Viettel: Một thập kỷ làm chủ công nghệ lõi

Những gì Viettel có được sau một thập kỷ bền bỉ dành nhiều nguồn lực cho R&D không chỉ là hàng trăm nghiên cứu và công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ quân sự, công nghệ viễn thông, thiết bị dân dụng mà còn là bước chạy đà cho những cái mốc tiếp theo.

Bước qua ranh giới của nhà sản xuất thiết bị

Tháng 9/2019, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thông tin với báo chí, “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” của họ được Cơ quan quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng bảo hộ độc quyền. Đây là lần đầu tiên nhà mạng này có một bằng sáng chế bảo hộ ở Mỹ. Dù có thể khách hàng của Viettel chẳng mấy quan tâm đến bản chất công nghệ mới này nhưng người làm trong ngành viễn thông thì hiểu bản chất của vấn đề là ở chỗ: Viettel đang thực sự lột xác.

Nhưng đó là một hành trình dài mà điểm xuất phát vô cùng lặng lẽ, không “trống rong cờ mở” của những người trong cuộc. Tháng 11/2011, một nhóm kỹ sư của Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT) được giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất “OCS Make in Vietnam, Make by Viettel”. Anh Nguyễn Văn Vinh – Ban Nghiên cứu sản xuất nhớ lại: “Lúc đó, anh Trung (ông Tống Viết Trung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khi đó) nói với chúng tôi: Mình phải tự làm thôi. Cứ phụ thuộc vào đối tác như thế này thì giống như bị trói chân, trói tay”.

Các kỹ sư nghiên cứu Sáng chế thuộc lĩnh vực trạm thu phát viễn thông của Tổng công ty Công nghệ cao Viettel (VHT) được bảo hộ độc quyền tại Mỹ.

Thời điểm đó, cả thế giới dùng hệ thống tính cước thời gian thực OCS của bốn nhà cung cấp. Là đơn vị viễn thông trẻ nhất thế giới, lẽ dĩ nhiên khi ra đời, Viettel không có lựa chọn nào khác là phụ thuộc vào công nghệ của họ trong những năm đầu. Sau tám năm kinh doanh, Viettel thấy cần phải thay đổi về công nghệ để có thể phục vụ khách hàng theo nhu cầu của mỗi người bằng những gói cước, chính sách sản phẩm chưa từng có. Việc sử dụng hệ thống OCS của đối tác như họ ‘bó chân bó tay’ bởi bất cứ thay đổi nào trên hệ thống cũng phải gửi đối tác và có thể phải chờ đợi vài tháng liền mới có kết quả. Trong khi đó, mọi việc ở Viettel lại diễn ra rất nhanh và gấp gáp.

Do đó, bắt đầu từ con số 0, 20 kỹ sư của VHT đã ngày đêm nghiên cứu để có thể vượt qua những định kiến tồn tại là nhà sản xuất thiết bị và hệ thống viễn thông không cần phải trực tiếp cung cấp dịch vụ viễn thông. Lần lượt vào năm 2013 và 2014, họ đã cho ra mắt phiên bản OCS 1.0 và OCS 2.0 với dung lượng lần lượt là 1 triệu thuê bao/site và 8 triệu thuê bao/site.

Đã làm chủ công nghệ sản xuất OCS nhưng phải đến phiên bản VOS 3.0, VHT mới tự tin đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Sáng chế này là chính trái tim của OCS để Viettel có thể sử dụng hệ thống tính cước của riêng mình. “Khi nhận được sáng chế, cảm xúc của các thành viên rất tự hào vì thực sự những sáng chế trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu cực kỳ nhiều và rất khó để bảo hộ vì có rất nhiều các công ty lớn trên thế giới đã đầu tư cho các sản phẩm như Oracle, IBM…” – Anh Nguyễn Đức Hải, thành viên nhóm nghiên cứu nhớ lại.

“Các thủ tục đăng ký sáng chế được công ty luật hỗ trợ nhưng chúng tôi sẽ tham gia trả lời các yếu tố kỹ thuật. Quá trình đó cũng kéo dài nhiều tháng liền nhưng thực tế không quá phức tạp” – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

OCS đã trở thành câu chuyện đầy cảm hứng cho hành trình làm chủ công nghệ lõi của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT, nhất là khi hành trình ấy đã trả lời cho rất nhiều câu hỏi “Tại sao không mua sẵn công nghệ của nước ngoài?” “Viettel chưa từng có kinh nghiệm làm sao có thể nghiên cứu các công nghệ, sản phẩm chưa từng có”. Thành công của OCS nói riêng và 10 bằng sáng chế khác được bảo hộ ở Mỹ có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trên thế giới là câu trả lời. Cũng chính VOS 3.0 đã giúp Viettel tự tin bước ra khỏi ranh giới của một nhà cung cấp viễn thông thuần túy và đứng sau các dịch vụ về giao thông thông minh (ePass) và Mobile Money.

