vực này, báo chí trong nước tại cùng thời điểm tường thuật.
Ý kiến chuyên gia quốc tế
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sau khi công bố quốc tế đã mở ra cuộc tranh luận với những ý kiến trái chiều từ chuyên gia nước ngoài.
Các ý kiến phản biện, bình duyệt quốc tế, và phản hồi của nhóm nghiên cứu VinMec cùng được đăng trên SCTM, số ra ngày 19/5/2021.
Vinmec không dùng ‘tế bào gốc’, cũng không ‘cấy ghép’
Một trong những điểm căn bản khiến các chuyên gia quốc tế phản ứng mạnh, đó là phương pháp điều trị nêu trong nghiên cứu của Vinmec được cho rằng “không phải là cấy ghép tế bào gốc”.
Bác sỹ Heather Finlay-Morreale, Giảng viên Y khoa của Đại học Massachusetts, bác sỹ nhi chuyên chăm sóc trẻ tự kỷ, nói bà “vô cùng quan ngại”.
Lý do, là bởi những người tiến hành liệu pháp này đã “không truyền tế bào gốc – họ truyền tế bào đơn nhân từ tủy xương”, bác sỹ Heather Finlay-Morreale viết.
Ban biên tập SCTM ghi nhận ý kiến trên của bác sỹ Finlay-Morreale là chính xác.
Hơn nữa, SCTM nói rằng Giáo sư Liêm và nhóm tác giả đã “miêu tả không chính xác khi gọi liệu pháp này là ‘cấy ghép’, và điều này gây hiểu sai”.
“Các tế bào đã không được cấy ghép; thay vào đó, chúng được kiểm soát thông qua việc truyền vào bằng cách tiêm truyền nội tủy mạc,” SCTM nói.
Nhóm của Giáo sư Liêm phản hồi rằng họ dùng ‘tế bào đơn nhân từ tủy xương có chứa tế bào gốc sinh huyết và tế bào sinh sản’.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Trị liệu bằng tế bào gốc là vấn đề y khoa còn mới, đang được nghiên cứu trên thế giới
Tế bào đơn nhân từ tuỷ xương có chứa tế bào gốc thì ‘khác biệt cơ bản’ so với tế bào gốc, theo giải thích của một bác sỹ từ California, Hoa Kỳ.
“Một cách chữa trị dùng nhiều loại tế bào lấy từ tủy xương (có khoảng chứa 1-5% tế bào gốc), và một cách chữa trị dùng hoàn toàn 100% tế bào gốc,” bác sỹ Wynn Tran nói với BBC News Tiếng Việt.
“Nói một cách dễ hiểu là quý vị vào nhà hàng muốn ăn món lẩu cá thu (là một loại cá biển). Chủ nhà hàng đưa ra hai món lẩu là lẩu cá biển (gồm nhiều loại cá biển khác nhau, trong đó khoảng 5% là cá thu) và lẩu cá thu (100% cá thu). Vì cá thu có mặt trong cả hai loại lẩu nên chủ nhà hàng dùng chữ ‘lẩu cá thu’ trong cả hai món lẩu.”
Phương pháp điều trị ‘cần được đánh giá thêm’
Theo bác sỹ Finlay-Morreale, cách điều trị của Vinmec là mang tính xâm lấn đối với trẻ tự kỷ, và là không thỏa đáng. “Tại Hoa Kỳ, tôi e là nghiên cứu này sẽ không được hội đồng thẩm định nội bộ phê chuẩn,” bà nói.
Với biện pháp can thiệp này, “có 48% trẻ bị tác dụng phụ, bao gồm việc bị đau đớn”, theo bác sỹ Finlay-Morreale.
Ban biên tập SCTM tán đồng:
“Chúng tôi đồng ý rằng biện pháp truyền nội tủy mạc các tế bào sẽ cần phải trải qua việc đánh giá thêm tại Hoa Kỳ trước khi có thể được đưa ra thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.”
Tuy nhiên, SCTM không đồng ý với quan ngại của bác sỹ Finlay-Morreale về việc truyền nội tủy mạc có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, gây đau đớn suốt đời hoặc gây chảy máu trong tủy sống, dẫn tới bị liệt.
Theo Phó Giáo sư Phan Toàn Thắng, chuyên gia về tế bào gốc hiện đang làm việc tại trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cách điều trị của Vinmec “có vấn đề về y đức” theo chuẩn mực phương Tây.
“Các tác giả tiến hành các kỹ thuật xâm lấn sâu cho bệnh nhi trong cả thủ thuật chọc hút tuỷ xương và tiêm chọc qua ống cột sống,” ông nói. “Thực hiện các thủ thuật này trên bệnh nhi là vấn đề rất nặng đối với y đức Âu-Mỹ.”
Nguồn hình ảnh, Other
Chụp lại hình ảnh,
Khu vực phẫu thuật trong một cơ sở của Vinmec
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Liêm bác bỏ cáo buộc.
Trên thế giới “đã có nhiều nghiên cứu sử dụng liệu pháp tế bào cho trẻ tự kỷ xuất bản trên các tạp chí rất uy tín”, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gene Vinmec trả lời BBC qua nhóm truyền thông của Vinmec bằng email.
Ông cũng khẳng định việc “truyền tế bào đơn nhân từ tủy xương tự thân chứa tế bào gốc cho bệnh nhân tự kỷ là không trái với các quy định về y đức”.
“Vinmec chỉ áp dụng liệu pháp tế bào cho trẻ tự kỷ mức độ nặng, không đáp ứng hoặc đáp ứng rất ít với can thiệp giáo dục,”
“Thực tế, phương pháp này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho không ít bệnh nhân,” Vinmec nói với BBC, nhưng không cung cấp số liệu điều trị qua các giai đoạn.