Cùng OCS, với mục tiêu trở thành hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam, chiến lược của Viettel là phát triển đồng đều cả quân sự – dân sự – viễn thông với phương châm làm chủ sở hữu công nghệ lõi, có đầy đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế. Để làm được điều đó, việc làm chủ các công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là bước đi tất yếu trong cuộc cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu. Hiểu rõ sở hữu trí tuệ là sức mạnh cạnh tranh, ông Nguyễn Cương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT bày tỏ: “Sở hữu trí tuệ tức là cùng một cái linh kiện, nhưng đội ngũ kỹ sư đã dồn trí tuệ để tạo ra một giá trị cạnh tranh tốt hơn của đối thủ. Sản phẩm của mình có công nghệ cao hơn, có khả năng bán được giá thành tốt hơn. Những cái công nghệ cốt lõi như thế được thể hiện bằng những công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để đối thủ không copy được, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm”.

Các kỹ sư của Viettel.

Họ đã làm như thế nào?

Làm thế nào để trong vòng 10 năm, VHT có được sáng chế trải đều ở cả ba lĩnh vực công nghệ quân sự; công nghệ viễn thông và thiết bị dân dụng, trong đó phần nhiều đi từ số 0? Lý giải về các yếu tố để nghiên cứu sản xuất thành công, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng – Nguyên quyền Chủ tịch Viettel nói: “Tôi cho rằng phải đảm bảo hội tụ được ít nhất bốn yếu tố. Thứ nhất là tiềm lực công nghệ, bao gồm cả tiềm lực con người làm công nghệ đó. Thứ hai, tài chính mạnh. Thứ ba là mối quan hệ sâu rộng với đối tác công nghệ tầm quốc tế. Thứ tư là thị trường”. Vừa hay, Viettel có đầy đủ cả bốn yếu tố này.

Để cả bốn yếu tố cần và đủ này phát huy được hiệu quả trên thực tế, còn cần cả những bổ sung khác. Thiếu tướng Hoàng Sơn – Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho rằng đó là việc vận dụng các chiến lược linh hoạt và sáng tạo tùy thuộc vào đặc thù/yêu cầu của sản phẩm nghiên cứu tại từng thời kỳ khác nhau. Viettel đã đồng hành với các nhà cung cấp và đồng thời phát triển cả Open-RAN – Hệ thống mạng truy cập vô tuyến mở, cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Cụ thể, với các hệ thống vừa và nhỏ, doanh nghiệp này tự nghiên cứu/thiết kế/chế tạo để nhanh chóng làm chủ và tùy biến nhanh sản phẩm. Với các hệ thống lớn, có tính phức tạp thì giai đoạn đầu họ chọn chuyển giao một phần, tự nghiên cứu một phần, sau đó tiến tới làm chủ phần chuyển giao (như thiết bị thu phát sóng 4G eNodeB); giai đoạn hai là nâng cao năng lực, tự nghiên cứu và làm chủ hoàn toàn (ví dụ như sản phẩm Radar).

Là doanh nghiệp vừa phát triển nghiên cứu vừa vận hành khai thác vừa kinh doanh, hơn ai hết Viettel hiểu việc phải nắm chắc lợi thế. Cùng với chiến lược, mục tiêu có sẵn, Viettel đầu tư hàng trăm tỷ cho hạ tầng nghiên cứu gồm phòng thí nghiệm, thiết bị, công cụ, phần mềm mô phỏng. Hiện nay, Viettel có hệ thống phòng lab hiện đại không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Các nhân sự giỏi cũng được chiêu mộ, riêng ở VHT thì 30% nhân sự nghiên cứu có bằng tiến sỹ, thạc sỹ.

Nhằm thúc đẩy cán bộ làm ra các tài sản trí tuệ, một kế hoạch thưởng cũng được ban hành. Năm 2020, lần đầu tiên Viettel có quy định chi tiết mức thưởng cho phát minh sáng chế, trong đó, tài sản trí tuệ được bảo hộ tại Mỹ luôn được ưu tiên khen thưởng ở mức cao nhất. Trong đó mức thưởng cao nhất lên tới 100 triệu đồng cho mỗi sáng chế được bảo hộ tại Mỹ.