Nguồn hình ảnh, SCTM
Chụp lại hình ảnh,
Kết quả nghiên cứu của nhóm do Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm được công bố quốc tế hồi 9/2010
Quá trình áp dụng tại Việt Nam và lời khen ‘đi tiên phong’
Việc nghiên cứu được Bộ Y tế nghiệm thu vào 9/2019, cho thấy phương pháp điều trị trẻ tự kỷ của Vinmec được chính thức chấp nhận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có một số câu hỏi đặt ra.
Với việc gọi ‘truyền tế bào đơn nhân từ tủy xương có chứa tế bào gốc’ là ‘cấy ghép tế bào gốc’, liệu Vinmec có khiến cho các gia đình bệnh nhân hiểu sai vấn đề?
Cạnh đó, có câu hỏi là liệu Vinmec có ‘đi quá sớm’ trong hoạt động điều trị bằng tế bào gốc có thu viện phí, từ 2014, trước khi được chuẩn thuận, cấp phép?
BBC đã nêu câu hỏi này hôm 23/07/2021 với Vinmec và vẫn đang chờ đợi câu trả lời.
Phù hợp với thông lệ y khoa quốc tế, tại Việt Nam, việc tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng nhìn chung được thực hiện miễn phí đối với bệnh nhân, người tham gia, trong lúc việc thu phí chỉ được thực hiện đối với các dịch vụ đã được cấp phép.
Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân và người tham gia thậm chí còn “được chi trả bồi dưỡng tính đến thời điểm rút khỏi nghiên cứu”, theo Thông tư 55/2015 của Bộ Y tế.
Vẫn bác sĩ Wynn Trần từ Hoa Kỳ chia sẻ:
“Liệu pháp tế bào gốc chữa trị bệnh viêm não và tự kỷ cho đến nay vẫn chỉ là chữa trị thử nghiệm, chưa được xem là trị liệu chính thức được chấp thuận bởi các cơ quan y tế liên bang Hoa Kỳ như FDA. Vì vậy, dùng từ ‘ứng dụng’ thành công liệu pháp tế bào gốc trong điều trị là chưa chính xác vì đây là liệu pháp vẫn còn đang trong nghiên cứu thử nghiệm, chưa được chấp thuận.
Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc chữa bệnh tự kỷ đã có từ năm 2013.
Bài phân tích tổng hợp gần đây (Meta-analysis) về tế bào gốc xuất bản năm 2018 từ Ý chỉ ra các nghiên cứu thử nghiệm về tế bào gốc trên bệnh nhân tự kỷ thường có số lượng bệnh nhân ít và cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng để khẳng định tính hiệu quả của trị liệu này. Ngay chính trong bài nghiên cứu từ Vinmec (công bố tháng 9/2020) cũng có trích dẫn các nghiên cứu thử nghiệm trước đây dùng tế bào gốc.
Vì vậy, nói ‘thành công đầu tiên’ trên thế giới là chưa đúng. Tuy nhiên, nghiên cứu thử nghiệm tế bào gốc trên trẻ em tự kỷ (công bố tháng 9/2020) có thể gọi là đầu tiên ở Việt Nam. Đây là điểm đáng khích lệ và ghi nhận khi Vinmec cập nhật và theo đuổi các hướng nghiên cứu tân tiến trên thế giới.”
‘Hỗ trợ viện phí’
Tiến sĩ Nguyễn Yến Khanh, một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông hiện sống tại TP HCM đã nêu ra cả câu hỏi về “y đức” và nêu vấn đề bà nói là nghi vấn “viện phí” của Vinmec.
“Nhiều gia đình đã nhận lại khoản tiền dao động từ 60 triệu đồng đến 130 triệu đồng cho 2 hoặc 3 đợt điều trị,” bà Khanh nói với BBC News Tiếng Việt về hiện tượng các gia đình bệnh nhi tự kỷ được Quỹ Thiện tâm của Vingroup ‘hỗ trợ viện phí’ trong những tuần qua.
Bà cho rằng cần nêu đúng bản chất sự việc, đó là Vinmec “hoàn trả” các khoản viện phí đã thu sai, thay vì gọi là tiền ‘hỗ trợ’.
Vinmec bác bỏ chuyện này qua thư trả lời BBC hôm 22/07/2021:
“Tất cả các ca bệnh đặc biệt và điều trị tốn kém – dù gia đình bệnh nhân tự nguyên chia sẻ chi phí điều trị – đều được bệnh viện gửi hồ sơ lên Quỹ Thiện Tâm xin hỗ trợ, bao gồm cả tự kỷ và bại não.”
“Rất vui mừng là đến cuối tháng 5/2021, sau một thời gian chờ đợi, Quỹ Thiện Tâm đã phê duyệt hỗ trợ 100% chi phí cho các trường hợp tự kỷ tự nguyện tham gia điều trị tế bào gốc,” Vinmec giải thích về việc gửi tiền cho các gia đình bệnh nhân thời gian qua.
Vinmec cũng cho biết bên cạnh cách trường hợp tự kỷ, các trường hợp điều trị bại não bằng cùng phương pháp cũng đã được chấp nhận hỗ trợ hoàn toàn, và Quỹ “sẽ hoàn tất tài trợ cho các bệnh nhân trong tháng 8/2021”.
BBC News Tiếng Việt sẽ cập nhập với quý độc giả về câu chuyện này khi nhận được phản hồi thêm từ Vinmec.