Giải thích lý do lựa chọn thị trường Mỹ trước tiên, anh Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng Ban Nghiên cứu sản xuất của Tập đoàn cho biết: “Bằng sáng chế được cấp tại Mỹ thường được quan tâm hàng đầu vì thị trường Mỹ bao giờ cũng là đích ngắm của các công nghệ mới. Khẳng định được vị trí ở thị trường khó tính này thì việc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu là việc nằm trong tầm tay”. Bên cạnh đó, việc bảo hộ ở Mỹ cũng có tính cạnh tranh rất cao, và việc cập nhật các công nghệ mới được thực hiện nhanh chóng, thường xuyên. Nếu chinh phục được, Viettel sẽ chứng minh năng lực, sức cạnh tranh về công nghệ ở trình độ cao nhất. Nếu đã làm được ở đây thì các thị trường khác cũng trở nên đơn giản. Chiến lược của Viettel là sau này khi kinh doanh ở thị trường nào sẽ tiếp tục đăng ký bảo hộ ở đó.

Câu chuyện sản phẩm công nghệ cao phải đi kèm việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được Viettel xác định ngay từ thời điểm đầu tư vào R&D. Trong cuộc cạnh tranh về công nghệ với những hãng khác trên thị trường viễn thông quốc tế, nếu không nắm quyền bảo hộ trong tay thì rất có thể, sản phẩm mình lao tâm khổ tứ mới có được, sẽ bị tước vũ khí ngay khi gia nhập thị trường. Bởi thế, cùng với việc nghiên cứu, Viettel cũng đẩy mạnh hoạt động bảo hộ trong nước và thị trường nước ngoài. Với họ, sở hữu trí tuệ như tấm khiên và giấy thông hành cho các công nghệ “Make by Viettel” bước ra thế giới. Có thể ví bằng bảo hộ độc quyền sáng chế như những chiếc lò xo đẩy Viettel đi nhanh hơn trong hành trình vươn ra biển lớn. Theo anh Trần Văn Bình – Chuyên gia quản lý tri thức và công nghệ, phòng Chiến lược và Khoa học Công nghệ – VHT, sáng chế được Mỹ bảo hộ lợi thế cạnh tranh cho Viettel: “Giúp các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư và cổ đông có cơ sở đánh giá trình độ chuyên môn và năng lực công nghệ của Viettel. Điều này có thể hữu ích trong việc huy động nguồn đầu tư, tìm kiếm đối tác kinh doanh và tăng giá trị thị trường”.

Quan trọng hơn, từ sâu trong nội tại, Viettel thêm tự hào về những kết quả ban đầu “Viettel đã lấy được niềm tin từ Bộ Quốc phòng. Bằng chứng là Bộ Quốc phòng không chỉ không nhập khẩu những sản phẩm Viettel đã làm được mà còn đặt hàng Viettel làm thêm những sản phẩm mới. Vì vậy, chúng tôi có những sản phẩm rất hiện đại như máy thông tin thế hệ mới nhất (cognitive radio), ra đa thế hệ 3D – thế hệ thứ tư – hiện đại nhất bây giờ, các hệ thống chỉ huy điều khiển có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đấy. Chúng tôi hoàn toàn tự tin những sản phẩm ấy ở cấp thế giới và hoàn toàn có thể mang ra ngoài cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác” – anh Dương Anh Trà cho biết.

Viettel đã sản xuất được các thiết bị nhưng phải hướng tới việc đăng ký sáng chế, đóng góp vào xây dựng chuẩn ITU. Trên thế giới, các hãng lớn nhất như Ericssion, Huawei, Nokia là các đơn vị đóng góp tiêu chuẩn, xây dựng nên ITU. Hiện nay Viettel đăng ký rất nhiều bản quyền rồi nhưng bước tiếp theo phải là nằm trong nhóm các đơn vị đóng góp cho chuẩn thế giới. Tôi kỳ vọng đến năm 2023, trong công nghệ 6G trên thế giới bắt đầu có tiếng nói của Viettel và ITU khi giới thiệu có tên Viettel đã đóng góp bao nhiêu bằng sáng chế, bao nhiêu tiêu chuẩn trong ITU. Năm 2022, Viettel sẽ có chip riêng tự làm.

Ông Lê Đăng Dũng

Nguyên quyền Chủ tịch Viettel